Có người hoài nghi về hiệu quả của việc pha trộn các dòng âm nhạc. Nhưng bỏ ngoài tai tất cả, một người đã miệt mài trên con đường tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, thổi vào đó tinh thần và sức sống của thời đại, kết quả là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã xây nên không gian âm nhạc mới sang trọng, hiện đại nhưng lại mang phần truyền thống, tinh tế và quyến rũ.
Kéo xa lại gần: Thổi hồn dân ca vào trong giao hưởng
Nhiều bài dân ca và cả những vở diễn hoàn chỉnh được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sáng tác dựa trên chất liệu dân ca ba miền, chuyển soạn cho dàn nhạc giao hưởng và thính phòng biểu diễn cực kỳ thành công. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng vừa ra mắt công chúng yêu âm nhạc TP HCM chương trình biểu diễn độc đáo “giao hưởng hóa” dân ca.
Những tác phẩm được thổi hồn được kể đến như: “Trống cơm”, “Gió đánh đò đưa” theo làn điệu dân ca Bắc Bộ; Làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh “Se chỉ luồn kim”, “Qua cầu gió bay”; được ca sĩ giọng nam cao Đăng Dương và ca sĩ giọng nữ cao Duyên Huyền đối đáp duyên dáng theo phong cách thính phòng hút hồn người nghe.
(“Se chỉ luồn kim” – dân ca quan họ Bắc Ninh được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng biên soạn, dàn nhạc giao hưởng biểu diễn tại Hội nghị thanh niên ASEAN)
Ngoài ra còn có ca khúc “Đợi nàng” được viết dựa trên dân ca Tày “Thei mai” và “Người yêu hỡi” là làn điệu dân ca Chăm, “Ô mơi” – dân ca Kho Lạch và “Kpu leh” là điệu hát ru của người Giẻ Triêng,…
Trong thời buổi những giá trị tạm gọi là đỉnh cao, tinh túy thường đến với số lượng rất ít người thưởng thức, việc khán giả hào hứng đón nhận những chương trình “giao hưởng hóa” dân ca của Trần Mạnh Hùng là điều đáng khích lệ.
Tổ khúc “Dòng chảy”: Kết nối 21 bài dân ca thành vở diễn.
Năm 2014, chọn lọc 21 bài dân ca ba miền, hợp lại mang tên tổ khúc “Dòng chảy” được viết như một vở diễn hoàn chỉnh dựa trên chất liệu dân ca khắp Bắc – Trung – Nam, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng khiến công chúng ngỡ ngàng.
Mở đầu là mùa xuân tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của sự sống. Sau đó, ai lớn lên cũng phải trải qua những bài học làm người, đi qua suối sông, thác ghềnh, đá sỏi, nắng mưa, đổ mồ hôi trên đường đời để rồi những chương kết là xuôi về với biển, với sự bao dung nhân ái của người già giống như cội rễ ấm áp và tràn đầy tình yêu thương để con cháu có nơi chốn quay về.
Lời tác giả: Muốn lưu tồn và phát triển văn hóa là phải đưa cái văn hóa của mình ra được với thế giới.
Tác giả cho rằng: “Dòng đời của mỗi con người được ví như một dòng chảy của thời gian… Dòng chảy tự nhiên ấy là một hành trình của suối – sông – biển mà ở đó tuổi thơ sẽ trong như suối, ngày trưởng thành cuộn đỏ như dòng sông và lúc về già hãy rộng rãi bao dung như biển” Tổ khúc được viết cho dàn nhạc giao hưởng trình diễn cùng dàn nhạc dân tộc, cho cả giọng hát: các nhóm tam ca, tứ ca và cả dàn hợp xướng.
“Chúng tôi đặt niềm tin vào những lớp khán giả trung thành của cổ điển cũng như tầng lớp công chúng mới và cũng rất mong muốn mở rộng biên độ khán giả vốn đang rất quen với âm nhạc đại chúng”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng từng chia sẻ.
Những giai đoạn trước đây chúng ta làm về nhạc nhẹ, nhạc thị trường, nhạc giao hưởng là đi học người ta. Đó là thời kỳ học hỏi, đó cũng là văn hóa, nhưng tôi nghĩ bây giờ muốn lưu tồn và phát triển văn hóa là phải đưa cái văn hóa của mình ra được với thế giới.
(Nhạc sĩ Trần mạnh Hùng, người đã truyền cảm hứng dân gian vào giao hưởng để đưa âm nhạc Việt ra thế giới, Ảnh Internet)
Thổi hồn dân ca vào trong giao hưởng là đem cổ điển phương Tây đến gần hơn công chúng Việt, cùng với đó là đưa âm nhạc cổ truyền, đưa văn hóa Việt đi xa hơn ra thế giới
Khi kết hợp 3 dòng nhạc: giao hưởng, nhạc nhẹ và nhạc dân tộc và hướng đến những điều sau: đậm đà bản sắc dân tộc cổ truyền, hấp dẫn giới trẻ, và lấy được cảm tình của giới chuyên môn, làm được điều ấy đối với một nhạc sĩ Việt Nam là chuyện không đơn giản.
Giới chuyên môn chấp nhận nhưng công chúng lại không thích, hoặc là ngược lại. Do vậy, tác giả đã chọn phương thức lấy nền tảng, kỹ thuật, cách tổ chức của âm nhạc giao hưởng châu Âu để tạo nên một không gian đủ để chuyển tải độ tinh tế trong phối âm và mạnh mẽ bởi sự kết hợp đồng thời số lượng lớn các nhạc cụ làm bệ đỡ.
Có rất nhiều cách để lưu tồn và phát triển van hóa, cách nào cũng có cái hay riêng của nó. Thời đại nào cũng có những làn gió mới. Có thể vừa phát triển vừa giữ nguyên trạng, đây là cách của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Tôi tin rằng đây là một trong nhiều cách để phát huy và bảo tồn âm nhạc dân tộc. Hơn thế nữa, thổi hồn dân ca vào trong giao hưởng là đem cổ điển phương Tây đến gần hơn công chúng Việt, cùng với đó là đưa âm nhạc cổ truyền, đưa văn hóa Việt đi xa hơn ra thế giới, hẳn là như thế.
Mời quý đọc giả thưởng thức tiếp các tác phẩm, cảm nhận và cùng chia sẻ để lưu tồn, truyền tải văn hóa Việt đi xa.
“Gió đánh đò đưa” làn điệu dân ca Bắc Bộ nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng biên soạn, bộ tứ ca sĩ Đào Mác, Hồng Vy, Duyên Huyền, Đăng Dương biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng:
“Se chỉ luồn kim” – dân ca quan họ Bắc Ninh được nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng biên soạn, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn tại Nhà hát Opera Hà Nội năm 2013:
Kỳ Văn (Tổng hợp)