Năm 1980, một chàng thanh niên tên Clairvius Narcisse đã tự mình đi vào bệnh viện ở Deschapelle, Haiti, gần 20 năm sau khi được gia đình chôn cất tại một nghĩa trang trong làng.
Gia đình đã biết phần mộ của anh bị xâm phạm không lâu sau khi anh mất, nhưng họ không thể ngờ rằng một thầy phù thủy địa phương (bokor – phù thuỷ trong tà đạo vodou) đã trộm lấy tử thi của anh và biến nó thành một xác sống (zombie).
Wade Davis, một tiến sĩ tốt nghiệp ĐH Harvard chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa thực vật và con người (ethnobotanist), đã giải thích trường hợp này trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình quốc gia Canada CBC vào năm 1986.
Để biến một người thành xác sống sẽ cần phải dùng một hỗn hợp các loại thuốc kích thích tâm thần. Tetrodotoxin, một độc dược tàn phá thần kinh mạnh hơn ma tuý gấp 160 nghìn lần, khi được chà xát dưới da, vào vết thương, sẽ gây ra trạng thái hôn mê bất tỉnh, đôi lúc có thể bị nhầm lẫn với cái chết. Các phù thủy thường dùng hoạt chất này, kèm theo sau đó một thứ thuốc gây ảo giác (hallucinogen) gọi là Cà độc dược (Datura stramonium – hay còn được gọi là cỏ Jimson), để biến ai đó thành xác sống.
Lúc ban đầu, Narcisse đã bị một tên phù thủy đầu độc bằng tetrodotoxin. Các bác sỹ tuyên bố anh đã chết nhưng tâm trí của anh vẫn còn hoạt động. Sau đó, thầy phù thủy này sẽ dùng cỏ Jimson để duy trì Narcisse ở trạng thái bị lệ thuộc trong nhiều năm, và để anh ta làm việc tại một đồn điền nhưng không thể kiểm soát được thân thể chính mình. Sau khi thầy phù thủy này chết đi, Narcisse lang thang phiêu bạt khắp nơi và cuối cùng trở về quê hương, mang theo một câu chuyện rùng rợn về bản thân mình.
Năm 1980, TS. Lamarque Douyon và TS. Nathan Klein, hai nhà khoa học đầu ngành, đã tuyên bố trường hợp của Narcisse là trường hợp chính thức đầu tiên của tình trạng zombie hoá được xác nhận. Vài năm sau đó, TS Davis được cử tới Haiti để nghiên cứu những thảo dược được cho là có khả năng tạo ra xác sống.
Ông cho biết bản thân ông không hề muốn tin chuyện này: “Bản thân tôi chưa từng nghĩ rằng zombie tồn tại”.
Thế nhưng, sau khi nghiên cứu về tetrodotoxin và văn hoá Haiti, TS Davis đã trở nên tin tưởng vào điều đó.
Niềm tin tín ngưỡng vào xác sống là điểm mấu chốt, ông nói. Đây cũng là một chủ đề nhạy cảm; có nhiều hiểu nhầm về tín ngưỡng vodou của Haiti nói chung và niềm tin vào xác chết sống lại nói riêng. Điều này góp phần tạo ra quan niệm sai lệch về xã hội Haiti. Xác sống là một tín ngưỡng ngoại vi trong vodou chứ không phải là tập tục cốt lõi của tín ngưỡng này.
Davis giải thích rằng hiệu quả của thuốc kích thích tâm thần một phần đến từ hiệu ứng giả dược (placebo), hay niềm tin của nạn nhân đối với sự tồn tại của xác sống.
Ở Nhật Bản, người ta thường bị ngộ độc tetrodotoxin do ăn phải cá nóc. Các đầu bếp giỏi phải làm cá một cách cẩn thận để cá không tiết ra độc tố. Thế nhưng, các trường hợp ngộ độc – đôi khi dẫn đến chết người – vẫn xảy ra hằng năm.
“Các nạn nhân ngộ độc cá ở Nhật Bản không biến thành xác sống mà họ chỉ bị ngộ độc,” Davis cho biết. “Thế nhưng, ở Haiti, xác sống là cả một hệ thống tín ngưỡng”.
Dưới ảnh hưởng của thuốc gây ảo giác, suy nghĩ và niềm tin của một người có thể ảnh hưởng cực kỳ mạnh tới nhận thức của người ta. Một số người Haiti có lẽ tin vào sự tồn tại của xác sống nên khi họ gặp phải tình huống như vậy, đặc biệt dưới ảnh hưởng của thuốc gây ảo giác, họ có thể hành xử có phần giống với xác sống.
Davis cho rằng hiếm khi người ta chủ định tạo ra xác sống, nhưng đây là một loại hình thức răn đe trong cộng đồng. Ông cho biết đây là một biện pháp trừng phạt của xã hội đối với những ai vi phạm nguyên tắc và luật lệ cộng đồng. Giống như bản án tử hình, cái viễn cảnh bị biến thành xác sống nếu vi phạm phép tắc là một hình thức răn đe hữu hiệu ngay cả khi không thường xuyên được áp dụng.
Nhiều nhà khoa học không công nhận nghiên cứu của TS Davis, nhưng Robert Farris Thompson, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật ở châu Phi của ĐH Yale, đã đứng lên ủng hộ TS Davis. Một bài báo tại ĐH Michigan với tiêu đề “Haiti và sự thật về xác sống” (Haiti and the Truth About Zombies) đã trích lời đề tựa của ông Thompson trong cuốn sách “Con đường tăm tối” (Passage of Darkness) của TS Davis như sau: “Nếu tôi không được tiếp xúc với nghiên cứu được chắt lọc trong cuốn sách này của Wade Davis, tôi sẽ không bao giờ được dẫn đi đúng hướng, được dạy cách nhìn nhận hiện tượng xác sống một cách nghiêm túc – một hình phạt xã hội vô cùng quan trọng”.
Dưới đây là video về câu chuyện của Narcisse:
Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!
Tác giả Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ
Đọc bản gốc ở đây.
Hoàng Sâm biên dịch
Xem thêm:
- Mặt Trăng: 7 bí ẩn và 1 kết luận khó tin
- Phù thủy: Họ có tồn tại?
- Các nhà khoa học nói về mối nguy hại khi quá tin tưởng vào khoa học (Phần 1)
- Từ chối “Thiên sứ của tình yêu”, họ đã trả lời: “Trung Quốc không có người nghèo!”