Đại Kỷ Nguyên

Xây dựng một nền tảng khoa học cho siêu hình học (3)

Ảnh: PVH

Mọi lý thuyết khoa học đều dựa trên một hệ tiên đề – những chân lý được trực giác mách bảo, không cần và không thể chứng minh. Siêu hình học không phải một ngoại lệ. Hệ tiên đề cho siêu hình học được nêu lên sau đây dựa trên những khái niệm về thông tin và những hiện tượng siêu hình đã được ghi nhận.

Phần (1):

Phần (2):

Hệ tiên đề về thông tin – nền tảng của siêu-hình-học khoa học

Như Blaise Pascal và Kurt Gödel đã chỉ rõ, không có một quy trình kỹ thuật nào để thiết lập nên các tiên đề. Chỉ có một phương tiện duy nhất là kinh nghiệm và trực giác. Tuy nhiên, kinh nghiệm và trực giác sẽ trở nên sắc bén hơn khi con người tích lũy được một vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc hơn. Vậy, dựa trên những hiểu biết về khoa học thông tin và lý thuyết tiên đề, chúng ta có thể nêu lên những tiên đề sau đây.

Tiên đề 1Tồn tại một Trung tâm thông tin trong vũ trụ, như một Hệ điều hành của vũ trụ và sự sống.

Đây là Tiên đề quan trọng nhất, rút ra từ chính khoa học – chính khoa học cung cấp nhiều thông tin quý báu gợi ý cho chúng ta thấy ắt phải có hệ điều hành của vũ trụ và sự sống. Thật vậy:

●          Lý thuyết Big Bang chỉ ra rằng vũ trụ có một khởi đầu, và có một lịch sử phát triển hợp lý để cuối cùng tạo ra những thực thể cao cấp nhất như con người. Quá trình này không thể là kết quả của sự ngẫu nhiên, mà là một quá trình đã được thiết kế, được điều hành bởi một chương trình vĩ đại. Nếu tồn tại một hệ điều hành sự sống như mã DNA thì ắt cũng phải tồn tại một hệ điều hành của vũ trụ. Bằng chứng là vũ trụ không phát triển hỗn loạn, mà phát triển một cách có trật tự, để tồn tại và làm nẩy sinh sự sống, bao gồm con người. Tư tưởng này được coi là “Nguyên lý vị nhân” (Anthropic Principle). Trong cuốn “Lược sử Thời gian”, Stephen Hawking thể hiện quan điểm ủng hộ Nguyên lý vị nhân một cách mạnh mẽ, rõ ràng, và thuyết phục.

Có những người phản đối Lý thuyết Big Bang, nhưng không đưa ra được những bằng chứng thuyết phục. Lý thuyết Big Bang có những điểm mạnh để khó có thể bác bỏ:

Một, nó là con đẻ về mặt toán học của Thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein. Cho đến nay, mặc dù đã 96 năm trôi qua kể từ ngày George Lemaître nêu lên “Giả thuyết nguyên tử nguyên thủy”, tức Lý thuyết Big Bang, không ai có thể chỉ ra một điểm nào sai trong suy diễn logic toán học của Lemaître. Thậm chí, trong nửa sau thế kỷ 20, hai nhà vật lý lý thuyết bậc nhất là Stephen Hawking và Roger Penrose cũng đồng thời chứng minh bằng toán học một lần nữa rằng vũ trụ ắt phải có khởi đầu – vũ trụ không thể tránh được một khởi đầu.

Định luật 2nd của nhiệt động lực học cũng ủng hộ Lý thuyết Big Bang, rằng nếu vũ trụ không có khởi đầu, tức là hằng hữu như Aristotle quan niệm, và như tất cả các nhà khoa học quan niệm, kể cả chính Einstein, thì theo Định luật 2nd, vũ trụ đã bị tan loãng từ lâu.

Lý thuyết Big Bang cũng được nhiều bằng chứng thực nghiệm ủng hộ. Thí dụ: bằng chứng vũ trụ giãn nở do Edwin Hubble khám phá năm 1929. Hoặc bằng chứng “tiếng ồn vi sóng” / “vi sóng tàn dư của Big Bang” do Arno Penzias và Robert Wilson phát hiện năm 1964, …

●          Mã DNA là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự sống ắt phải có hệ điều hành, và do đó ắt phải có Trung tâm thông tin của vũ trụ để thực hiện sự điều hành này.

●          Định lý Gödel cũng chỉ ra rằng nếu vũ trụ là một hệ logic, nó ắt phải dựa vào một nguyên nhân nằm bên ngoài vũ trụ. Nguyên nhân ấy chính là Trung tâm Thông tin của vũ trụ, đóng vai trò điều hành vũ trụ. Vậy câu hỏi đặt ra là vũ trụ có phải là một hệ logic không? Câu trả lời hiển nhiên là CÓ! Các định luật vật lý là bằng chứng cho thấy vũ trụ là một hệ logic. Nếu vũ trụ không hợp lý, sẽ không có chúng ta. Kết luận: Định lý Gödel không phải là một chứng minh cho sự tồn tại của Trung tâm Thông tin sáng tạo ra vũ trụ, nhưng nó cho thấy sự cần thiết phải có một Trung tâm sáng tạo như thế, đóng vai trò Nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ, hoặc Tiên đề của vũ trụ.

●          Nicola Tesla, nhà phát minh lỗi lạc nhất của thế kỷ 20, tuyên bố:

“Bộ não của tôi chỉ là một máy thu, trong Vũ trụ có một lõi mà từ đó chúng ta có được kiến ​​thức, sức mạnh và cảm hứng. Tôi chưa thâm nhập vào những bí mật của lõi này, nhưng tôi biết rằng nó tồn tại”[1].

Đó là một trực giác phi thường. Cái “lõi” của vũ trụ mà Tesla nói chính là Trung tâm Thông tin của Vũ trụ. Tuyên bố của Tesla chính là một cách phát biểu khác của Tiên đề 1. Và thật thú vị, tuyên bố ấy chứa đựng Tiên đề 2 sau đây:

Tiên đề 2: Bộ não của con người là một cỗ máy tiếp nhận, xử lý, và chuyển giao thông tin.

Giống như computer, bộ não là phần cứng, thông tin được lưu trữ và xử lý trong bộ não là phần mềm. Tuy nhiên bộ não cao cấp gấp bội so với computer, đúng như Gödel đã nói:

“Bộ não là một chiếc máy tính được kết nối với một linh hồn”[2].

Câu nói này của Gödel cho thấy bộ não là một cỗ máy siêu việt, vừa là một cỗ máy vật lý, hóa học, vừa chứa đựng những thực thể siêu hình, bao gồm thông tin và ý thức. Câu nói này tự động bác bỏ Thuyết tiến hóa Darwin, vì học thuyết này chỉ quan tâm tới cái vỏ vật chất của sự sống mà không hiểu gì về những hoạt động siêu hình của sự sống. Chính Darwin đã thú nhận điều này ngay trong phần mở đầu Chương 7, “Bản năng” (Instinct), của cuốn sách “để đời” của ông: “On the Origin of Species” (Về Nguồn gốc các loài), xuất bản lần đầu tiên năm 1859, rằng:

“Tôi phải nói ngay từ đầu rằng tôi chẳng có gì để nói về nguồn gốc của những năng lực tinh thần nguyên thủy, cũng như chẳng có gì để nói về nguồn gốc của chính sự sống”[3].

Qua đó có thể thấy, việc khám phá ra thông tin của sự sống là một đột phá cách mạng. Tuy nhiên, như đã nói ở những phần trước, con người không chỉ có một hệ thông tin là mã DNA, mà còn có một hệ thông tin khác điều hành ý thức – một thực thể siêu hình vô cùng cao cấp. Ý thức là một bí mật tuyệt đối đối với khoa học, như bài báo của John Horgan trên tạp chí Scientific American ngày 18/08/2016 đã dẫn ở trên. Vậy làm thế nào để khám phá những bí mật siêu hình của bộ não bằng khoa học vật chất?

Chỉ có thể khám phá sự thật của những “tương tác” trong thế giới ý thức thông qua con đường logic suy diễn dựa trên một hệ tiên đề – con đường mà Gödel đã vạch ra.

Thật vậy, nhiều người hy vọng khoa học thần kinh, hoặc vật lý lượng tử có thể khám phá ra bản chất của ý thức. Tôi nằm trong số những người không tin vào điều đó. Tôi cho rằng con đường tiên đề hóa những sự thật siêu hình mà chúng ta chứng kiến là con đường hữu ích nhất.

Nếu thừa nhận Tiên đề 1 và Tiên đề 2, lập tức chúng ta có thể giải thích được hiện tượng chữa bệnh siêu hình. Thật vậy:

Khi một người mắc bệnh, có thể có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân hoàn toàn thuộc về vật chất, không liên quan đến hệ thông tin của con người. Thí dụ: một người bị virus tấn công. Nếu y khoa đã có vaccine chủng ngừa loại virus này thì người bệnh sẽ được chữa lành (nếu đã được chích ngừa). Nhưng có những nguyên nhân liên quan đến hệ thông tin của con người, hoặc hệ thông tin điều khiển sự sống thể xác, hoặc hệ thông tin điều khiển sự sống ý thức, làm cho những hệ thông tin này rối loạn, khi đó con người sẽ mắc bệnh, và y khoa sẽ bất lực. Ngược lại, những nhà chữa bệnh bằng phương pháp siêu hình lại có khả năng chữa lành được cho bệnh nhân. Tại sao?

Theo Tiên đề 2, nhà chữa bệnh nhận được những thông tin vũ trụ có khả năng chữa lành cho bệnh nhân. Nhà chữa bệnh chuyển giao những thông tin đó cho bệnh nhân – tác động tới bệnh nhân bằng thông tin – giúp bệnh nhân điều chỉnh hệ thông tin của mình trở về trạng thái cân bằng, cả hệ thông tin điều khiển sự sống thể xác lẫn hệ thông tin điều khiển sự sống ý thức (siêu hình).

Đó là lý do tại sao ông Bruno Gröning khuyên bệnh nhân phải TIN và kết nối với Thượng Đế –   Đấng chữa lành cho tất cả các bệnh thật, cả bệnh tật thể xác lẫn bệnh tật tinh thần. Khi một người tin vào Thượng Đế hoặc tin vào nhà chữa bệnh, đó là lúc thông tin được “tương tác” hai chiều, hiệu quả sẽ tăng lên gấp bội! Sự điều chỉnh hệ thông tin trở về đúng bản thiết kế chính là liều thuốc chữa lành!

Tiên đề 3: Các bộ não khác nhau có khả năng tiếp thu và xử lý thông tin khác nhau, đặc biệt là những thông tin thuộc tầng ý thức.

Điều này thiết tưởng là hiển nhiên, tương tự như một chiếc computer chạy nhanh hơn / chậm hơn, hoặc một computer chứa đựng những chương trình hữu ích hơn / rác rưởi hơn. Những nhà ngoại cảm hoặc những nhà chữa bệnh có khả năng đặc biệt như phép lạ là những người có khả năng nhận được những thông tin đặc biệt từ Trung tâm Thông tin Vũ trụ, mà người khác không thể nhận được. Ông Bruno Gröning hay Cụ Nguyễn Đức Cần là những thí dụ điển hình.

Khả năng đặc biệt không phải là một hằng số, mà là một hàm số biến thiên theo thời gian, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như yếu tố tuổi tác, yếu tố đạo đức, yếu tố tu luyện, … Các nhà ngoại cảm biết rõ điều này hơn ai khác.

Tiên đề 4: Tồn tại một hệ điều hành các hoạt động ý thức.

Hệ điều hành này có bậc tự do cao, để con người có quyền lựa chọn, đó là cái mà người Tây phương gọi là “tự do ý chí” (free will).

Sự sống thể xác hình thành theo hệ thông tin di truyền (mã DNA), nhưng sự sống ý thức (siêu hình) được điều hành thông qua mối quan hệ tương tác giữa cá thể mỗi người với Trung tâm Thông tin Vũ trụ. 

Sự sống không hình thành theo kiểu tiến hóa của Darwin, mà ra đời cùng một lúc như một phép lạ, theo thiết kế đã được thiết kế sẵn bởi Trung tâm Thông tin vũ trụ, đó là DNA của mỗi loài.

Hóa thạch chứng minh không có tiến hóa như Darwin nói. Tài liệu về sự thật này có rất nhiều. Đáng tiếc là các nhà tiến hóa tảng lờ sự thật này, và rất nhiều người không cần biết sự thật này nhưng vẫn lớn tiếng bênh vực Thuyết tiến hóa. Trong số rất nhiều tài liệu về sự vắng bóng hóa thạch của loài chuyển tiếp, nổi tiếng nhất là 2 cuốn sách sau đây của cùng một tác giả:

  1. “Evolution: The Fossils say No!” (Hóa thạch nói KHÔNG với Thuyết tiến hóa) của Duane Gish, xuất bản lần đầu tiên năm 1976[4]
  2. “Evolution: The Fossils still say No!” (Hóa thạch vẫn nói KHÔNG với Thuyết tiến hóa) của Duane Gish, xuất bản lần đầu tiên năm 1985[5]

“Vụ nổ Cambri” (The Cambrian Explosion) chứng minh hầu hết các loài đã ra đời gần như cùng một lúc trong kỷ Cambri, cách chúng ta khoảng 500 triệu năm[6].

Công trình nghiên cứu về DNA ty thể, “Why should mitochondria define species” (Tại sao ty thể sẽ xác định loài?), của hai nhà sinh học tiến hóa là Mark Stoeckle thuộc Đại học Rockefeller ở New York và David Thaler tại Đại học Basel ở Thụy Sĩ, công bố trên tạp chí “Human Evolution” (Sự tiến hóa của con người), số 1-2 (1-30), Tập 33, năm 2018, đã gây ra một chấn động lớn trong thế giới khoa học như một tiếng chuông báo tử đối với thuyết tiến hóa, vì kết quả cho thấy hầu hết các loài ra đời cùng một lúc, bao gồm cả con người[7].

Con người khác hẳn và hơn hẳn các loài động thực vật khác ở chỗ nó có những hoạt động ý thức, được điều hành bởi Trung tâm Thông tin vũ trụ. Nói cách khác, con người có sự sống siêu hình, mà các loài động thực vật khác không có.

Đây là yếu tố đặc trưng của con người, chứng minh rằng con người là một sản phẩm được sáng tạo đặc biệt, không phải do tiến hóa như Darwin nói, hoặc như lý thuyết nhân chủng học nói.

Tiên đề 5: Trong thế giới sự sống, chỉ có con người mới có khả năng sáng tạo thông tin, các loài động thực vật khác không có.

Thực tế cho thấy chỉ có ba dạng thông tin thực sự (ngôn ngữ cao cấp), đó là:

Theo Định lý Gödel, không thể có một hệ tiên đề đầy đủ. Nhưng hệ 5 tiên đề nói trên là cần thiết để giải thích những hiện tượng siêu hình đã biết.

Tình trạng “lơ lửng về ngôn ngữ”

Trong khi thảo luận về những hiện tượng siêu hình – một thế giới mà chúng ta không biết rõ – chúng ta đã sử dụng nhiều khái niệm hoặc thuật ngữ của khoa học để mô tả, điều này dẫn tới những khái niệm hoặc thuật ngữ “mập mờ”. Bản thân khái niệm “khoa học” là thí dụ điển hình.

Theo nghĩa hẹp, “khoa học” là khoa học vật chất – vật lý học / hóa học / sinh học.

Theo nghĩa rộng, đó là tất cả những lý thuyết dựa trên những lập luận logic, thuyết phục, có thể chứng minh hoặc kiểm chứng.

Với những hiểu biết hiện nay, siêu hình học không phải là một khoa học theo nghĩa hẹp, và cũng chưa phải là một khoa học theo nghĩa rộng, vì các hiện tượng siêu hình là phi vật chất và chưa có một nền tảng lập luận logic thuyết phục.

Đó chính là lý do để chúng ta cần xây dựng một nền tảng khoa học cho siêu hình học, nghĩa là cần xây dựng một siêu hình học dựa trên những lập luận logic vững chắc, thuyết phục. Thiết nghĩ, phương pháp tiên đề và lý thuyết thông tin có thể là những công cụ và chỗ dựa thích hợp nhất.

Một số khái niệm, thuật ngữ khác của vật lý cũng được nhiều người sử dụng để mô tả các hiện tượng siêu hình, như khái niệm “tương tác”, “sóng”, “năng lượng”, “trường”, … Điều này chứa đựng sự mập mờ, vì không có công cụ nào có thể phát hiện các “sóng” / “năng lượng” / “trường” … như thế.

Tình trạng này giống như tình trạng các nhà vật lý đầu thế kỷ 20 khi họ sử dụng các khái niệm thuật ngữ của vật lý vĩ mô để mô tả các hiện tượng của thế giới vi mô, tức thế giới lượng tử, và do đó dẫn tới những nghịch lý, gây khủng hoảng vật lý đầu thế kỷ 20. Đó là tình trạng mà Niels Bohr mô tả tả như “tất cả chúng ta đều bị treo lư lửng trong ngôn ngữ” (xem “Từ xác định đến bất định”, David Peat, dịch giả Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức, 2011, trang 53). Nguyên lý Bất định do Werner Heisenberg nêu lên năm 1927 đã giúp vật lý vượt qua cuộc khủng hoảng về tính “mập mờ” “không chính xác” này.

Lối thoát cho siêu hình học cũng phụ thuộc vào việc đề xuất một phương pháp nghiên cứu mới cho siêu hình học. Phương pháp Tiên đề và nền tảng của Lý thuyết Thông tin là phương tiện thích hợp. Ở Mỹ, Úc, … các môn khoa học ở nhà trường chỉ bao gồm vật lý học, hóa học, sinh học, không bao gồm toán học. Vì toán học không chỉ xử lý các đối tượng vật chất, mà cả các đối tượng phi vật chất. Toán học không nghiên cứu bản chất vật chất, mà nghiên cứu mối quan hệ định lượng giữa các đối tượng vật chất, hoặc quan hệ nhân quả giữa các khái niệm.

Nghịch lý về thông tin  

Tại sao THÔNG TIN, một thực thể phi-vật-chất, lại có thể điều khiển vật chất, buộc vật chất tuân thủ ý muốn của “nó”?

Nếu thông tin có thể tác động điều khiển vật chất, thì nó phải là một lực vật chất. Nhưng thông tin, theo định nghĩa, không phải là vật chất. Vạy đây là một NGHỊCH LÝ.

Để vượt qua nghịch lý này, xin nêu lên 2 giả thuyết:

1/ Tồn tại một “cái gì đó trung gian” (medium) giữa thông tin và vật chất. Cái “trung gian” ấy có khả năng biến một thứ phi-vật-chất thành vật chất. Giả thuyết này “yếu”, vì làm cho vấn đề rắc rối hơn, trái với nguyên lý “Dao cạo Occam” (Occam Razor).

2/ Vật chất và phi vật chất thực chất có cùng một bản chất, chúng chỉ là 2 dạng biểu lộ khác nhau của cùng một thứ tồn tại mà chúng ta gọi là “thực thể” (entity). Con người được tạo ra dưới dạng vật chất cho nên các giác quan chỉ có thể nhận thức được vật chất, do đó con người gọi những thứ không nhận thức được bằng giác quan là phi-vật-chất. Sự phân biệt này là “giả” / “hình thức”, dẫn tới nghịch lý “phi-vật-chất” điều khiển “vật chất”. Vậy nếu coi vật-chất và phi-vật-chất có chung một bản chất thì sẽ vượt qua được nghịch lý này. Chính Mô hình E-H có thể giải thích nghịch lý này, vì toán học đã chứng minh bản chất của E và H là một!

Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.


[1] My brain is only a receiver, in the Universe there is a core from which we obtain knowledge, strength and inspiration. I have not penetrated into the secrets of this core, but I know that it exists > https://www.goodreads.com/quotes/753175-my-brain-is-only-a-receiver-in-the-universe-there

[2] The brain is a computing machine connected with a spirit > https://www.jamesrmeyer.com/ffgit/godel-quotes.php

[3] I have nothing to do with the origin of the primary mental powers, any more than I have with that of life itself > https://quotepark.com/quotes/1939120-charles-darwin-i-have-nothing-to-do-with-the-origin-of-the-primar/

[4] https://www.amazon.com/Evolution-Fossils-Duane-T-Gish/dp/B0013W4TMY

[5] https://www.amazon.com/Evolution-Fossils-Still-Say-No/dp/0890511128

[6] https://viethungpham.com/2015/09/25/life-explosion-su-bung-no-su-song/

[7]  https://phe.rockefeller.edu/wp-content/uploads/2019/09/Stoeckle_Thaler-Human-Evo-V33-2018-final_1.pdf  > https://viethungpham.com/2018/08/29/very-bad-news-for-evolution-nhung-tin-rat-xau-cho-thuyet-tien-hoa/

Tác giả: GS Phạm Việt Hưng

Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Xem thêm:

Exit mobile version