Một người phụ nữ đang tản bộ trên bãi biển ở Cornwall, Anh Quốc vào năm 2012 thì bất chợt nhìn thấy một tấm bảng đen nằm trơ trọi trên cát, bên trên khắc một hàng chữ kỳ dị. Cô kìm nén sự tò mò và tiếp tục cất bước. Nhưng một vài tuần sau cô lại phát hiện được một tấm bảng tương tự trên một bãi biển khác. Cô đã không nhận thức được rằng mình đã gặp phải một hiện tượng mà rất nhiều người khác cũng trải nghiệm trên khắp Châu Âu trong nhiều thập kỷ. Chúng đều có liên hệ đến bí ẩn về tấm bảng Tjipetir.
Không biết làm cách nào những tấm bảng cao su này có thể trôi dạt vào nhiều bờ biển khác nhau đến vậy, và cảm thấy rất bối rối với hàng chữ được khắc trên đó – TJIPETIR – anh chàng chuyên săn đồ trên bãi biển Tracey Williams đã thử bắt đầu nghiên cứu nguồn gốc của những tấm cao su màu đen kịt này.
Anh phát hiện ra rằng Tjipetir là một ngôi làng ở phía Tây Java, Indonesia. Hiện nay được đổi tên thành Cepetir, đây từng là một đồn điền cây đỗ trọng trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. “Các tấm” đỗ trọng này được làm từ chất gôm của cây Palaquium. Chất nhựa mủ giống cao su màu đen kịt này được sử dụng rộng rãi trong sản xuất các thứ như đồ chơi, bóng gôn, răng giả, thiết bị phẫu thuật, trang sức, nội thất, đồng thời đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển của cáp quang biển.
Ở Malaysia, những thổ dân bản địa sử dụng gỗ và gôm từ loài cây này để tạo ra cán tay cầm dao và gậy chống từ rất lâu trước khi những vật dụng này trở nên thịnh hành xã hội phương Tây.
Đồn điền cây đỗ trọng ở Indonesia với những chồng tấm bảng giống cao su vào cuối giai đoạn thế kỷ 19. (Ảnh: Bảo tàng Tropenmuseum / Wikimedia)
Trong nhiều thập kỷ vừa qua người ta đã phát hiện thấy các tấm bảng có khắc chữ được đánh dạt vào các bờ biển ở Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan và Thụy Điển.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: làm thế nào những tấm bảng này lại có thể trôi dạt từ Indonesia đến tận bờ biển Châu Âu?
Câu trả lời vẫn chưa chắc chắn, nhưng người ta phỏng đoán rằng các tấm bảng này có thể đã rơi xuống biển vào năm 1912 trên con tàu Titanic xấu số. Các tấm bảng đỗ trọng và các kiện cao su đã được liệt kê trong bảng kê khai danh mục hàng hóa của tàu.
Hình minh họa con tàu Titanic xấu số bị chìm vào năm 1912. (Ảnh: Wikimedia)
Ngoài ra, những tấm bảng này có thể đến từ một con tàu bị đánh chìm khác – con tàu chở khách của Nhật tên là Miyazaki Maru. Tàu Miyazaki Maru đã chở những tấm cao su từ Yokohama đến London, nhưng đã bị trúng một quả ngư lôi của tàu ngầm Đức và chìm xuống biển vào tháng 5 năm 1917. Khi tàu chở hàng bị chìm vỡ vụn, các tấm cao su sẽ có thể nổi lên mặt nước.
Con tàu xấu số Miyazaki Maru. Liệu đây có thể nguồn gốc của những tấm đá Tjipetir? (Ảnh: Uboat.net)
Vì cần khoảng 25 năm để các mảnh vụn trôi dạt vòng quanh thế giới nhờ các dòng hải lưu, nên sẽ không thể xác nhận được tính xác thực của các giả thuyết về nguồn gốc tấm Tjipetir. Cho tới nay chúng đã lang thang trên biển trong hơn một thế kỷ. Vì là các sản phẩm tự nhiên, nên theo thời gian các tấm cao su này sẽ mủn ra và cuối cùng trở về với tạo hóa.
Những người may mắn bắt gặp được tấm cao su này rất coi trọng chúng, chứ k hông xem chúng như đồ trôi dạt. Những di vật lịch sử này đã được Marina de Jesus gọi là “một món quà tuyệt vời từ đại dương” trên trang cộng đồng Facebook Tjipetir Mystery.
Chắc chắn rằng những tấm bảng này sẽ tiếp tục được người dân bắt gặp trên các bãi biển, và nó sẽ đóng vai trò liên kết con người trong lịch sử. Dù vậy, có rất nhiều tấm bảng Tjipetir sẽ không thể được phát hiện, chúng sẽ tiếp tục lênh đênh trên biển và thỉnh thoảng trôi dạt vào bờ, để rồi trở lại biển cả khi thủy triều đến.
Các bức ảnh kèm theo những câu chuyện tuyệt vời về tấm bảng Tjipetir có thể được tìm thấy trên trang cộng đồng Facebook Tjipetir Mystery, tạo bởi Tracey Williams.
Tác giả: Liz Leafloor, Ancient Origins
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch.
Xem thêm: