Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn nổi tiếng, từng chủ trương xây dựng một nền triết học và thần học chính xác mà ông gọi là “triết học và thần học khoa học”, dựa trên phương pháp tiên đề và sử dụng ngôn ngữ logic toán học. Để làm gương, Gödel đã tiến hành một thử nghiệm nhằm giải quyết một bài toán siêu hình học rất khó và điển hình bằng phương pháp tiên đề, và ông đã thành công. Sau đó ông chỉ ra rằng đó là con đường đúng đắn của triết học siêu hình trong tương lai. Ngày nay, khoa học đã cung cấp cho chúng ta nhiều phương tiện và nhiều cách tiếp cận với thế giới siêu hình. Đã đến lúc việc nghiên cứu các hiện tượng siêu hình cần phải được thực hiện trên nền tảng khoa học chính xác. Nghĩa là phải xây dựng một “siêu-hình học khoa học”.

LỜI GIỚI THIỆU

Đây là Báo cáo tham luận chính trong cuộc Tọa đàm nhan đề “XÂY DỰNG MỘT NỀN TẢNG KHOA HỌC CHO SIÊU HÌNH HỌC” do Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người tổ chức tại Phòng hội thảo của Viện Hàn lâm KHXHVN, số 1 Liễu Giai, Hà-nội, ngày 30/09/2023, do tác giả Phạm Việt Hưng trình bày. Báo cáo này đã được in ra giấy và phát cho tất cả các đại biểu tham dự Tọa đàm. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc, và xin hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp cho Báo cáo này. PVHg.

Dẫn nhập

Trong hơn hai thiên niên kỷ qua, đặc biệt trong những thế kỷ gần đây, siêu hình học được xem như một lĩnh vực triết học nghiên cứu các hiện tượng siêu hình – những hiện tượng phi vật lý hoặc vượt quá vật lý, theo nghĩa là những hiện tượng không thể giải thích được bằng các khoa học vật chất. Nhưng cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong thế kỷ 20 dẫn tới những thay đổi triệt để trong nhận thức về vũ trụ và sự sống, trong đó sự ra đời của khái niệm thông tin buộc khoa học phải mở rộng tầm nhìn về thực tại, chấp nhận không chỉ vật chất mà cả những thực thể phi vật chất cũng nằm trong đối tượng nghiên cứu của khoa học, vì thông tin là một thực thể phi vật chất. Trong bối cảnh đó, những nghiên cứu về siêu hình học cũng không còn nằm trong “biệt phủ” của triết học nữa, mà đã xâm nhập sang lãnh địa khoa học.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một lý thuyết nào về các hiện tượng siêu hình được coi là một khoa học thực sự, trừ một trường hợp rất đặc biệt, đó là một chứng minh toán học của Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn nổi tiếng, về sự hiện hữu của THỰC THỂ SIÊU HÌNH CAO NHẤT mà nền văn hóa Tây phương thường gọi là Chúa.

Gödel sinh ra và lớn lên ở Áo, học giỏi tất cả các môn, đặc biệt các môn về ngôn ngữ và các khoa học chính xác. Tuổi sinh viên, Gödel chứng kiến cơn lốc của Chủ nghĩa Hilbert – một chủ nghĩa có tham vọng giải thích “tất cả mọi thứ” trong toán học. Nhưng trực giác mách bảo Gödel rằng đó là một ảo tưởng, và ông quyết tâm chứng minh trực giác của mình là đúng. Năm 1931, ông đã làm cho cộng đồng toán học thế giới sửng sốt khi công bố Định lý Bất toàn (Theorem of Incompleteness), chứng minh chủ nghĩa Hilbert sai.

Năm 1940, Gödel cùng vợ là Adele di cư sang Mỹ, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư toán học tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton, trở thành một đồng viện của Albert Einstein. Tại đây, một tình bạn tri kỷ vong niên đã nẩy nở giữa hai thiên tài Einstein và Gödel. Tuy nhiên, họ khác xa nhau trong quan điểm về thế giới siêu hình:

Khi được hỏi liệu ngài có tin vào “sự sống đời sau” (afterlife / life after death), Einstein trả lời: “Không, đối với tôi, một cuộc sống là đủ rồi”[1]. Nhưng với Gödel, “Nếu thế giới được xây dựng một cách hợp lý và có ý nghĩa thì ắt phải có sự sống đời sau”[2].   

Nếu Einstein có đức tin “phiếm thần” (pantheistic)[3] thì Gödel là người có đức tin hữu thần – Gödel theo đạo Tin Lành. Đức tin của Gödel là một đức tin có lý trí, ông muốn dùng trí tuệ khoa học sắc bén của mình để chứng minh niềm tin của mình là đúng đắn, phù hợp với logic. Ông cho rằng có thể xây dựng một lý thuyết triết học và thần học khoa học chính xác, dựa trên phương pháp tiên đề, trong đó sử dụng một thứ ngôn ngữ tiết kiệm và chính xác nhất là logic toán. Ông tiên đoán điều này sẽ trở thành hiện thực trong vòng 100 năm sau ông, và đó sẽ là thành quả lớn lao nhất của khoa học. Thật vậy, ông nói:

“Có một triết học và thần học khoa học (chính xác), liên quan đến các khái niệm trừu tượng cao cấp nhất; và đó cũng là thành quả cao nhất đối với khoa học”[4].

Để làm gương, Gödel đã tiến hành một thử nghiệm táo bạo, áp dụng phương pháp tiên đề và sử dụng ngôn ngữ logic toán để chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Toàn bộ chứng minh gồm 5 tiên đề (Axiom), 3 định nghĩa (Definition) và 4 định lý (Theorem), trong đó định lý cuối cùng khẳng định rằng Chúa tồn tại.

Để hiểu chứng minh của Gödel, bắt buộc phải có kiến thức về logic toán. Bài báo “Gödel chứng minh sự hiện hữu của Chúa”, trên viethungpham.com ngày 17/09/2014:

đã cung cấp những khái niệm cơ bản và tối thiểu về chứng minh của Gödel, qua đó có thể nhận thấy ý nghĩa và lịch sử hình thành của chứng minh đó.

Điều thú vị là:

Năm 2013, hai nhà khoa học computer là Christoph Benzmüller thuộc Đại học Tự do ở Berlin và Bruno Woltzenlogel Paleo thuộc Đại học Kỹ thuật Vienna đã biến chứng minh của Gödel thành một chương trình computer và cho chạy thử, KẾT QUẢ HOÀN TOÀN MỸ MÃN. Kết quả này đã được công bố trên các tạp chí khoa học computer có uy tín lớn, như ADS (Astrophysics Data System) của Đại học Harvard, computer science của Đại học Cornell, … dưới tiêu đề:

“Formalization, Mechanization and Automation of Gödel’s Proof of God’s Existence” (Hình thức hóa, Cơ giới hóa và Tự động hóa chứng minh của Gödel về sự hiện hữu của Chúa).

Nếu Định lý Bất toàn từng làm cho toàn thế giới sửng sốt biết đến chàng thanh niên 25 tuổi Kurt Gödel thì công trình khoa học computer của Benzmüller và Paleo càng làm cho cái tên Kurt Gödel trở thành độc đáo vì hóa ra phương pháp tiên đề và logic toán học có thể trở thành một vũ khí rất hữu hiệu trong việc giải quyết những bài toán của siêu hình học.

Đó là một bài học quý, đặc biệt đối với những nghiên cứu về tiềm năng con người – những tiềm năng siêu hình mà các khoa học vật chất không giải thích được. Bài học đó gợi ý cho chúng ta một cách nghĩ mới: thay vì cố giải thích các hiện tượng siêu hình bằng khoa học vật chất, nên chăng thừa nhận những sự thật khách quan siêu hình ghi nhận được như những tiên đề, từ đó xây dựng nên một hệ thống lý thuyết phản ánh đúng thực tế? Nhưng trước khi bàn đến một hệ tiên đề như thế, cần xác định lại một cách rõ ràng khái niệm “siêu hình học”.

Lược sử khái niệm siêu hình học

“Siêu hình học” – métaphysique (tiếng Pháp) / metaphysics (tiếng Anh) – là tên của một trong bốn tác phẩm chủ yếu của Aristotle, nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại, thế kỷ 4 TCN.

Tuy nhiên, bản thân Aristotle không gọi cuốn sách của mình là “metaphysics”, mà gọi là “first philosophy” (triết học đầu tiên). Sau này, một người có tên là Andronicus ở Rhodes, sinh vào khoảng năm 60 TCN, trong quá trình tập hợp và biên tập các sách của Aristotle thành những sách như ngày nay ta thấy, đã đặt tên cuốn “triết học đầu tiên” của Aristotle là “metaphysics”, với ngụ ý đây là cuốn sách ra đời sau cuốn vật lý học của Aristotle. Thật vậy, chữ “metaphysics” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có ý nghĩa nguyên thủy là:

Metaphysics = meta (sau / hậu) + physiká (vật lý học)

Tiền tố “meta” ở đây chỉ có nghĩa là công trình “metaphysics” của Aristotle ra đời “sau” công trình của Aristotle về vật lý. Tuy nhiên, theo thời gian, nghĩa của chữ “metaphysics” bị biến đổi dần:

Theo Wikipedia, vào thế kỷ 13, nhà triết học lừng danh có ảnh hưởng lớn đến triết học và khoa học sau này là Tommaso d’Aquino, một linh mục người Ý được phong thánh, đã mô tả “metaphysics” như “những lĩnh vực chúng ta nghiên cứu sau khi đã làm chủ được các khoa học về thế giới vật lý”. Theo đà đó, trong những thế kỷ tiếp theo, các học giả bắt đầu sử dụng thuật ngữ “metaphysics” theo nghĩa “lĩnh vực nghiên cứu những thứ vượt quá vật lý”.

Kể từ đó, tiền tố “meta” không còn giữ ý nghĩa nguyên thủy của nó nữa, mà mang một ý nghĩa mới là “siêu” – nghĩa là “vượt quá” / “cao hơn” / bên trên / … Từ đó ra đời những thuật ngữ hiện đại như “metamathematics” (siêu toán học), “metalanguage” (siêu ngôn ngữ), “metaphysiology” (siêu sinh lý học), …

Tóm lại, “meta” nghĩa nguyên thủy là “sau” / “hậu”, nhưng ngày nay được hiểu là “siêu”, và do đó “siêu-hình học” ngày nay được hiểu là lĩnh vực nghiên cứu những hiện tượng “siêu-vật-lý” / “siêu-vật-chất”, tức là những hiện tượng không tuân thủ các định luật vật lý. 

Theo truyền thống, những hiện tượng không giải thích được bằng khoa học thường được coi là “phép lạ” (miracles). Hoàn toàn không cường điệu khi nói rằng các hiện tượng siêu hình chính là các phép lạ, từ phép lạ nhỏ đến phép lạ lớn. Nhưng phải chăng khoa học hoàn toàn bất lực trước các phép lạ? Để trả lời câu hỏi này, phải xem lại “khoa học là gì?”.

Từ trước đến nay ta vẫn thường quan niệm khoa học là các khoa học vật chất như vật lý, hóa học, sinh học, trong đó các đối tượng được quan sát là các vật thể và vật chất hữu hình, bao gồm vật chất và năng lượng. Một cách tổng quát, vật chất hữu hình là những đại lượng có mặt trong công thức nổi tiếng của Einstein: E = mc2. Cái gì không có mặt trong công thức đó sẽ không phải là vật chất, và do đó sẽ được coi là thực thể siêu hình. Thí dụ: thông tin không phải là vật chất, vì nó không có mặt trong công thức đó. Thực ra, bản thân công thức đó là một thông tin vũ trụ. Nhưng công thức đó và những thực thể có mặt trong công thức đó là hai khái niệm khác nhau.

Bây giờ, nếu mở rộng khái niệm “khoa học” sang phạm vi rộng lớn hơn như logic học thì tình hình sẽ hoàn toàn khác, bởi logic học cho phép xử lý những đối tượng phi vật chất, những đối tượng trừu tượng.

Thực tế, khoa học ngày nay đang thường xuyên phải xử lý một đối tượng phi vật chất là THÔNG TIN! Thực tế này hối thúc khoa học phải mở rộng thế giới quan từ thế giới vật chất thuần túy sang thế giới phong phú rộng lớn hơn, bao gồm cả vật chất lẫn phi vật chất, cả thực thể hữu hình lẫn siêu hình.

Trong bối cảnh này, Lý thuyết thông tin và khoa học logic trở thành “cây đũa thần” giúp khoa học tiếp cận với thế giới siêu hình và xử lý các hiện tượng khách quan ghi nhận được trong thế giới đó, từ đó xây dựng nên một nền tảng khoa học mới – nền tảng của “siêu hình học khoa học”. Nhận thức này dựa trên một thế giới quan mới cho rằng

Vũ trụ = [Vật chất + Năng lượng] (hữu hình) + [Thông tin] (siêu hình)

Khoa học đã biết khá nhiều về thế giới hữu hình, nhưng hầu như chưa biết gì về thế giới siêu hình. Tại sao vậy? Phải chăng vì phương pháp tiếp cận không phù hợp?

Phương pháp tiếp cận mới

Một trong những thực thể siêu hình dễ thấy nhất nhưng khó giải thích nhất là ý thức. Mọi nỗ lực giải thích ý thức đều thất bại. Ngày 18/08/2016, tạp chí SCIENTIFIC AMERICAN công bố bài báo “Khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức” (Science can’t crack consciousness) của John Horgan, trong đó dẫn lời nhà vật lý toán giỏi nhất thế giới hiện nay là Edward Witten khẳng định khoa học không thể khám phá ra bản chất của ý thức. Để tìm hiểu sự thật này, xin đọc bài báo: “Science Can’t Crack Consciousness / Khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức” trên viethungpham.com ngày 03/08/2017 tại địa chỉ sau đây:

Khái niệm “khoa học” đang nói ở đây là khoa học vật chất. Nếu khoa học vật chất không thể phá vỡ được bí mật của ý thức thì làm sao có thể giải thích những hiện tượng liên quan chặt chẽ đến ý thức như chữa bệnh siêu hình, chữa bệnh bằng ngoại cảm, chữa bệnh từ xa, chữa bệnh bằng thông tin, chữa bệnh bằng thôi miên, …? Vậy hãy tìm hiểu kỹ hơn khái niệm “siêu hình”

Như chúng ta vừa thấy trong phần lược sử siêu hình học ở trên, khái niệm “siêu-hình học” ngày nay được dùng để mô tả những nghiên cứu về những thực thể phi vật lý (non-physical entities) hay những hiện tượng lạ-lùng-thần-thông-kỳ-bínhư-phép-lạ (magical entities).

Thí dụ: thuật ngữ “chữa bệnh siêu hình” (metaphysical healing) đã được sử dụng để mô tả hiện tượng chữa bệnh không dùng thuốc, hoặc chữa bệnh từ xa, chữa bệnh bằng thông tin … như trường hợp của ông Bruno Gröning ở Đức những năm 1940-1950, hoặc của Cụ Nguyễn Đức Cần ở Việt Nam những năm 1960-1970, và của nhiều nhà chữa bệnh đáng kính khác không thể kể tên hết ở đây.

Về mặt lý thuyết, cho đến nay siêu-hình học vẫn được coi là một ngành của triết học, nhưng những bài toán thực tế hối thúc các nhà khoa học tìm lời giải thích logic cho các hiện tượng siêu hình, do đó siêu hình học đã lan sang lĩnh vực khoa học, và hình thành nên một khái niệm mới là “khoa học về những hiện tượng siêu hình” (science of metaphysical entities / metaphysical science), mà nhiều người và nhiều sách báo thường gọi là “khoa học ngoại cảm” (sciences of telepathy).

Mặc dù “khoa học ngoại cảm” được rất nhiều người ủng hộ, vì có những bằng chứng thực tế không thể chối cãi, nhưng vẫn bị không ít người khác nghi ngờ – những người này là những người không có trải nghiệm về các hiện tượng siêu hình, có một tầm nhìn hạn hẹp về khoa học, thậm chí họ coi khoa học ngoại cảm là một thứ “giả khoa học” (pseudo-science). Nhưng bất chấp những nghi ngờ đó, sự thật vẫn có sức mạnh của nó. Nếu tiêu chí cơ bản của khoa học là tôn trọng sự thật khách quan thì những hiện tượng ngoại cảm phải được coi là đối tượng nghiên cứu của khoa học, và khoa học nghiên cứu những hiện tượng này chính là khoa học về những hiện tượng siêu hình. Các hiện tượng siêu hình không tuân thủ các định luật vật chất, do đó cần có một hệ tiên đề mới của nó, mà chúng ta sẽ gọi là hệ tiên đề cho khoa học về các hiện tượng siêu hình.

Các hiện tượng siêu hình trong việc chữa bệnh, trong các hiện tượng thần giao cách cảm, trong các tiên tri ngắn hạn … vẫn tiếp tục xảy ra và tiếp tục làm kinh ngạc những nhà khoa học chân chính – những người bám sát tiêu chí cơ bản của khoa học là tôn trọng hiện thực khách quan. Vì thế, trong bài này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “siêu-hình học khoa học” hoặc “khoa học về các hiện tượng siêu hình” để chỉ môn khoa học nghiên cứu tất cả những thực thể phi vật lý (non-physical entities) và các hiện tượng siêu hình (metaphysical phenomena), bao gồm các hiện tượng ngoại cảm, các hiện tượng bí ẩn về tiềm năng của con người.

Bản thân thuật ngữ “metaphysics” đã hàm ý “siêu vật lý” / “vượt quá vật lý”, vậy vật lý học có thể giải quyết những bài toán vượt quá vật lý không?

Một cách logic, câu trả lời là KHÔNG! 

Quả thật, một khoa học thuần túy vật lý làm sao có thể trả lời những câu hỏi thuộc về thế giới phi vật lý?

Thực tế, những việc chữa bệnh nói trên không phải là mới, mà đã từng diễn ra trong lịch sử. Trong quá khứ, những kiểu chữa bệnh này được gọi là “phép lạ” (miracles). Có một cuốn sách nổi tiếng ghi lại rất nhiều “phép lạ”, đó là cuốn Kinh Thánh Tân Ước, hoặc sách Phúc Âm (Gospels / Évangiles). Sách này kể lại rất nhiều phép lạ Chúa Jesus đã làm để chữa lành cho rất nhiều người bệnh, bao gồm nhiều loại bệnh khủng khiếp mà bệnh nhân chỉ chờ chết hay thậm chí đã chết. Điều rất đáng chú ý là khi người bệnh được chữa lành và bày tỏ lòng biết ơn, Chúa Jesus luôn nói với họ rằng chính đức tin của họ đã cứu họ. Xin kể một trường hợp điển hình:

“Đức Giê-su xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người. Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: “Ai đã sờ vào áo tôi?” Các môn đệ thưa: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: “Ai đã sờ vào tôi?” Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người nói với bà ta: “Này con, lòng tin của con đã chữa lành cho con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” [Mark 5:25-34]

Ông Bruno Gröning, một nhà chữa bệnh bằng tâm linh rất nổi tiếng ở Đức những năm 1940-1950 cũng đặc biệt nhấn mạnh đến đức tin của bệnh nhân. Ông tuyên bố: “Không có bệnh nào là không chữa được” (There is no incurable), và ông coi “đức tin là điều kiện đầu tiên để bệnh nhân được chữa lành”(Trust and faith – prerequisites for healing)[6].

Trong bối cảnh đó, trên thế giới và ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học đã lao vào nghiên cứu những “phép lạ siêu hình” này, mong tìm ra một cơ sở khoa học ẩn giấu bên dưới những phép lạ đó. Ở Việt Nam, GS Nguyễn Hoàng Phương và NNC Nguyễn Phúc Giác Hải là hai trong số những nhà khoa học đi tiên phong trong việc nghiên cứu này.

GS Nguyễn Hoàng Phương vận dụng Lý thuyết Tập Mờ để giải thích hiện tượng siêu hình. Ý của ông là phải từ bỏ logic cổ điển cho rằng một sự kiện chỉ có thể đúng hoặc sai – thực tế cho thấy một sự kiện có thể đúng theo một xác suất nào đó. NNC Nguyễn Phúc Giác Hải nghiêng về hướng tìm một Trường Sinh học (Biological Field) bao quanh sự sống, hy vọng tìm ra những tương tác thông qua trường này.

Rất nhiều giả thuyết khác cũng đã, đang và sẽ được nêu lên để giải thích các hiện tượng siêu hình, nhưng đến nay hầu như chưa có một giả thuyết nào đủ sức thuyết phục, bởi các lý thuyết không thể kiểm chứng bằng cách thực hiện các thí nghiệm lặp lại về vật lý hoặc hóa học. Vì thế, lĩnh vực “chữa bệnh siêu hình” vẫn tiếp tục “siêu hình”, chưa được coi là khoa học.

Nay đã đến lúc cần phải có một cách nhìn mới, tìm ra một con đường mới khả thi hơn để xây dựng một nền tảng khoa học cho các hiện tượng siêu hình nói chung và việc “chữa bệnh siêu hình” nói riêng. Thật vậy, quan sát thực tế, mặc dù có rất nhiều nỗ lực giải thích các hiện tượng siêu hình bằng khoa học nhưng chưa có giải thích nào thực sự thành công, mặc dù kết quả thực tế của việc chữa bệnh siêu hình đã rất rõ ràng. Vậy xin nêu một hướng đi mới:

Thay vì cố gắng giải thích bản chất của các hiện tượng siêu hình, nên chăng thừa nhận những thực tế quan sát được như những tiên đề, từ đó xây dựng một hệ thống logic dựa trên hệ tiên đề đó, để có một hệ thống “siêu-hình học khoa học” (scientific metaphysics), tương tự như cách Gödel đã làm đối với bài toán chứng minh sự hiện hữu của Chúa?

Đây là một ý tưởng hoàn toàn mới, có thể trở thành một hướng nghiên cứu khả thi đối với các hiện tượng siêu hình – các hiện tượng vốn dĩ không tuân thủ các định luật vật lý.

Ý tưởng này được gợi ý từ Gödel, như đã nói trong phần DẪN NHẬP, nhưng cũng chính là cách ứng xử khôn ngoan của vật lý học hiện đại. Thật vậy, ngay trong vật lý học cũng có những sự kiện không thể giải thích được bằng vật lý, nhưng các nhà vật lý đã khôn ngoan không cố giải thích những hiện tượng đó, mà thừa nhận nó như một hiện thực khách quan, coi như một tiên đề mới của vật lý học, không cần và không thể tranh cãi, rồi ứng dụng những tiên đề đó để xây dựng những hệ vật lý mới. Thí dụ điển hình là hiện tượng “tương tác ma quái” đã được thừa nhận như một tiên đề để ứng dụng trong việc truyền thông tin tức thời[8].

Theo Định lý Bất toàn của Kurt Gödel, trong bất kỳ hệ logic nào (có thể biểu diễn thông qua số học), luôn luôn tồn tại những “sự thật bất khả quyết định” (undecidable truth) – những sự thật không thể chứng minh và cũng không thể bác bỏ. Vậy, sự tồn tại của những hiện tượng siêu hình không thể giải thích được bằng khoa học chính là những thí dụ điển hình minh họa cho Định lý Gödel. Một nền khoa học đích thực trước hết phải tôn trọng những hiện tượng đó, xác nhận đó là những sự thật tồn tại khách quanĐây là điều kiện đầu tiên để xây dựng một lý thuyết khoa học cho những hiện tượng siêu hình.

Từ đó đi đến khẳng định:

Thế giới hiện thực không chỉ có các thực thể hữu hình (physical entities), mà còn có những thực thể siêu hình (metaphysical entities); thế giới hiện thực không chỉ có thực thể vật-chất (material entities), mà còn có thực thể phi-vật-chất (non-material entities); thế giới hiện thực không chỉ có những thực thể có thể nhận biết thông qua các giác quan, mà còn có những thực thể không thể nhận biết được qua các giác quan.

Chữ “thực thể” (entity) là một khái niệm triết học chỉ tất cả những gì tồn tại khách quan. Trước đây, tất cả những gì tồn tại khách quan đều được coi là vật chất, nhưng ngày nay, cách hiểu đó không còn đúng nữa. Những thứ không phải là vật chất nhưng tồn tại khách quan, như thông tin, ý thức, cũng được coi là những “thực thể”. Tóm lại, “thực thể” là những gì tồn tại khách quan hoặc có thật.

Tuy nhiên, dù là vật chất hay phi vật chất, hữu hình hay siêu hình, thế giới vẫn là MỘT:

  • Vật chất và phi-vật-chất là hai mặt đối lập nhưng thống nhất trong cùng một bản chất – đó là những thực thể tồn tại khách quan trong cùng một vũ trụ!
  • Thực thể hữu hình và thực thể siêu hình là hai mặt đối lập nhưng thống nhất trong cùng một bản chất – đó là những thực thể tồn tại khách quan trong cùng một vũ trụ!

Kết luận trên rất quan trọng, vì nó khẳng định bản chất hiện thực khách quan của các thực thể siêu hình, mà nền khoa học trước đây (khoa học truyền thống thuần túy vật chất) không thừa nhận sự tồn tại của chúng. Bản chất đó được mô tả trong các mô hình vũ trụ sau đây.

(Còn nữa, xin xem tiếp Phần (2))

Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.


[1] Do you believe in immortality? No, and one life is enough for me > https://www.azquotes.com/quote/899755

[2] If the world is rationally constructed and has meaning, then there must be such a thing [as an afterlife]

[3] Pantheism = niềm tin cho rằng có Chúa, nhưng Chúa chỉ là Đấng sáng tạo ra vũ trụ, không liên quan với số phận con người, Chúa không tương tác với con người thông qua thờ phụng và cầu nguyên.

[4] There is a scientific (exact) philosophy and theology, which deals with concepts of the highest abstractness; and this is also most highly fruitful for science > http://kevincarmody.com/math/goedel.html

[5] Xem loạt bài “Khoa học về sự sống” từ (1) đến (10) trên https://viethungpham.com/ từ 25/07/2023 đến 04/08/2023

[6] https://www.bruno-groening.org/en/bruno-groening/teachings/god-is-the-greatest-physician

[7] https://bruno-groening-film.org/?lang=en

[8] VnExpress 1/7/2002 https://vnexpress.net/buoc-dot-pha-trong-vat-ly-luong-tu-chuyen-thong-tin-tuc-thoi-2057788.html 

Tác giả: GS Phạm Việt Hưng

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là image-9.png

Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Xem thêm: