Với sự cơ động, linh hoạt và sức chiến đấu bề bỉ, đội hình Legion đã giúp người La Mã thống trị một vùng đất rộng lớn và vượt qua cả đội hình Phalanx trứ danh của người Hy Lạp trên chiến trường cổ đại.
Với những ai đam mê bộ phim đinh đám “300” của Hollywood thì không quá xa lạ với Hoplite Phalanx. Đây là đội hình dành cho bộ binh trang bị nặng và sử dụng vũ khí dài như thương, giáo…
Với dạng hình chữ nhật, các chiến binh được trang bị giáo và khiên tròn sẽ đứng sát cạnh nhau, khiên của họ xếp san sát nhau, những ngọn giáo của các chiến binh hàng đầu tiên sẽ chĩa ra ngoài để tạo nên bức tường không thể xâm nhập. Thêm vào đó, mỗi binh sĩ sẽ mang khiên Hoplon bên ngực trái để bảo vệ tim và phần bên phải của binh sĩ bên cạnh.
Đội hình Phalanx thường có 8 hàng, dài khoảng 300m. Bốn hàng quân đầu tiên sẽ giương giáo về phía trước, các hàng sau sẽ nâng giáo lên phía trên để tạo một hàng rào bảo vệ theo kiểu con nhím. Kẻ thù không thể đánh trực diện vì độ dài của những ngọn giáo (4 – 7m) hay phóng lao từ xa vì những chiếc khiên chắn dày và nặng cản lại.
Trận đánh nổi tiếng nhất trong lịch sử cổ đại của đội hình hoplite phalanx là trận Marathon. Trận đánh này diễn ra vào mùa thu năm 490 TCN trong Cuộc xâm lược Hy Lạp lần thứ nhất của đế chế Ba Tư hùng mạnh với quân đội Athena cùng sự giúp sức của quân Plataea.
Đây là một cuộc chiến không cân sức giữa 72.000 quân Ba Tư với 11.000 quân Hy Lạp với tôn chỉ duy nhất: “tử chiến đến cùng, thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”. Bộ binh Athens chia làm bộ binh nặng và bộ binh nhẹ chiến đấu theo đội hình phalanx, lấy bộ binh hạng nặng làm nòng cốt chiến đấu, quân Athens nhờ có chiến thuật và đội hình tốt đã chiến thắng một cách vang dội.
Tuy nhiên về sau này, đội hình Legion của người La Mã kết hợp sử dụng kiếm ngắn và khiên lớn thay vì dùng giáo dài và khiên nhỏ dần dần thay thế đội hình Phalanx của người Hy Lạp trên chiến trường cho đến năm 378 TCN nhờ sức mạnh vượt trội hơn hẳn.
Nói đến đây chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc rằng đội hình chiến đấu huyền thoại từng giúp Alexandro Đại đế lập nên một trong những đế chế rộng lớn và hùng mạnh nhất thế giới lại mất ngôi vương về tay người La Mã như vậy?
Nhà sử học người Hy Lạp Polybius trong thế kỷ II TCN cho rằng Phalanx quá cồng kềnh và khó sử dụng đối với những người lính, cũng như khó có thể thay đổi hướng hoặc hoạt động hiệu quả trên một địa hình gồ ghề, không bằng phẳng, chiến đấu độc lập nếu đội hình của họ bị phá vỡ.
Vậy bí mật của đội hình Legion của người La Mã nằm ở đâu?
Myke Cole, nhà văn giả tưởng người Mỹ đã phân tích và nghiên cứu 6 trận đánh lớn giữa đội hình Legion và Phalanx có thật trong lịch sử là Heraclea -280 TCN, Asculum – 279 TCN, Beneventum – 275 TCN, Cynoscephalae – 197 TCN, Magnesia – 190 TCN và Pydna – 168 TCN để đưa ra 4 nguyên nhân dưới đây:
1. Sự cơ động và sức chiến đấu bền bỉ.
Đội hình Legion của La Mã được sắp xếp thành nhiều hàng và mỗi hàng lại gồm nhiều nhóm quân nhỏ.
Cụ thể, các binh lính phải tập thể lực và hành quân hàng ngày để gia tăng sức bền chiến đấu. Khi nhập cuộc, khi các binh sĩ ở hàng đầu tiên chiến đấu được một thời gian và thấm mệt, các Centurion (đội trưởng) sẽ ra hiệu để họ lùi về phía sau, xuống hàng cuối cùng để hàng thứ 2 dâng lên chiến đấu tiếp. Bằng cách này, quân đội La Mã tỏ ra vô cùng bền bỉ và dai dẳng trong chiến đấu.
Trong khi các binh sĩ Hy Lạp thường dàn trận với khoảng cách gần 1 m thì quân đoàn La Mã lại tiến hành triển khai trong khoảng không gian rộng gấp đôi như thế.
Có thể nói đây là một đội hình hỗ trợ cho nhau rất tốt nhờ sự luân phiên thay đổi giữa các binh lính cực kỳ hiệu quả trong các cuộc chiến kéo dài và cần nhiều sức lực, nhất là ở địa hình ghồ ghề mà không sợ bị vỡ đội hình ban đầu vì việc duy trì khoảng cách rộng giúp những người lính có thể dễ dàng tiến lui, vung kiếm hay yểm trợ lẫn nhau.
2. Sự khác biệt về vũ khí
Phalanx thường được triển khai theo những hàng đơn lẻ và cầm vũ khí nặng, dài khiến các binh lính khó có thể hỗ trợ nhau hay độc lập tác chiến. Ngoài ra, nó chỉ có thể phát huy hiệu quả khi những người lính tập hợp thành một khối đồng nhất.
Còn Legion của người La Mã với những thanh kiếm ngắn tỏ ra hiệu quả hơn với cả điều kiện đội hình và chiến đấu độc lập, nếu chiến đấu 1 chọi 1, một cây kiếm ngắn sẽ ít tốn sức lực hơn 1 cây giáo dài và nặng. Hơn nữa, những chiếc khiến lớn giúp Legion chặn đứng được mưa tên, đá của kẻ thù nhằm bảo vệ binh lính.
Ngoài ra, Legion có thể đổi hướng khi chiến đấu rất đơn giản, không như Phalanx chỉ có thể giao tranh theo 1 hướng duy nhất là phía trước mặt. Việc sử dụng những cây giáo dài tới vài mét khiến việc xoay hướng cũng có thể khiến chúng bị vướng vào nhau, gây hỗn loạn.
3. Sự can trường và lòng dũng cảm của binh lính
Tất nhiên rồi, 1 đội quân mạnh không chỉ có trang bị đầy đủ mà còn có cả tinh thần chiến đấu. Các binh sỹ phải tập thể lực và hành quân hàng ngày để gia tăng sức bền chiến đấu và có tính kỷ luật cực cao. Những người lính Legion trong quân đội La Mã luôn được khích lệ, khen thưởng nhằm củng cố tên tuổi của họ nhằm đánh thức lòng dũng cảm trong mỗi binh lính.
Và khi lâm trận và mọi thứ nằm ngoài sự kiểm soát của người tướng quân, phẩm chất đặc biệt này mới trỗi dậy và họ có thể linh hoạt chiến đấu sao cho mang lại hiệu quả cao nhất. Sự chủ động này khác biệt với quân đội Hy Lạp, nơi mà nhà vua là người có quyền lực tối cao.
4. Sự khác biệt ở tướng chỉ huy
Alexander Đại đế là một nhà cầm quân tài ba trong lịch sử, ông tự mình dẫn đầu trong đoàn quân xông pha trận mạc bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn như việc thành lập ra đội kỵ binh Companion và là đỉnh của tam giác.
Tuy nhiên, khi đội hình Phalanx không còn thống trị trên chiến trường, việc người chỉ huy luôn ở vị trí dẫn đầu lại không phải là một lựa chọn số 1.
Thay vào đó, ở đội hình Legion, những vị tướng La Mã chỉ huy ở phía sau ranh giới giao tranh của trận chiến để tiến hành ra lệnh, chỉ huy và sắp xếp đội quân của mình một cách linh hoạt trước những tình huống bất ngờ. Đây là cách bố trí rất thông minh, vừa đảm bảo tính mạng cho tướng chỉ huy vừa có thể phát huy hết sức mạnh cho đội quân trong lúc giao tranh.
Sơn Tùng