Đại Kỷ Nguyên

Trăng xanh không phải là hiện tượng thiên văn

(Ảnh: Internet)

Mặt Trăng xanh (Blue Moon) là gì? Đó là câu hỏi mà tôi nhận được nhiều vào những ngày tháng 7 năm 2015, cùng với nhiều câu hỏi liên quan tới khái niệm đó nữa, bởi vì tháng này theo như nhiều báo chí vẫn gọi thì có một lần Trăng tròn vào ngày 31/7 mà người ta gọi là “Trăng xanh”. Thuật ngữ này được sử dụng thiếu những dẫn giải cụ thể gây ra nhiều hiểu nhầm và những trào lưu không tích cực. Do vậy xin nêu ra một số điểm để làm rõ cùng độc giả.

Trăng xanh là gì?

Đây là một vấn đề thuần túy mang tính văn hóa của nhiều quốc gia phương Tây trước kia. Vốn dĩ nó đã không được nhắc tới rất lâu cho tới một số năm gần đây khi một số báo chí nhắc tới và với một chút thiếu diễn giải của người viết cũng như thiếu kiến thức cơ bản của chính những người đọc thì nó dẫn đến những ngộ nhận.

Trăng xanh của mùa

Đây là cách hiểu khởi điểm của thuật ngữ “Blue Moon” này. Chúng ta biết rằng mỗi năm có 12 tháng, mỗi tháng có 30 hoặc 31 ngày (trừ tháng 2 chỉ có 28 hoặc 29 ngày). Trong âm lịch mà Việt Nam ta cùng nhiều nước phương Đông sử dụng thì tính theo chu kì Trăng, mỗi năm có 12 tuần Trăng. Tuy nhiên độ dài của tuần Trăng chỉ có 29,53 ngày nên tháng âm lịch chỉ dài 29 hoặc 30 ngày. Như vậy 12 tuần Trăng thực ra chưa đủ 12 tháng dương lịch.

Trong dương lịch, chúng ta biết rằng 4 mùa được chia tương đối đều, mỗi mùa có độ dài 3 tháng và được định mốc bởi hai lần phân hoặc chí (chẳng hạn từ xuân phân đến hạ chí, từ hạ chí đến thu phân …). Vì 3 tháng này dài hơn 3 tuần Trăng nên nếu một lần Trăng tròn(*) rơi vào một trong vài ngày đầu tiên của một mùa thì một trong số vài ngày cuối cùng của mùa đó có thể là lần Trăng tròn thứ tư (trong khi lẽ ra một mùa chỉ có thể có 3 lần Trăng tròn). Trong trường hợp đó, lần Trăng tròn thứ ba trong số bốn lần Trăng tròn của một mùa được gọi là Trăng xanh (Blue Moon)

Theo cách tính này, cứ khoảng 3 năm thì có một lần Trăng xanh của mùa. Lần gần đây nhất của nó là vào 20 tháng 8 năm 2013 và lần tiếp theo là 21 tháng 5 năm 2016.

Trăng xanh của tháng

Cách hiểu này chỉ mới xuất hiện vào giữa thế kỉ 20, và khiến cho việc một lần Trăng tròn nào đó được gọi là Trăng xanh trở nên phổ biến hơn. Theo cách này thì Trăng xanh còn để chỉ lần Trăng tròn thứ hai trong tháng dương lịch.

Như trên đã nói, chu kì tuần Trăng là 29,53 ngày, trong khi mỗi tháng có 30 hoặc 31 ngày. Vậy nên nếu thời điểm Trăng tròn rơi vào ngày mùng 1 của một tháng thì ngày 30 hoặc 31 của tháng đó cũng sẽ lặp lại pha này của Mặt Trăng. Lần Trăng tròn thứ hai của một tháng này được gọi là Trăng xanh.

Trăng xanh của tháng như vậy dễ xảy ra hơn, khoảng 2 năm đến dưới 3 năm một lần.

(Ảnh: Shutterstock)

Trăng xanh có hiếm không?

Kết hợp cả hai cách định nghĩa trên thì cứ hơn 1 năm là có một lần Trăng tròn được tính là Trăng xanh, nên nó không hề hiếm. Có chăng hiếm là trường hợp một năm có hai lần như vậy. Lần gần đây nhất là vào tháng 1 và tháng 3 năm 1999, lần tiếp theo là tháng 1 và tháng 3 năm 2018 và tiếp theo nữa là tháng 1 và tháng 3 năm 2037 (Chỉ có thể rơi vào tháng 1 và 3 vì tháng 2 chỉ có 28 ngày sẽ không có lần Trăng tròn nào để hai tháng 1 và 3 mỗi tháng đều có 2 lần). Còn việc một năm có cả Trăng xanh mùa và Trăng xanh tháng là vô cùng hãn hữu.

Trăng xanh không phải là “hiện tượng thiên văn”

Chúng ta đã thấy có hai cách định nghĩa và vẫn được song song sử dụng ngày nay. Tuy nhiên theo cả hai cách thì về bản chất Mặt Trăng vẫn chỉ tròn như bao lần nó đi tới điểm đối xứng với Mặt Trời, như tất cả những đêm 15, 16 âm lịch mà chúng ta có thể quan sát. Đôi khi và tại một số khu vực không khí ô nhiễm do khí thải hay các vụ phun trào núi lửa, Mặt Trăng (dù không phải pha tròn) cũng có thể có ánh xanh, nhưng đó chỉ là do khúc xạ ánh sáng trong khí quyển.

Mặt Trăng không hề chuyển thành màu xanh, cũng không gây ra bất cứ hiện tượng vật lý nào, càng không phải bất cứ điềm báo nào cả.

Nó được gọi là Trăng xanh, hay bạn có thể tha hồ đặt thêm tên cho nó, hay thậm chí lập ra qui ước tính mới nếu muốn, tất cả đều chỉ mang yếu tố văn hóa, và phụ thuộc vào chính cách đặt tên của con người. Cứ quan sát nếu bạn yêu thích vẻ đẹp của Mặt Trăng, nhưng xin lưu ý là bạn quan sát “hiện tượng Trăng tròn” chứ không phải là quan sát một hiện tượng độc đáo hay kì diệu nào cả. Tôi đã trải qua gần 400 lần Trăng tròn cho tới lúc này nên không nghĩ một thứ thường xuyên như thế là độc đáo và đáng chú ý.

Tác giả: Đặng Vũ Tuấn Sơn, thienvanvietnam.org

(*) Trăng tròn ở đây chỉ một thời điểm cụ thể khi Mặt Trăng đi qua điểm mà phần được chiếu sáng của nó hướng về Trái Đất nhiều nhất. Điểm đó không nhất thiết nằm ở ngày 15 âm lịch.

Xem thêm: 

Exit mobile version