Một gia đình người Australia bất ngờ tìm thấy thông điệp trong chai lâu đời nhất thế giới sau gần 132 năm kể từ khi được một thủy thủ người Đức ném xuống Ấn Độ Dương.
Theo Iflscience, chiếc chai được phát hiện khi nhà Illman đi dạo dọc bãi biển ở phía bắc đảo Wedge, Tây Australia hôm 21/1.
Ông Kym Illman kể rằng, vợ ông thấy nhiều rác nên muốn dọn dẹp và đã tìm thấy một cái chai. Bà nghĩ rằng có lẽ sẽ rất hợp để trang trí giá sách nên đã đưa cái chai cho bạn gái của con trai với suy nghĩ rằng bên trong là một điếu thuốc lá cuộn.
“Tonya cố lấy cái dây buộc quanh cuộn giấy ra nhưng sợ đứt. Vì thế chúng tôi mang nó về nhà, đặt trong lò nướng khoảng 5 phút để hong khô. Sau đó, chúng tôi mở cuộn giấy ra và nhìn thấy có chữ bên trên, đề nghị người tìm thấy cái chai liên lạc với lãnh sự quán Đức”, ông Kym nói.
Sau đó, họ đọc được dòng chữ viết tay mờ ghi ngày 12/6/1886 và tên con tàu Paula. Ban đầu, gia đình Illman cho rằng ngày tháng trên tờ giấy “quá xa”, có vẻ không thật, nhưng vẫn quyết định đưa nó tới cho các chuyên gia ở Bảo tàng Tây Australia.
Tiến sĩ Ross Anderson, trợ lý giám định hàng hải của bảo tàng, xác thực thông tin trong cái chai sau khi trao đổi với các đồng nghiệp Đức và Hà Lan.
“Thật không thể tin nổi. Họ đã tìm dữ liệu lưu trữ ở Đức về Paula trên Tạp chí khí tượng thủy văn và phát hiện thuyền trưởng ghi chép rằng đã ném đi một cái chai hôm 12/6/1886. Ngày và tọa độ tương ứng với thông điệp viết bên trong”, ông Anderson cho hay.
Chiếc chai bị vứt xuống vùng biển phía đông nam Ấn Độ Dương khi con tàu đi từ Cardiff ở Wales tới Indonesia và có lẽ đã trôi giạt tới bờ biển Australia trong vòng 12 tháng, và bị vùi dưới cát trong nhiều năm. Hàng nghìn cái chai đã được ném xuống biển trong suốt cuộc thử nghiệm các tuyến vận tải biển của Đài quan sát Hải quân Đức. Cái chai cuối cùng có thông điệp được tìm thấy ở Đan Mạch năm 1934.
Thông điệp lâu đời nhất trong chai mà tổ chức kỷ lục thế giới Guinness từng ghi nhận là 108 năm. Chiếc chai do một nhà sinh học biển thuộc Hiệp hội sinh học biển Plymouth, Anh quốc thả xuống biển năm 1906 và được một bưu tá đã nghỉ hưu – ông Marianne Winkler cùng vợ là bà Horst tìm thấy trong chuyến du lịch của họ tới đảo Amrum, Đức hồi năm 2016.
Hoài Anh