Trong lĩnh vực nội thất cổ điển, Pháp là quốc gia có ảnh hưởng nhất trong lịch sử đồ nội thất châu Âu. Từ giữa thế kỷ 17 đến thế kỷ 18, đồ nội thất của Pháp mang những kỹ năng tiên phong và phi thường về phong cách, công nghệ, trang trí và vật liệu, là đỉnh cao mà hiện đại ngày nay khó có thể đạt tới.
>> Nghệ thuật trang trí nội thất của Pháp từ thời vua Louis XIV đến Louis XVI (P.1)
Trong Bảo tàng Louvre, một phòng triển lãm nghệ thuật đồ nội thất phong cách Pháp đầy màu sắc, tinh tế và thanh lịch, đa dạng, từ các tủ lớn với những đường cong mang phong cách vào giữa thế kỷ 17 đến những hình dáng đường thẳng vào cuối thế kỷ 18, mỗi món đồ nội thất được trưng bày giống như một tác phẩm nghệ thuật thực thụ.
Tủ quần áo gỗ veneer mun của Boulle
Trong thời kỳ Louis XIV và Regency (Régne staff de Louis XIV et Régence, 1660-1725), bậc thầy vĩ đại nhất của nghề thợ mộc là André-Charles Boulle (1642-1732). Năm 1672, ông được trao hàm tước cao nhất về lĩnh vực chế tạo tủ gỗ. Sự đổi mới và phong phú trong sáng tạo nghệ thuật của ông đã bổ sung rất nhiều kỳ tác vào Cung điện Versailles của Louis XIV.
Boulle thường sử dụng các miếng gỗ nhỏ trong đồ nội thất là để khảm nạm ra các mẫu thiết kế với nhiều chất liệu khác nhau: gỗ quý, đá quý, men, ngà voi, vỏ sò, kim loại, đá cẩm thạch v.v. Ngoài ra, để thể hiện phong cách của hoàng gia, Boulle đã sử dụng một số lượng lớn đồng mạ vàng trên đồ nội thất, như trang trí móng hổ, trang trí đường viền gương, trang trí hình lá v.v. tất cả đều do ông tự thiết kế, đúc và khắc, chúng cũng có chức năng bảo vệ các bộ phận dễ vỡ nhất của đồ nội thất, tạo nên một phong cách trang trí đặc biệt thời Louis XIV.
Tủ quần áo này được sản xuất bởi Boulle từ năm 1700 đến 1720, là một kiệt tác sang trọng của đồ nội thất Louis XIV. Tủ cao 226cm và rộng 136cm, khung gỗ sồi áp dụng công nghệ mới đến từ Đức: một lớp gỗ mun quý làm lớp ngoài, bao bọc lấy cấu trúc gỗ sồi và che giấu cấu trúc gỗ nguyên bản. Mặt gỗ mun với màu sắc kỳ lạ mang màu đen được khảm hoa văn bằng men và đồng thau.
Boulle cũng thay thế mẫu tủ bốn cửa giống như nhà thờ trước đây bằng cấu trúc hai cửa, một khuôn gỗ đen thay thế cho giá đỡ dạng chân trước đây. Sự kết hợp của khảm và trang trí mạ đồng trên bề mặt của tủ kết hợp với tay nghề tinh xảo vô song phản ánh sự sáng tạo của thời kỳ đỉnh cao của nước Pháp dưới thời Louis XIV.
Ngăn kéo màu đỏ của Cressent
Thời kỳ trị vì sau này của Công tước xứ Orleans, người đã rời cung điện Versailles sang Paris, những người thợ gỗ bắt đầu thiết kế đồ nội thất phù hợp với kích thước của căn hộ dành cho tầng lớp quý tộc và tư sản ở Paris. Phong cách kiểu Pháp đã thay đổi từ sự cao quý, trang nghiêm của Louis XIV sang theo đuổi sự thoải mái và hoa lệ.
Các nhà cung cấp trang sức và phục trang cũng đã bắt đầu đóng một vai trò mới, họ tương đương với nhà trang trí nội thất hiện đại, cung cấp lời khuyên mới về việc sử dụng đồ nội thất. Nội thất vừa thanh lịch vừa thiết thực và tiện dụng. Thời kỳ này là sự kết hợp giữa các nhà thiết kế, kiến trúc sư, nhà trang trí và thợ thủ công lành nghề đánh dấu một sự xuất hiện của thiết kế tân thời.
Đồ nội thất Pháp thời kỳ này đầy trí tưởng tượng và tự do, đường viền được thay đổi từ những đường thẳng ban đầu thành đường cong, một số đồ nội thất còn cài đặt cơ chế, có thể được ứng dụng trong nhiều trường hợp.
Chiếc tủ lá cọ và hoa này là tác phẩm của bậc thầy đồ nội thất uy tín nhất – Charles Cressent (1685-1768) trong nửa đầu thế kỷ thứ mười tám, cũng là một kiệt tác của Charles Cressent. Vào thời điểm đó, ngăn kéo hai ngăn được ốp mặt trên bằng đá cẩm thạch trở nên rất phổ biến, chiều cao của chân tủ thanh mảnh và thanh lịch hơn trước.
Chiếc tủ được thiết kế vào năm 1740, cao 90,5 cm, dài 149 cm và rộng 67 cm. Nó được làm bằng khung gỗ óc chó và gỗ tím Cayenne. Cressent sử dụng khảm gỗ đơn giản để tạo ra một cấu trúc khảm hình học đơn giản, bổ sung bởi những họa tiết trang trí bằng đồng mạ vàng tinh xảo – những lọn lá uốn, cây thường xuân, hoa văn và đồ trang trí hình móng hổ ở bốn chân càng làm tôn lên hình dáng xinh đẹp của chiếc tủ.
Ngăn kéo màu xanh của Criaerd
Ngoài việc khảm nạm bên ngoài đồ gỗ, hương vị phương Đông cũng vô cùng thịnh hành, người châu Âu bị mê hoặc bởi đồ sơn mài đến từ Viễn Đông, họ nghĩ rằng đồ sơn mài là thể hiện sự sang trọng và tinh tế. Người ta sử dụng sơn mài Trung Quốc hoặc Nhật Bản nhập khẩu để làm các đồ nội thất kiểu Pháp, sau đó sử dụng vàng bạc, mạ đồng để trang trí chân bàn ghế, tạo thành một hương vị độc đáo kết hợp giữa phương Đông và phương Tây.
Nhưng chi phí sản xuất đồ nội thất với những phiến gỗ sơn mài từ Trung Quốc và Nhật Bản khá đắt đỏ. Vào những năm 1730, anh em Martin của Đức đã phát minh ra một loại sơn mài của Pháp có tên Vernis Martin, chiết xuất từ cây Zanzibar và Madagascar, cùng với nhựa cứng được hòa tan trong dầu hạt lanh và nhựa thông trong nhiệt độ 320 ° C để cho ra một sắc thái phong phú.
Chiếc tủ ngăn kéo này của Matthieu Criaerd (1689-1776) là một tác phẩm rất hiếm trong đồ nội thất Rococo Pháp thế kỷ 18. Nó thuộc về phu nhân Louise-Julie de Mailly -Nesle (1710 – 1751), được xây dựng trong phòng ngủ màu xanh lam của điện thất Château de Choisy.
Tủ được làm bằng khung gỗ sồi, cao 85 cm, dài 132 cm và rộng 63,5 cm. Thiết kế tổng thể mang màu sắc mát mẻ, khác biệt hơn những nội thất có màu vàng. Với chân đế màu trắng, sơn Martin tông màu xanh và trang trí mạ bạc kiểu Rococo thanh lịch.
Sự khéo léo tinh tế của chiếc tủ này là một ví dụ hoàn hảo của một họa sĩ người Paris, người đã bắt chước công nghệ véc-ni Viễn Đông (chỉ phần phía đông Châu Á). Trên nền khổ lớn, những cây cỏ, công và các loài chim tạo lên bầu không khí rất phương Đông.
Ghế bành của Nữ hoàng
Ghế bành là một kiểu ghế rất phổ biến trong thế kỷ 18. Đường cong từ tay vịn của ghế lướt xuống tới chân, nhỏ về phía sau, các đường phía sau ghế đều nằm được bao bởi một đường cong hoàn hảo. Tay vịn chạm rỗng cùng phần lưng ghế dành để sử dụng cho nữ hoàng La reine. Chiếc ghế được sử dụng khi gặp những người quan trọng hoặc những dịp quan trọng, phần lưng thẳng rất trang trọng và nghiêm túc.
Chiếc ghế bành kiểu nữ hoàng này được chế tạo bởi Nicolas Heurtaut (1720-1771) cho Giám mục Marvail-Louis Beaupoil de Sainte-Aulaire. Chiếc ghế của mô hình Eldo này được gọi là phong cách “Đối xứng cổ điển Rococo”, đó là một thành công lớn trong thế kỷ 18, cơn sốt ghế bành này kéo dài trong một thời gian dài cho đến thế kỷ 19.
Chiếc ghế được đặc trưng bởi một đường cong năng động và trơn tru có thể tinh chỉnh phong cách Rococo hơi lỗi thời, gây ra một mối quan tâm mới trong phong cách Hy Lạp và La Mã cổ đại. Các đường cong của phần vai và cánh tay cùng với phần tựa lưng hình chữ nhật rất vững chắc và bắt mắt. Chân ghế hình con lăn, gỗ đặc chắc chắn, vỏ sò và chạm khắc hình hoa được sắp xếp hoàn hảo và phân bố cân đối.
Bàn làm việc tự động của Riesener
Từ năm 1755, đồ nội thất của Pháp đã phát triển theo hướng khác. Việc phát hiện ra thành phố cổ Herculaneum và Pompeii đã thúc đẩy sự theo đuổi văn hóa La Mã và Hy Lạp cổ đại, những đường cong được giản lược, truyền cảm hứng cho sự ưu nhã và tân cổ điển. Phong cách nội thất của Louis XVI (1774-1791) đã thiết lập một kỷ nguyên nghiên cứu sáng tạo ở Đại Thành, theo định hướng phục cổ, chú trọng hơn về tính năng.
Jean-Henri Riesener (1734-1806) là bậc thầy về đồ nội thất trong giai đoạn này. Ông có những tác phẩm nổi tiếng nhất. Để lưu trữ các tài liệu quan trọng, Quốc vương Pháp đã đặt hàng đồ nội thất vào năm 1760, nhưng ông phải đợi đến 9 năm sau mới có thể nhận hàng, giá phải trả là 62.800 bảng Anh (khoảng 5 triệu euro so với tỉ giá hiện nay).
Chiếc bàn dưới đây làm bằng gỗ quý được lựa chọn cẩn thận, được chế tác tinh xảo và trang trí phức tạp với nhiều hình ảnh trang trí khác nhau cho thấy cảnh từ lửa trại đến khu vườn thơ mộng, sự kết hợp giữa đồng mạ vàng và đường viền. Đặc biệt là việc thiết kế cơ khí khéo léo, các cạnh của bàn được trang bị cơ chế tự động thêm giấy vào máy in mà không cần mở hộp ngăn kéo. Khi đóng bàn, nó sẽ tự động khóa và việc mở lại đơn giản khi chỉ cần nhấn một nút.
Bàn làm việc cao 103 cm, dài 113 cm và rộng 64 cm. Có ba ngăn kéo ở phía trước bàn, tất cả được đặt bằng các miếng gỗ dập nổi mạ đồng vuông để lưu trữ văn phòng phẩm. Phần giữa của lớp phủ bề mặt di động hình vòng cung là một khung hình elip bên trong có hình ảnh hoa, cành nguyệt quế và vòng hoa ruy băng.
Bàn nhỏ của Weisweiler
Năm 1785, Nữ hoàng Marie Antoinette đã mua lâu đài Château de Saint-Cloud của Công tước xứ Orleans và sắp xếp lại đồ đạc theo sở thích của mình. Bàn viết nhỏ có giá sách này được chế tác bởi Adam Weisweiler vào năm 1784, cao 73,7 cm, dài 81,2 cm và rộng 45,2 cm. Nó được làm bằng gỗ mun và sơn mài Nhật Bản, khảm nạm ngọc trai, đồng mạ vàng.
Chiếc bàn này là một tác phẩm tiêu biểu của Weisweiler, các đường nét và đồng thau mạ vàng rất tinh tế và trang nhã, thanh mảnh, được trang trí với bốn trụ hình thiếu nữ. Có ba ngăn kéo ở phía trước bàn: một ngăn kéo lớn ở giữa và hai ngăn nhỏ hai bên, trung tâm của mặt bàn có một giá để sách được hỗ trợ như một bàn đọc vát. Bên trong phần giá có hình bầu dục được trang trí bằng các tấm sơn mài gỗ mun Nhật Bản và được bao quanh bởi một khung đá vàng.
(Còn tiếp)
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch