Đại Kỷ Nguyên

Tín ngưỡng cổ đại về hồn ma trong các nền văn hóa (Phần 2)

ma

Featured image: The print depicts a samurai fighting snakes, which are conjured by a ghost as the ghosts of Heian court ladies watch. Japan, 1850. (Public Domain) Cảnh tượng miêu tả một samurai giao chiến với bầy rắn được một hồn ma biến hóa ra, trước sự chứng kiến của hồn ma các cung nữ thời kỳ Heian ở Nhật Bản (Tranh vẽ năm 1859). (Ảnh: Wikimedia)

Rất nhiều nền văn minh cổ đại đều tin vào sự tồn tại của hiện tượng ma ám, nên họ đã sử dụng các nghi thức và nghi lễ trừ tà để đối phó với các hiện tượng siêu linh.

Châu Phi có một kho tàng truyền thuyết và chuyện dân gian phong phú về các hiện tượng siêu thường. Do sự pha trộn của nhiều tín ngưỡng khác nhau, nên có sự khác biệt trong các niềm tin thời cổ đại, nhưng các hiện tượng siêu linh và hồn ma luôn xuất hiện trong các câu chuyện với năng lực có thể khống chế con người. Các câu chuyện không chỉ đề cập đến linh hồn của tổ tiên, mà còn của các vị vua hoặc anh hùng đã khuất.

Trong các tín ngưỡng ở Châu Phi, các vấn đề về luật nhân quả, “thiện hữu thiện báo ác hữu ác báo” là dành cho kiếp này, thay vì kiếp sau. Ngoài ra, miễn là các nghi thức mai táng được tiến hành đúng cách, linh hồn sẽ tự động chuyển tiếp sang thế giới bên kia. Tuy nhiên, nếu một người là phù thủy, kẻ trộm hay kẻ sát nhân, đã từng phạm phải các nguyên tắc xã hội hay điều cấm kỵ, hoặc chết bất đắc kỳ tử, thì kết cục sẽ trở thành hồn ma lang thang không chốn dung thân. Điều bất ngờ là các hệ thống niềm tin này có từ thời xa xưa, trước cả khi Phật giáo ra đời.

Đám cưới ma và vị Thần trấn tà của Trung Quốc cổ đại

Phong tục thờ cúng tổ tiên đã đóng một vai trò quan trọng trong niềm tin về ma quỷ của người Trung Quốc cổ đại. Linh hồn tổ tiên có thể báo mộng để truyền tin hoặc cảnh tỉnh, và đây không phải để ám ảnh, mà để trợ giúp người sống. Tuy vậy, hồn ma thường được xem là xấu xa, và có khuynh hướng gây hại, với hình tượng phổ biến là một cô gái trẻ, đẹp với mái tóc đen, dài nhưng sẽ bất thình lình biến thành một sinh vật gớm ghiếc. Một người càng bị ngược đãi bao nhiêu trong đời, thì sau khi chết sức mạnh (và ý muốn trả thù) của họ sẽ càng lớn bấy nhiêu.

Các câu chuyện và tín ngưỡng từ các nền văn hóa lân cận như Nhật Bản và Đông Nam Á đã hòa trộn với thần thoại Trung Hoa để hình thành nên một cơ sở kho tàng truyện dân gian ngày nay.

U hồn Nhật Bản. Tranh vào khoảng 1737. (Ảnh: Wikimedia)

Giống người La Mã, người Trung Quốc tin rằng chỉ có thể nhìn thấy hồn ma vào ban đêm nhờ ánh sáng ngọn đuốc. Thông thường, hồn ma là linh hồn của những người chết thảm hay những người chưa được chôn cất đúng cách. Họ sở hữu các năng lực siêu thường. Triết gia nổi tiếng Khổng Tử từng nói rằng, “Tôn trọng hồn ma và các vị Thần, nhưng hãy tránh xa họ”.

Vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, người dân tổ chức lễ cúng cô hồn. Đây là lúc sự phân cách giữa âm gian và dương thế là mỏng nhất, khá giống với lễ Samhain của người Celt và lễ hội người chết ở Mexico. Trong lễ cúng cô hồn, người ta cúng các món ăn đặc biệt và đốt vàng mã. Ngày lễ này nhằm tưởng nhớ và xoa dịu những cô hồn [chưa siêu thoát] bằng đồ ăn và lễ vật để mang may mắn [đến cho gia chủ] và đảm bảo tổ tiên sống hạnh phúc dưới âm gian. Người ta thả thuyền giấy nhỏ và đèn lồng xuống nước, tượng trưng cho hành động an ủi và dẫn đường các cô hồn, vong linh đến điểm đích cuối cùng.

Vật phẩm cúng cô hồn vào rằm tháng 7 âm lịch tại Singapore. (Ảnh: Wikimedia)

Diêm Vương là vị Thần cai quản âm gian trong văn hóa Á Đông, là người định đoạt số mệnh các linh hồn. Phật giáo đưa ra khái niệm nghiệp lực trong mối quan hệ giữa sự sống và cái chết

Trang ChinaCulture.org có ghi, “Phật giáo nghiêm cấm sát sinh; trong dân gian, người ta tin rằng những người đồ tể sẽ biến thành loài động vật họ từng giết trong kiếp sống tới. Ai đối xử tệ với người khác hoặc làm điều xấu sẽ trở thành các sinh mệnh thảm hại, khi phải chịu đựng thống khổ trong kiếp sau”.

Chung Quỳ, vị Thần giáng yêu trừ ma, sẽ xua đuổi các tà ma với khuôn mặt dữ tợn và thanh kiếm ma thuật của ông.

Vị Thần giáng yêu trừ ma, Chung Quỳ. (Ảnh: Wikimedia)

Chỉ vì một người đã chết không có nghĩa là họ không còn có thể hoàn thành trách nhiệm của mình đối với người thân. Đám cưới ma là một phong tục (hủ tục?) được tiếp nối cho đến tận ngày nay. Theo truyền thống đã có từ 221 TCN – 206 TCN, việc kết duyên cho một người độc thân và một người chết cũng độc thân là để đảm bảo vong hồn người chết đi sang thế giới bên kia với một người phối ngẫu hợp lệ (và cho người phụ nữ độc thân đang sống một tấm chồng, một tục lệ xã hội truyền thống quan trọng). Tập tục này nhằm đảm bảo các cô hồn không trở lại để ám người sống, dẫn tới hậu quả tán gia bại sản hoặc làm mất danh tiếng dòng họ.

Cần phải tiến hành các nghi lễ phù hợp để đảm bảo người chết không quay trở lại, và theo truyền thống các thầy Phong Thủy là người phụ trách tính toán thời gian và địa điểm mai táng thuận lợi. Các thầy đồng cốt có nhiệm vụ liên lạc với người chết để xem nếu họ cần sự giúp đỡ hay không, đổi lại họ thu được lời khuyên trong cuộc sống.

Pháp sư trục xuất các linh hồn lang thang tại Trung Bộ châu Mỹ

Hồn ma xuất hiện khá nhiều trong các tín ngưỡng ở Trung Bộ châu Mỹ thời cổ đại. Thế giới bên kia là một nơi tối tăm, đáng sợ, với nhiều thần chết chuyên ngăn cản và đánh lừa các linh hồn trong hành trình kế tiếp. Việc các linh hồn bị thất lạc và trở về dương thế là điều bất bình thường, một dấu hiệu của sự diệt vong cận kề, nên cần đến các pháp sư (shaman) trang bị bùa hộ mạng và bùa phép để xua đuổi chúng.

Người Maya tin rằng những hồn ma không yên nghỉ sẽ quay trở về trong hình dạng các cây thực vật sum suê, tốt tươi với một mùi hương thơm ngát, dễ chịu hoặc các cây tiềm ẩn nguy hiểm, có thể mang độc tính như cây xương rồng – điều này phụ thuộc vào dạng thức sống của chúng trước khi chết.

Những phụ nữ bị mất lúc sinh con sẽ trở thành các Cihuateteo. Hồn ma đáng sợ này sẽ chờ đợi ở các giao lộ, không phải để cám dỗ đàn ông, mà để tấn công phụ nữ có con nhỏ hòng trộm lấy đứa bé về nuôi. Cihuateteo cũng sẽ lấy trộm những đứa trẻ tại nhà của chúng vào ban  đêm.

A terracotta statue of Cihuateotl, the Aztec goddess of women who died during childbirth. (Public Domain)

Một nghi lễ mai táng đúng cách là cách thức để phòng ngừa sự ám ảnh. Nếu không thể tìm thấy thi thể của một hồn ma thì có nghĩa là nó đã bị một hồn ma của chó tìm thấy và mang hồn ma đó sang thế giới bên kia.

Tổ tiên đã khuất sẽ được tôn vinh thay vì than khóc, và truyền thống này vẫn được tiếp nối đến ngày nay trong Ngày lễ Người chết nổi tiếng (Day of the Dead – El Dia de los Muertos), khi người thân quây quần để tưởng nhớ những người đã khuất, cúng bái những món ăn đặc biệt và dựng lên một khung cảnh giống chốn âm gian.

Khung cảnh ngày lễ của người chết ở Mexico City trong bộ phim ĐIỆP VIÊN 007: BÓNG MA SPECTRE. (Ảnh: Wikimedia)

Khái niệm ma quỷ không tồn tại trong đạo Hồi

Không tồn tại khái niệm ma quỷ trong tín ngưỡng Đạo Hồi, và sự xuất hiện của các sinh vật siêu nhiên đều được quy cho Jinn (djinn hay genie), một loài sinh vật quyền năng từ vũ trụ khác. Kinh Koran (Qur’an) miêu tả chúng là các linh thể xuất sinh từ một ngọn lửa rực cháy. Là các sinh vật có tự do ý chí giống con người, chúng có thể là tốt, xấu, hoặc trung lập trong cách hành xử.

Vua Djinn đen, Al-Malik al-Aswad, trong cuốn sách Book of Wonders. (Ảnh: Wikimedia)

Tránh xa thứ sữa bị ma ám ở Ấn Độ cổ đại

Ở Ấn Độ cổ đại, các hồn ma, hay Bhoot, là những linh hồn không yên nghỉ trong trang phục màu trắng đi lại xung quanh với đôi bàn chân lộn ngược, một biểu tượng của nhân loại trong trạng thái phi tự nhiên. Các hồn ma trở về từ cõi chết khi chưa hết thọ mệnh, và chúng sẽ ám người sống để tìm kiếm một vật chủ (còn sống hoặc đã chết), rồi nhập vào đó để tiếp tục cuộc sống [còn lại] của mình. Bhoot có thể biến thành nhiều hình tượng, nhưng kiêng không chạm xuống mặt đất (vì đất có linh tính), nên rất dễ nhận ra trạng thái lơ lửng giữa lưng chừng của chúng. Chúng không đổ bóng, và thậm chí giao tiếp bằng một giọng mũi đặc thù. Chúng rất thích sữa, và sẽ ngâm mình trong đó. Người nào chẳng may uống phải thứ sữa bị bhoot ám sẽ trở thành vật chủ mới của nó.

Ma ám là hiện tượng rất đáng lo ngại, nên các nhà nghiên cứu cho đây là nguyên nhân của tập tục hỏa táng. Hỏa táng thi thể, kèm theo bột nghệ, cùng bùa hộ mạng và nghi lễ trừ tà hay cầu nguyện, đều có tác dụng xua đuổi các hồn ma lang thang tìm kiếm vật chủ. Một cách xua đuổi hồn ma khác là rắc đất (vì đất có linh tính) lên người.

Churail là tên gọi hồn ma phụ nữ bị chết lúc sinh con, với đôi chân, hoặc các bộ phận cơ thể lộn ngược. Giống với các hồn ma nữ trong nhiều nền văn hóa, chúng sẽ dụ dỗ và đặt bẫy các thanh niên trẻ tại các chỗ giao lộ để sát hại hoặc cưới họ.

Baba Balnath là một người sùng đạo đã ám làng Bhangarh sau khi các tòa nhà ở đây đổ bóng xuống nhà ông. “Ngôi nhà của các hồn ma”, pháo đài Bhangarh, Ấn Độ. (Ảnh: Internet)

Các thợ săn ma hiện đang viện đến các dụng cụ khoa học tinh vi để chứng tỏ các hồn ma đang ghé thăm chúng ta từ bên ngoài phạm vi ngôi mộ, nhưng quan điểm về sự tồn tại của chúng vẫn bị chia rẽ. Tuy nhiên, những câu chuyện cổ đại về hồn ma hoặc xác sống phổ biến nhất chắc chắn vẫn đang ám ảnh chúng ta ngày nay thông qua các câu truyện dân gian và truyền thuyết.

Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Exit mobile version