Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường, thực phẩm chức năng giả chủ yếu được nhập từ Trung Quốc và được ngụy trang bằng các thương hiệu nổi tiếng để đánh lừa người tiêu dùng.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 31/7, lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, những năm qua cơ quan quản lý thị trường đã phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý 10 tấn thực phẩm chức năng. Đáng chú ý, gần như 100% số thực phẩm chức năng giả bị phát hiện được nhập từ Trung Quốc về và được ngụy trang bằng đủ hình thức.
Theo đó, các đối tượng đã sử dụng hình thức đưa hàng nhỏ lẻ dần dần vào thị trường nội địa, hoặc dùng các khu công nghiệp, nhà dân hoặc bản làng xa xôi để đóng gói hàng hóa. Sau đó, các đối tượng lợi dụng từng thời điểm, từng mặt hàng tung ra thị trường, lừa dối người tiêu dùng, hoặc dùng các thương hiệu nổi tiếng để làm giả.
Ngoài ra, thực trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội, gây khó khăn cho công tác kiểm soát và khiến cho người tiêu dùng rất khó phân biệt.
Cục Quản lý Thị trường cho biết đã làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để bàn cách tiếp cận và xử lý hành vi đăng tin rao bán hàng trên Internet, mạng xã hội Facebook, cho rằng nhiều trường hợp đăng lên cần gỡ ngay.
Kết quả khảo sát mới đây của Báo Tiền phong cho thấy thực phẩm chức năng đang bị thả nổi, nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo thái quá về tính năng sản phẩm trong khi quản lý khá lỏng lẻo.
Riêng tại Tp.HCM, thực phẩm chức năng được bày bán khắp nơi, từ nhà thuốc tây, hiệu thuốc đông y, siêu thị lớn như Co.op Mart hay BigC, đến các kênh bán hàng trực tuyến. Sản phẩm này đa dạng với hàng trăm chủng loại như sữa, trà giảm cân, trà thảo dược, bột dinh dưỡng…
Những loại thực phẩm chức năng này được quảng cáo với rất nhiều tác dụng “thần kỳ”, như có thể hỗ trợ chữa tất cả các bệnh lý như tim mạch, huyết áp, gout, đái tháo đường, xương khớp, trĩ. Sản phẩm đa dạng, dành cho nữ, nam, trẻ em, người già và cả cho người… mắc bệnh ung thư.
Trong khi đó, theo bác sĩ Ngô Minh Vinh – giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – nhiều người nghe theo quảng cáo nên mua thực phẩm chức năng về uống với suy nghĩ “không bổ ngang cũng bổ dọc”. Thậm chí, có người còn lầm tưởng đó là thuốc chữa bệnh. Thói quen của người tiêu dùng Việt Nam khi sử dụng thực phẩm chức năng chủ yếu là qua mách bảo của người quen, người bán hàng. Việc bổ sung thực phẩm không đúng cách sẽ không có lợi, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe.
Thống kê của Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm thực phẩm chức năng của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Hiện có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán thực phẩm chức năng.
Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng thêm khó khăn. Ngoài ra, nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy các đối tượng làm giả thực phẩm chức năng rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm rất giống hàng chính hãng.
Vỹ An