Đại Kỷ Nguyên

Trường minh đăng vì ai mà cháy sáng cả thiên niên kỷ 

Trước bức tượng hoàng đế Chân Vũ được tôn thờ trong chùa vàng núi Võ Đang, Hồ Bắc, một ngọn đèn dầu nhỏ được thắp sáng, từ thời Vĩnh Lạc của nhà Minh cho đến nay, ngọn dầu nho nhỏ chưa bao giờ tắt trong hơn 600 năm. 

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp! Hôm nay chúng ta sẽ kể một câu chuyện về những ngọn đèn thần kỳ.

Trên đỉnh Thiên Trụ ở núi Võ Đang, Hồ Bắc, Trung Quốc, có một ngôi điện vàng. Trong điện nội thờ phụng tượng Chân Vũ Đại Đế, đặt trước tượng là một chén nhỏ thắp một ngọn đèn không mờ không tỏ, không lay lắt rung động; bất kể bên ngoài là ánh nắng chói chang hay cuồng phong giông bão, ngọn đèn vẫn luôn thủy chung, tĩnh lặng và bình an, như thể nó đã đạt đến cảnh giới siêu xuất “bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỉ bi”. Đây là một trong tứ đại “Thần tích” của núi Võ Đang. Từ thời Vĩnh Lạc triều Minh đến nay, 600 năm đã qua đi, ngọn đèn trường cửu này vẫn sáng mãi chưa bao giờ tắt.

Nhìn qua thì nó trông giống như một ngọn đèn dầu phổ thông, với một chén dầu nhỏ bé, ước tính chỉ có thể bảo trì ngọn lửa trong một ngày; Nhưng 600 năm ư, chắc chỉ là một điều viển vông! Làm sao có thể như vậy chứ? Đừng vội, quý vị hãy ngồi xuống và lắng nghe chúng tôi.

Ngọn trường minh đăng trên núi Võ Đang

Chúng ta hãy bắt đầu với triều Minh. Minh triều coi trọng và tôn sùng Đạo giáo, và coi Hoàng đế Chân Vũ là vị Thần bảo quốc. Chân Vũ Đại Đế là thời kỳ hoàng đế tu luyện đắc đạo trên núi Võ Đang. Sau khi đã một mình độc tu hơn bốn mươi năm, có một hôm, vì một quan nhỏ chưa vượt qua được, mà ông nhất thời nản chí, đi xuống núi. Trên đường xuống núi, ông gặp một lão bà bà đang mài gậy sắt thành kim, điểm hóa cho ông ngộ ra rằng “Chỉ cần công phu thâm sâu, một cây gậy sắt cũng có thể mài thành kim”. Chân Vũ Đại Đế là người có căn cơ tốt, lập tức lĩnh hội, bèn quay lại tiếp tục tu luyện, cuối cùng tu thành chính quả. Giờ đây, “Giếng Mài Kim” vẫn là một điểm thăm quan danh tiếng trên núi Võ Đang, nói về chính câu chuyện này.  Nếu các bạn có dịp đến thăm, hãy chụp ảnh lưu kỷ niệm, dùng năng lượng thuần chính để cổ vũ khích lệ chính mình nhé.

Nhiều quần thể cung điện bàng đại trên núi Võ Đang mà chúng ta đang thấy hiện nay, rất nhiều đều được kiến lập bởi Minh Thành Tổ Chu Lệ, và chúng được kiến tạo chiểu theo quy cách của hoàng cung. Với quy cách cao như vậy, đương nhiên nhiều bảo vật quý hiếm, kỳ trân dị bảo đã được trang bị cho nơi đây. Kim điện trường minh đăng chính là một trong số đó; tương truyền trên đỉnh của nó có một viên ngọc định phong để đảm bảo cho ngọn đèn trường cửu luôn sáng.

Cung Thiên Ất Chân Khánh được cho là nơi Chân Vũ hoàng đế tu luyện thành công và thăng thiên. Bên ngoài cung có mỏm đá khắc hình rồng dùng làm nơi thắp hương được gọi là Long đầu hương. (Ảnh: Vietviettourism)

Vào triều Minh, câu chuyện gậy sắt mài kim đã được lưu truyền rộng rãi, vì vậy ngọn đèn trường cửu trước bức tượng Chân Vũ này chính là để cổ vũ, khích lệ những người tu luyện, với ý nghĩa “Nhất tu đáo để, bất trung đồ phóng” (Nhất tâm tu tới cùng, không bỏ cuộc giữa chừng), giữ cái tâm luôn sáng như ngọn đèn trường cửu.

Các đạo sĩ luôn kín tiếng về việc làm thế nào để ngọn đèn sáng mãi. Vì vậy, một số bạn nói rằng, khẳng định phải có người phải thêm dầu và thay bấc định kỳ, cũng có người hùng hồn nói rằng du khách đã tận mắt chứng kiến việc đó. Nhưng không có bức ảnh nào chụp lại, cũng không có vị đạo sĩ nào đứng ra nói rằng đó là ông thêm dầu vào đèn, cho nên tôi cảm thấy câu chuyện về ngọn đèn trưởng cửu này là đáng tin cậy.

Vì sao? Bởi vì Đạo giáo là tu “Chân”, giảng nói lời chân thật, bàn việc chân thật, cuối cùng tu thành Chân Nhân. Bên cạnh đó, vào thời cổ đại, ít nhất là từ triều Minh, tất cả các đồ dùng trên núi Võ Đang đều được hoàng gia cung cấp, vì đây là thánh địa của Đạo giáo, nên không ai tìm mánh lới quảng cáo để thu hút du khách kiếm thu nhập. Nếu quả thật đèn không thể sáng vĩnh cửu, hà tất phải gieo rắc hoang ngôn phá hoại việc tu hành của họ; quý vị thấy có đúng không?

Và mặc dù ngọn trường minh đăng này rất hiếm có, nhưng nó không chỉ được tìm thấy trên núi Võ Đang. Vào năm 1956, trong quá trình khai quật Lăng mộ của Hoàng đế Vạn Lịch triều Minh, các chuyên gia khảo cổ cũng đã phát hiện ra một ngọn đèn trường cửu, được lắp trong một thùng lớn bằng sứ màu xanh ngọc. Dầu đèn được dùng là sáp ong. Người ta nói rằng khi các chuyên gia vào lăng mộ, chiếc đèn vẫn sáng, và tính ra nó đã thắp sáng hơn bốn trăm năm.

Trường minh đăng trong một ngôi đền Ai Cập cổ đại

Hiện tượng đèn sáng trường cửu này không chỉ có ở Trung Quốc, mà ở khắp nơi trên thế giới.

Ở Ai Cập cổ đại, có một ngôi đền tên là Luxor, hay Đền Mặt trời, được xây dựng từ thế kỷ 14 trước Công nguyên, đến nay đã hơn ba ngàn bốn trăm năm. Theo ghi chép lịch sử ở Ai Cập, có một ngọn đèn vĩnh cửu trên đỉnh chính môn của Đền Luxor, biểu thị cho tia nắng mặt trời vô tận và không bao giờ tắt. Đây cũng là ngọn lửa Thánh trong tâm thức của người Ai Cập cổ đại.

Đền Luxor ở Ai Cập cổ đại (Ảnh: Getyourguide.com)

Ghi chép này nói rằng ngọn trường minh đăng được đặt trong thủy tinh pha lê. Mỗi khi màn đêm buông xuống, ngọn đèn trở nên càng phát sáng, và ánh sáng có thể được nhìn thấy từ cách xa hàng trăm dặm. Điều then chốt nhất là ngọn trường minh đăng này không cần tra thêm nhiên liệu, và nó sẽ không tắt ngay cả trong cuồng phong bão tố, giống như ánh sáng vô tận của Thần Mặt trời chiếu xuống Ai Cập cổ đại. Nhưng đáng tiếc là ngôi đền nay chỉ còn những bức tường đổ nát, chính môn không còn, ngọn trường minh đăng từ lâu soi sáng đã biệt vô tăm tích.

Vào năm 527 sau Công Nguyên, một số binh lính của đế chế Đông La Mã được lệnh đóng quân trên một con đèo ở Syria. Một ngày nọ, họ phát hiện một ngọn đèn sáng trong một ngách của con đèo. Ngọn đèn được che bởi một cái chao tinh xảo, có vẻ như được dùng làm kính chắn gió. Từ những ký tự được khắc trên đó, ngọn đèn này được thắp sáng vào năm 27 sau Công Nguyên, và cho đến khi được những người lính phát hiện ra, nó đã liên tục cháy sáng được 500 năm.

Vào năm 1540 sau Công nguyên, Giáo hoàng Paul III đã phát hiện một ngọn đèn đang thắp sáng trong một ngôi mộ cổ ở Rome. Nằm trong ngôi mộ được cho là con gái của chính khách La Mã cổ đại Cicero, người đã chết vào năm 44 trước Công nguyên. Nói cách khác, ngọn đèn này vẫn thắp sáng trong phần mộ đóng kín này cho đến năm 1584!

Còn rất nhiều thứ khác nữa, không được liệt kê ở đây, bạn có thể lên Google nếu bạn quan tâm. Các tài liệu khảo cổ học cho thấy, hiện tượng ngọn đèn trường cửu không chỉ được phát hiện ở các nước có nền văn minh cổ đại như Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập, … mà còn ở các nước Tây Âu như Ý, Anh, Pháp.

Trường minh đăng vì sao cháy mãi không tắt?

Vậy tại sao những ngọn đèn này có thể cháy sáng nghìn năm không tắt? Đặc biệt là khi phần mộ không được cung cấp đủ dưỡng khí thì càng khó tin hơn, làm sao đèn có thể cháy được hàng trăm, hàng nghìn năm? Nhưng những ngọn đèn này thực sự tồn tại. Điều này thật kỳ lạ. Vì vậy, các cao thủ từ mọi tầng lớp xã hội đã bắt đầu giải bí ẩn này.

1. Thuyết đèn cảm ứng

Theo quan điểm khoa học, một số người cho rằng đèn luôn sáng trong các ngôi mộ cổ thực ra không phải lúc nào cũng sáng; chúng chỉ giống như đèn cảm ứng trước nhà và sau nhà của họ, khi có người đến gần thì sẽ sáng, vì vậy khiến cho người ta cảm giác như nó luôn sáng ở đó. Điều đó được thực hiện như thế nào? Khởi tác dụng then chốt nhất là phốt pho trắng. Đèn phải tắt sau khi ô-xi trong ngôi mộ kín gió cạn kiệt, và nó sẽ không tồn tại được lâu. Tuy nhiên, đèn có thể chứa phốt pho trắng. Phốt pho trắng có điểm bắt lửa rất thấp và sẽ tự bốc cháy khi có ô-xi ở nhiệt độ phòng. “Lửa ma chơi” mà mọi người nhìn thấy trong tự nhiên thường là do quá trình đốt cháy tự phát của phốt pho trắng. Khi ai đó mở cửa lăng mộ và đưa không khí trong lành vào, chất lân tinh trắng sẽ tự bốc cháy và thắp đèn sáng trở lại nhờ có ô-xi.

Giải thích về đèn cảm ứng này có vẻ khá ổn, nhưng có một vấn đề lớn ở đây là phốt pho trắng rất bất ổn, theo thời gian sẽ chuyển biến dần thành phốt pho đỏ ổn định. Phốt pho đỏ là cục trên đầu que diêm bắt lửa khi chạm vào. Điểm bắt lửa là 250°C, vì vậy nó sẽ không tự bốc cháy ở nhiệt độ phòng. Chúng ta chưa bao giờ nghe nói về một hộp diêm có thể tự phát cháy phải không? Vì vậy, ngay cả khi đèn có chứa phốt pho trắng lúc đầu, nó không có cách nào trở thành đèn cảm ứng.

Bên cạnh đó, cổ nhân cho rằng linh hồn bất diệt, nên các bậc vương công quý tộc sẽ làm lăng mộ giống như nơi ở của họ, hy vọng rằng vong hồn cũng được sống an nhàn, thắp đèn là để dẫn đường cho linh hồn không bị lạc mất phương hướng. “Nhập thổ vi an”, sau khi cửa mộ hạ xuống, người ta sẽ không làm phiền người quá cố nữa, ngoại trừ kẻ trộm mộ. Vậy chẳng lẽ chiếc đèn cảm ứng kia là để dành cho kẻ trộm mộ? Bạn cần đèn cảm ứng để soi cho người ta tìm vàng bạc châu báu trong mộ phần của tổ tiên ư?

2. Thuyết về mỡ của người cá

Một bạn khác tìm tới đáp án từ “Sử ký”. Trong “Sử ký – Tần Thủy Hoàng bổn ký” có một mô tả về ngọn đèn vĩnh cửu trong địa cung của Tần Thủy Hoàng. Sách viết: “Dĩ nhân ngư cao vi chúc, độ bất diệt giả cửu chi”, nghĩa là, trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng có một ngọn đèn trường cửu, được chế tạo bằng mỡ của nhân ngư (người cá). Người ta nói rằng loại mỡ này có điểm bắt lửa rất thấp, chỉ một giọt có thể cháy trong vài tháng. Điểm bắt lửa thấp đồng nghĩa với việc tiêu thụ ít ô-xi hơn, nhưng không gian trong lăng mộ của hoàng đế rất rộng, không thể có một ngọn đèn như vậy có thể cháy trong một nghìn hoặc tám trăm năm.

Mặc dù người cá (giao nhân, nhân ngư) chỉ là truyền thuyết mỹ nhân đối với chúng ta, nhưng qua thái độ ghi chép nghiêm cẩn của Thái sử công Tư Mã Thiên, ông không thể tùy tiện hạ bút viết nếu không có chứng cứ thật như đinh đóng cột, có thể thời cổ xác thực đã có người cá sinh sống.

Liệu ngọn trường minh đăng trên núi Võ Đang có sử dụng loại mỡ này không?

3. Thuyết tâm linh thắp sáng đèn

Có những người bạn đã tìm thấy câu trả lời từ kinh Phật. Nghe có vẻ thú vị, để tôi chia sẻ với quý vị.

Vào thời kỳ Đức Phật Thích Ca đang truyền Pháp, có một người phụ nữ nghèo tên Nanda ở Bang Sāvatāva, kiếm sống bằng nghề khất thực. Nanda thấy mọi người đều đang dùng đèn cúng dưỡng Đức Phật, trong tâm bà cũng khao khát làm điều đó. Sau khi đi tứ xứ ăn xin ngày hôm đó, bà kiếm được một xu, liền đi mua dầu đèn cúng dưỡng Đức Phật. Một xu tiền chỉ mua được một ít dầu, người bán dầu cảm thấy bà thành tâm với Phật nên đã cho bà một lượng dầu gấp đôi để thắp đèn. Nanda vui mừng đặt ngọn đèn dầu trước mặt Đức Phật, trong tâm phát nguyện rằng: Đời này tôi nghèo khổ, chỉ có thể dùng ngọn đèn nhỏ này để cúng dưỡng Đức Phật, nguyện rằng với công đức chân thành này, hy vọng rằng kiếp sau sẽ có đại trí huệ, bang trợ tất cả chúng sinh thế gian quét sạch phiền não hắc ám. Nanda nói xong, liền bái chào Đức Phật và rời đi.

Sáng hôm sau khi thu thập đèn, tôn giả Mục Kiều Liên (đệ tử của Đức Phật Thích Ca) thấy các đèn khác đều tắt hết, chỉ còn một ngọn đèn vẫn sáng, nhưng dầu đèn không hề giảm thiểu, bấc đèn giống như mới nguyên. Mục Kiều Liên dùng cách gì cũng không thể dập tắt ngọn đèn.

Đức Phật Thích Ca nói với ông, ngọn đèn dầu này không phải là thứ mà ngươi có thể dập tắt được, bởi vì người cúng dưỡng ngọn đèn này có nguyện lực phi thường bàng đại, ngươi dù có dùng nước bốn biển cũng không thể dập tắt được, đại phong trên núi cũng không thổi tắt được nó.

Người bạn này cho rằng, cổ nhân thành tâm lễ Phật, và tôn kính Thần minh. Thắp một ngọn đèn sáng trước mặt Đức Phật, trong tâm hứa một chân nguyện, tâm và đèn tương liên. Tâm ý thành khẩn, đèn sẽ sáng trường cửu.

Được rồi, đó là kết thúc của câu chuyện về chiếc đèn ngày hôm nay. Về ba thuyết đèn trường cửu này, bạn thấy cái nào hợp lý hơn? Chào mừng bạn đến thảo luận trong khu vực bình luận bên dưới.

Cuối cùng, chúng tôi cũng mong rằng, trong trái tim mỗi người đều hướng thiện, giống như ngọn đèn trường cửu này, mãi mãi soi sáng trong tâm – soi sáng cho bản thân, và cũng soi sáng cho mọi người.

Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version