Những tiến bộ trong việc phát triển trí thông minh nhân tạo AI của Trung Quốc đang khiến rất nhiều chính phủ lo lắng. Hiện tại, nhà đầu tư, tỷ phú George Soros đã đưa ra một cảnh báo về cách chương trình AI của Bắc Kinh có thể tiến tới đe dọa các xã hội mở. Ông đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa kết thúc gần đây tại Davos, Thụy Sĩ.
Thay thế một dạng độc quyền này bằng một dạng độc quyền khác?
Năm 2017, Trung Quốc đã ban hành một chiến lược rộng lớn nhằm đưa nước này trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghệ vào năm 2030, truất ngôi và thay thế vị thế của Mỹ. Trung Quốc cũng đang triển khai Hệ thống Tín dụng Xã hội nhằm xác định vị thế của một người trong xã hội bằng cách theo dõi nhiều thông số như lịch sử tài chính, lịch sử pháp lý, các mối quan hệ cá nhân, hoạt động Internet, v.v.
“Hệ thống tín dụng xã hội, nếu đi vào hoạt động, sẽ mang lại cho Tập Cận Bình toàn quyền kiểm soát đối với người dân… Sự kết hợp giữa các chính quyền độc tài với việc độc quyền trên các lĩnh vực Công nghệ thông tin sẽ cung cấp cho các chế độ lợi thế cạnh tranh đối với các xã hội mở … Chúng mang lại một mối đe dọa chết người đối với các xã hội mở”, Soros nói trong một tuyên bố ( Wired ).
Ông cũng yêu cầu Tổng thống Trump có những hành động nghiêm khắc đối với các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE để đảm bảo chúng sẽ không thống trị thị trường công nghệ 5G toàn cầu. Soros đề nghị hình thành một cộng đồng quốc tế nhằm kiểm soát tính độc tài theo định hướng AI. Rốt cục, ông yêu cầu tạo một hiệp ước công nghệ toàn cầu giữa các quốc gia, giống với hiệp ước dẫn đến việc thành lập Liên Hợp Quốc, để việc sử dụng các hệ thống AI nhằm lạm dụng quyền con người có thể bị hạn chế và giảm thiểu.
Mặc dù ý tưởng về một hiệp ước công nghệ giữa các quốc gia nghe có vẻ tuyệt vời, nhưng nó cũng làm dấy lên một số quan ngại nghiêm trọng liên quan đến các hệ lụy của nó. Lấy ví dụ, một thỏa thuận của Liên Hợp Quốc về việc di cư đã buộc các quốc gia châu Âu phải mở cánh cửa nhập cư hàng loạt đối với người tị nạn từ Trung Đông và châu Phi vào đất nước của họ. Một số quốc gia EU hiện đang có những hiểu lầm về nó và cảm thấy như thể sự di cư quá mức đang gây ra những căng thẳng sắc tộc trong khu vực.
Liệu một hiệp ước công nghệ sẽ dẫn đến một hệ quả tương tự? Điều gì sẽ xảy ra nếu hiệp ước buộc các quốc gia giao nộp một số vũ khí nhất định cho AI vì “Trí thông minh nhân tạo AI không thể bị hỏng?” Điều gì sẽ xảy ra nếu hiệp ước yêu cầu thông tin cá nhân của công dân nước này mở rộng đến tất cả các quốc gia? Những vấn đề và quan ngại như vậy có thể tạo ra những xung đột lớn giữa các quốc gia, các dân tộc.
Quân đội AI của Trung Quốc
Những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự AI đã được các cơ quan tình báo của nước này coi là mối nguy hiểm đối với nước Mỹ. Tháng 2/2018, Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Dan Coats đã cảnh báo rằng việc Trung Quốc sử dụng Trí tuệ Nhân tạo có thể dẫn đến các hoạt động gián điệp và tấn công mạng dữ dội hơn chống lại Hoa Kỳ.
“Những ngụ ý trong việc đối thủ chúng tôi sử dụng AI là rất sâu rộng… Chúng bao gồm một lỗ hổng gia tăng đối với việc tấn công mạng, khó khăn trong việc truy tìm nguyên nhân, sự thúc đẩy các tiến bộ trong vũ khí ngoại quốc và hệ thống tình báo, nguy cơ tai nạn và các vấn đề pháp lý liên quan, và nạn thất nghiệp”, anh nói trong một tuyên bố ( The National Interest ).
Năm ngoái, Trung Quốc đã trình diễn một chiếc xe tăng không người lái kèm theo một đội máy bay không người lái đang được phát triển như một phần của các chương trình quân sự AI. Họ cũng được cho là đang phát triển các Phương tiện Chiến đấu Dưới nước Không người lái (UUCV) dưới biển sâu để giành ưu thế vượt trội tại vùng Biển Đông. Một lượng lớn các mạng lưới cảm biến dưới nước dự kiến sẽ được triển khai trong khu vực để tạo ra một “Vạn Lý Trường Thành ngầm”.
Cam kết của Trung Quốc trong việc phát triển vũ khí AI thậm chí đã dẫn đến việc nước này tạo ra một chương trình đào tạo cho trẻ em. Năm ngoái, một loạt thanh thiếu niên đã được chọn lựa từ khoảng 5.000 ứng viên cho mục đích này. Ở Mỹ, một hành động như vậy sẽ bị gọi là đang lạm dụng trẻ em và tạo ra nhiều chỉ trích từ công chúng. Nhưng ở Trung Quốc, ĐCSTQ không quan tâm đến việc quân sự hóa tâm trí của trẻ em nước này, khi thấm nhuần chúng bằng tư tưởng bạo lực từ khi còn rất nhỏ.
Quang Khánh (theo Vision Times)