Có rất nhiều bằng chứng cho thấy các hiện tượng siêu hình là có thật. Nhưng vì chúng không tuân thủ các định luật vật lý nên cần có một phương pháp mới để nghiên cứu chúng. Báo cáo “Xây dựng một nền tảng khoa học cho siêu hình học” là một hướng nghiên cứu đúng đắn, khiêm tốn, nhưng hiệu quả …
24/08/2023, Quách Tuấn Ngọc, TS về Khoa học & Công nghệ thông tin, nguyên chuyên viên cao cấp về CNTT của Bộ GD&ĐT (ý kiến gửi qua email):
Nhận xét tổng quát: Báo cáo “Xây dựng một nền tảng khoa học cho siêu hình học” rất hấp dẫn. Tán thành Tiên đề 1: Tồn tại Đấng Tạo Hoá – Đấng có trí tuệ siêu phàm, sáng tạo ra ra vạn vật, cái gì cũng hợp lý. Đề nghị Tiên đề 2: Có hợp lý thì mới tồn tại, đã tồn tại thì phải hợp lý. Nhận xét thêm:
- Vật chất, Năng lượng và Thông tin như là 3 trục toạ độ, tồn tại khách quan. Thêm trục thời gian thì đầy đủ hơn.
- Nên giải thích rõ thêm khái niệm Thông tin là những gì con người cảm nhận được qua tín hiệu, Tin hiệu là đại lượng biểu diễn hành vi và trạng thái của sự vật, sự việc. Chỗ này là có thời gian rồi. Sự vật là vật chất, còn sự việc là thứ siêu hình.
- Con người cảm nhận được sự tồn tại của sự vật và sự việc qua thông tin. Thông tin đến giác quan con người là qua tín hiệu. Tín hiệu chính là thứ mang năng lượng đến cho giác quan. Trong tín hiệu có thể hàm ý trục thời gian và tần số. Các nhà ngoại cảm có giác quan thứ 6 là do họ CẢM được tần số của thế giới vô hình
- Chữ Vật chất nên thay thế bằng Entities (thực thể)
- Tín hiệu vừa chứa năng lượng, vừa chứa thông tin.
- Các nhà ngoại cảm nhận được hình, tiếng của người âm. Vậy tín hiệu nào tác động đến họ?
24/08/2023, Vũ Như Ngọc, TS vật lý, nguyên Giám đốc Đào tạo thuộc Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, tác giả cuốn “Tiên đề Thứ Tự” (ý kiến gửi qua Email):
DEAR PROF VIÊT HƯNG PHAM, Trước hết tôi xin cảm ơn GS PHAM về Báo cáo xây dựng CƠ SỞ KHOA HỌC CHO METAPHYSICS. Đây là một vấn đề của KHOA HỌC HIỆN ĐẠI. Đây là một vấn đề đang lôi cuốn và thử thách các nhà khoa học… Với 30 trang viết rất công phu với RẤT NHIỀU THÔNG TIN về NHIỀU LĨNH VỰC KHOA HỌC làm cho người đọc PHẢI SUY NGẪM về MỤC TIÊU và HƯỚNG ĐI CỦA KHOA HỌC HIỆN ĐẠI… Riêng với tôi thì một câu hỏi luôn dằn vặt và phải trả lời có thể diễn đạt như sau. MỌI KHOA HỌC ĐỀU LÀ SẢN PHẨM TƯ DUY CỦA CON NGƯỜI. VẬY CON NGƯỜI LÀ CÁI GÌ …… Cũng theo MAX PLANCK thì ĐÂY CHÍNH LÀ ĐIỀU BÍ ẨN LỚN NHẤT. XIN CHÚC GS THÀNH CÔNG TRONG HỘI THẢO về METAPHYSICS. THANKS.
25/08/2023, Đoàn Nguyên Vương, Kỹ sư Công nghệ thông tin, Giám đốc một Công ty CN thông tin tại TP HCM (ý kiến gửi qua email):
Báo cáo “Xây dựng một nền tảng khoa học cho siêu hình học” cực kỳ công phu. Đây là sự tổ hợp sau khi đã tương tác tất cả các kiến thức trong tất cả các bài viết của thầy Hưng. Con vô cùng ủng hộ, tin tưởng và tâm đắc với Báo cáo của thầy. Để hiểu Báo cáo này, theo con, cần phải hiểu hết toàn bộ các bài viết của thầy trước đây, đặc biệt để bác bỏ thuyết tiến hóa Darwin thì phải hiểu khoa học xác suất thống kê về khả năng tồn tại một biến cố khi xác suất của nó nhỏ hơn 10(-48) chẳng hạn, hay Entropy… Báo cáo này giống như một sự trực giác đáp ứng nhu cầu của con về vấn đề siêu hình, tức là nó đã đả thông nhiều tảng đá cản trở suy nghĩ của con trong suốt thời gian qua. Con hiểu hết hoàn toàn Báo cáo của thầy.
Bộ não con người là bộ máy giải mã thông tin nên ý thức là hình ảnh phản ánh nguồn tin.
Sau khi chết đi thì thông tin ý thức mất luôn hay còn? Nếu còn thì nó ở đâu? Nếu thông tin ý thức mất đi thì ta có chuỗi: Con người sinh ra > nhận một chuỗi thông tin > Rồi hành động (có thể làm điều thiện hay điều ác) > Rồi chết đi > Rồi toàn bộ vật chất và ý thức biến mất toàn bộ: chuỗi này đưa đến kết luận Cuộc sống này không có ý nghĩa gì hết. Nếu có ý nghĩa, thì ý nghĩa đó là gì? Nghĩa là: mục đích Chúa tạo ra thế giới này, con người này để làm gì?
Chắc chắn sự xuất hiện của con người và thế giới này phải có một ý nghĩa nào đấy. Con tin có Chúa, nhưng con không tin Chúa được mô tả như những gì các hội thánh đang nói. Vì con tin Ngài rất công bằng. Và chắc chắn Chúa không phải là kẻ dư thừa thời gian để mà làm điều gì thừa cả. Con tin cái mô hình E-H của thầy. Nó giải thích được hết tất cả những gì con biết tới giờ.
Giả thuyết của thầy giải thích được hết toàn bộ những mâu thuẫn của các sự kiện đã xảy ra từ trước tới giờ mà con biết trực tiếp hay nghe qua gián tiếp cũng như thống nhất được những luận điểm cốt yếu của Phật giáo. Và nó cũng giải thích được những điều huyền bí mà Phật giáo tuyên bố. Và lẽ dĩ nhiên nó xác quyết được những luận điểm cơ bản, những điều huyền bí trong Thiên Chúa Giáo.
26/08/2023, Nguyễn Đình Cống, GSTS về Kết cấu công trình, nguyên GS Đại học Xây dựng (ý kiến gửi qua email):
Vài ý kiến sau khi đọc bài “Xây dựng nền tảng khoa học cho SIÊU HÌNH HỌC” (bài của Phạm Việt Hưng): Vũ trụ và sự sống là kết hợp giữa hai phần với các cách gọi khác nhau. Phần một là vật chất (kèm năng lượng), là hữu hình, là vật lý v.v…, Phần này là đối tượng chủ yếu của khoa học. Phần hai là tinh thần, là siêu hình, là thông tin, là tâm linh, v.v…. Với loài người hiện nay [(*) homo sapien], thế kỷ 15 là một cột mốc thời gian, trước đó khoa học chưa phát triển, sau đó, khoa học phát triển ngày càng nhanh và có xu hưởng độc tôn, rằng mọi hiện tượng hoặc sự vật muốn được công nhận phải chứng minh bằng khoa học. Phải chăng vì lẽ đó mà có ý tưởng “Xây dựng nền tảng khoa học cho siêu hình học”. Theo Trịnh Xuân Thuận thì khoa học và tâm linh là hai con đường nhằm mục đích nhận thức và cải tạo thế giới. Để phát triển, khoa học không cần đến tâm linh, và tâm linh không cần đến khoa học. Nhưng một con người, gọi là có hiểu biết cần hiểu được cả hai. Triết học duy vật không công nhận và bài bác tâm linh, cho rằng vũ trụ chủ yếu là vật chất. Vật chất có trước và quyết định ý thức. Ý thức là sản phẩm bậc cao của vật chất. Quan niệm như thế là trái lẽ tự nhiên. Tôi nghĩ rằng tâm linh cao hơn khoa học vì vậy không thể dùng khoa học để giải thích tâm linh. Điều này được nhắc tới bởi ý sau “Khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức” Tuy vậy có thể dùng một vài so sánh, đối chiếu. Xây dựng nền tảng khoa học cho siêu hình học được bắt đầu bằng hệ 5 tiên đề, có thể gọi là “Hệ tiên đề tâm linh”.
Quan trọng nhất là tiên đề 1: “Tồn tại một Trung tâm thông tin trong vũ trụ, như một Hệ điều hành của vũ trụ và sự sống”. Trung tâm này được Hawking đề cập trong sách “Bản thiết kế vĩ đại”, được Tesla mô tả “trong Vũ trụ có một lõi mà từ đó chúng ta có được kiến thức, sức mạnh và cảm hứng…”. Phải chăng trung tâm đó, lõi đó được dân gian gán cho tên gọi là Đấng Sáng tạo, là Trời, Thượng đế, Chúa, Thánh Allah, Ngọc Hoàng. v.v… Kinh thánh còn mô tả Đức Chúa Trời có ba ngôi: Cha, Con và Thánh thần, mà Đức chúa con là Giê-su đã được giáng sinh …
Vậy liệu có thể hình dung ra, tưởng tượng ra cấu trúc và hoạt động của Đấng Sáng tạo hoặc là phải chấp nhân “Thuyết bất khả tri”. Tiên đề không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện. Câu hỏi là sẽ dùng hệ tiên đề để chứng minh điều gì.
26/08/2023, Hoàng Cường, Linh Mục Công giáo ở Huế (ý kiến gửi qua email):
Bài thuyết trình mà Thầy trình bày, con thấy rất hay. Nó dựa trên một số cơ sở khoa học ở các môn học về Sinh học, Thiên văn, Toán học… Con thấy những gì ở phần đầu Thầy viết tương thích những gì con đã được học ở Đại Chủng Viện. Tuy nhiên, con không dám nhận định về những tiên đề Thầy đã nêu ra. Theo thiển ý của con, con chấp nhận điều đó, nhưng về mặt khoa học thì con không biết. Còn về những luận chứng để chứng minh Chúa tồn tại như thánh Anselmo hay Gödel, đó là những lý luận hình thức. Theo con, Triết học của Platon cũng theo kiểu lý luận siêu hình như thế. Trong bài viết của Thầy: Khẳng định thông tin không thể xuất phát từ vật chất hay nói cách khác vật chất không thể nào sản sinh ra thông tin. Con nghĩ điều này rất có giá trị. Không thể có cái vũ trụ, con người tồn tại theo thuyết của Darwin, hay như nồi súp nguyên thủy. Con cám ơn Thầy nhiều … xin lỗi Thầy con không thể tham gia hội thảo của Thầy được. Mong Thầy thông cảm.
26/08/2023, Hà Lộc, biên tập viên khoa học của tờ báo mạng DKN.TV (ý kiến gửi qua email):
Cháu thấy hội thảo này rất hay ạ. Cháu nghĩ lĩnh vực này nếu có thể nghiên cứu chuyên sâu thì sẽ giúp khoa học đột phá và có những bước nhảy vọt ạ. Về việc nghiên cứu hiện tượng siêu nhiên cháu có chút suy nghĩ như thế này ạ. Cháu thấy lĩnh vực này rộng lớn, nhưng có lẽ cần một cái hạch tâm. Cháu Lộc.
02/09/2023, Đoàn Nguyên Vương (đã giới thiệu ở trên):
Đề tài này là bước đột phá lớn trong nhận thức loài người. Thật sự con ngộp. Nhưng nó thật sự rất hay. Con xin thầy chia sẻ cái cách thầy đi đến nhận thức được vì sao mô hình E-H thầy nghĩ ra được ạ? Giờ, ngồi đây, viết tâm sự với thầy, con cảm nhận được Chúa trong lòng của con (một Đấng toàn năng, toàn trí, toàn đức, nhưng không phải như trong định nghĩa của các hội thánh hiện nay). Sở dĩ Ngài không ban trực tiếp cho loài người ngay những điều lạ là vì chúng ta không có đủ một cơ thể toàn thiện để mà tiếp nhận được một lần. Thú thật với thầy lúc đầu con không quan tâm lắm đến Thiên Chúa. Nhưng kinh Giê-Hô-Va là cái con được dạy đầu tiên. Sau đó mới tới Phật giáo. Rồi khi con gặp thầy thì con bắt đầu quan tâm lại. Và con lại thấy thầy nói đúng.
30/09/2023, Phạm Thanh, kỹ sư xây dựng (ý kiến gửi qua email):
Cháu rất quan tâm và thích thú chủ đề “Xây dựng nền tảng khoa học cho siêu hình học”. Tuy vậy, cháu có công việc phát sinh đột xuất nên không thể tham dự được buổi hội thảo này, cháu thấy rất tiếc. Nhưng, cháu sẽ chờ được nghe buổi hội thảo này thông qua video. Trân trọng!
30/09/2023, Nguyễn Lân Cường, GS TS Cổ sinh học (ý kiến phát biểu tại Tọa đàm):
Báo cáo rất hay, đúng với những gì tôi mong muốn tìm kiếm. Thông qua nghề nghiệp nghiên cứu cổ sinh học (paleontology), tôi có rất nhiều bằng chứng thực tế cho thấy các hiện tượng siêu hình là sự thật. Lúc đầu tôi không tin. Nhưng rồi tôi phải tin, vì các bằng chứng quá thuyết phục. Tuy nhiên, trong một thời gian dài nhiều năm, tôi băn khoăn suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để giải thích các hiện tượng siêu hình ấy một cách khoa học. Do đó, đề tài ghi trong Giấy Mời Tọa đàm của Trung tâm NCTNCN lập tức hấp dẫn tôi. Và quả thật, Báo cáo của tác giả Phạm Việt Hưng trong Tọa đàm này đã đánh trúng vào mong mỏi của tôi.
30/09/2023, Nguyễn Đăng Quang, nguyên Giám đốc NXB Giáo dục (ý kiến phát biểu tại Tọa đàm):
Báo cáo của tác giả PVHg đã làm tôi mất ngủ mất mấy đêm, đặc biệt vì Mô hình vũ trụ Elliptic-Hyperbolic … Tôi hoàn toàn tán thành những quan điểm được nêu lên trong báo cáo và thấy rất nhiều vấn đề thú vị trong Báo cáo này …
30/09/2023, Phạm Văn Chung, giảng viên triết học Đại học KHXH&NV (ý kiến phát biểu tại Tọa đàm):
VN hiện nay đang có những nghiên cứu triết học theo xu hướng lập thuyết như Nguyễn Hữu Liêm (ở Mỹ), Vũ Xuân Minh giáo sư Vật lý học với “Hoàn thiện học”, Báo cáo “Xây dựng một nền tảng khoa học cho siêu hình học” của tác giả Phạm Việt Hưng có lẽ cũng đi theo hướng này (tôi đã đặt câu hỏi và tác giả đã trả lời là đúng như thế). Còn tôi, sau khi hoàn thành cuốn Triết học tri thức (đang chờ in) cũng mạo muội xin được tham gia vào quá trình này. Đây là xu hướng tích cực, rất tốt, nên khuyến khích, phát triển. Ý kiến này được tôi viết rõ trong báo cáo, nhưng hôm đó không trình bày theo báo cáo.
30/09/2023, Ngô Đức Vượng, Tiến sĩ Vi trùng học, nguyên Giáo sư Sinh học Đại học Tổng hợp Hà-nội (ý kiến phát biểu tại Tọa đàm):
Tôi thấy tư tưởng trong báo cáo này hầu hết giống tư tưởng của tôi [Năm 1978, khi đương chức giảng viên sinh học tại Đại học Tổng hợp Hà-nội, ông Ngô Đức Vượng từng đề nghị bãi bỏ môn Thuyết tiến hóa Darwin. Theo ông, sinh học của Pasteur mới đúng với sự thật, trong khi sinh học của Darwin thì sai. Đề nghị của ông không được Khoa Sinh chấp thuận, ông đã từ bỏ chức giảng viên sinh học, đi làm việc khác]
30/09/2023, Nguyễn Công Dzị, chuyên gia về Khoa học thủy sản, từng là Trưởng đại diện VN trong đội tàu biển Nga-Việt những năm 1970-1980 (ý kiến phát biểu tại lúc ăn trưa):
Báo cáo rất công phu, chứa đựng nhiều ý tưởng khoa học sâu sắc, bước đầu gợi ý một cơ sở khoa học hợp lý cho siêu hình học. Tôi tán thành Tiên đề 1 và Tiên đề 2. Đề nghị nên phát triển Báo cáo hôm nay thành một cuốn sách để xuất bản.
30/09/2023, Trần Viết Vũ, kỹ sư hàng không, quản lý nền tảng kỹ thuật của Công ty Socotec Vietnam (ý kiến phát biểu lúc ăn trưa):
Hoàn hảo! Báo cáo rất hoàn hảo! (Le reportage est parfait!)
30/09/2023, Phạm Quốc Hiển, chủ tịch Tập đoàn Hicorp (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Chúc mừng Bài giảng rất hay và gợi mở của tác giả Phạm Việt Hưng, đặc biệt là mô hình E-H
01/10/2023, Vũ Thanh Nhàn, Nhà báo, nguyên Chánh văn phòng Tạp chí Cộng sản (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Tọa đàm khoa học “Xây dựng một nền tảng khoa học cho Siêu hình học” do Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người tổ chức trên cơ sở Báo cáo đề xuất của Nhà khoa học, GS. Toán học Phạm Việt Hưng trong đó tác giả đề xuất: 1/ Phương pháp nghiên cứu siêu hình học là phương pháp Tiên đề; 2/ Nền tảng khoa học cơ bản làm chỗ dựa cho nghiên cứu các hiện tượng Siêu hình là Lý thuyết Thông tin. Với tinh thần khai phóng và tôn trọng sự khác biệt, vì mục tiêu phục vụ hạnh phúc của con người, Toạ đàm thu hút được sự quan tâm, đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, các bậc thức giả, các nhà triết học, các nhà thực hành tâm linh… và những người có mối quan tâm đặc biệt đối với các hiện tượng siêu hình nói chung nhằm tạo nên một hướng đi ngày càng tiếp cận với sự thật hơn. Một buổi sáng thứ Bảy ý nghĩa và thú vị được tiếp cận với những điều mới mẻ, hấp dẫn! Ngưỡng mộ tài năng, trí tuệ và nhiệt huyết của GS Phạm Việt Hưng!
02/10/2023, Nguyễn Thế Hùng, Tiến sĩ vật lý, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KHVN (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Chúc anh Pham Việt Hưng về Úc tốt lành. Tên anh có nghĩa là nước Việt sẽ Hưng Thịnh. Càng gần gũi anh càng cảm phục, một người Việt sẽ làm cho nước Việt sáng bừng lên với thế giới vì những đóng góp của mình. Chắc chắn tồn tại đâu đó một Trung tâm thông tin vũ trụ. Trung tâm ấy có khi nằm ngay trong trái tim mỗi người tin Chúa, yêu kính Chúa.
02/10/2023, Lê Đức Thuận, kỹ sư quản lý đường bay của VN Airlines (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Cảm ơn giáo sư Hưng rất nhiều. Em sẽ cố gắng lan toả thông tin của buổi Tọa đàm đến các bạn bè của em. Qua đó, em hy vọng là mọi người sẽ có góc nhìn thêm về các vấn đề này.
02/10/2023, Phạm Văn Hùng, một người mộ đạo của Cụ Nguyễn Đức Cần (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Hôm Tọa đàm vừa rồi em thấy anh nói vẫn ổn như xưa, rất mừng … Những thông tin anh truyền đạt có nhiều hữu ích với mọi người để nâng cao nhận thức, gia tăng, xây dựng ĐỨC TIN, cảm ơn anh nhiều cùng bác Đức và chị Bình nhé.
05/10/2023, Lưu Hoàng Hải, phụ trách đối ngoại của Công ty Golden Gate (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Cảm ơn anh về buổi thuyết trình hôm 30/9. Tuyệt vời quá anh ạ. Khai sáng cho em nhiều tri thức bổ ích. Em vẫn đang đọc đi đọc lại Báo cáo hôm trước. Lượng thông tin khá lớn, trừu tượng. Em sẽ bình luận thêm. Cảm ơn anh rất nhiều!
11/10/2023, Nguyễn Tài Đức, đồng tác giả cuốn “Nguyễn Đức Cần, Nhà văn hóa tâm linh”, một nhà nghiên cứu tâm linh nhiệt thành (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Hôm trước tôi gặp lại GS Lân Cường tại nhà Bích Hằng, và trao đổi lại với GS về buổi Tọa đàm khoa học, GS Lân Cường cho rằng các nhà khoa học nghiên cứu về tâm linh tại Việt Nam hầu như không có ai nghiên cứu chuyên sâu về Khoa học tâm linh, và GS Lân Cường rất ấn tượng với những hiểu biết minh triết đã được tác giả PVHg trình bày một cách thuyết phục. Nhẽ ra ban tổ chức phải ghi hình buổi Tọa đàm ấy như một tư liệu lưu trữ vì nó ghi lại hoạt động của Trung tâm. Quả thật đó là một buổi thuyết trình mà chưa một cơ quan nghiên cứu nào có thể thực hiện được. Nói chung các cơ quan nghiên cứu tâm linh tại Việt Nam chỉ mới ghi nhận được các hiện tượng siêu hình, chưa thực sự nghiên cứu và giải thích được các hiện tượng ấy.
11/10/2023 Lê Thanh Hải, Công ty Golden Gate (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Em rất chú ý đến mô hình E-H. Liệu trong tương lai con người có thể phát minh ra một cỗ máy truyền tin, bao gồm phương thức/giao thức truyền tin, từ thế giới E sang thế giới H và ngược lại không? … ngôn ngữ của thế giới E khác ngôn ngữ của thế giới H. Vậy sẽ cần thiết một sự tham chiếu nào đó để bên E hiểu bên H, và ngược lại? Trên đây là ý kiến nhỏ của em từ khối kiến thức mà em thu nhập được trong buổi thuyết trình rất bổ ích của anh.
11/10/2023, Phạm Hoàng Ngân, tình nguyện viên của Trung tâm NCTNCN (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Chúng cháu rất may mắn được gặp Cô Võ Hoà Bình, GS VS Đào Vọng Đức, và Chú Phạm Việt Hưng, nhờ đó chúng cháu được tiếp cận với siêu hình học khoa học
11/10/2023, Trần Chí Dũng, tình nguyện viên của Trung tâm NCTNCN (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Nghe chú trình bày trực tiếp sáng tỏ và dễ hiểu hơn là đọc bài viết.
11/10/2023, Lê Thanh Hiền, một bạn trẻ say mê tìm hiểu hiện tượng siêu hình (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Bác thuyết trình của bác về siêu hình học hay quá. Cháu chưa bao giờ được nghe bài giảng nào hay như thế.
11/10/2023, Đào Đình Bình, kỹ sư xây dựng (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Nhiều ý kiến đóng góp cho hội thảo rất hay và xác đáng
11/10/2023, Đinh Xuân Hưng, Bác sĩ Đông Y ở Melbourne, Australia, đã đọc kỹ báo cáo, phát biểu cảm tưởng về Báo cáo của cuộc Tọa đàm (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Tôi đã đọc kỹ Báo cáo thuyết trình. Rất tiếc dịp vừa qua tôi không về VN để tham dự cuộc Tọa đàm được, nhưng trong lòng tôi vẫn hình dung được đầy đủ hình ảnh một diễn giả đầy nhiệt huyết, có những quan điểm khoa học và triết học sâu sắc, rất chuẩn mực, và rất kiên quyết với hướng đi rất táo bạo nhưng rất khoa học – một loại khoa học mà nếu không có đủ kiến thức tổng hợp thì sẽ không thể tiếp thu và lý giải được, đó là khoa học siêu hình. Tác giả đã từng bước nâng dần lý thuyết này lên mức ngày càng hoàn chỉnh. Tôi hoàn toàn tin tưởng là tác giả sẽ đi tới đích! Xin chúc mừng tác giả như đã từng chúc mừng và sẽ còn chúc mừng nữa…
11/10/2023, Nguyễn Kiên, người quản trị trang Audio Công giáo, hiện ở TP HCM, đã đọc kỹ Báo cáo (ý kiến phát biểu sau Tọa đàm):
Báo cáo thuyết trình “xây dựng một nền tảng khoa học cho siêu hình học” là một nền tảng mà bất kỳ ai muốn tìm kiếm khoa học, triết học, và siêu hình đều có thể hiểu, và có thể khám phá, nhất là những người đã đọc nhiều bài viết của tác giả Phạm Việt Hưng, vì tìm thấy ở đó một tư tưởng nhất quán. Báo cáo đã tổng hợp được rất nhiều kiến thức bổ ích chỉ trong một bài viết, có thể làm thành một video rất phong phú. Nếu ai xem mà không hiểu thì có thể do họ chưa đọc hết các bài viết của tác giả này, hoặc có thể có những người cố tình chối bỏ sự thật, đặc biệt là các sự thật siêu hình. Những bài viết của tác giả Phạm Việt Hưng mang lại cho con nhiều điều mà bản thân con không thể làm và không thể nhận ra sự thật. Nhưng nay nhờ những kiến thức từ các bài viết đó mà con cũng đã có niềm tự tin để phản biện lại những gì không thuộc về khoa học và nhất là sự dối trá trong khoa học.
15/10/2023, Nguyễn Hồng Hoa, một người say mê tìm hiểu các hiện tượng siêu hình, có niềm tin mạnh mẽ vào sự tồn tại của thế giới siêu hình (thư sau Tọa đàm).
Cuộc Tọa đàm ngày 30 tháng 9 do Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người tổ chức đã diễn ra rất thành công. Chương trình tiến hành gọn gàng, trật tự và chất lượng. Đại biểu đến dự đông đúc, chú ý lắng nghe, phát biểu thảo luận rất nhiệt tình. Không ai bỏ ra về trước hoặc bỏ ra ngoài phòng họp. Tiệc trưa vừa phải, không thừa, không thiếu. Ban tổn chức làm việc rất nhiệt tình, hiệu quả. Mọi người tỏ ra vui vẻ, hài lòng.
Báo cáo “Xây dựng một nền tảng khoa học cho siêu hình học” là một công trình công phu và hấp dẫn! Đúng như GS Nguyễn Lân Cường nhận xét, từ trước tới nay ở VN các nhà khoa học chỉ mới ghi nhận những hiện tượng tâm linh hoặc siêu hình ở khắp mọi miền đất nước, đã xuất bản sách về những hiện tượng kỳ lạ đó, rồi báo cáo tại các hội thảo về tiềm năng con người, nhưng chưa ai nêu lên một cơ sở khoa học hợp lý để giải thích những hiện tượng này. Báo cáo ngày 30/09/2023 của Trung tâm là một đột phá, lần đầu tiên các vấn đề siêu hình ở Việt Nam được nhìn nhận qua lăng kính khoa học, đó là phương pháp tiên đề, dựa trên những nguyên lý cơ bản của Lý thuyết thông tin rất thuyết phục.
Mô hình Vũ trụ E–H quả thật là một bất ngờ thú vị. Bất ngờ vì đây là một mô hình toán học không đến nỗi phức tạp rắc rối nhưng lại phản ánh được một hiện thực rắc rối phức tạp là thế giới siêu hình. Mô hình này rất đẹp mắt, cân đối hài hòa, thâu tóm được nhiều ý nghĩa, cả ý nghĩa vật lý lẫn ý nghĩa siêu hình. Theo tác giả trình bày thì Thuyết tương đối rộng của Einstein khẳng định vũ trụ vật lý (tức vũ trụ mà chúng ta đang sống trong đó) bị cong do trường hấp dẫn, tức là cong lồi Elliptic. Bằng một phép biến đổi toán học rất đơn giản chứa đựng số ảo, tác giả đã chỉ ra rằng vũ trụ Hyperbolic có cùng bản chất (cùng công thức toán học) với vũ trụ Elliptic. Có nghĩa là vũ trụ Hyperbolic và vũ trụ Elliptic “bình đẳng” với nhau, chỉ khác nhau ở chỗ cái này là “thực”, cái kia là “ảo”. Khái niệm “thực/ảo” chỉ là tương đối, tùy theo bạn đang ở trong vũ trụ nào. Vậy nếu vũ trụ Elliptic là vũ trụ “thực” mà chúng ta đang sống thì vũ trụ Hyperbolic chính là vũ trụ siêu hình (phi vật lý). Một ngày nào đó, khi chúng ta chuyển sang “sống” trong vũ trụ Hyperbolic thì vũ trụ ấy lại trở thành “thực” và vũ trụ Elliptic lại trở thành “ảo”. Điều này ứng nghiệm với câu tục ngữ “Sinh ký, tử quy” (Sống là ký gửi, chết là về nhà) của tổ tiên chúng ta. Tóm lại, Mô hình E-H thực sự là một bất ngờ thú vị, thể hiện một cách khoa học tính hiện thực của thế giới siêu hình, giải thích được mối quan hệ giữa thế giới ấy với thế giới chúng ta đang sống, điều chưa ai từng làm cho sáng tỏ. Có lẽ đó là lý do làm cho ông Nguyễn Đăng Quang mất ngủ mấy đêm liền!
20/10/2023, TN. một nhà nghiên cứu lão thành,
Cảm ơn anh Hưng, Cứ mỗi lần đọc “công trình mới” của anh, tôi lại giàu có thêm – không phải là tiền, mà là hiểu biết! Lâu nay bản thân tôi không tin vào siêu hình học, mặc dù có những hiện tượng tôi biết là thuộc phạm trù này – ví dụ như hiện tượng “lên đồng chén”, v.v. Đúng là đã, đang và luôn luôn cùng một lúc tồn tại thế giới hữu hình và thế giới siêu hình. Tôi không dám nói cái nào có trước cái nào có sau – mặc dù đã có không ít ý kiến cho rằng thông tin (Đấng toàn năng) có trước… Đối với tôi, đã đến lúc phải nghiêm túc tìm hiểu thế giới siêu hình. Tôi tán thành cách đặt vấn đề của anh, rất khiêm tốn, mang tính đặt vấn đề, và rất cần thiết: “Xây dựng nền tảng khoa học cho siêu – hình học” – nghĩa là để cửa mở cho suy tư, tranh luận, bàn luận… Tôi đã đọc bản tóm lược kết qủa hội thảo của anh ở Hà-nội vừa qua. Một lần nữa nhiệt liệt chúc mừng anh.
Trước khi viết email này, tôi đã đọc lại một lần nữa (lần thứ ba) bài thuyết trình của anh. Thật là xuất sắc, tôi không thể nói khác được. Hiếm có một bài nào tôi đọc đến ba lần, đánh dấu xanh đỏ, chú thích chi chít. Sau đây tôi xin kể một chuyện vui về đề tài siêu hình mà chúng ta đang bàn:
Có hai bà cháu, bà thường kể chuyện cổ tích cho cháu nghe để ru cháu ngủ. Hôm nọ, bà hết chuyện cổ tích rồi, không còn gì để kể, cháu đổi vai cho bà – cháu đặt câu hỏi, bà trả lời.
Câu đầu tiên:
- Ai sinh ra cháu hả bà?
- Bố mẹ cháu chứ còn ai nữa?
- Ai sinh ra bố mẹ cháu?
- v… v…
Cứ thế tiếp theo đến vài chục câu hỏi khác. Rồi đến câu hỏi:
- Thế ai sinh ra Trời đất hả bà?
Bà bí quá, cuối cùng ngửa mặt kêu lên:
- Chỉ có Trời mới biết được cháu ạ!
Siêu hình học có lẽ là như vậy, triết lý của Gödel có lẽ là như vậy.
Chào anh.
Thân mến, TN.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
(Tập hợp, Trích lược)
Tác giả: GS Phạm Việt Hưng
Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.
Xem thêm: