Một số nhà khoa học đã đề xuất lập nên một phân ngành mới chuyên nghiên cứu bí ẩn của các hiện tượng “trùng hợp ngẫu nhiên” và ảnh hưởng to lớn của chúng đối với sự nghiệp của rất nhiều người.
Tôi không tin vào sự trùng hợp, mà tôi tin vào định mệnh.
— Nữ hoàng truyền hình Oprah Winfrey
Đối với một số người, sự trùng hợp chỉ “đơn thuần là sự trùng hợp”. Có những lúc họ trải nghiệm một giây phút lạ lùng, nhưng sau đó dần thờ ơ rồi lãng quên các sự kiện ấy.
Đối với những người khác, không có gì là “trùng hợp đơn thuần”; mọi thứ đã được sắp xếp và an bài. Một người thậm chí có để đưa ra một quyết định quan trọng trong cuộc đời dựa trên một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi coi nó như một “dấu hiệu”.
Bản chất của các hiện tượng trùng hợp không còn chỉ thuộc phạm trù triết học như trước kia. Nó đã trở thành tâm điểm của một ngành khoa học đa lĩnh vực đang nổi lên.
Bộ môn thống kê cung cấp cho chúng ta một câu trả lời không thiên kiến cho câu hỏi “Xác suất xảy ra là bao nhiêu?!” Ngành tâm lý học giúp chúng ta hiểu được các ý nghĩa chúng ta có thể gán cho chúng. Và nhiều ngành nghiên cứu khác nhau khám phá các ảnh hưởng [tiềm năng] của chúng.
Lấy ví dụ, GS Jim E.H. Bright từ trường Đại học New South Wales (Úc) đã phát hiện ra rằng 74% các thành viên tham gia nghiên cứu của ông đã hưởng lợi từ các sự kiện ngẫu nhiên trong sự nghiệp.
‘Nữ hoàng truyền thông Mỹ’ Oprah Winfrey là một ví dụ nổi tiếng chứng minh điều này.
Vào những năm đầu thập niên 80, lúc đó Oprah đang dẫn một chương trình truyền hình địa phương vào buổi sáng ở Chicago. Tại thời điểm đó, cô đang say mê đọc cuốn sách “The Color Purple (tạm dịch: Màu Tím)” . Cô đặc biệt hứng thú với nhân vật Sophia và đã từng cầu nguyện được thủ vai Sophia trong bộ phim chuyển thể cùng tên của nhà sản xuất Quincy Jones và đạo diễn Steven Spielberg.
Ông Jones đã đến Chicago trong một chuyến công tác và nhìn thấy Oprah trên TV trong căn phòng khách sạn của mình. Khi nhìn thấy điều đó, ông đã quyết định chọn cô làm người thủ vai Sophia, dù không hề biết cô có mong muốn này.
Jones và Oprah đã liên lạc, và cô nhận được vai diễn, và điều này đã nhanh chóng thúc đẩy tiếng tăm của cô.
Tôi không tin vào sự trùng hợp, mà tôi tin vào định mệnh.
— Oprah
“Tôi không tin vào sự trùng hợp, mà tôi tin vào định mệnh”, Tiến sỹ Gary Schwartz từ Đại học Arizona trích dẫn một câu nói của Oprah trong cuốn sách có tựa đề “Synchronicity and the One Mind (Đồng phương tương tính và Một tâm trí)” của ông.
Đại Kỷ Nguyên đã được cho phép xem qua cuốn sách này, tuy rằng nó chưa được xuất bản. Cuốn sách này là một phần trong một nguồn tư liệu không ngừng gia tăng về các hiện tượng trùng hợp.
Bác sĩ, TS Bernard Beitman đã cho xuất bản cuốn sách “Connecting With Coincidence (Kết nối với sự trùng hợp)” của ông vào đầu năm nay. TS Beitman, một bác sĩ chuyên khoa thần kinh từng tu nghiệp tại ĐH Yale và ĐH Stanford, đã mở lớp giảng dạy khóa Coincidence Studies (Các nghiên cứu về Hiện tượng trùng hợp) đầu tiên trong lịch sử vào năm ngoái trong vai trò giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Virginia.
Ông đã liên kết các nghiên cứu và luận thuyết khác nhau xoay quanh chủ đề này dưới cái tên Các nghiên cứu về Hiện tượng trùng hợp.
Nhiều người có các niềm tin mang tính định kiến về cơ chế hoạt động của thế giới này, nên họ đã tiếp cận các hiện tượng trùng hợp với mục đích xác nhận những niềm tin kia, TS Beitman nói. Khi ông xây dựng bộ môn Các nghiên cứu về Hiện tượng trùng hợp, ông đã xem xét tất cả các cách giải thích tiềm năng cho cơ chế xuất hiện của các hiện tượng trùng hợp. Và ông nghĩ có nhiều cách giải thích khác nhau; nhưng không một cách giải thích đơn lẻ nào có thể bao quát hết tất cả các hiện tượng trùng hợp.
Cách tiếp cận của một nhà thống kê: Xác suất xảy ra bằng bao nhiêu?
Giáo sư bộ môn xác suất thống kê tại Đại học Stanford kiêm ảo thuật gia bậc thầy Persi Diaconis đã đề xuất Luật các số Thực sự lớn vào năm 1989 trong một nỗ lực nhằm giải thích các hiện tượng trùng hợp. Trong các tập hợp rất lớn, những hiện tượng có xác suất rất nhỏ cũng sẽ có thể xảy ra, ông nói.
Hãy định nghĩa một hiện tượng “hiếm gặp” là “một trên một triệu”. Với 7 tỷ người trên Trái Đất, chúng ta có thể kỳ vọng khoảng 7.000 hiện tượng hiếm gặp xuất hiện mỗi ngày trên toàn cầu.
Hiện tượng trùng hợp xảy đến với bạn có thể là một trong 7.000 hiện tượng hiếm gặp nói trên, nhưng nó trở nên đặc biệt bởi vì nó xảy đến với chính bạn.
Tuy vậy TS Beitman và GS David Aldous – một nhà thống kê tu nghiệp tại đại học Cambridge và hiện đang giảng dạy tại Đại học California ở Berkeley – lưu ý rằng các nhà thống kê đã quên mất việc phân tích các bối cảnh phức tạp xoay quanh những hiện tượng trùng hợp cá nhân ngoài đời thực.
Người ta thường có khuynh hướng xem xét các loại hiện tượng trùng hợp (ví như ai đó thắng xổ số hai lần) có thể dễ dàng phân tích bằng toán học rồi nói rằng, “Vì chúng ta có thể chứng minh rằng loại hiện tượng trùng hợp này không quá bất khả thi đến vậy, nên tất cả những trường hợp thắng xổ số hai lần, hoặc thậm chí tất cả các hiện tượng trùng hợp đều có thể được quy cho tính ngẫu nhiên”.
Xác suất “không phải là cách giải thích, mà chỉ là sự miêu tả về hiện tượng xảy ra”, TS Beitman nói.
[Xác suất] không phải là cách giải thích, mà chỉ là sự miêu tả về hiện tượng xảy ra.
— Bác sĩ, TS Bernard Beitman, Đại học Virginia
Tuy nhiên, nó cũng có thể gây nhầm lẫn.
Lấy ví dụ, vào năm 1939, nhà tâm lý học B.F. Skinner đã tiến hành phân tích các bài thơ xonê của đại thi hào William Shakespeare và phát hiện thấy việc sử dụng các âm tương đồng, hay thủ pháp lặp âm đầu, có thể đã xảy ra một cách tình cờ, do sự ngẫu nhiên. Ông Skinner cho rằng, “Nếu chỉ đề cập đến khía cạnh văn thơ trong trường hợp này, Shakespeare có thể đã lấy các từ ngữ của mình từ một cái mũ”.
Tuy rằng nó có thể đã xảy đến một cách ngẫu nhiên, nhưng nó có ý nghĩa, và thiết kế thông minh đang hiện diện ở đây.
TS Beitman bình luận: “Liệu những nhà thống kê này có thể chứng minh rằng không có ý nghĩa trong các hiện tượng trùng hợp [hay nói cách khác, các hiện tượng trùng hợp đều là vô nghĩa] hay không? Tôi đề nghị họ thử xem sao”.
Khi thảo luận về ý nghĩa của các hiện tượng loại này, [trên thực tế] chúng ta đang tiến nhập vào phạm trù tâm lý.
Cách tiếp cận của một nhà tâm lý học: Điều đó có ý nghĩa gì đối với bạn?
Có quá nhiều các ứng dụng trong phạm trù tâm lý học để có thể xem xét chi tiết từng cái một ở đây. Nhưng một ví dụ điển hình là một hiện tượng trùng hợp được báo cáo bởi một trong những người tham gia các nghiên cứu của TS Beitman.
Người tham gia nghiên cứu này, một góa phụ, đã chia sẻ với ông: “Khi tôi bắt đầu hẹn hò trở lại, tôi từng lo lắng không biết người chồng quá cố của tôi sẽ nghĩ gì. Một ngày nọ khi đang viếng thăm mộ ông, tôi đã chẳng may tự làm đứt tay khi chạm tay vào máy/kéo cắt cỏ. Tôi đã phải đi đến phòng cấp cứu và ở đó họ đã tháo chiếc nhẫn cưới của tôi. Tôi và bạn trai nhìn nhận đây là một dấu hiệu cho thấy chúng tôi có thể tiếp tục mối quan hệ này”.
TS Beitman nói: “Cô ta đã [chẳng may] tự làm đứt tay! Tuy vậy cô đã cảm thấy rằng việc cần thiết phải tháo gỡ chiếc nhẫn cưới tại bệnh viện [để xử lý vết thương] là một dấu hiệu từ người chồng quá cố. Rất nhiều các câu chuyện lãng mạn khác cho chúng ta thấy rằng những người liên quan đang trực tiếp [tự mình] tạo ra các hiện tượng trùng hợp cho bản thân dù không tự nhận thức được điều đó, giống như người phụ nữ này. Tuy nhiên, cách thức mà dựa vào đó họ tạo ra các hiện tượng trùng hợp cần thiết một cách tiềm tại thông thường lại khó nắm bắt hơn so với phương pháp của người phụ nữ này”.
Những người liên quan đang trực tiếp [tự mình] tạo ra các hiện tượng trùng hợp cho bản thân dù không tự nhận thức được điều đó.
— Bác sĩ, TS Bernard Beitman, Đại học Virginia
Các hiện tượng trùng hợp có thể báo cho chúng ta biết về mong ước của chính bản thân mình. Chúng có thể hỗ trợ quá trình tự suy ngẫm (hướng nội) và đã được ứng dụng trong tâm lý trị liệu từ thời của nhà tâm lý học Carl Jung, người từng nghiên cứu một loại hiện tượng trùng hợp được ông gọi là đồng phương tương tính (synchronicity).
Với đồng phương tương tính, thứ gì đó trong tâm trí sẽ được phản ánh qua thế giới thực tại bên ngoài. Lấy ví dụ, bạn nghĩ về cô giáo hồi lớp 4 của mình lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua và đột nhiên nhìn thấy cô trong siêu thị.
Đồng phương tương tính là một trong vài phân loại hiện tượng trùng hợp được phân định bởi TS Beitman. Tạo dựng một hệ thống phân loại là một phần trong quá trình thiết lập Các nghiên cứu về Hiện tượng trùng hợp như một lĩnh vực nghiên cứu chính thống, ông nói.
Một phân loại khác là chuỗi thứ tự (seriality): “Nó là một chuỗi các sự kiện trong thế giới khách quan được bộ óc chú ý và ghi nhớ. Khác với đồng phương tương tính, không có một yếu tố khách quan đặc biệt nào trong phân loại này. Trên lý thuyết, các chuỗi có thể được xác nhận bởi bất kỳ ai”.
Lấy ví dụ, bạn gặp một người bạn và phát hiện ra anh ta vừa đặt vé đến Alaska. Bạn cũng vừa đặt vé đến Alaska. Sau đó bạn nói chuyện với người sếp tại sở làm và phát hiện ra bà cũng vừa đặt vé đến Alaska.
Một số nhà nghiên cứu đã tiến hành các nghiên cứu để thiết lập hồ sơ tâm lý sơ lược về những người có thể trải nghiệm (hay nhận thấy) các hiện tượng trùng hợp với tần suất lớn hơn. Một số đặc trưng trong tính cách [của những người này] bao gồm sự tự quán chiếu, tiềm năng trực giác lớn, một khuynh hướng muốn tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống, một thiên hướng cảm tính cao, và có tín ngưỡng tôn giáo.
- Albert Einstein: ‘Trực giác là thứ duy nhất thực sự có giá trị’
- Trắc nghiệm: bạn hay gặp chuyện trùng hợp đến mức độ nào?
Nhưng [về cơ bản] đây chính là cái bản tính của con người muốn được nhìn thấy các mô thức – và nhìn thấy ý nghĩa trong những mô thức này – và chúng ta đều có nó tại một chừng mực nhất định.
Tại sao nên nghiên cứu các hiện tượng trùng hợp?
Ngay cả nếu bạn không phải loại người coi các hiện tượng trùng hợp gặp phải trong cuộc sống như các “dấu hiệu”, bạn sẽ vẫn có thể đưa ra các quyết định dựa trên chúng mà không hay biết.
Lấy ví dụ, năm 1996, ba chiếc chiến đấu cơ F-14 đã bị rơi chỉ trong khoảng thời gian 25 ngày. Hải quân Mỹ đã phản ứng lại bằng cách cho ngừng hoạt động tất cả các chiến đấu cơ loại này.
Ngay cả nếu bạn không phải loại người coi các hiện tượng trùng hợp gặp phải trong cuộc sống như các “dấu hiệu”, bạn sẽ vẫn có thể đưa ra các quyết định dựa trên chúng
Phía Hải quân cho rằng đây có thể không chỉ “đơn thuần là một sự trùng hợp”, rằng có thể tồn tại một mối liên hệ trên thực tế (ví như một sai sót trong thiết kế của các chiến đấu cơ F-14). Nhưng [thực ra] đây chỉ là một sự trùng hợp. Ba vụ đâm máy bay trong cùng một tháng là hoàn toàn khả thi, theo các phân tích thống kê; hãy nghĩ đến tất cả các chuyến bay trong lịch sử quân đội Mỹ rồi vận dụng Luật các số Thực sự lớn.
Năm 1978, một cách độc lập, người ta đã tìm ra con số 196.833, một con số có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hai nhánh rất khác nhau trong toán học – lý thuyết nhóm và lý thuyết số.
Được biết đến với tên gọi “Ánh trăng kỳ quái (Monstrous Moonshine)”, khám phá tình cờ này, vốn được cho là một hiện tượng trùng hợp đơn thuần lúc ban đầu, đã hé lộ một mối liên hệ mật thiết giữa hai nhánh toán học khác nhau.
“Đôi khi ý nghĩa có thể được tìm thấy trong các hiện tượng trùng hợp ngẫu nhiên nếu chúng ta cho phép bản thân mình đi tìm nó”, TS Beitman đã viết trong một bài viết cho tờ Psychology Today.
Rất nhiều các khám phá khoa học, như insulin, đã được thực hiện thông qua một chuỗi các sự kiện trùng hợp. TS Beitman xếp các hiện tượng trùng hợp trong đó “bạn tìm thấy chính thứ bạn cần khi bạn [thực sự] cần đến nó dưới phân loại “sự may mắn bất ngờ (serendipity)”.
Hãy tưởng tượng nếu chúng ta có thể khống chế sức mạnh của các hiện tượng trùng hợp để tạo ra sự may mắn bất ngờ.
Các hiện tượng trùng hợp đụng chạm đến rất nhiều lĩnh vực và khía cạnh trong cuộc sống chúng ta. Tầm ảnh hưởng của chúng thậm chí có thể lan sang lĩnh vực phim ảnh. Các hiện tượng trùng hợp thường được sử dụng như các công cụ cốt truyện tích hợp. Bộ phim “Casablanca” đã được dựa trên một sự kiện trùng hợp: “Trong vô vàn những quán rượu ở mọi thành phố trên khắp thế giới, cô ấy lại tới đúng chỗ của tôi”.
Bí ẩn vẫn còn
Tuy việc thiết lập những chủ đề nghiên cứu khoa học xoay quanh các hiện tượng trùng hợp dường như có thể tháo gỡ một số điều kỳ diệu đằng sau chúng, nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều bí ẩn.
Một người tham gia một trong những nghiên cứu của TS Beitman đã kể cho ông nghe câu chuyện về thời điểm khi cô gần như đã chết vì tự tử.
“Tôi đã trải qua một quãng thời gian rất tăm tối trong giai đoạn cuối thời niên thiếu của mình – một thời kỳ rối rắm – chí ít thì có thể nói như vậy”, cô nói. “Tôi đã lấy khẩu súng của cha mình, lên xe ô tô, và lái đến một khu vực bỏ hoang gần hồ. Tôi dự định kết liễu cuộc đời mình ở đó. Tôi ngồi đó, với khẩu súng trong tay. … Nhưng, khi hai hàng nước mắt chầm chậm chảy xuống má, tôi nghe thấy tiếng một chiếc xe ô tô khác đỗ ngay cạnh bên … và anh trai tôi bước ra khỏi xe, yêu cầu tôi đưa anh khẩu súng”.
“Tôi đã bị đứng tim; Tôi bị sốc không nói nên lời. Tất cả những gì tôi có thể làm là hỏi anh làm sao anh biết được tôi đang có cảm giác như vậy; làm sao anh biết được tôi mang theo khẩu súng bên mình, và quan trọng hơn cả là, làm sao anh tìm được tôi? Anh nói anh không biết. Anh không hề biết tại sao anh lại lên xe ô tô; anh không hề biết anh đang lái đi đâu, hay tại sao anh lại tới đây; hay anh sẽ làm gì một khi tới nơi”.
TS Beitman nói: “Tôi không rõ liệu các nhà thống kê có thể cho rằng ‘xác suất [cũng là cách giải thích]’ cho trường hợp này hay không”.
Bắt gặp một cơ hội việc làm
Một sinh viên đang tìm kiếm một công việc trong vai trò trợ lý nghiên cứu ngành nhân loại học văn hóa. Người sinh viên này cảm thấy đây sẽ là một cuộc tìm kiếm đầy khó khăn. Anh đang chạy marathon, và mẹ anh đang quan sát ở bên ngoài đường biên. Bà bắt chuyện với một khán giả khác, và hóa ra, người khán giả này đang tìm kiếm một trợ lý nghiên cứu trong ngành nhân loại học văn hóa. Kết quả là, người này đã thuê cậu con trai của bà.
Nguồn: Nhà tâm lý học, bác sĩ Bernard Beitman, Đại học Virginia
Cuộc sống trùng hợp đến khó tin của hai anh em sinh đôi trong 39 năm xa cách
Một cặp song sinh bị chia cắt khi sinh và được nhận nuôi bởi 2 gia đinh khác nhau. Cả hai gia đình đều tự đặt tên cho đứa trẻ là James. Cả hai đều trở thành các nhân viên thực thi pháp luật – một người làm bảo vệ, còn người kia làm phó cảnh sát trưởng. Cả hai đều kết hôn với hai người phụ nữ tên Linda. Cả hai đều ly dị và tái hôn. Cả hai cùng tái hôn với hai người phụ nữ tên Betty. Một người đặt tên con trai là James Alan. Người kia đặt tên con trai mình là James Allan. Sau này khi gặp lại nhau, họ phát hiện ra những điểm tương đồng kỳ lạ trong cuộc đời riêng của họ. Câu chuyện của họ đã được kể lại trong một bài viết trên tạp chí People.
Nguồn: Nhà tâm lý học Thomas Bouchard, Đại học Minnesota.
Một lời cầu nguyện được đáp lại bằng một bài hát?
Lúc đó nữ diễn viên Sissy Spacek đang cân nhắc liệu có nên chấp nhận vai diễn Loretta trong phim “Coal Miner’s Daughter (Con gái của người thợ mỏ than)” hay không. Cô đã cầu xin một dấu hiệu. Sau đó, cô đã lấy xe ô tô đi chơi và nghe thấy bài hát “Coal Miner’s Daughter” phát trên đài radio. Nhờ đó cô đã nhận vai diễn này và đoạt Giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Nguồn: IMDb, tạp chí Rolling Stone
Oprah chia sẻ trải nghiệm kỳ diệu của cô khi được chọn thù vai trong bộ phim Color Purple:
Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.
Tác giả Tara MacIsaac , Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ .
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch
ùng hợp