Đại Kỷ Nguyên

Ứng cử viên cho ca cấy ghép đầu vẫn sống tốt, mà … không cần phẫu thuật

Ứng cử viên cho ca cấy ghép đầu vẫn sống tốt, mà ... không cần phẫu thuật

Ảnh: ĐKN

Người đàn ông tình nguyện trở thành người đầu tiên được cấy ghép toàn bộ phần đầu vào một cơ thể mới đã không được tiến hành phẫu thuật như dự định – nhưng anh vẫn có một cuộc sống mới tràn đầy niềm vui.

Valery Spiridonov đã phải chịu đựng cả cuộc đời vì căn bệnh Werdnig-Hoffmann, khiến cơ bắp anh bị teo nhỏ. Anh không thể đứng dậy hay bước đi một mình nếu không được hỗ trợ. Anh đã dành phần lớn cuộc đời mình bị bó buộc trên một chiếc xe lăn.

Valery Spiridonov tại một cuộc họp báo về ‘Hệ thống lái tự động cho xe lăn’ vào ngày 3 tháng 8 năm 2016, tại Moscow. Spiridonov dự tính là người đầu tiên trên thế giới thực hiện cấy ghép đầu, nhưng kế hoạch của anh đã thay đổi. (Ảnh: Yuri Kadobnov / AFP / Getty)

Spiridonov, hiện 33 tuổi, đã nghe về nghiên cứu đột phá của bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Ý – tiến sĩ Sergio Canavero vào năm 2015.

Canavero đã xuất bản một bài báo vào năm 2013 mô tả quy trình cấy ghép đầu hoàn chỉnh – gắn một cái đầu khỏe mạnh vào cơ thể của người hiến tặng. Ông đã công bố các kế hoạch cập nhật của mình vào tháng 6 năm 2015, và ngay lập tức Spiridonov đã tình nguyện tham dự.

“Tôi khó có thể kiểm soát cơ thể của mình vào lúc này. Tôi cần sự giúp đỡ mỗi ngày, mỗi phút. Bây giờ tôi đã 30 tuổi rồi, mặc dù mọi người hiếm khi sống đến hơn 20 tuổi khi mắc căn bệnh này”, Spiridonov trao đổi với trang Medical News Today vào năm 2015.

Trong tài liệu công bố năm 2015 của mình, Canavero ước tính sẽ cần một đội ngũ gồm 100 bác sĩ phẫu thuật trong liên tục 36 giờ để hoàn thành ca phẫu thuật.

Valery Spiridonov (trái), 33 tuổi, bên cạnh bác sĩ Sergio Canavero. Ảnh: dailymail.co.uk

Hầu hết giới y khoa đều bày tỏ sự hoài nghi với loại hình phẫu thuật này. Ngay cả Canavero cũng phải thừa nhận rằng tuy việc kết nối các tĩnh mạch và động mạch là tương đối đơn giản, song việc kết nối hai tủy sống (quá trình hợp nhất tủy sống – SCF) lại vô cùng khó khăn.

Trong bài báo năm 2015, Canavero cho biết, “Chìa khóa của SCF là việc cắt rời hai tủy sống, mà chỉ gây tổn hại tối thiểu đối với cả hai sợi trục thần kinh trong chất trắng và tế bào thần kinh trong lamina màu xám. Đây là một điểm quan trọng”.

Spiridonov biết rằng thời gian sớm nhất có thể tiến hành cuộc phẫu thuật là trong hai năm tiếp theo. Tuy nhiên, trao đổi với tờ Newsweek, Canavero tự tin cho rằng cơ hội thành công là 90%.

Nghiên cứu cấy ghép đầu chuyển đến Trung Quốc

Trên thực tế, khả năng thành công đã sớm được tiết lộ là con số không.

Theo Daily Mail đưa tin, gần hai năm sau khi Canavero xuất bản bài báo thứ hai của mình, Spiridonov thừa nhận công khai rằng cuộc phẫu thuật sẽ không xảy ra . Vào tháng 6 năm 2017, Spiridonov cho biết Canavero đã quyết định chuyển cuộc phẫu thuật đến Trung Quốc.

Có thể Canavero đã thay đổi kế hoạch của mình để tận dụng bộ luật đạo đức y khoa lỏng lẻo của Trung Quốc và để tránh các vấn đề pháp lý nảy sinh nếu cuộc phẫu thuật thất bại.

Vào tháng 11 năm 2017, Canavero tuyên bố ông đã cấy ghép thành công đầu của một xác chết này sang cơ thể một xác chết khác. Làm việc với một đội ngũ do bác sĩ Xiaoping Ren thuộc Đại học Y Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) dẫn đầu, Canavero đã ghép đầu một xác chết lên cơ thể của một xác chết khác , trong một cuộc phẫu thuật kéo dài 18 giờ, tờ Telegraph cho hay.

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Ý, Sergio Canavero cùng bác sĩ Trung Quốc Ren Xiaoping. Ảnh: OOOM

Canavero và Xiaoping trước đây đã hợp tác để cấy đầu của một con khỉ, theo tờ Telegraph. Con khỉ không bao giờ tỉnh lại và nếu có, nó sẽ bị tê liệt suốt đời vì các bác sĩ phẫu thuật đã không cố gắng hợp nhất hai tủy sống lại với nhau.

Bước tiếp theo sẽ là việc trao đổi đầu giữa hai người hiến tạng chết não, Canavero trao đổi với tạp chí The Sun. Sau đó, ông sẽ bắt đầu làm việc với một người Trung Quốc bị bệnh hoặc khuyết tật giống Spiridonov.

Với việc Canavero cam kết hợp tác với đội ngũ Trung Quốc và nhận được các nguồn tài trợ từ Trung Quốc , Spiridonov đã mất cơ hội có một cơ thể mới cho mình.

Tuy vậy, nhà khoa học máy tính người Nga không tỏ ra thất vọng.

Trao đổi với tờ Daily Mail, Spiridonov nói:

“Tôi cảm thấy mình như vừa trút được một gánh nặng trên vai. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đã có một động lực vô ích để trở thành người đầu tiên (cấy ghép đầu). Tôi đã dành hai năm cuộc đời mình cho dự án này. Tôi sẽ rất vui khi thấy điều đó xảy ra (với người khác).”

Sống tốt bất chấp căn bệnh hiểm nghèo

Valery Spridinonov đã không lãng phí 2 năm đó chỉ để mong đợi cuộc phẫu thuật này.

Trong khi chờ đợi tin nhắn từ Canavero, chàng trai công nghệ đã tự thiết kế một chiếc xe lăn “thông minh” cho mình, có khả năng phản hồi các lệnh bằng giọng nói – một giải pháp hoàn hảo cho các nhu cầu của anh.

Spiridinov đã chuyển đến bang Florida (Mỹ), nơi anh đăng ký vào Đại học Florida để học ngành công nghệ nhận diện cảm xúc trên máy tính.

Spridonov đã chuyển đến Mỹ và đang theo học ngành nhân diện cảm xúc trên máy tính tại Đại học Florida. Ảnh: dailymail.co.uk

Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng nhất trong cuộc sống của anh hiện nay không phải là kỹ thuật hay y tế, mà là tình yêu.

Spridonov sau đó đã kết hôn với nữ đồng nghiệp Anastasia Panfilova tại một buổi lễ ở Moscow vào khoảng một năm trước. Cô đã chuyển đến Hoa Kỳ cùng anh và gần đây đã hạ sinh đứa con trai đầu lòng.

Anastasia Panfilova, đồng nghiệp, sau này trở thành vợ của Spridonov. Ảnh: dailymail.co.uk
Anastasia Panfilova có bằng thạc sĩ về công nghệ hóa học và từng có khoảng thời gian học tập ở Ý, đã tiến hành khám thai để đảm bảo em bé của họ không thừa hưởng tình trạng của Spiridonov. Ảnh: dailymail.co.uk

“Chúng tôi sống trong cùng một thành phố và thường gặp nhau trong môi trường làm việc, và sớm nhận ra rằng chúng tôi thực sự cảm thấy tốt khi ở bên nhau”, Spiridonov giải thích với tờ Daily Mail.

“Cô ấy có vài tấm bằng đại học. Chúng tôi đã kết hôn cách đây hơn một năm ở Moscow.”

Bệnh Werdnig-Hoffmann có thể truyền sang thế hệ sau. Không lâu sau khi nhận ra Panfilova đang mang thai, cô đã được tiến hành xét nghiệm, và kết quả cho thấy đứa trẻ không thừa hưởng gen bệnh.

Spiridonov đang bế đứa con đầu lòng. Ảnh: Dailymail

Spiridonov coi đó là một “phép màu”.

Người bố dũng cảm tỏ ra không hối tiếc việc không có được một cơ thể khỏe mạnh.

Trao đổi với tờ The Sun, Spiridonov nói:

“Tôi rất biết ơn Canavero. Nhờ những nỗ lực chung của chúng tôi, nhiều điều đang thay đổi theo hướng tích cực, và cho cả bản thân tôi nữa”.

Spiridonov đang kiếm sống bằng công việc tư vấn. Ảnh: sputniknews.com
Và anh đang tràn đầy niềm tin và hy vọng vào tương lai. Ảnh: dailymail.co.uk

Video:

Tác giả: Chris Jasurek, NTD
Nhật Quang – Quang Khánh biên dịch

Exit mobile version