Là nhà sáng lập một trong những quỹ đầu tư công nghệ mạo hiểm lớn nhất thế giới với vốn hóa lên đến trăm tỷ USD (Emergence Capital), Brian Jacobs đã bỏ việc để lập quỹ giúp đỡ những người tự kỷ phát triển cơ hội việc làm. Và anh nhấn mạnh rằng, đây là việc đầu tư sinh lời nghiêm túc, chứ không phải là làm từ thiện.
Là một nhà đầu tư mạo hiểm, Brian Jacobs đã dành gần ba thập kỷ đánh cược vào các loại phần mềm hỗ trợ các doanh nghiệp làm việc hiệu quả hơn – từ Salesforce cho đến nền tảng hội nghị truyền hình (video conference) Zoom , vốn đều là những hãng công nghệ có vốn hóa hàng tỷ đô la. Là một người cha, anh nhận thấy rằng công nghệ tốt hơn không phải lúc nào cũng là đủ, CNBC cho hay.
Đứa con trai 24 tuổi của Jacobs là một trong 3,5 triệu người Mỹ sống chung với chứng rối loạn phổ tự kỷ. Mặc dù có bằng khoa học máy tính từ Đại học bang Bách khoa California (Cal Poly) danh giá, cùng nhu cầu tuyển dụng nhân tài kỹ thuật không ngơi nghỉ của khu vực Vùng Vịnh (Bay Area) của bang California, anh vẫn phải vật lộn để tìm kiếm việc làm.
Dù đã trải qua nhiều cuộc phỏng vấn ứng tuyển và tham gia các hội chợ việc làm, anh đều không nhận được phản hồi ưng ý.
“Phỏng vấn xin việc là điều tồi tệ nhất đối với bất kỳ ai mắc chứng tự kỷ”, ông Jacobs nói, đồng thời yêu cầu không công bố tên con trai mình vì lý do riêng tư. “Bộ não của cháu hoạt động theo một cách khác. Cháu phải suy nghĩ thấu đáo và xử lý nhiều thông tin hơn để đi đến một câu trả lời tương tự, vì vậy điều đó ảnh hưởng đến khả năng nói chuyện của cháu”.
Giống như rất nhiều nhà đầu tư công nghệ thành công khác, Jacobs nhìn thấy cơ hội trong sự thiếu hiệu quả của thị trường. Hai tháng trước, anh đã tuyên bố rời khỏi Emergence Capital (một quỹ đầu tư mạo hiểm có danh mục đầu tư lên đến hơn 150 tỷ USD), công ty do anh đồng sáng lập vào năm 2003, để thành lập Moai Capital với 10 triệu đô la tiền cá nhân. Trên trang web của mình , Moai mô tả bản thân là “một nơi làm việc thân thiện với người tự kỷ”, và một trong những chủ đề của nó là tuyển dụng người tự kỷ, được Jacobs đưa vào danh mục “đầu tư tác động (impact investing)”.
Không phải làm từ thiện
Moai rót vốn vào các doanh nghiệp vì lợi nhuận, chứ không phải các hoạt động từ thiện.
Nhưng Jacobs cũng không kỳ vọng thu về mức lợi nhuận tương tự như từ các khoản đầu tư tác động mà anh đã trải nghiệm tại Emergence, vốn có thể tạo ra hàng tỷ đô la từ việc chào bán cổ phiếu lần đầu IPO như của Zoom vào đầu năm nay hay của hãng cung cấp phần mềm chăm sóc sức khỏe Veeva Systems vào năm 2013.
“Các quỹ đầu tư mạo hiểm hướng tới lợi nhuận truyền thống sẽ không đầu tư vào những công ty loại này”, Jacobs nói, “Đầu tư tác động là một dạng thức mới. Tôi đang học những điều mới. Tôi đang nhìn thấy các nhà đầu tư có cùng chí hướng khác có những động thái tương tự. Tôi đã học được rất nhiều bằng cách nói chuyện với họ, nhưng chúng tôi cũng có cảm giác như đang mạo hiểm vào một lĩnh vực chưa được kiểm chứng”.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, cứ khoảng 59 đứa thì sẽ có một đứa trẻ bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, và con số này đang có chiều hướng gia tăng . Bởi vì tự kỷ ảnh hưởng đến giao tiếp và thường khiến các tương tác xã hội bình thường trở nên đặc biệt khó khăn, nên các doanh nghiệp truyền thống phải thay đổi cách họ phỏng vấn, đào tạo và quản lý nếu họ muốn thuê những người tự kỷ.
Có những động lực kinh doanh hấp dẫn cho những nỗ lực này. Như Auticon, một công ty tư vấn CNTT được Jacobs hỗ trợ, cho biết trên trang web của mình rằng, những người mắc chứng tự kỷ có ưu thế nhận thức nhất định, như khả năng phân tích mạnh mẽ hơn, “sự tập trung và sự kiên trì bền bỉ khi làm các nhiệm vụ lặp đi lặp lại”, một cảm giác trung thành và khả năng chú ý đến chi tiết.
“Có một lỗ hổng tuyển dụng rất lớn đối với những người tự kỷ và đó dường như là điều gì đó mà tôi có thể cải thiện”, ông Jacobs, người đã dành sáu năm trong hội đồng quản trị của Liên minh Giáo dục Tự kỷ phi lợi nhuận, Mạng và Phát triển (AASCEND) cho biết.
Tuy rằng Jacobs vừa mới chính thức mở quỹ đầu tư Moai – cái tên khiến người ta liên tưởng đến những bức tượng được chạm khắc bằng tay mang tính biểu tượng trên đảo Phục Sinh ở Nam Thái Bình Dương – nhưng anh đã bắt đầu tiến hành một số khoản đầu tư bên lề trong vài năm trở lại đây trong các lĩnh vực liên quan đến sở thích cá nhân hơn. Những thứ nay hiện đã trở thành mối quan tâm chính của anh.
Ba công ty tuyển dụng người tự kỷ được anh tài trợ là Auticon, thành lập tại Đức; Daivergent , nơi phát triển các chương trình đào tạo và kỹ năng cho người tự kỷ; và Ultranauts , một công ty dịch vụ IT đang tìm kiếm việc thuê những người mắc chứng tự kỷ có khả năng làm việc độc lập và năng suất trong môi trường làm việc từ xa.
Cần đổi mới tư duy tuyển dụng
Moai đã tham gia vào vòng gọi vốn trị giá 3,5 triệu USD của Ultranauts vào đầu tháng 8. Công ty có nhân viên ở 20 tiểu bang nước Mỹ, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng lớn, đặt nó vào vị thế cạnh tranh với các hãng lớn như Capgemini và IBM . Ba phần tư trong số khoảng hơn 60 nhân viên của nó là người tự kỷ.
Rajesh Anandan và Arthur Shectman, hai kỹ sư đến từ Học viện Công nghệ Massachusetts MIT, đã thành lập công ty này vào năm 2013. Anandan cho biết ông cảm thấy cuốn hút với vấn đề này thông qua các cuộc trò chuyện với vợ, người từng là một nhà tâm lý học trẻ em và có một số bệnh nhân tự kỷ. Cô cho rằng hệ thống đang có chỉ chăm chăm tập trung vào những thách thức mà những người thuộc nhóm đa dạng thần kinh (neurodiverse – tên gọi chung chỉ các chứng khuyết tật thần kinh, bao gồm chứng tự kỷ) phải đối mặt chứ không tìm cách khai thác các kỹ năng bẩm sinh của họ.
“Sẽ ra sao nếu chúng ta tập trung vào thế mạnh của mọi người và thiết kế lại hệ thống để mọi người không bị phân biệt đối xử vì sự khác biệt của họ?” Ananda nói trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng ta có thể chứng minh rằng chúng ta có thể xây dựng một đội ngũ bao gồm các đồng nghiệp mắc chứng tự kỷ, những người không có kinh nghiệm làm việc trước đây trong lĩnh vực này nhưng cực kỳ có tiềm năng, và biến những tài năng thô sơ đó thành các kỹ sư lành nghề”.
Anandan gọi đó là một lợi thế cạnh tranh, chứ không phải một loại hoạt động từ thiện. Cùng lúc nó tạo ra cơ hội độc lập tài chính cho những người tự kỷ và giải quyết một vấn đề họ phải đối mặt sau tuổi 21, khi họ thường không còn đủ điều kiện để được hưởng các dịch vụ đặc biệt của chính phủ.
Byran Dai, một nhà khoa học dữ liệu và CEO của Daivergent, có một cậu em trai 20 tuổi mắc chứng tự kỷ. Dai cho biết em ruột của anh có một số hiểu biết về công nghệ, nhưng các chương trình dạy nghề dành cho em của anh không tận dụng được khả năng của cậu.
“Tôi thấy em trai tôi có năng khiếu về máy tính nhưng hiện đang phải làm tạp vụ tại cửa hàng thuốc”, Dai, người sáng lập Daivergent chia sẻ vào năm 2017. “Có một cách để lợi dụng nhu cầu về AI và khoa học dữ liệu nhằm hội tụ những người tự kỷ vào cộng đồng và đào tạo nâng cao kỹ năng cho họ”.
Nhân viên của Daivergent cung cấp các dịch vụ kỹ thuật và định hướng chi tiết cho các công ty phát triển sản phẩm AI. Hãng khởi nghiệp này cũng có một hệ thống sẵn sàng làm việc để giúp những người thuộc nhóm đa dạng thần kinh chuẩn bị cho công việc và kết nối họ với các công ty đang muốn tuyển dụng họ.
Một trong những hệ thống phần mềm mà Daivergent cung cấp là cho SAP . Đây cũng vừa hay là công ty đã thuê con trai của Jacobs làm nhà phát triển phần mềm vào năm ngoái. SAP đã khởi động chương trình Người tự kỷ tại Công sở (Autism at Work) vào năm 2013, với mục tiêu tuyển dụng 650 người tự kỷ vào năm 2020. Jacobs cho biết ông là người ủng hộ lâu năm của Jose Velasco, người vận hành sáng kiến này, và Microsoft , Salesforce và JP Morgan Chase nằm trong số các công ty đang học cách hoạt động khi họ đưa chương trình riêng của họ vào lĩnh vực này.
“Họ chủ yếu học hỏi lẫn nhau và tìm ra cách điều chỉnh quy trình tuyển dụng, quy trình tham gia và quy trình đào tạo”, theo Jacobs. “Tất cả những điều này khiến bạn phải suy nghĩ lại, đặc biệt là nếu bạn đang thực hiện nó tại một công ty ở quy mô lớn”.