18 năm sau khi thực hiện bức “Cô gái Afghanistan”, nhiếp ảnh gia Steve McCurry đã tìm lại được nhân vật nhưng cuộc gặp lại đã khiến ông day dứt, “cô bé Afghan” giờ sống trong nghèo khó. Khi thấy lại tấm hình, cô lặng lẽ, vừa ngỡ ngàng vừa xúc động...
Chỉ một bức ảnh thôi, bức ảnh “Cô gái Afghanistan” -đã khiến tên tuổi Steve McCurry nổi danh trong làng nhiếp ảnh thế giới từ thời điểm ấy, năm 1984.(Ảnh: National Geographic)
May mắn đến với người nhiếp ảnh gia trong khói lửa bom đạn
Khi ấy, chiến sự, xung đột và bất ổn thường xuyên xảy ra dữ dội, nhưng Steve McCurry vẫn dám mạo hiểm đặt chân tới Afghanistan.
Trong một cuộc viếng thăm trại tị nạn dọc biên giới Pakistan – Afganistan, ông đã gặp được cô gái có đôi mắt màu xanh biếc. Ông chỉ biết đến cô như một em bé vô danh – “Cô bé Afghanistan”.
Bức ảnh đã xuất hiện trên vô số các tờ báo, tạp chí, đặc biệt lên cả trang bìa số ra tháng 6/1985 của tạp chí du lịch – khám phá nổi tiếng nhất nước Mỹ – National Geographic.
Ánh nhìn xuyên thấu của cô trong bức hình như ẩn chứa nỗi đau về cuộc nội chiến Afghanistan và sự kiên trì của những người tị nạn chạy trốn sang Pakistan.
“Chỉ vài giây thôi, mọi thứ đã ở tình trạng hoàn hảo nhất, từ ánh sáng tự nhiên, hậu cảnh, biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt của cô bé, tất cả đều làm tôi hài lòng”, Steve McCurry chia sẻ.
Thực tế, bức ảnh đó ban đầu không được lựa chọn làm ảnh bìa, nhưng tổng biên tập của National Geographic, với con mắt tinh tường đã đích thân chọn tấm ảnh này bởi khi nhìn thấy ánh mắt ám ảnh của cô bé, ông cảm giác như mình “khựng lại ngay”.
Đúng như dự đoán của vị tổng biên tập, bức hình này ngay lập tức đã gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả.
Sau này, nó được bình chọn là bức hình được biết tới nhiều nhất trong lịch sử báo chí.
Bức ảnh cũng thường được ví như “nàng Mona Lisa của nhiếp ảnh”.
Steve McCurry trong triển lãm của ông bên cạnh “nàng Mona Lisa” nhiếp ảnh của mình..
Công cuộc trở lại tìm người xưa
Năm 2002, 18 năm sau khi thực hiện bức hình kinh điển này, Steve McCurry lại quay trở lại Pakistan để tìm cô bé mắt xanh năm xưa, chỉ với một manh mối duy nhất là tấm hình.
Ông đã may mắn tìm lại được cô bé ở một ngôi làng hẻo lánh của Afghanistan.
Những năm tháng đói khổ đã làm thay đổi hình ảnh của cô bé 12 tuổi năm nào.
Giờ cô đã là người phụ nữ 30 tuổi, hoàn toàn không được tiếp xúc với các phương tiện thông tin nên không biết gì về việc bức hình của mình đã trở nên nổi tiếng ra sao.
“Cô bé mắt xanh” không đòi hỏi bất cứ điều gì ở McCurry, chỉ lặng lẽ nhìn lại bức hình của mình năm xưa…(Ảnh: National Geographic)
Cuộc đời cay đắng
McCurry lúc này mới được biết về cuộc đời của Sharbat Gula khi còn là một cô bé 12 tuổi. Lúc đó, Gula đã mồ côi, được người ta đưa tới trại tị nạn.
Ngôi làng của cô bị binh lính tấn công và cha mẹ cô nằm trong số người thiệt mạng. Gula và các anh chị em đã cùng bà nội chạy trốn vào rừng và thoát được cảnh giết chóc.
Sau này, Gula lập gia đình và quyết định quay trở về quê hương Afghanistan sinh sống.
Vợ chồng cô giờ có 3 người con gái. Người con gái thứ 4 đã sớm qua đời khi còn đang ẵm ngửa.
Khi được hỏi điều cô mong muốn nhất là gì, Gula nói rằng cô chỉ mong các con cô được học hành tử tế, không phải bỏ học giữa chừng như cô.
McCurry nói rằng gặp lại nhân vật trong hoàn cảnh khổ sở như vậy mà “lực bất tòng tâm”, đành phải rời đi khi không thể giúp họ một điều gì to tát.
Đó cũng là một phần thực tế mà tất cả các nhà báo và nhiếp ảnh gia hiện trường đều phải chấp nhận.
Món quà lớn nhất ông tặng được cho cô, là một chuyến cả nhà cô được hành hương tới thánh địa Mecca – thánh địa linh thiêng của tín đồ Hồi giáo, nơi mà ai trong cuộc đời cũng muốn được đặt chân tới một lần.
Cùng ngắm những cặp mắt xanh biếc ngây thơ khác, những cặp mắt này liệu có còn xanh mãi giữa cuộc đời khắc nghiệt?
Cuộc sống là vậy, chiến tranh, đói khổ, thời gian… mau chóng làm phai tàn những đôi mắt biếc. Liệu có khi nào con người vượt qua khỏi cái quy luật đau khổ ấy mà sống mãi tự tại ung dung?
Ảnh tư liệu trong bài: Epoch Times France
Hà Phương Linh (theo Epoch Times France)