Gần đây, ông Trump vừa có phát biểu đáng ngại về việc đẩy mạnh kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và không loại trừ khả năng sử dụng loại vũ khí này ở Trung Đông và Châu Âu. Tuy rằng viễn cảnh tồi tệ nhất nhiều khả năng sẽ không xảy ra, nhưng việc suy ngẫm về nó có thể giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về sự nguy hại của loại vũ khí này.
Câu hỏi đặt ra là: Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả vũ khí hạt nhân trên thế giới hôm nay đồng loạt được khai hỏa hoặc phát nổ?
Để trả lời câu hỏi này, trước hết hãy xem các nước khác nhau có gì trong kho dự trữ hạt nhân của họ.
Tình hình hạt nhân hiện nay
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà khoa học Hoa Kỳ (Federation of American Scientists) năm 2017, có khoảng 14.900 đầu đạn hạt nhân trên thế giới. Mỹ có 6.800 và Nga có 7.000 đầu đạn, chiếm thành phần chủ yếu trong kho dự trữ hạt nhân thế giới. Anh có 215, Pháp 300, Trung Quốc 260, Ấn Độ 120, Pakistan 130, Israel khoảng 80, và Triều Tiên chỉ vỏn vẹn 10.
Sức công phá của từng loại đầu đạn có sự khác biệt khá lớn. Lấy ví dụ, Mỹ và Nga sở hữu bom nhiệt hạch siêu mạnh, trong khi Triều Tiên chỉ có trong tay một thiết bị phân hạch plutonium kiểu cũ.
Một trong những vũ khí mạnh nhất của Mỹ là B83, với sức công phá tương đương 1,2 triệu tấn TNT, hay bằng 79 quả bom nguyên tử “Little Boy” thả xuống Hiroshima trong Thế chiến II.
Khi được kích nổ, một quả cầu lửa khổng lồ rộng 5,7 km2, với mức nhiệt lên đến 83,3 triệu độ C sẽ xuất hiện. 50% năng lượng của toàn bộ đầu đạn sẽ được chuyển đổi thành một luồng sóng tạo áp (sóng sơ cấp) lớn mạnh, san bằng tất cả tòa nhà công trình trong vòng bán kính 16.8 km2.
Bức xạ nhiệt, chuyển đổi từ 35% năng lượng nổ, sẽ khiến tất cả mọi người trong vòng bán kính 420 km2 bị bỏng cấp độ 3, nhưng cơn đau sẽ chỉ kéo dài trong chưa đầy một giây trước khi các mút thần kinh của họ bị phá hủy hoàn toàn. Ngay cả những người may mắn sống sót cũng chưa chắc sinh tồn được trong môi trường phóng xạ ion hóa và bụi phóng xạ. Giả sử không chịu tác động của gió, một khu vực rộng 20,6 km2 sẽ bị phơi nhiễm phóng xạ nặng nề đến nỗi ước tính 50-90% người dân sẽ thiệt mạng.
Viễn cảnh toàn bộ bom hạt nhân phát nổ
Vậy nếu tất cả bom hạt nhân được kích nổ thì sao? Để đơn giản hóa vấn đề, chúng ta chỉ bao gồm Nga và Mỹ, vốn chiếm phần lớn kho dự trữ hạt nhân toàn cầu. Đồng thời, giả định tất cả 13.800 đầu đạn hạt nhân của hai nước đều là loại bom nhiệt hạch B83. Như vậy, sức mạnh hạt nhân của kho vũ khí này sẽ bằng với tổng năng lượng toàn bộ nước Mỹ tạo ra trong cả một năm.
Mỗi quả bom sẽ được thả rơi và phát nổ trên bề mặt. Giả định chúng được phát nổ cách đều tại các thành phố và thị trấn trên thế giới. Như vậy, 232.000 km2 cơ sở hạ tầng sẽ bị sóng xung kích thổi bay. Khu vực này, có diện tích gấp 295 lần New York, sẽ bị biến thành tro bụi.
Một quả cầu lửa rộng 79.000 km2 sẽ làm bốc hơi mọi thứ ngáng đường, và bất kỳ ai trong vòng 5,8 km2 sẽ bị bỏng độ 3. Như vậy bất kỳ ai trong một diện tích rộng bằng 3.700 thành phố kích thước như của London sẽ bị cháy sém.
Cuối cùng, tình trạng bụi phóng xạ và phóng xạ ion hóa sẽ làm ô nhiễm một khu vực rộng 284.000 km2, khiến hầu hết những người sống sót sau vụ nổ ban đầu bị ốm phóng xạ. Không chỉ vậy, rất nhiều bụi phóng xạ sẽ tiến vào bầu khí quyển tầng thấp và lan ra toàn thế giới, nên trong dài hạn số người thương vong thậm chí sẽ còn lớn hơn.
Do đó, hàng trăm triệu, thậm chí lên đến hàng tỷ người, sẽ thiệt mạng ngay trong giờ đồng hồ đầu tiên. Nhưng đây vẫn chưa phải hết.
Mùa đông hạt nhân
“Mùa đông hạt nhân” là một giả thuyết được các nhà khoa học Mỹ đưa ra vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Bom hạt nhân phát nổ sẽ làm cho một lượng lớn khói bụi “chu du” vào lớp khí quyển. Lớp khói bụi này sẽ hấp thụ phần lớn bức xạ Mặt Trời, khiến lượng ánh sáng Mặt Trời xuống được tới Trái Đất giảm rõ rệt, do đó nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ sụt giảm nhanh chóng.
Một nghiên cứu chỉ ra 100 vụ nổ kiểu Hiroshima sẽ sản sinh đủ lượng bụi khí để tạo ra một mùa đông hạt nhân “cỡ nhỏ”. Điều này sẽ khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu giảm khoảng 1 độ C.
Bức xạ Mặt Trời tiếp cận bề mặt Trái Đất gần như sẽ biến mất hoàn toàn trong vài năm, khiến hành tinh bị phủ trùm trong bóng tối trường kỳ. Cây cối không có ánh sáng Mặt Trời nên không thể quang hợp, do đó lượng oxi sẽ giảm đi nhanh chóng, sự sống cũng lụi tàn.
Quý Khải (theo IFL Science)
Xem thêm: