Đại Kỷ Nguyên

Trung Quốc phát triển máy dò tàu ngầm lượng tử, có thể kiểm soát toàn bộ biển Đông

Một thiết bị lượng tử đo từ trường vừa được Trung Quốc nâng cấp thành công, làm dấy lên lo ngại việc tàu ngầm của rất nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có các tàu ngầm Kilo của Việt Nam, sẽ luôn bị hải quân Trung Quốc phát hiện và giám sát khi di chuyển trên biển Đông.

Theo Newscientist, Học viện Khoa học Trung Quốc ngày 21/6 thông báo vừa đạt được một bước đột phá về công nghệ điện tử khi nâng cấp thành công một loại thiết bị lượng tử đo từ trường. Tuy nhiên, thông báo này đã nhanh chóng bị gỡ ngay sau khi một nhà báo chỉ ra các tiềm năng quân sự tiềm tàng của sáng chế: nó có thể giúp Trung Quốc phát hiện và bám sát bất cứ tàu ngầm nào trên Biển Đông.

Phóng viên Stephen Chen của tờ South China Morning Post cho biết: “Tôi đã rất ngạc nhiên về việc thông tin bị gỡ bỏ. Tôi đã theo dõi lĩnh vực khoa học Trung Quốc trong nhiều năm, và đây là điều hiếm khi xảy ra.”

Vào Thế Chiến II, người ta bắt đầu sử dụng từ kế để phát hiện tàu ngầm thông qua việc phát hiện một sự bất thường trong từ trường của Trái Đất – mà nguyên nhân có thể là do một khối lượng lớn kim loại lớn gây ra. Tuy nhiên, các từ kế phổ biến hiện chỉ cho phép phát hiện ra tàu ngầm ở một phạm vi khá ngắn, do đó nó chỉ được sử dụng phụ trợ bên cạnh thiết bị dò bằng sóng siêu âm.

Từ kế siêu dẫn
Trong nỗ lực mở rộng phạm vi thám sát, các nhà nghiên cứu tạo ra một loại từ kế mới dựa trên một thiết bị giao thoa lượng tử siêu dẫn (SQUID). Từ kế siêu dẫn rất nhạy cảm, nhưng khả năng của nó chỉ giới hạn trong phòng thí nghiệm. Lý do là trong điều kiện tác chiến, chúng nhanh chóng bị nhiễu trước những thay đổi trong từ trường của trái đất gây ra bởi các cơn bão mặt trời.

Với mức độ nhạy cảm đó, tính ứng dụng của loại từ kế này gần như không có. Hải quân Mỹ đã từ bỏ nghiên cứu về từ kế siêu dẫn để theo đuổi các công nghệ ít nhạy cảm nhưng có tính ứng dụng cao hơn.

Các máy bay trang bị từ kế SQUIDs mới cho phép phát hiện tàu ngầm từ cự ly 6 km (Ảnh: Youtube)

Từ kế mới, được Xiaoming Xie và các cộng sự tại Viện Công nghệ Thông tin Thượng Hải phát triển, không sử dụng một SQUID mà là một mảng của chúng. Ý tưởng là bằng cách so sánh các dữ liệu của chúng, các nhà nghiên cứu có thể loại bỏ các tín hiệu nhiễu và thu được kết quả chính xác cần tìm. David Caplin thuộc trường đại học Hoàng gia London, một chuyên gia về cảm biến từ trường, nói rằng “điều này sẽ phù hợp với thiết bị chống tàu ngầm”.

Thiết bị này được đặt trên máy bay sẽ cho phép phát hiện các tàu ngầm từ cự ly vài cây số thay vì chỉ vài trăm mét như hiện nay. Điều này sẽ rất tệ hại đối với các tàu ngầm của NATO. Các tầu ngầm của khối này đã được liên tục cải tiến để chạy trơn tru hơn, đồng thời ứng dụng một loạt công nghệ thông minh để ngăn việc bị phát hiện bằng sóng siêu âm. Tuy nhiên, với từ kế, việc che giấu dấu vết từ trường là cực kỳ khó khăn.

Vấn đề tiếng ồn
Liệu Trung Quốc có trở thành nước đầu tiên được trang bị máy dò tàu ngầm nhạy nhất trên thế giới?

Các nhà nghiên cứu tính toán rằng một từ kế SQUID loại này có thể phát hiện ra một tàu ngầm từ khoảng cách 6 km, và nếu ức chế tốt được tiếng ồn, phạm vi thám sát  sẽ có thể lớn hơn.

Không phải ai cũng tin rằng từ kế của Trung Quốc đã sẵn sàng để triển khai. Cathy Foley thuộc CSIRO, cơ quan nghiên cứu của chính phủ Úc, cho biết có một số khó khăn khi biến một SQUID thành một thợ săn tàu ngầm thực thụ – ví dụ như vấn đề xử lý tiếng ồn. Hiện chưa có ai giải quyết được tất cả những vấn đề này, mặc dù bà nói rằng tốc độ tiến bộ của Trung Quốc cho thấy họ có thể là người đầu tiên thành công.

Các tàu ngầm Kilo của Việt Nam sẽ rất khó ẩn mình trước hệ thống từ kế siêu dẫn mới của Trung Quốc (Ảnh: Infonet)

Từ kế siêu dẫn SQUIDs chỉ là một trong những cách mà Trung Quốc sử dụng để nâng cấp khả năng chống tàu ngầm của mình trong vài năm gần đây. Hiện việc xây dựng hệ thống cảnh báo Vạn lý trường thành dưới nước (The Underwater Great Wall) của nước này, bao gồm một chuỗi các cảm biến chìm, phao và tàu ngầm không người lái, được cho là đã gần hoàn thành, hứa hẹn giúp Trung Quốc mở rộng vùng giám sát ngoài khơi.

Hoài Anh

Xem thêm:

Exit mobile version