Những que kem mát lạnh hãy những cốc siro hoa quả với đá bào trông rất ngon miệng đôi khi lại đem đến cảm giác tê buốt từ cổ họng, răng cho đến tận não. Vậy đã bao giờ bạn thử hỏi rằng vì sao lại xuất hiện tình huống này hay chưa?

Trong những ngày hè nóng nực, kem có lẽ là đồ ăn giải nhiệt hữu hiệu mà nhiều người rất yêu thích. Cắn miếng đầu tiên, vị ngọt và hơi lạnh bắt đầu đi khắp cơ thể bạn, cắn miếng tiếp theo thì hàm răng bắt đầu có giác buốt. Khi cắn đến miếng thứ 3 thì cảm giác buốt lên tận óc hành hạ đầu não và khiến bạn phải ăn chậm lại. 

Nhiều người bị buốt răng khi ăn kem hoặc uống nước lạnh. (Ảnh: Dokter Sehat)

Thực tế không chỉ có kem mà bạn ăn hay uống bất cứ thứ gì lạnh quá nhanh thường có những cảm giác tương tự như thế. Vậy điều gì đang xảy ra với bộ não của chúng ta?

Phải chăng bộ não bị đau khi ăn đồ lạnh?

Yên tâm đi vì não của bạn không bị lạnh đâu, thậm chí nó còn không cảm nhận được cái lạnh là như thế nào nữa. 

Trên thực tế, các bác sỹ phẫu thuật có thể phẫu thuật trên não khi bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo mà không cần dùng thuốc mê. Họ chỉ gây tê cho bệnh nhân để họ không cảm nhận được cơn đau từ da đầu, sọ và những mô nằm dưới. Cơn đau tuyệt nhiên không bắt nguồn từ não.

Một nhóm các nhà thần kinh học đã định nghĩa cảm giác “buốt đầu” trên như sau: Đó là một cơn đau đầu do tiêu hóa hay hít thở những tác nhân kích thích lạnh. Theo đó, bất kì những thứ gì lạnh (có thể ở dạng rắn, lỏng hay khí) khi đi ngang qua vòm miệng hoặc thành sau của cuống họng có thể gây ra hiện tượng ‘buốt đầu’.

Vậy nguyên nhân gì khiến bạn bị “buốt đầu” khi ăn kem?

Khi bị buốt óc khi ăn thực phẩm quá lạnh, ngay lập tức bạn sẽ phải trải qua một cảm giác đau nhức dồn dập theo từng cơn, giống đang có một vật nhọn đâm vào đầu. Cảm giác đó không hề dễ chịu cho những ai không may mắc phải nó.

Nguyên nhân là khi ăn kem hay thực phẩm ướp lạnh, chúng đi qua vòm họng quá nhanh sẽ kích thích mạnh niêm mạc và các cơ quan cảm giác, các đầu mút dây thần kinh điều khiển, các mạch máu lên não…, nhất là vùng não trước bị kích thích tại chỗ khiến nó co lại, trong khi mạch máu vùng não lại giãn phồng ra hơn bình thường (gần như bị tăng áp lực vỏ não).

(Ảnh: Popular Science)

Các mạch máu não bị phồng lên đột ngột sẽ gây đau đầu như bị giật… khiến đầu đau nhức buốt, buồn nôn, nhất là vùng thái dương, trán.

Vị trí đau buốt đầu thường ở giữa trán, hoặc gần huyệt thái dương – y học gọi là chứng “não đóng băng”. Vì chứng này gây buồn nôn nên nhiều người nhầm tưởng là trúng gió. Hiện tượng này không quá nguy hiểm, tuy nhiên chúng ta cũng cần chú ý trong việc ăn uống để có thể hạn chế chúng để tránh nguy cơ ảnh hưởng tới não bộ và nguy cơ ức chế hệ thần kinh.

Mối quan hệ với chứng đau nửa đầu

Những người thường xuyên bị triệu chứng “buốt óc” hành hạ có xu hướng bị đau nửa đầu. Một nghiên cứu so sánh mức độ thường xuyên bị “buốt đầu” giữa những người mắc chứng đau nửa đầu và những người bị đau đầu chưa rõ nguyên nhân.

Kết quả trong vòng 90s, 74% số người đau nửa đầu cho biết rằng họ bị đau vùng thái dương. Trong khi con số đó ở những người có tiền sử đau đầu là 32%. Chỉ có 12% ứng viên không có tiền sử đau đầu có những trải nghiệm cảm giác “buốt óc” khi thực hiện thí nghiệm tương tự.

Nghiên cứu cho thấy những người bị buốt óc có xu hướng mắc bệnh nửa đầu. (Ảnh: Donegal Daily)

Hiện nay, mối quan hệ giữa hiện tượng đau nửa đầu và buốt óc vẫn chưa được làm sáng tỏ. Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực nghiên cứu để làm sáng tỏ mối quan hệ này. Tuy vậy, nếu một người thường xuyên có dấu hiệu của sự buốt óc sau khi ăn thực phẩm quá lạnh, họ cũng chú ý đến sức khỏe của mình hơn để tránh căn bệnh trên. 

Video:

Sơn Tùng