Chỉ cần bay trên thành phố Mexico một lần, họa sỹ Stephen đã vẽ lại toàn cảnh thành phố trong bức tranh dài 4m.
Từng bị chẩn đoán bị tự kỷ khi lên 3 tuổi, giờ đây Stephen Wiltshire nổi tiếng với khả năng vẽ lại các khung cảnh chi tiết sau khi xem qua một lúc, theo National Graphic.
Hiện nay, Stephen Wiltshire là một trong những nghệ sỹ nổi tiếng nhất của nước Anh. Các kế hoạch vẽ được đặt trước từ 4-8 tháng. Những đoạn phim quay anh vẽ các bức tranh toàn cảnh một thành phố đã trở lên lan truyền.
Nhưng khi Stephen còn đi học, các thầy giáo không biết phải làm gì với cậu bé này. Bị chẩn đoán bệnh tự kỷ từ khi lên 3, cậu đã không thể nói từ nào cho đến khi lên 5 tuổi. Nhưng, ngay từ khi còn nhỏ, Stephen đã có thể vẽ được các bức tranh với độ chính xác đáng kinh ngạc, hoặc vẽ biếm họa các giáo viên.
Sau đó, Stephen bắt đầu vẽ các tòa nhà mà cậu bé nhìn thấy ở London, cũng vô cùng chính xác. Chị gái thường đưa Stephen đến chơi nhà bạn học ở tầng 14 của một tòa nhà, để cậu có thể ngắm được thành phố. Stephen rất ngạc nhiên với bố cục và kiến trúc của thành phố. Từ đó, niềm đam mê trở thành ‘ám ảnh’.
Khi lên 8 tuổi, cậu bé có đơn đặt hàng đầu tiên – từ thủ tướng Anh Edward Heath – để vẽ Nhà thờ Salisbury, theo báo Huffington Post. Lúc 11 tuổi, sau một lần bay trên trực thăng qua London, Stephen đã vẽ chi tiết và hoàn hảo các tòa nhà chọc trời của thành phố này.
Đến khi 13 tuổi, Stephen đã công bố cuốn sách về các tác phẩm đầu tiên. Dư luận và truyền thông bắt đầu chú ý đến trí nhớ kỳ lạ của cậu bé này. Stephen được lên các chương trình truyền hình và được gọi là “bác học” trong các bộ phim tài liệu.
Năm 1989, Stephen đến thăm Venice và vẽ bức tranh toàn cảnh đầu tiên của anh. Từ đó, Stephen trở lên nổi tiếng về khả năng vẽ chi tiết các khung cảnh thành phố chỉ từ trí nhớ, với hàng trăm con phố, các tòa nhà, và các chi tiết nhỏ theo một tỷ lệ hoàn hảo.
Anh đã vẽ các thành phố trên khắp thế giới, từ Jerusalem đến Sydney. Dự án mới nhất là thành phố Mexico trên bức vẽ dài 4m.
Ở New York, Stephen bay 20 phút trên máy bay trực thăng và sau đó vẽ mọi thứ anh nhìn thấy trên bức tranh dài 6m. Tuy có trí nhớ kỳ lạ, nhưng khi ở Manhattan, anh vẫn phải rất cố gắng để tránh bị lạc và đã đi bộ sai đường mất 45 phút.
Năm 2006, Hoàng tử Charles trao tặng Stephen huy chương danh dự của Hoàng gia Anh vì những đóng góp trong thế giới nghệ thuật. Năm đó, anh mở phòng trưng bày ở trung tâm London.
Cô Annette, người quản lý phòng trưng bày, cho biết: “Stephen rất khiêm tốn. Danh tiếng không khiến anh phân tâm. Tôi nghĩ rằng thậm chí nó khiến anh tập trung hơn”.
Và nhờ các tác phẩm, người nghệ sỹ từng im lặng này, giờ đây có thể giao tiếp dễ dàng với hàng triệu người. Cô Annette nói: “Nghệ thuật của Stephen nói một ngôn ngữ mà tất cả chúng ta có thể hiểu được”.
Dương Minh
Xem thêm: