Trứng chiên là một món ăn rất đỗi quen thuộc và phổ biến trong cuộc sống thường nhật. Đôi khi nó còn được coi là món chay nếu những quả trứng chưa được gà trống thụ tinh. Tuy nhiên, bạn có từng biết đến “sản phẩm phụ” trong dây chuyền chăn nuôi công nghiệp đằng sau món trứng chiên?
Đó là hàng trăm triệu con gà trống con “vô dụng” sẽ bị giết hại hàng loạt bằng cách tống vào máy nghiền hay gây ngạt chết. Các doanh nghiệp thậm chí sẽ không nuôi chúng để lấy thịt vì lý do “lợi nhuận không cao”. Chỉ có một số con gà trống được giữ lại để phục vụ cho mục đích sinh sản.
Trong quá khứ, những chú gà con không bị đối xử như vậy. Người nông dân thường thu được từ 5 đến 7 quả trứng với một đàn gà 20 con. Họ giữ lại những con gà trống để nuôi lấy thịt và thụ tinh cho trứng khi cần thiết. Họ cũng sẽ không để trứng nở nếu không muốn mở rộng đàn gà.
Tuy nhiên đó không phải là việc xảy ra trong dây chuyền chăn nuôi công nghiệp của thế kỷ 21. Từ khoảng 50 năm trước, các nhà khoa học đã thành công tạo ra những giống gà siêu lợi nhuận. Cho tới nay, các doanh nghiệp chăn nuôi có những giống gà đẻ có thể cho tới 350 quả trứng một năm, và những giống gà thịt đạt được khối lượng tiêu chuẩn trong vỏn vẹn 4 tuần.
Với cách làm này, doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường một cách nhanh chóng, còn người tiêu dùng có thể mua trứng với giá rẻ. Nhưng hậu quả là, theo số liệu từ tờ Aljazeera, hàng trăm triệu con gà trống con mới nở bị giết hại hàng năm, tính riêng tại Mỹ. Trong khi đó ở Đức, con số đó là khoảng 50 triệu. Một ngày sau khi nở, những con gà được phân loại giới tính, và số phận chờ đợi lũ gà trống con là buồng ngạt hay… máy nghiền.
Video bí mật quay lại cảnh gà trống con bị đưa vào máy nghiền:
“Chúng ta đã hành hạ lũ gà“, Carlos Gonzalez Fischer, một nhà khoa học thuộc tổ chức nông nghiệp thế giới hoạt động nhằm cải thiện tình trạng chăn nuôi chia sẻ, “Gà thịt lớn quá nhanh đến nỗi chúng không thể đứng, trong khi đó gà đẻ phải sinh sản nhiều đến mức phải lấy canxi từ xương để dành cho vỏ trứng và vì thế chúng bị loãng xương. Đó đã là những con may mắn hơn rồi, vì chúng không bị giết hại chỉ sau có một ngày nở“.
Năm 2013, bang đông dân nhất nước Đức là North Rhine-Westphalia đã cố gắng thông qua một điều luật cấm thực hiện hành vi này trong chăn nuôi. Tuy nhiên, tòa án cho rằng điều luật này sẽ vi phạm “quyền kinh doanh”. Chính vì thế, về mặt pháp lý, người ta khó mà có thể ngăn chặn nạn tàn sát gà trống con.
Các tổ chức bảo vệ động vật cùng các hiệp hội khoa học đã tìm kiếm những giải pháp công nghệ mới nhằm chung tay chấm dứt thực trạng đáng buồn này. Trường đại học Leipzig tại Đức đã cho ra đời công nghệ kiểm tra giới tính trứng vào ngày ấp thứ 9, trước khi gà con ra đời, bằng việc lấy mẫu lòng trứng. Trong khi đó, trường đại học Catholic tại Bỉ đã giới thiệu một công nghệ soi trứng gà nâu với độ chính xác lên tới 99% sau 11 ngày ấp.
Ngoài ra, Unilever, thương hiệu giúp tiêu thụ tới 350 triệu quả trứng mỗi năm, đã công khai lên án việc các dây chuyền công nghiệp tàn sát gà con. Người đại diện của Unilever phát biểu: “Chúng tôi đang làm việc với các nhà sản xuất trứng và các hãng công nghiệp, cộng đồng bảo vệ động vật và các công ty phát triển công nghệ để tìm ra một giải pháp cho vấn đề quan trọng này.” Mặc dù vậy, Unilever chỉ là trường hợp hiếm hoi trong các hãng tiêu dùng lớn đứng ra gánh vác trách nhiệm…
Số phận những con gà trống con sẽ đi về đâu? Đó là câu hỏi mà nhân loại cần phải trả lời bằng hành động.
Quang Minh
Xem thêm: