Đại Kỷ Nguyên

Vụ tai nạn của ông chủ CLB Leicester City: Vì sao trực thăng dễ gặp nạn hơn máy bay chở khách?

Ông chủ sở hữu câu lạc bộ Leicester City, Vichai Srivaddhanaprabha cùng 4 người khác đã gặp nạn sau khi chiếc máy bay trực thăng của tý phú người Thái mất kiểm soát và phát nổ khi rơi xuống đất tại thành phố Leicester (Anh). Nhiều người chắc hẳn rất tò mò về chiếc trực thăng đó và muốn biết nguyên nhân vì sao máy bay trực thăng lại dễ gặp nạn như vậy. 

Tối ngày 27/10, sau khi trận đấu giữa câu lạc bộ Leicester City và West Ham kết thúc, ông Vichai – chủ tịch của Leicester lên trực thăng trở về như như mọi lần. Nhưng thảm kịch bất ngờ xảy ra khi chiếc máy bay bất ngờ rơi khi vừa mới cất cánh rời khỏi sân vận động King Power không lâu. Sáng ngày 29/10, câu lạc bộ Leicester City xác nhận chủ tịch Vicahi Srivaddhanaprabha cùng 4 người khác trên chuyến bay gồm 2 trợ lý và 2 phi công đã tử vong. 

Những nhân chứng cho biết, họ nhìn thấy chiếc trực thăng bị mất kiểm soát, xoay tròn nhiều vòng sau khi rời khỏi vùng sân cỏ trước khi nó bị rơi ở bên ngoài sân King Power cách đó không xa vào khoảng 20h30 ngày 27/10 giờ địa phương).

Chủ tịch Vichai cùng 4 nạn nhân xấu số trong vụ rơi trực thăng tại Leicester, Anh. (Ảnh: Bota Sot)

Nguyên nhân gây tai nạn ban đầu được các chuyên gia đưa ra là việc phi công mắc phải một sai lầm chí tử khi bỏ qua chi tiết cánh quạt ở đuôi máy bay gặp vấn đề và ngừng hoạt động. Tuy nhiên, Hary Benson – cựu phi công trực thăng của Hoàng gia Anh cho rằng còn quá sớm để nói về điều gì gây ra thảm họa.

Nếu chia sẻ của các nhân chứng về việc cánh quạt ở đuôi của máy bay trực thăng gặp vấn đề là chính xác thì nguyên nhân chưa chắc đó đã là lỗi của phi công hay do sự cố lỗi kỹ thuật.

Hơn nữa, trực thăng của chủ tịch Vichai là chiếc AgustaWestland AW169 2 động cơ và được đánh giá là dòng trực thăng an toàn nhất thế giới trang bị nhiều công nghệ hiện đại với giá bán 8,5 triệu USD.

Trực thăng của ông Vichai là loại an toàn nhất thế giới. (Ảnh: Flickr)

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao máy bay trực thăng rất dễ gặp tai nạn như vậy?

Máy bay là một trong những phương tiện di chuyển an toàn nhất hiện nay nhưng điều này chỉ đúng đối với máy bay thương mại, chứ máy bay trực thăng thì không. Theo một thống kê cho biết, trong khoảng 100.000 giờ bay, các phương tiện hàng không nói chung có tỷ lệ tai nạn là 0,84%, còn ở máy bay trực thăng là 1,02%. Vậy đâu là lý do?

Nguyên do đầu tiên là việc các máy bay thông thường đều được kiểm soát chặt chẽ bởi nhiều các yếu tố như đường băng, đường bay và kiểm soát không lưu. Còn trực thăng được dùng cho những nơi có địa hình trắc trở, máy bay thông thường không thể tiếp cận. Do tính chất đặc thù nên trực thăng thường cất cánh và hạ cánh nhiều hơn máy bay thường. Phần lớn các vụ tai nạn trực thăng là trong các thời điểm hạ cánh và cất cánh.

Máy bay thông thường được kiểm soát rất chặt chẽ trong vấn đề an toàn đường hàng không. (Ảnh: KPCC)

Nguyên do thứ hai là trực thăng có kết cấu yếu hơn máy bay thông thường nên dễ bị ảnh hưởng khi gặp thời tiết bất lợi. 

Trực thăng có nhiều bộ phận chuyển động hơn máy bay thường như một cánh quạt chính, một cánh quạt đuôi, một hộp số và một trục truyền động chạy theo chiều dài của máy bay nên việc gặp trục trặc là điều không thể tránh khỏi. Hơn nữa những bộ phận này chuyển động liên tục, vì thế hao mòn rất nhanh và bị hỏng hóc. Chỉ cần một trong số chúng có vấn đề thì tai nạn rất dễ xảy ra. 

Hơn nữa việc điều khiển một chiếc trực thăng thông thường khó khăn hơn việc kiểm soát máy bay thông thường, dù cho đó là dân chuyên nghiệp đi nữa. 

Trực thăng thông thường có khá nhiều chi tiết chuyển động và bạn không thể biết chúng hỏng hóc lúc nào để sửa chữa. (Ảnh: taringa.net)

Hiện tại các nhà chức tránh đang điều tra để tìm ra bằng chứng gây ra vụ tai nạn cho ông chủ câu lạc bộ Leicester City. 

Sơn Tùng

Exit mobile version