Những thành tựu khoa học đã thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp thời trang nhưng cũng nhanh chóng bộc lộ những khiếm khuyết ngay từ thế kỉ 19, với những chiếc váy chứa arsenic, mũ chứa thủy ngân và quần áo dễ cháy gây ra rất nhiều đau đớn cho chủ nhân của chúng.
Trong khi đang ngồi tại nhà vào một buổi chiều năm 1861, bộ đồ của bà Fanny bắt lửa. Vết bỏng nghiêm trọng đến nỗi khiến Fanny chết vào ngày hôm sau. Theo cáo phó, ngọn lửa đã bắt đầu khi “một que diêm hoặc tàn lửa bắt vào chiếc váy bà đang mặc.”
Vào thời điểm đó, nến, đèn dầu và lò sưởi vẫn là các công cụ chủ yếu cho việc thắp sáng và sưởi ấm các ngôi nhà tại Mỹ và châu Âu, khiến những chiếc váy rộng của phụ nữ, váy bông và vải tuyn trở thành một mối nguy hiểm tiềm tàng, không giống như quần áo len bó sát hơn của nam giới.
Nhưng đó không phải là điều chủ yếu chúng ta muốn nhắc đến trong bài viết này. Những bộ trang phục thời kì đó còn mang theo những hiểm họa khôn lường khác – độc tố trong các sản phẩm may mặc.
Vớ được làm bằng thuốc nhuộm anilin gây viêm chân người dùng, tạo ra các vết loét trên da công nhân và thậm chí cả thư bàng quang. Đồ trang sức chứa chì khiến cổ tay những quý bà bị tổn thương và nhiễm độc. Đáng sợ hơn, những chiếc lược làm từ Celluloid có thể gây nổ do ma sát khi phụ nữ chải tóc. Tại Pittsburgh, một tờ báo báo cáo rằng một người đàn ông đã mất mạng vì một chiếc lược celluloid phát nổ “Trong khi chăm sóc cho bộ râu dài màu xám của mình”. Ở Brooklyn, một nhà máy sản xuất lược đã nổ tung.
Về cơ bản, rất nhiều quần áo thời trang nhất thời đó được chế tạo bằng những hóa chất ngày nay được coi là quá độc hại. Và tất nhiên, những người sản xuất quần áo là những người phải chịu đựng nhiều nhất.
Bóng ma thủy ngân
Nhiều người nghĩ rằng thành ngữ “điên rồ như người làm mũ” đề cập đến các tác dụng phụ về mặt tinh thần và thể chất mà những người thợ làm mũ phải chịu đựng từ việc sử dụng thủy ngân trong nghề của họ. Mặc dù các học giả tranh luận liệu đây có phải là nguồn gốc của cụm từ này hay không, thực tế là đã có rất nhiều thợ làm mũ bị nhiễm độc thủy ngân.
Vào thế kỷ 18 và 19, rất nhiều nón của nam giới được làm bằng lông thỏ. Để làm cho chiếc lông này dính lại với nhau để tạo kiểu, những người thợ làm mũ chải nó với thủy ngân.
“Nó cực kỳ độc hại”, Alison Matthews David, tác giả của cuốn Fashion Victims: The Dangers of Dress Past and Present nói. “Đặc biệt nếu bạn hít phải. Nó sẽ đi thẳng vào bộ não của bạn. ”
Một trong những triệu chứng đầu tiên là các vấn đề về vận động thần kinh, như run rẩy. Sau đó, là các vấn đề tâm lý. “Bạn sẽ trở nên vô cùng nhút nhát và hoang tưởng,” Matthews David nói. Khi các bác sĩ y khoa đến thăm xưởng làm mũ và ghi lại các triệu chứng, những người thợ làm mũ “nghĩ rằng họ đang bị theo dõi, họ ném các công cụ xuống đất và bày tỏ sự tức giận tột độ”. Nhiều thợ làm mũ cũng phát triển các vấn đề về tim mạch, rụng răng và chết sớm.
Mặc dù những triệu chứng này được ghi lại, nhiều người coi chúng như những mối nguy hiểm mà người ta phải chấp nhận với công việc. Và bên cạnh đó, thủy ngân chỉ ảnh hưởng đến thợ làm mũ chứ không phải người tiêu dùng, những người được bảo vệ bởi những chiếc mũ lót.
Phải đến giữa thế kỉ 20, sự việc mới được giải quyết. Nhưng không phải là do một lệnh cấm nào cả mà đơn giản đó là thời điểm những chiếc mũ của nam giới đã hết thời trang trong những năm 1960.
Những bộ trang phục bắt mắt chứa arsenic
Arsenic tồn tại khắp mọi nơi ở Anh quốc. Mặc dù nó được biết đến như một vũ khí giết người, nhưng với việc dễ kiếm và rẻ tiền nó đã được sử dụng rất nhiều trong các sản phẩm tiêu dùng như nến, rèm cửa và giấy dán tường.
Bởi vì có thể tạo ra các sản phẩm vải nhuộm màu xanh lá cây sáng, arsenic cũng xuất hiện trong trang phục, găng tay, giày dép, và vòng hoa nhân tạo vốn được phụ nữ sử dụng để trang trí tóc và quần áo.
Những sản phẩm này được ghi nhận là có thể gây phát ban cho những phụ nữ mặc chúng. Nhưng giống như mũ thủy ngân, những món đồ thời trang chứa arsenic là nguy hiểm nhất đối với những người sản xuất chúng, Matthews David nói.
Ví dụ, vào năm 1861, một nhà sản xuất hoa nhân tạo 19 tuổi tên là Matilda Scheurer – có công việc liên quan đến bụi hoa với bột màu xanh lá cây, đã phải nhận một cái chết “kinh hoàng và đầy màu sắc”. Cô co giật, nôn mửa, sùi bọt mép với dịch mật, móng tay và lòng trắng của mắt chuyển màu xanh lá cây. Khám nghiệm tử thi tìm thấy arsenic trong dạ dày, gan và phổi.
Các bài viết về cái chết của Scheurer và hoàn cảnh của các nhà sản xuất hoa nhân tạo đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về arsenic trong thời trang. Tạp chí Y khoa Anh viết rằng một cô gái có thể “mang trong váy của cô lượng độc đủ để giết toàn bộ những người ngưỡng mộ cô ấy có thể gặp trong một buổi tiệc nhỏ.” Vào giữa những năm 1800, những tuyên bố giật gân như vậy đã tạo lên một làn sóng mạnh mẽ trong công chúng nhằm tẩy chay thời trang chứa arsenic.
Thời trang an toàn và sự khiếm khuyết của khoa học
Mối quan tâm của công chúng đối với arsenic đã giúp loại bỏ nó khỏi thời trang. Nhưng cho đến ngày nay, thời trang tiềm ẩn chết chóc vẫn còn rất thịnh hành tại nhiều công xưởng của thế giới. Chẳng hạn, vào năm 2009, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm việc phun denim bằng cát trong quy trình sản xuất quần jeans- lý do khiến công nhân bị nhiễm độc bụi silic.
“Đó không phải là một căn bệnh có thể chữa được”, Matthews David. “Nếu bạn có cát trong phổi, nó sẽ giết bạn.”
Tuy nhiên, khi một phương pháp sản xuất nguy hiểm bị cấm ở một quốc gia – và khi nhu cầu về quần áo mà phương pháp sản xuất vẫn cao – thì việc sản xuất về cơ bản vẫn tiếp tục, người chủ công ty sẽ đơn giản di chuyển nhà máy tới nơi khác (hoặc tiếp tục bất chấp lệnh cấm). Năm ngoái, Al Jazeera phát hiện ra rằng một số nhà máy Trung Quốc vẫn đang sử dụng công nghệ phun cát để sản xuất quần áo…
Hồi tháng 7/2018, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) cũng đưa ra một loạt các cảnh báo liên quan đến các sản phẩm may mặc chứa hóa chất độc hại.
Đầu tiên là là các chất PFC (perfluorinated chemicals), bao gồm chất phụ gia không dính Teflon.
Những hóa chất này và cả formaldehyde được ngành công nghiệp dệt may ưa chuộng bởi chúng giúp cho các chất liệu vải gia tăng độ bền và không bị nhăn. Hầu hết các loại vải vóc và quần áo không nhăn đều có chứa PFC.
Các sản phẩm cao su dùng trong may mặc cũng là một nguyên nhân phổ biến gây dị ứng. Ban đỏ xung quanh thắt lưng, cổ tay và mắt cá có thể là những vị trí gợi ý sự xuất hiện của dị ứng với những thành phần của cao sụ. Có một số loại cao su khác nhau có thể gay viêm da dị ứng; những loại này bao gồm :cao su đen, carba, mercapto, thiuram, và mercaptobenzothiazole.
Niken được tìm thấy trong khóa quần (đặc biệt là quần jean), váy và áo khoác, thắt lưng và phụ kiện cũng là một nguyên nhân gây dị ứng tiêu biểu. Một thống kê tại Mỹ chỉ ra rằng, dị ứng nickel có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, phổ biến ở nữ giới hơn nam giới. 16% nam giới và 36% nữ giới dưới 18 tuổi trong dân số Mỹ dị ứng với kim loại này.
Tất nhiên, trong danh sách không thể thiếu các chất nhuộm vải. Một số loại thuốc nhuộm trong quần áo có thể gây viêm da tiếp xúc. Chẳng hạn, xanh tán xạ 106 là chất nhuộm xanh được sử dụng với quần áo màu xanh thẫm, nâu, đen, tím và xanh lá. Vì chất này liên quan đến phenylenediamine, nó có thể gây dị ứng với những người bị dị ứng với nhuộm tóc.
Vào những năm 1800, những người đàn ông đội mũ thủy ngân hoặc những phụ nữ mặc quần áo và phụ kiện có chứa arsenic có thể đã thấy những người sản xuất những đồ vật này trên đường phố London, hoặc đọc được những mối nguy hiểm về chúng trên báo chí địa phương. Nhưng ngày nay, chúng ta không dễ để thấy được các hiệu ứng chết người mà các lựa chọn thời trang của chúng ta có thể mang lại.
Câu chuyện thời trang trên đây phần nào cho thấy mặt trái của các thành tựu khoa học. Nó không toàn vẹn và luôn mang theo các tác động tiêu cực, khác hoàn toàn với các sản phẩm tự nhiên trong quá khứ. Khoa học hiện đại thực sự không đáng được trân trọng và tôn thờ như nhiều người vẫn nghĩ.
Hoài Anh