Đại Kỷ Nguyên

Tỷ phú Elon Musk tuyên bố đưa người lên sao Hỏa, thiết lập khu định cư lâu dài vào năm 2024

Tỷ phú Elon Musk tuyên bố đưa người lên sao Hỏa, thiết lập khu định cư lâu dài vào năm 2024.

Tỉ phú Elon Musk, ông chủ hãng hàng không SpaceX, tuyên bố con người sẽ đặt chân lên sao Hỏa và xây dựng khu đinh cư lâu dài trong 7 năm tới.

Lên Sao Hỏa và thiết lập thuộc địa

Vào lúc 2 giờ chiều giờ ACST, tại thành phố Adelaide (Nam Australia) (tức 11:30 sáng ngày 29/9/2017 giờ Việt Nam), tỷ phú công nghệ Elon Musk đã trình bày chi tiết dự án đưa con người lên sao Hỏa vào năm 2022, với con tàu vũ trụ tối tân nhất mang tên BFR. Đây là dự án tham vọng nhất cho đến nay của tập đoàn hàng không vũ trụ SpaceX của ông.

Ảnh mô phỏng tàu BFR tại căn cứ Moon Base Alpha trên Mặt Trăng. Ảnh: SpaceX

Theo Musk, hãng SpaceX hiện đã khởi động chế tạo Hệ thống Vận chuyển Liên hành tinh (Interplanetary Transport System – ITS) dùng cho BFR, và con tàu đầu tiên sẽ được đóng vào năm sau, cụ thể trong khoảng 6-9 tháng nữa.

“Chúng tôi tin là có thể hoàn thành con tàu để sẵn sàng phóng trong 5 năm tới”, tỷ phú Musk khẳng định chắc nịch.

Năm 2024, Musk muốn có trong tay 4 con tàu vũ trụ như vậy, trong đó 2 chiếc được dùng để chở người lên Sao Hỏa. Sau khi đến hành tinh đỏ, SpaceX sẽ xây dụng một nhà máy tổng hợp nhiên liệu trên bề mặt, dùng cho chuyến hành trình ngược trở về Trái đất. Nhiên liệu được tổng hợp từ khí CO2 trong bầu khí quyển và nước, vốn đã được các nhà khoa học phát hiện trước đây.

Nước là nguồn gốc của sự sống. Không biết liệu đoàn thám hiểm có chạm mặt các sinh vật sống trên hành tinh đỏ hay không.

Ảnh: SpaceX

Tàu vũ trụ của SpaceX có 40 khoang chứa, có thể chứa tổng cộng 100 người. Với kế hoạch đưa 100 người mỗi năm lên Sao Hỏa, trong khoảng 40-100 năm tiếp nữa, dân số hành tinh đỏ sẽ cán mốc 1 triệu người, hiện thực hóa tuyên bố của Musk vào năm ngoái..

Không chỉ đặt chân lên hành tinh đỏ, mà còn xây dựng một khu định cư lâu dài ở đây.

Musk trình bày về khu định cư trên sao Hỏa tại Hội nghị Thiên văn học quốc tế ngày 29/9 vừa qua. Ảnh: Reuters
Khu định cư trên Sao Hỏa lúc ban đầu. Ảnh: SpaceX
Khu định cư trên Sao Hỏa sau khi mở rộng. Ảnh: SpaceX

Đột phá của tàu vũ trụ BRF

BFR là tàu vũ trụ lớn nhất “tự cổ chí kim” của SpaceX, cao 106m, đạt tốc độ cực đại 29.000 km/h. Nếu bay liên tục tại mức vận tốc này, tàu sẽ cập bến Sao Hỏa trong gần 80 ngày.

BFR (ngoài cùng bên phải) cao và lớn hơn hẳn so với các tàu vũ trụ trước đây của SpaceX. Ảnh: SpaceX

Năm ngoái, tuy rằng đã tiết lộ những thông tin cơ bản về con tàu vũ trụ mang mật danh BFR, nhưng Musk chưa tìm ra nguồn vốn cho dự án.

Hiện, nhà tỉ phú tuyên bố đã nghĩ ra cách: “cho ra rìa” tất cả các sản phẩm khác của hãng, bao gồm hai tên lửa đẩy Falcon 9 và Falcon Heavy, cùng tàu vũ trụ Dragon, để tập trung nguồn lực và tài nguyên cho con tàu mới BRF này. BRF thực chất là tàu vũ trụ tích hợp tên lửa đẩy, có thể tái sử dụng nhiều lần.

Thay vì vận hành nhiều tàu vũ trụ nhỏ như trước đây để phóng vệ tinh vào quỹ đạo, hay cung ứng hàng hóa cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), tàu vũ trụ tích hợp tên lửa đẩy BFR sẽ được dùng để hoàn thành tất cả sứ mệnh trên.

Mô phỏng hoạt động của tàu không gian BFR. Ảnh: SpaceX

Musk chủ trương sử dụng các tàu vũ trụ có khả năng tái sử dụng. Ông cho biết, 16 lần hạ cánh thành công của tên lửa Falcon 9 là một điểm nhấn ấn tượng, giúp giảm chi phí cho dự án mới.

Thật điên khùng nếu chúng ta đóng mấy quả tên lửa phức tạp đó để rồi chúng phát nổ sau mỗi lần sử dụng.”

– Tỉ phú Elon Musk

Tàu BFR trong không gian. Ảnh: SpaceX

Vận tải người trên Trái Đất, đến bất cứ đâu trong 1 giờ đồng hồ

Ngoài ra, BFR còn có thể được dùng để chở người và hàng hóa nhanh giữa các quốc gia trên Trái Đất.
Với tốc độ cực đại 29.000km/h, tàu BFR có thể chở hành khách thương mại đến bất cứ đâu trên Trái đất trong nhiều nhất 1 giờ đồng hồ.

“Nếu con tàu này được đóng để bay lên Mặt trăng và Sao Hỏa thì tại sao lại không dùng nó để đến những địa điểm khác trên Trái đất”,

– Tỉ phú Elon Musk

Video chính thức của SpaceX về Hệ thống Vận chuyển Liên hành tinh thuộc dự án tên lửa BFR:

Quý Khải T/H

Exit mobile version