Hầu hết chúng ta đều sử dụng tay phải để thực hiện các công việc trong cuộc sống cũng như lao động nhưng một phần nhỏ trong số đó lại thuận tay trái.
Người thuận tay trái là người dùng tay trái để làm những công việc chính như ném, cầm nắm đồ vật, sử dụng dụng cụ như viết, cầm đũa ăn cơm, cắt xén, v.v… Khi leo trèo hoặc đấm đá thì người thuận tay trái sử dụng tay trái hoặc chân trái trước. Có một số người tuy thuận tay trái nhưng vì lý do xã hội hoặc truyền thống văn hoá, được hướng dẫn cầm viết bằng tay phải từ nhỏ. Do vậy, tay cầm viết không hẳn luôn luôn là tay thuận của mọi người.
Theo thống kê, có khoảng 8 – 15% người lớn thuận tay trái, nam nhiều hơn nữ. So với người khác, những cặp sinh đôi giống nhau thuận tay trái nhiều hơn. Khoảng 10% dân số thế giới thuận tay trái.
Người thuận tay trái luôn phải chịu nhiều bất công xuất phát từ việc bất tiện trong sinh hoạt, phân biệt đối xử, bắt phải chuyển sang tay phải… Dân gian có câu “Tay chiêu (tay trái) đập niêu không vỡ” hay thậm chí, có nơi xem người thuận tay trái là dấu hiệu của quỷ dữ.
Nhưng nếu xét lại bạn có hiểu vì sao lại có những người thuận tay trái như thế? Sao không thuận hết tất cả 1 tay đi cho dễ?
Từ những năm 80, các nhà khoa học đã phát hiện ra việc bạn thuận tay nào có thể xác định từ tuần thứ 8 của thai kỳ dựa trên công cụ siêu âm. Đến tuần thứ 13, thai nhi bắt đầu có xu hướng mút ngón tay bên tay thuận. Và rất nhiều ngiên cứu trước đó đều cho rằng não bộ là nhân tố quyết định bạn sẽ thuận tay nào, cụ thể là sự khác biệt về kiểu gen giữa 2 bán cầu não bộ.
Nhưng đến cuối năm 2017, mọi chuyện đã thay đổi và nguyên được xác định là do cột sống. Các chuyên gia từ Đại học Bochum (Đức) cùng một số nhà nghiên cứu tại Hà Lan và Nam Phi đã thực hiện nghiên cứu và đưa ra kết luận này.
Theo đó, họ cho rằng các hoạt động gen trong cột sống dường như mất cân đối trong giai đoạn thai kỳ và tùy vào việc nó lệch về bên nào mà quyết định đến tay thuận của đứa trẻ sau này.
Vậy vì sao não bộ không dính dáng gì trong vấn đề này?
Ai cũng biết rằng não bộ điều khiển tay, chân và vai dựa vào sự chuyển động ở vỏ não. Nó truyền tín hiệu đến cột sống và từ đây biến đổi thành chuyển động.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cột sống và vỏ não vận động không hề kết nối với nhau cho đến khi thai nhi được 15 tuần tuổi mà tay thuận đã được xác định từ trước đó khá lâu rồi. Điều này có nghĩa là phải có một thứ gì đó thay não bộ quyết định điều này và thứ đó chính là cột sống.
Các chuyên gia đã tiến hành phân tích hoạt động gen trong cột sống từ giai đoạn 8 – 12 tuần của thai nhi. Họ nhận ra rằng hoạt động có sự chênh lệch gen giữa 2 bên cột sống điều khiển tay và chân của chúng ta. Sự chênh lệch này được gọi là Ngoại di truyền (Epigenetics) giữa các thế hệ, chúng là quá trình các gen được biểu hiện khác nhau, tạo thành các cơ quan khác nhau. Sự khác biệt ấy ảnh hưởng đến hoạt động gen 2 bên cột sống và tạo ra cái gọi là tay thuận, tay nghịch.
Và nếu là di truyền, người thuận tay chiêu sao lại ít đến thế?
Hiện tại chưa có câu trả lời chính đáng cho vấn đề này. Năm 2012, các chuyên gia từ Đại học Northwestern (Mỹ) đã phát triển một mô hình toán học, nhằm chứng minh rằng những người thuận tay trái là kết quả thông qua quá trình rèn luyện. Họ cho rằng sẽ có những nguyên nhân xã hội đứng sau câu chuyện này, thay vì yếu tố di truyền đơn thuần.
Daniel Abrams, 1 thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết:
“Ở động vật, khi tính cộng đồng càng lớn, sẽ có xu hướng ủng hộ một thứ gì đó. Và với loài người đó là sự hợp tác. Đó chính là yếu tố đã tạo ra một xã hội chủ yếu là người thuận tay phải.” Trên thực tế, nghiên cứu gần nhất cũng cho thấy quá trình phân bổ gen cho tay trái chỉ là 25%.
Mặc dù vậy, những nghiên cứu này cũng không thể chứng minh tay phải được ưu tiên đến như vậy. Thậm chí nếu xét trong thực tế những người thuận tay trái còn tỏ ra ưu việt hơn những người thuận tay phải bởi họ tư duy nhanh hơn, đầu óc sáng tạo hơn, đối mặt với những thách thức tốt hơn hay sở hữu lợi thế trong nhiều môn thể thao….
Sơn Tùng