Bộ sưu tập tư liệu lớn được lưu lại từ thời Ai Cập cổ đang lưu giữ tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) tiết lộ những bí ẩn lớn về các ngành khoa học thời cổ đại.
Trường Đại học Copenhagen (Đan Mạch) là nơi lưu trữ một bộ sưu tập duy nhất về các bản thảo được viết trên giấy cói thời Ai Cập cổ. Một phần lớn của bộ sưu tập chưa được phiên dịch, và vẫn còn đang là bí ẩn lớn đối với các nhà nghiên cứu.
Nhà Ai Cập học Kim Ryholt, người quản lý bộ sưu tập tại trường Đại học Copenhagen, Đan Mạch cho biết:
“Một phần lớn tư liệu vẫn chưa được xuất bản. Các tư liệu cổ về y học, thiên văn học, chiêm tinh học và một số ngành khoa học khác được thực hành tại Ai Cập cổ.”
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều nước trên thế giới đang phiên dịch những tư liệu này, họ cho rằng, chúng ẩn chứa những tri thức thú vị của người Ai Cập cổ.
Nghiên cứu sinh Amber Jacob, đang làm tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Thế giới Cổ đại thuộc Đại học New York (Mỹ), một trong bốn nghiên cứu sinh đang nghiên cứu những tư liệu cổ tại Copenhagen, chia sẻ:
“Đây là trải nghiệm thú vị độc nhất của tôi khi có cơ hội nghiên cứu các tư liệu cổ chưa từng được xuất bản. Nó không có ở nhiều nơi trên thế giới.”
Người Ai Cập cổ biết về thận
Jacob tập trung nghiên cứu các tư liệu về y học từ thư viện của đền Tebtunis, một thư viện rất lâu đời tồn tại trước thư viện nổi tiếng ở Alexandria rất nhiều, khoảng 200 năm trước Công Nguyên.
Bên trong một văn bản, cô đã tìm ra bằng chứng cho thấy, người Ai Cập cổ đã biết về hai quả thận, Jacob chia sẻ:
“Đây là văn bản y học lâu đời nhất thảo luận về thận. Cho đến nay, một số nhà nghiên cứu cho rằng, người Ai Cập cổ không biết gì về thận, nhưng trong văn bản này, chúng ta có thể nhìn thấy một cách rõ ràng rằng, họ có biết.”
Văn bản trên giấy cói tiết lộ những bí ẩn về chiêm tinh của người Ai Cập cổ
Mảnh giấy cói dưới đây được cho là có chứa một loại câu hỏi tiên tri. Tác giả của nó đã viết ra hai kết quả có khả năng xảy ra của một tình huống và xin thần chỉ điểm câu nào là đúng.
Chiêm tinh là cách mà người Ai Cập cổ tránh việc tham chiến vào ngày không tốt, ví như khi thiên thể được bố trí theo một mô hình xác định, Ryholt cho biết:
“Ngày nay, chiêm tinh bị xem là giả khoa học, nhưng vào thời cổ đại thì khác. Đó là một công cụ quan trọng cho việc dự đoán tương lai và được xem là một ngành khoa học rất trọng tâm. Ví dụ, một vị vua cần phải xem trước, ngày nào tốt để tiến hành chiến tranh.”
Những đóng góp khoa học của người Ai Cập cổ
Ryholt cho biết, những tư liệu cổ này đã đóng góp những tri thức độc nhất cho lịch sử khoa học, “Khi bạn nghe về lịch sử khoa học, thường nghĩ tới tư liệu của người Hy Lạp và La Mã. Nhưng chúng tôi có những tư liệu của người Ai Cập còn cổ hơn nhiều. Một trong những tư liệu về y học được viết 3.500 năm trước, khi mà ở Châu Âu còn chưa có tư liệu chữ viết.”
Phân tích tư liệu 3.500 năm này là nhiệm vụ của nghiên cứu sinh Sofie Schiødt đến từ Đại học Copenhagen.
Schiødt cho biết, trên một bản tư liệu, một mặt mô tả những cách thức trị liệu kỳ lạ cho các bệnh về mắt. Mặt còn lại mô tả một phương pháp tương tự như cách kiểm tra hay siêu âm thai nhi của người Ai Cập cổ.
Schiødt cho biết: “Văn bản viết rằng, một người phụ nữ mang thai nên đi tiểu vào một túi lúa mạch và một túi lúa mì. Dựa vào việc túi nào nảy mầm trước để xác định giới tính của đứa trẻ trong bụng. Và nếu không có túi nào nảy mầm, nghĩa là cô ta không mang thai.”
Nghiên cứu của cô cũng tiết lộ rằng, những ý tưởng được ghi lại trong các văn bản y học của người Ai Cập cổ được truyền đến tận Châu Phi xa xôi, Cô chia sẻ:
“Nhiều nội dung trong các văn bản y học của người Ai Cập cổ sau đó đã xuất hiện trong các văn bản của người Hy Lạp và người La Mã. Từ đây, chúng được truyền mãi tới các văn bản y học thời trung cổ ở Trung Đông, và bạn có thể tìm thấy dấu vết của nó đến tận y học thời cận đại.”
Phương pháp khám thai tương tự như của người Ai Cập cổ cũng được đề cập đến trong một bộ sưu tập văn hóa dân gian của Đức từ năm 1699, Schiødt cho biết:
“Điều đó thực sự đưa mọi thứ vào trật tự, nghĩa là nó chứng tỏ rằng, những tư tưởng của người Ai Cập cổ đã được lưu lại hàng ngàn năm sau.”
Hans-Werner Fischer-Elfert, nhà Ai Cập học từ trường Đại học Leipzig, Đức, cho biết, biên dịch các tư liệu cổ chưa được xuất bản là một việc rất quan trọng.
“Chúng tôi vẫn chỉ có những kiến thức rất rời rạc về khoa học tự nhiên của người Ai Cập cổ, vì vậy mỗi từng đóng góp đều quan trọng. Hiện nay vẫn có một số nguồn tư liệu mà theo lý thuyết thì các nhà khoa học đã biết tới, nhưng vẫn đang ‘nằm yên’ tại nhiều nơi trên thế giới mà chưa có ai nghiên cứu chúng một cách chi tiết, nay là thời điểm để nghiên cứu chúng.”
Đường Chính