Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn thách đố tri thức của nhân loại. Bộ sưu tập những câu chuyện “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên về những hiện tượng lạ thường đã kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Tiếp theo phần 1

Theo một số người, nhiều hiện vật khó hiểu và kết quả từ các nghiên cứu ADN gần đây trên người Mỹ bản địa có thể mở ra giả thuyết về mối liên hệ giữa Trung Quốc và Bắc Mỹ cổ đại.

Phiến đá Thruston


Một mặt phiến đá Thruston (Ảnh: DNA Consultants)

Ông Ruskamp đã nhận diện những yếu tố có thể là chữ tượng hình Trung Quốc trên phiến đá Thruston. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng một trong những chữ tượng hình này có thể là một dạng người que (stick-man), và khó có thể đưa ra kết luận cho cách mô tả nghệ thuật khung cảnh thời cổ đại như vậy.

An illustration of a portion of the inscriptions on the Thruston Tablet. (Courtesy of DNA Consultants)Hình 1: Minh họa một phần của những dòng chữ khắc trên phiến đá Thruston (Ảnh: DNA Consultants)

Được trích dẫn trong bài blog của DNA Consultants, ông Ruskamp đã phân tích hình vẽ trong vòng tròn đỏ ở hình 1 phía trên như sau: “Bốn vạch ngang có thể là số 4 ‘Si’. Nếu vậy, thì đây là một trong những hình thái cổ nhất của văn tự Trung Hoa được sử dụng để biểu thị số 4”. Về hình vẽ trong vòng tròn màu xanh lá: “Người que hình chữ X cách điệu có thể là ký tự ‘Wen’. Trong trường hợp này, hình vẽ trông giống như người đang cầm chiếc cần câu có một đầu chẻ đôi ở cuối đường kẻ. Hoặc đó có thể chỉ là hình vẽ một người que”. Còn về hình trong vòng tròn màu xanh dương, ông viết: “Có vẻ đó là ký tự Trung Quốc ‘Mi’ nghĩa là sợi chỉ hoặc dây thừng”. Bài viết cho biết, cũng có nhiều chữ khắc tương tự ở những phần khác của hiện vật này.

Năm 2005, nhà khảo cổ Vincas P. Steponaitis ở Đại học Bắc Carolina là đồng tác giả của bài phân tích hiện vật với tiêu đề “Iconography of the Thruston Tablet” (Tạm dịch: Các biểu tượng trên phiến đá Thruston). Mặc dù không có cùng kết luận với Ruskamp, ông cũng nhận thức được tính chất kỳ lạ của những hình vẽ được phân tích bên trên.

Ông Steponaitis kết hợp hình 1 bên trên với hai phần khác của bức vẽ, để cho ra “hình nền nhóm 3” (xem nhóm này trong hình 2 dưới đây). Ông đã chia các phần của bức tranh thành nhiều nhóm nhỏ, dựa trên mức độ nông sâu của vết khắc trên đá, tính thống nhất của chủ đề, và những yếu tố khác khiến chúng trở nên tương đồng hoặc khác biệt so với nhau.

background-group-3
Hình 2: Hình nền nhóm 3, gồm phần đã được Ruskamp phân tích vì nó chứa các ký tự được cho là Hán tự (b)

Theo ước tính của nhà khảo cổ Steponaitis, cách diễn giải kỳ lạ nhất của phiến đá này đã được Ruth Verrill và Clyde Keeler đưa ra vào những năm 1960. Cả hai đều cho rằng nội dung phiến đá miêu tả một trận chiến giữa người Mỹ bản địa và người Vikings. Steponaitis viết: “Trong số các bản khắc, họ thấy chữ khắc trên đá, một chiếc mũ bảo vệ Phrygia, và một con thuyền mái chèo của người Viking.”


Mũ bảo vệ Phrygian


Thuyền mái chèo của người Viking

Verrill và Keeler cho rằng nội dung phiến đá miêu tả một trận chiến giữa người Mỹ bản địa và người Vikings

Trong hình 2, (a) được cho là giống với một chiếc thuyền mái chèo của người Viking. Steponaitis viết về cách giải thích này: “Chúng ta hoàn toàn có thể dẹp ý tưởng này sang một bên vì đây là điều không hợp lý về mặt lịch sử. Người ta cũng có thể bảo đó là chiếc xuồng, nhưng nó có ít nét tương đồng với hình ảnh chiếc xuồng cụ thể mà chúng ta có từ thời Mississipi. … Theo một cách lý giải khác, chúng ta có thể cho rằng đây có lẽ là một nhà thuốc”.

Xem thêm: 

Tiến sĩ Yates đặt câu hỏi rằng liệu đây có thể là hình ảnh miêu tả sự xuất hiện của một đoàn thám hiểm Trung Hoa, mang kẻ xâm lược đến Tân Thế giới hay không.

Bài viết của Steponaitis không đề cập thêm nhiều về hình nền nhóm 3 này. Ông viết: “Dường như có không nhiều điều để nói về cấu trúc kỳ lạ này… Ý nghĩa của hình vẽ này hiện vẫn còn là dấu hỏi”.

Ông cho rằng phiến đá này “không nói đến các sự kiện lịch sử, mà biểu thị tín ngưỡng về vũ trụ và các sinh mệnh trong những thế giới siêu thường khác”.

Tiến sĩ Yates đặt câu hỏi rằng liệu đây có thể là hình ảnh miêu tả sự xuất hiện của một đoàn thám hiểm Trung Hoa, mang kẻ xâm lược đến với Tân Thế giới hay không.

Bằng chứng ADN?

Theo quan điểm truyền thống về dòng dõi di truyền của người Mỹ bản địa, có 5 nhóm đơn bội cấu thành nên dân số ban đầu. Thuật ngữ “nhóm đơn bội” chỉ một nhóm dân cư di truyền phát xuất từ một tổ tiên chung. Người ta cho rằng, 5 nhóm đơn bội này đã băng qua cây cầu lục địa Bering cùng với những người định cư đầu tiên của Tân Thế giới.

Theo các dữ liệu tổng hợp, Tiến sĩ Yates cho rằng có thể cho thấy gien di truyền của người Trung Quốc đã thâm nhập vào nhóm dân bản địa Châu Mỹ vào thời điểm rất lâu sau khi băng qua cầu lục địa Berring, nhưng rất lâu trước khi diễn ra quá trình nhập cư thời hiện đại. Ví dụ, ông trích dẫn bài báo năm 2007 được công bố trên Tạp chí Khoa học Khảo cổ với tiêu đề “Mitochondrial Haplogroup M Discovered in Prehistoric North Americans” (Tạm dịch: “Phát hiện nhóm đơn bội ty lạp thể M vào thời tiền sử Bắc Mỹ ). Đồng tác giả bài viết là tiến sĩ Ripan S. Malhi (Ph.D), nhà nhân chủng học tại Đại học Illinois ở vùng đô thị Urbana-Champaign.

Tiến sĩ Malhi đã tiến hành nghiên cứu ADN từ hai người được chôn cất tại hồ China Lake, tỉnh British Columbia, Canada cách đây khoảng 5.000 năm trước. Những người này thuộc về nhóm ty lạp thể đơn bội M, một loại được tìm thấy rộng rãi ở Châu Á ngày nay, nhưng lại không thuộc về một trong 5 nhóm đơn bội nền tảng.

Ông viết: “Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng cho thấy những người di cư đầu tiên đến Châu Mỹ có tính đa dạng về di truyền lớn hơn so với nhận thức trước đây, từ đó khiến chúng ta phải xem xét lại mô hình 5-nhóm-sáng-lập đã được chấp nhận rộng rãi, đó là Châu Mỹ từng bị thuộc địa hóa chỉ bởi 5 dòng dõi ty mtADN nền tảng”.

Một tư liệu của Trung Quốc từ 2.200 năm TCN miêu tả tả về mảnh đất Phù Tang, và một số người cho rằng đây chính là Bắc Mỹ ngày nay

Tiến sĩ Yates cũng khám phá ý nghĩa của một allele (thuật ngữ “allele” chỉ một chuỗi ADN cụ thể) có tần suất xuất hiện khá cao ở những người da đỏ Salishan sinh sống ở British Columbia, Canada). Tần suất xuất hiện trong nhóm người này là vào khoảng 30%, còn ở nhóm dân da đỏ Mỹ tần xuất xuất hiện trung bình chỉ vào khoảng 12%.

Tần suất này là tương đối thấp hoặc không tồn tại trong nhóm dân cư ở Châu Âu, Trung Đông, và những nhóm dân số khác, nhưng theo Yates, Đài Loan thời cổ đại là nơi xuất hiện khá phổ biến nhóm người này. Tần suất này là cao nhất ở bộ lạc Atayal trong cộng đồng thổ dân ở Đài Loan với tỷ lệ lên đến 52%. Tiến sĩ Yates không muốn rút ra kết luận từ một allele này, khi cho rằng vẫn cần thêm bằng chứng và nghiên cứu; nhưng với ông, điều này khá thú vị khi xem xét những mối liên hệ khác nhau giữa nền văn minh của những người Trung Hoa cổ và người da đỏ bản địa ở Mỹ.

Truyền thuyết xứ Phù Tang

Một tài liệu cổ của Trung Quốc từ năm 2,200 TCN miêu tả về ‘mảnh đất Phù Tang’ (the land of Fusang); và một số người cho rằng đây chính là Bắc Mỹ. Charlotte Harris Rees đã dành nhiều năm nghiên cứu mối liên hệ nói trên, và bà đã có các bài diễn văn về đề tài này tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Thư viện Quốc gia Trung Quốc, và nhiều nơi khác trên thế giới.

Tư liệu cổ có tên gọi Sơn Hải Kinh (山海經 – Shan Hai Jing) có miêu tả về hệ động thực vật được tìm thấy ở Bắc Mỹ. Theo bà Rees, hệ động thực vật được miêu tả trong đó bao gồm loài chồn opossum, loài động vật có vú armadillo, lợn lòi peccary, loài linh dương gạc pronghorn, sói đồng cỏ, đại bàng hói, hải cẩu voi và loài ngựa appaloosa.

Các chỉ dẫn để đi từ Trung Quốc đến Phù Tang trên thực tế sẽ dẫn một người đến Alaska. Theo tài liệu, Phù Tang cách xa 20.000 lý (“lý” là một đơn vị đo lường của người Trung Quốc; thời cổ xưa, một lý tương đương với ¼ dặm) – con số này cũng xấp xỉ bằng khoảng cách từ Trung Quốc đến Bắc Mỹ.

Trong bài phát biểu với Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2005, bà Rees nói: “Tong Fan Tso (sống vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN) đã khẳng định rằng Phù Tang rộng 3.300 dặm, được bao quanh bởi đại dương rộng lớn và có nhiều cây khổng lồ. Đó gần như là chiều rộng chính xác của Châu Mỹ. Làm sao một người ở Trung Quốc từ thời xa xưa như vậy lại có thể biết được điều này?”


Tấm bản đồ thế giới của Pháp từ năm 1792 có nhắc đến địa danh Phù Tang (“Fousang des Chinois” – được khoanh tròn màu đỏ). Vị trí Phù Tang nằm ở khu vực ngày nay là British Columbia (Ảnh: Wikimedia Commons]])

Bà cũng xem xét các bằng chứng khảo cổ có thể cho thấy đã từng có việc trao đổi động-thực vật giữa Trung Quốc và Bắc Mỹ

Bà cũng lưu ý rằng những loài cây lớn được tìm thấy ở bờ biển phía tây Canada và các bang phía tây-bắc cũng khớp với sự miêu tả này.

Bà Rees đưa ra rất nhiều ví dụ về nét tương quan giữa Phù Tang và Bắc Mỹ. Bà cũng xem xét các bằng chứng khảo cổ có thể cho thấy đã từng có việc trao đổi động-thực vật giữa Trung Quốc và Bắc Mỹ. Ví dụ, nhiều khoai lang từ Bắc Mỹ đã được mang đến Châu Á; bà Rees viết: “Nó đã đến khu vực Polynesia vào khoảng 800 năm SCN và thậm chí cũng có cùng tên gọi giống như ở Châu Mỹ”. Polynesia là khu vực có nhiều hòn đảo ở phía đông Australia.

Bà tiếp tục: “Xương gà Châu Mỹ có niên đại từ năm 900 SCN cũng rất giống với [xương gà] ở Đông Nam Á. Thậm chí cách một số người Mỹ bản địa gọi từ ‘gà’ cũng gần giống với cách gọi bằng tiếng Trung Quốc”. Trong số rất nhiều ví dụ kiểu này, bà có trích dẫn George Carter (1912–2004), một giáo sư địa lý người Mỹ từng giảng dạy tại Đại học Johns Hopkins và sau đó là Đại học Texas A&M. Giáo sư Carter cũng có nền tảng trong ngành nhân chủng học và đã tiến hành một số cuộc khai quật ở Mỹ. Ông là người ủng hộ giả thuyết cho rằng nhiều nhóm dân khai khẩn khác nhau đã đến Bắc Mỹ trong các thời đại.

Tuy nhiên, một số người cho rằng Phù Tang chỉ là một miền đất trong truyền thuyết. Nhưng theo bà Rees, một số bản đồ cổ đề cập đến địa danh Phù Tang là những tấm bản đồ của chính quyền với nhiều ứng dụng thực tiễn (gồm cả việc xác định địa điểm các giếng nước, v.v..), vì vậy, đây có lẽ không phải là các vùng đất trong tưởng tượng. Tuy nhiên, việc đưa vào các quái vật biển và nhiều yếu tố khác trên những tấm bản đồ cổ nghiêm túc lại đặt ra câu hỏi về tính xác thực của những tài liệu này.

Tuy bằng chứng về mối liên hệ cổ xưa giữa Trung Quốc và Tân Thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi, và cả tiến sĩ Yates lẫn nhà phân tích Ruskamp vẫn chưa thể hy vọng ngay lập tức chỉnh lý các sách dạy lịch sử, nhưng những nhà nghiên cứu này và nhiều học giả khác vẫn tiếp tục tập hợp những bằng chứng có sức thuyết phục và kêu gọi thực hiện thêm nhiều cuộc thảo luận về mối liên hệ này.

Tara MacIsaac, Epoch Times
Hồng Liên biên dịch – Quý Khải, Phan A biên tập

Xem thêm: