Nguyệt thực một phần sẽ diễn ra vào đêm 7-8, rạng sáng 8-8 và đạt cực đại vào lúc 1 giờ 20 phút sáng, đây có lẽ là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất 2017
Khu vực quan sát trọn vẹn nguyệt thực một phần là phần lớn châu Á (bao gồm Việt Nam), bờ Đông châu Phi và Australia. Phần còn lại của châu Á, châu Phi và toàn bộ châu Âu có thể quan sát một phần hiện tượng này.
Theo Eclipsewise, trong quá trình xảy ra nguyệt thực mặt trăng sẽ nằm trong chòm sao Capricornus. Tính theo giờ Việt Nam, hiện tượng này sẽ diễn ra theo lịch trình cụ thể như sau: Khoảng 22h50 ngày 7/8, nguyệt thực nửa tối bắt đầu; 0h22 ngày 8/8, nguyệt thực một phần bắt đầu; đến 1h20 ngày 8/8, nguyệt thực đạt cực đại; khoảng 2h18 ngày 8/8, nguyệt thực một phần kết thúc và 3h50 ngày 8/8, nguyệt thực nửa tối kết thúc.
Như vậy, tại Việt Nam, hiện tượng này sẽ rơi vào nửa đêm. Ở pha nguyệt thực nửa tối, mặt trăng mới đi vào vùng bóng nửa tối của Trái đất nên rất sáng, chỉ tối đi một chút và có thể có màu đỏ nhạt. Vào pha một phần, mặt trăng bắt đầu đi vào vùng bóng tối hoàn toàn của Trái đất và phần đi vào vùng đó chuyển sang đỏ thẫm và rất tối so với phần còn lại. Vì vậy hiện tượng này còn được gọi là “trăng máu”.
Nhiều người yêu thích thiên văn tại Việt Nam đang tỏ ra phấn khích trước thông tin nguyệt thực một phần sẽ diễn ra và đã sẵn sàng các thiết bị quang học cần thiết để tiến hành quan sát, tuy nhiên, thời tiết được dự báo nhiều mây tại một số tỉnh thành có thể sẽ gây ra trở ngại.
Hoài Anh
Xem thêm: