Đại Kỷ Nguyên

Tín ngưỡng cổ đại về hồn ma trong các nền văn hóa ở cả phương Đông lẫn phương Tây (Phần 1)

Trong nền văn hóa ở phương Đông lẫn phương Tây đều tồn tại những khái niệm khác nhau về hồn ma. (Ảnh: Shutterstock)

Sự tồn tại của hồn ma hay linh hồn của một người đã khuất và liên lạc với người sống – đã trở thành một phần trong hệ thống niềm tin của nhân loại ngay từ thời kỳ đầu. Những ghi chép từ thời cổ đại có kể về các hồn ma từ các thành viên đã mất trong gia đình, cho đến những người báo hiệu các điềm gở và cả những hồn ma hắc ám chuyên ám ảnh hoặc sát hại người sống.

Được biết đến với nhiều cái tên như: u hồn, vong hồn, linh hồn và bóng ma… quan niệm về hồn ma bắt nguồn từ niềm tin vào thuyết duy linh (rằng vạn vật đều có linh hồn, hay linh tính). Quan niệm này cho rằng linh hồn bất diệt cùng với đó là phong tục thờ cúng người đã khuất – đã trở thành một bộ phận quan trọng trong các nền văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây. Tại sao một linh hồn hay xác chết lại lang thang trên dương thế, điều này phụ thuộc vào các ‘quy luật’ của cái chết và sự sống dưới âm gian được mỗi nền văn hóa thiết lập.

Hồn ma sương mù. (Ảnh: Glass_House)

Đau đầu? Mờ mắt? Quẫn trí? Bạn đã đụng phải một con ma Lưỡng Hà

Trong các tín ngưỡng cổ đại ở Sumer, Babylon và Assyria, hồn ma của người chết được gọi là “gidim” hoặc “etemmu”. Sau khi chết, các linh hồn sẽ lưu giữ trọn vẹn tính cách và ký ức về cuộc sống trước đây, rồi du hành đến âm phủ – lãnh địa quản hạt của nữ hoàng bóng tối Ereshkigal. Tại đây các vị Thần Lưỡng Hà, Thần Anunnaki, sẽ định đoạt số phận của nhưng người này.

Người sống nào chẳng may nhìn hay nghe thấy hồn ma sẽ đổ bệnh nặng. Theo đó các hồn ma là nguyên nhân đằng sau các chứng đau đầu, mờ mắt, ù tai, chóng mặt, và quẫn trí ở người sống. Có rất nhiều phương cách để giải thoát khỏi những thứ này như: trừ tà, tổ chức các nghi thức mai táng, đeo bùa hộ mạng hoặc bùa ngải, thuốc mỡ, dung dịch thuốc, và ngay cả thuốc đạn.

Tuy nhiên các con ma ám người sống khi chưa được cho phép sẽ bị trừng phạt bởi thần Mặt Trời Shamash.

Tấm bảng Shamash ở Babylon cổ đại; có niên đại từ thế kỷ 9 TCN, cho thấy thần Mặt Trời Shamash trên ngai vàng, đằng trước vua Babylon Nabu-apla-iddina (888-855 TCN). (Ảnh: Wikimedia)

Vào thời Ai Cập cổ đại, sở hữu một trái tim ‘nặng’ là kết cục còn tệ hại hơn cả cái chết

Người Ai Cập cổ đại tin rằng, linh hồn mỗi người sẽ được thẩm phán bởi thần Osiris tại Đại sảnh Sự thật (Hall of Truth) – bằng cách đo lường trái tim của một linh hồn với trọng lượng của một chiếc lông. Nếu trái tim nhẹ hơn, linh hồn sẽ tiếp tục cuộc hành trình. Nếu trái tim nặng hơn, linh hồn sẽ bị một con quỷ ăn tươi nuốt sống nên không còn tồn tại nữa – trạng thái vô tồn này được coi là một kết cục còn tệ hại hơn cái chết.

Theo đó, các linh hồn với trái tim ‘nhẹ’ sẽ thụ hưởng một cuộc sống tương tự như khi chưa chết, với một căn nhà, gia đình và bạn bè. Chính vì quan niệm này nên người Ai Cập vào thời đó sẽ chuẩn bị rất nhiều hành trang để người chết có thể sống một cuộc sống vui vẻ ở bên kia.

Thần Osiris đang cân trái tim và chiếc lông trong Đại sảnh Sự thật. (Ảnh: Internet)

Vào ngày nay, khi khai quật các lăng mộ hoàng tộc, người ta đã tìm thấy di thể các nô lệ bị hiến tế hoặc giết chết khi Pharaoh băng hà để trở thành tùy tùng, phục dịch cho họ trong thế giới bên kia. Thực phẩm và của cải được tích trữ trong lăng mộ để hỗ trợ các linh hồn. Những điều này đã được ghi nhận trên các bức họa lăng mộ, các cuộn giấy cói, và trong cuốn Tử Thư Ai Cập (Egyptian Book of the Dead) – một tuyển tập các niềm tin từ các thời kỳ khác nhau trong lịch sử Ai Cập.

Khái niệm ‘ba’ của Ai Cập, hay phần nhân cách của linh hồn, trong dạng thức một sinh vật đầu người mình chim, đang lơ lủng bên trên cơ thể. Sự hợp nhất giữa ba và cơ thể là điều cần thiết cho sự sinh tồn của linh hồn sau khi chết. (Ảnh: Wikimedia)

Theo đó, miễn là thi thể được chuẩn bị đúng cách, chôn cất với các nghi lễ phù hợp và đưọc tưởng nhớ thường xuyên, linh hồn sẽ đến nơi yên nghỉ tốt đẹp. Nếu bất kỳ điều kiện nào trong số này không được đáp ứng đầy đủ, hồn ma sẽ lảng vảng trên Trái Đất và reo rắc tai họa bằng cách tạo nên những cơn ác mộng, cảm giác tội lỗi, hoặc bệnh tật. Chỉ trong những niên đại tương đối gần đây mới xuất hiện quan điểm cho rằng, khi xâm phạm các ngôi mộ Ai Cập, các xác ướp sẽ trở nên giận dữ và giáng họa xuống những người làm phiền đến giấc ngủ của họ.

Người La Mã cổ đại triệu hồi các con ma để ám hại quân địch

Các tư liệu cổ đại như Odyssey và Illiad của Homer đã cho thấy niềm tin của con người thời đó về sự tồn tại của các hồn ma. Các hồn ma này được miêu tả như các thực thể vô hình, tỏa khói, được triệu hồi để xin lời khuyên hoặc truyền đạt lời tiên tri. Tuy nhiên chúng không phải là các sinh vật đáng sợ, dù thỉnh thoảng chúng sẽ xuất hiện trước mắt người sống theo những cách thức đáng kinh hãi và đôi khi phơi lộ những vết thương chúng từng phải chịu đựng khi còn sống…

Nét mặt kinh hãi ám ảnh thị trấn La Mã Herculaneum, bị tàn phá trong đợt phun trào núi lửa Vesuvius vào năm 79 TCN. (Ảnh: Monika)

Vào thế kỷ 5 TCN, các hồn ma đã đổi sang một diện mạo đáng sợ hơn, và có thể là tốt hoặc xấu. Theo đó, chúng sẽ trực tiếp ám ảnh khu vực xung quanh nơi chôn cất xác chết của mình, chính vì vậy, nghĩa địa đã trở thành nơi mà người sống không hề muốn nán lại. Điều may mắn là, các hồn ma sẽ chỉ hiện hình trong một căn phòng được thắp sáng bởi một ngọn đuốc, vì cần một loại ánh sáng nào đó để có thể trông thấy chúng.

Nếu các hồn ma ghé thăm người sống trong mơ, họ sẽ chỉ ghé thăm thân nhân của mình và chuyến viếng thăm này là khác biệt so với của những hồn ma bị chết yểu hoặc chết oan.

Để ngăn chặn tình trạng ma ám, người chết sẽ được thờ cúng công khai theo một nghi thức nhất định bên cạnh các buổi tiệc thường niên nhằm tưởng nhớ các vong hồn. Sau nghi thức cúng bái công khai và rưới rượu công phu, các hồn ma sẽ được chỉ định “rời đi cho đến đúng thời điểm này năm sau”.

Cũng theo các ghi chép vào thời đó, bằng cách gạch một lời nguyền vào một miếng chì hay gốm sau đó đặt nó trong một ngôi mộ, những người La Mã cổ đại cho rằng họ sẽ có thể triệu tập và ra lệnh cho các hồn ma giáng đòn trừng phạt xuống quân địch.

Các tác giả vào thời cổ đại đã ghi chép lại các câu chuyện ma xảy ra vào thời của mình, điển hình trong số đó phải kể đến Plutarch vào thế kỷ 1 TCN. Ông đã ghi chép lại câu chuyện về một nhà tắm công cộng bị ma ám, bên trong vang vọng những tiếng kêu la thảm thiết của một người đàn ông bị sát hại. Các âm thanh trở nên quá kinh hãi đến nỗi những người dân thị trấn đã phải bịt kín các cánh cửa của tòa nhà này. Năm 50 TCN, nhà sử học Pliny trẻ đã ghi chép lại câu chuyện về một hồn ma bị xiềng xích và sẽ chỉ yên nghỉ khi bộ xương của người này được đào lên và mai táng lại đúng cách.

Cuộc sống thảm thương chốn luyện ngục

Vào thời Trung Cổ bên Châu Âu, các hồn ma được xem là đối tượng cần phải trừ khử của nhà thờ bởi họ cho rằng, các linh hồn xuất hiện nơi dương thế với một mục đích duy nhất là làm kinh sợ hay cám dỗ người trần. Để nhận rõ chính tà, người sống có thể yêu cầu được biết mục đích xuất hiện của hồn ma bằng cách tuyên bố: “Nhân danh Chúa Giê-su…”, theo đó, nếu là một linh hồn ma quỷ, nó sẽ bị trục xuất khi nghe thấy danh xưng của thánh thần.

Một hồn ma kỵ sĩ trên lưng ngựa. (Ảnh: Hartwig HKD)

Những hồn ma này có thể hiện diện bằng nhiều cách, từ các đám mây vô hình có thể đi xuyên qua tường cho đến những cơ thể vật lý hoàn thiện một người có thể trực tiếp chạm tay vào – tuy rằng các hồn ma này hầu như luôn luôn là nam giới trong các vụ chứng kiến. Những hồn ma này mặc quần áo cũ rách và trông xanh xao, phiền muộn hơn lúc còn sống. Điều này không có gì là lạ, vì hầu hết các hồn ma đã bị đày vào chốn luyện ngục, một không gian thanh lọc tạm thời không phải thiên đàng hay địa ngục. Các linh hồn sẽ ở đó cho đến khi hoàn trả sạch tội lỗi của mình khi còn sống.

Đôi khi các hồn ma mang hình dạng một kỵ sĩ mặc áo giáp và toàn bộ binh đoàn ma quỷ sẽ tham gia các trận đánh lịch sử trong đêm…

Được biết, có một cách để trục xuất các linh hồn ma quỷ là nhờ các giáo sĩ tụng kinh Thánh hoặc tiến hành nghi thức trừ tà. Những hồn ma tốt sẽ trở về âm gian sau khi mục đích được hoàn thành.

Celtic và những xác sống từ thời cổ đại ở Châu Âu

Có thể có nhiều người đã từng nghe kể về sinh vật Banshee trong truyền thuyết Celtic – một phụ nữ chết yểu với tiếng khóc than báo hiệu cho cái chết, và có vô số những hồn ma khác vượt qua giới hạn giữa âm gian và thế giới của các thiên thần.

Hồn ma chắc chắn sẽ mang bệnh dịch đến người chết trong văn hóa Celtic cổ đại, nhưng bản chất tuần hoàn trong tín ngưỡng của họ cho thấy có một số thời điểm nhất định trong năm một người sẽ dễ bị ghé thăm hơn. Theo đó, người chết sẽ rời âm gian và đi lại tự do trong Samhain, hay “thời điểm kết thúc của mùa hè” (cuối tháng 10, đầu tháng 11).

Người sống sẽ chuẩn bị yến tiệc cho các hồn ma của gia đình và bạn bè, gia súc sẽ bị giết thịt cho mùa đông sắp tới và xương được chất đống, thiêu rụi trong một đống lửa khổng lồ. Để tránh né các hồn ma hắc ám hay không yên nghỉ, người sống sẽ đeo mặt nạ để không bị thế lực siêu nhiên nhận ra. Và đây chính là khởi nguồn của phong tục hóa trang trong lễ hội Halloween.

Theo truyền thống Bắc Âu, người ta sẽ tổ chức rất nhiều nghi lễ, nghi thức cụ thể để đảm bảo người sống không bị ám bởi linh hồn của các chiến binh đã ngã xuống hay người thân.

Xác sống draugr trong văn hóa Bắc Âu. (Ảnh: Deviant art)

Thần thoại Bắc Âu kể về draugr, một xác sống. Khác với zombie trong nền văn hóa hiện đại, theo đó, draugr là một xác chết đang phân hủy đi tìm kiếm và tấn công những ai từng làm điều sai trái trong đời.

Bình thường, một cây kéo bằng sắt sẽ được đặt lên ngực các thi thể mới chết, và các cành cây con được cài vào trang phục của họ. Kinh hãi hơn, các cây kim sẽ được đâm vào lòng bàn chân để xác chết không thể đi lại, và hai ngón chân cái sẽ được cột lại với nhau.

Tuy nhiên, ‘Cánh cửa xác chết’ được xem là cách thức phòng chống hiệu quả nhất. Theo đó, đây là một cánh cửa đặc biệt và thi thể sẽ được đưa xuyên qua. Mọi người sẽ tụ tập xung quanh thi thể trong quá trình này để làm lẫn lộn, mất định hướng hồn ma người quá cố, tiếp đến cánh cửa sẽ được niêm phong để ngăn hồn ma trở lại…

(Đón xem phần 2)

Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm:

Bằng chứng về trận Đại hồng thủy: Sự thật hay chỉ là truyền thuyết? (Phần 1)

Điểm qua các lâu đài bị ma ám nổi tiếng ở Romania

Phi hành gia Apollo 10 xác nhận nghe thấy ‘khúc nhạc lạ’ tại nửa tối của Mặt Trăng

Exit mobile version