Chuyên mục Kiệt tác Thế giới là chuyên mục thời báo Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tới độc giả những đỉnh cao của nền văn hóa nhân loại, đã được minh chứng qua dòng chảy thời gian, với các tác phẩm hội họa, âm nhạc, văn học, kiến trúc… kiệt xuất – là những dấu ấn lịch sử đã đặt định nên chuẩn mực giá trị nghệ thuật và nhân sinh quý giá cho toàn thể nhân loại.
Các họa phẩm vĩ đại của Michelangelo trên mái vòm trần nhà nguyện Sistine tại thánh đường Vatican, Rome, miêu tả câu chuyện về các vị Thần, đã truyền cảm hứng và làm mê hoặc hàng triệu người. Nhưng ít ai biết đến những điều tình cờ ngẫu nhiên, như có bàn tay sắp đặt của Đức Chúa Trời, đã giúp ông để lại tuyệt phẩm này cho nhân loại hôm nay….
Những điều tình cờ ngẫu nhiên nhưng làm nên trang sử nhân loại: lòng đố kỵ của các đồng nghiệp là con đường để thiên tài tỏa sáng…
Thiên Chúa giáo là một chủ đề lớn được các nghệ sĩ thời văn hóa Phục hưng khám phá và sáng tạo. Đã có rất nhiều kiệt tác thi ca, âm nhạc, điêu khắc, hội họa… về chủ đề này. Leonardo Da Vinci có “Đức mẹ trong hang đá” và “Bữa tiệc cuối cùng”; Raphaello có “Đức mẹ Sistine“; Pontormo có bức họa “Đem Chúa từ thánh giá xuống“…
Nhưng khi Michelangelo ký vào bản hợp đồng nhận trang trí nhà nguyện trong tòa thánh Vatican cách đây 5 thế kỷ, ông không hề biết tới lý do khiến ông được ủy nhiệm để thực hiện một trong những công trình vĩ đại nhất thế giới.
Đó lại là chính là âm mưu của Donato Bramante, kiến trúc sư của nhà thờ Saint Peter, và họa sĩ Raphaello, người đã thuyết phục Giáo Hoàng Julius II ép buộc Michelangelo nhận công trình này. Họ tin rằng Michelangelo, lúc đó đã là một kiến trúc sư nổi danh, nếu nhận công trình mang quy mô lớn như vậy thì chắc chắn ông sẽ thất bại và bị bẽ mặt bởi nhà điêu khắc này có rất ít trải nghiệm về vẽ.
Theo nhà viết tiểu sử, cũng là đồng nghiệp của Michelangelo – Giorgio Vasari – thì Michelangelo đã cố gắng từ chối nhận công trình này và thậm chí còn tiến cử Raphaello. Nhưng cuối cùng, dưới sự ép buộc của Giáo hoàng ông buộc phải đồng ý.
Các nhà sử gia mỹ thuật nói rằng khi vẽ trần Nhà nguyện Sistine, ban đầu Michelangelo đã bực bội với công việc, cho rằng nó chỉ giúp Giáo Hoàng thể hiện quyền lực, và cũng không hề biết đến toan tính của các đồng nghiệp. Về sau, khi thấy những đồng nghiệp đố kỵ loan tin rằng ông không thể nào hoàn thành nổi bức họa, ông đã một mình, trong thời gian 4 năm 3 tháng, hoàn thành bức họa để đời, xuất chúng kể cả về quy mô, độ gian khó để thực hiện, trình độ mỹ thuật, những rung cảm nghệ thuật tới mức chấn động…
Khi hoàn thành phần trần Nhà nguyện Sistine, đặc biệt sau khi hoàn tất bức tranh Sự phán quyết cuối cùng, thì tuyệt tác của Michelangelo được đánh giá là một trong những thành tựu nghệ thuật lớn nhất của châu Âu…
Công trình của ông có một sức chấn động mạnh mẽ tới nỗi tạo nên ảnh hưởng sâu sắc tới những đồng nghiệp vốn ganh ghét mình. Vasari, người viết tiểu sử Michelangelo ngay khi ông còn sống, đã viết rằng Bramante, nguời nắm giữ các khâu chủ chốt trong nhà nguyện, đã để cho họa sĩ Raphaello thẩm định các họa phẩm của Michelangelo khi công trình hoàn tất. Nhưng khi nhìn thấy những tuyệt phẩm này, Raphaello đã lặng lẽ về phá bỏ hết các bích họa của mình trong một nhà thờ khác mà ông ta đang thực hiện trang trí.
Chính vì vậy, mà Michelangelo Buonarotti (1475-1564) được gọi là “người siêu phàm” của thời kỳ Phục Hưng. Ông cũng là nghệ sĩ duy nhất được ghi chép đầy đủ nhất về tiểu sử cuộc đời trong thế kỷ 16, ngay khi ông còn đang sống.
Ai có thể tưởng tượng rằng chỉ một mình Michelangelo, người chưa bao giờ vẽ một bức họa, lại làm nên kiệt tác kỳ vĩ khổng lồ này?
Nhà nguyện Sistine được xây dựng cuối thế kỷ XV. Trước đó, các danh họa thời văn hóa Phục hưng như Botticelli, Perugino đã từng vẽ một số bích họa lên tường của nhà thờ. Còn vị trí khó nhất là khu vực trên trần của mái vòm, các vị tiền bối đành phải “để lại” cho hậu thế.
Việc đầu tiên là Michenlangelo cho dỡ bỏ giàn giáo của người tổng kiến trúc sư đã dựng sẵn, tự tay dựng nên một giàn giáo mới. Ông cũng không chấp nhận những người thợ thủ công được cử đến, vì cho rằng họ không đáp ứng được tiêu chuẩn ông nêu ra. Là người chưa bao giờ sử dụng các loại bột màu, chưa bao giờ vẽ một bức họa, Michenlangelo bằng lòng nhốt mình trong không gian của nhà nguyện Sistine, vừa nghiên cứu vừa làm việc.
Ông phải trèo lên một giàn giáo rất cao, ngửa cổ, cong lưng vẽ lên trần trong một tư thế rất khó khăn, liên tục trong 4 năm 3 tháng trời ròng rã… Ngày 1 tháng 11 năm 1512, bức tranh trên vòm nhà nguyện Sistine đã được khánh thành.
Vòm mái của nhà thờ Sistine có diện tích 540 mét vuông. Chủ đề của bức họa là câu chuyện “Sáng thế ” trong kinh Cựu ước, được tạo thành từ 9 bức tranh liên kết lại. Bố cục có hơn 300 nhân vật và 9 tình tiết trung tâm từ Sách Khải huyền, được chia thành ba nhóm: nhóm thứ nhất là Sự sáng tạo Thế giới Thiên đàng và Trái đất của Chúa; nhóm thứ hai là Chúa tạo ra người đàn ông và đàn bà đầu tiên Adam và Eve, sự quyến rũ và sa ngã của Adam và Eve, cuối cùng là trận đại hồng thủy, với sự cầu khẩn Chúa của loài người và đặc biệt là của gia đình Noah.
Mỗi nét vẽ đều trong sáng, thánh thiện, mang theo sự tôn kính vô hạn và sự trông ngóng đối với Thiên đường…
Mỗi nét vẽ của ông không chỉ mang theo sự tôn kính và trông ngóng đối với Thiên Đường mà còn làm nổi bật một tâm hồn thần thánh thuần khiết, một sự đoạn tuyệt với những ưu phiền nơi trần gian. Những nhân vật trong bức họa gần như khỏa thân nhưng những hình ảnh này không gây ra bất cứ ý nghĩ bất thuần nào. Nó trong sáng và vô cùng thánh thiện. Có học giả cho rằng chính với tâm thành kính và tín thần như thế, nên trong thời gian 4 năm 3 tháng đó, ông đã được Thần triển hiện nhiều lần cho ông thấy những quang cảnh mỹ lệ trên thiên đường để ông để lại tuyệt phẩm của mình cho hậu thế lưu giữ mãi mãi.
Nếu ai đã từng may mắn được một lần ngửa cổ ngắm nhìn mái vòm của nhà thờ Sistine, chắc chắn sẽ không khỏi kinh ngạc trước sự kỳ vĩ của bức họa khổng lổ trên vòm mái. Và chắc chắn cũng không ít người lầm tưởng rằng, phải cần đến một tập thể những họa sĩ tài ba mới có thể làm nên kiệt tác này. Song trên thực tế, bức họa khổng lồ đó là của một mình Michenlangelo – nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà thơ, gương mặt sáng giá nhất của nước Ý thời kỳ Phục hưng.
Bức họa “Chúa truyền sự sống cho Adam”
Bích họa kinh điển “Chúa truyền sự sống cho Adam” được coi là trung tâm và điểm hội tụ của bức tranh lớn. Michenlangelo đã vẽ Adam nằm trên mặt đất với tất cả sức mạnh và vẻ đẹp xứng đáng với con người đầu tiên; Chúa Cha đang tiến lại từ một phía khác, được đỡ nâng bởi các Thiên Thần của Người, quấn một tấm áo choàng rộng và oai nghi bung ra như một cánh buồm vì gió thổi, gợi lên sự thoải mái và tốc độ khi Người lướt đi trong khoảng không. Lúc Người đưa bàn tay ra, dù không chạm vào ngón tay của Adam, ta như thấy con người đầu tiên trỗi dậy, như từ trong một giấc ngủ miệt mài, và nhìn vào khuôn mặt chan chứa tình phụ tử của Đấng Tạo Dựng mình.
Đôi mắt quyền uy của Chúa bắt gặp ánh mắt trông ngóng của Adam. Từ ngón tay phải, một ý niệm thần thánh di chuyển tới Adam và cho con người đầu tiên, được làm từ đất, sự sống.
Trải qua hơn 500 năm, mỗi năm nhà nguyện Sistine đón hàng triệu lượt du khách từ khắp nơi trên thế giới tìm đến, để tận mắt chiêm ngưỡng những tuyệt tác của nghệ thuật đương đại; cũng như lắng mình trong không gian đầy tôn kính với Thần và chốn thiên đường uy nghiêm.
Dựa trên đức tin vào Thần, Michelangelo đã vẽ nên sự thần thánh và trang nghiêm trên Thiên quốc.
Nhờ đức tin vào Chúa trời, các tác phẩm của ông đã vén mở điều thần diệu trên từng chi tiết. Đức tin ấy đã đưa nghệ thuật của ông lên đến đỉnh cao của hình thức nghệ thuật, và nhận được sự kính trọng từ các thế hệ họa sĩ trong giới nghệ thuật.
Từ Sáng Thế cho tới Phán xét cuối cùng, tâm hồn người xem đều bị cảm động sâu sắc.
Tài năng thiên bẩm và những tuyệt phẩm điêu khắc để lại cho nhân loại
Michelangelo sinh ngày 6/3/1475 tại ngôi làng nhỏ Caprese. Ông lớn lên dưới sự chăm sóc của một người thợ đá, bởi mẹ đẻ qua đời khi ông mới lên 7 tuổi. Trái với sự tưởng tượng của nhiều người sau khi chiêm ngưỡng tác phẩm của Michelangelo, ông không phải một anh chàng đẹp trai. Khi còn trẻ, ông từng bị một họa sĩ đồng nghiệp đánh vào mặt, khiến gương mặt mang sẹo từ đó.
Ngay từ thời kỳ đầu sự nghiệp, Michelangelo đã thể hiện tình yêu và tài năng dành cho điêu khắc. “Các bức tượng của Michelangelo trông đẹp hơn hẳn nhiều bức tượng cổ” – Giorgio Vasari đã nhận định.
Hai trong số các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất của Michelangelo là Đức mẹ sầu bi (Pieta) và Vua David được thực hiện trước khi ông sang tuổi 30. Ông tạo tác các nhân vật này từ những khối đá cẩm thạch lớn. Dù còn rất trẻ, mới chỉ trong độ tuổi 20, Michelangelo đã nổi tiếng với khả năng điêu khắc hơn người. Ông có thể tạo nên những nếp nhăn mềm mại hay các ngón tay tuyệt đẹp từ những khối đá rắn chắc, qua đó mang hơi thở cuộc sống vào nhiều tác phẩm điêu khắc theo cách không giống ai.
Bức tượng bằng đá cẩm thạch Vua David khổng lồ, nặng tới 9 tấn, biểu tượng của tự do ở kinh đô văn hóa nước cộng hòa Florence.
Michelangelo bắt tay vào làm việc từ năm 1501 tới 1504, trong vòng 3 năm ròng rã, thì hoàn thành. Tư thế của David do Michelangelo tạo ra không hề giống các tác phẩm mô tả David ra đời trong thời Phục hưng. Ví dụ các bức tượng đồng David do Donatello và Verrocchio tạo ra đều cho thấy anh hùng này đứng với tư thế chiến thắng trên đầu người khổng lồ Goliath. Hay như họa sĩ Andrea del Castagno lại vẽ David đang vung gươm, dù đầu Goliath đã nằm giữa hai chân người anh hùng.
Về phía mình, Michelangelo dường như mô tả David lúc chuẩn bị chiến đấu với Goliath. Đôi lông mày chau lại, phần cổ căng lên và các mạch máu dồn lên ở tay phải khiến David trông căng thẳng, nhưng đã sẵn sàng cho chiến trận.
Tháng 9/1504, bức tượng đá cẩm thạch nặng 9 tấn này đã được trưng bày khắp Florence và sau đó được đặt tại Piazza della Signoria. Tượng Vua David về sau trở thành một trong những tác phẩm điêu khắc thời Phục hưng nổi tiếng nhất, trở thành biểu tượng của cả sức mạnh lẫn vẻ đẹp thanh xuân của con người.
Hà Phương Linh