Bonsai có nguồn gốc là Penjing, còn được gọi là penzai, là nghệ thuật cổ xưa của Trung Hoa mô tả các cây được tạo hình nghệ thuật để tạo ra một phong cảnh thu nhỏ. Đây là loại hình nghệ thuật có lịch sử lâu đời, có giá trị ngang bằng với thơ ca, thư pháp, tranh vẽ,… 

Nguồn gốc Penjing – bonsai Trung Hoa

Penjing là nghệ thuật truyền thống của Trung Hoa, đến nay đã có lịch sử hình thành và phát triển hàng ngàn năm. Theo các ghi chép, tài liệu, từ những dự án khai quật năm 1977 đã tìm thấy một khối đất nung, theo các nhà khảo cổ, khối đất nung này có niên đại từ 6000-7000 năm trước. Trên mặt khối đất nung có hình một cây tán lá xòe rộng được đặt trong một cái chậu hình chữ nhật.

Bonsai
Hình chậu cây cảnh được khắc trên miếng đất nung. Ảnh: Nantes-bonsai.org

Năm 1972, người ta phát hiện được hình ảnh một chậu cây Penjing trong bức tranh điêu khắc trong mộ thái tử Lý Hiền (655-684), con trai Đường Cao Tông.

Đây là ảnh về Bonsai
Hình ảnh một bồn cây nhỏ Penjing tron bức điêu khắc trong mộ thái tử Lý Hiền. Ảnh: Wikipedia.

Tới triều Tống, người Trung Hoa đã phát triển môn nghệ thuật này lên một cấp độ nghệ thuật cao hơn. Các nghệ nhân Penjing không chỉ lấy cảm hứng từ thiên nhiên, mà còn lấy từ thơ ca và tranh phong cảnh. Ngoài ra chậu cây cảnh còn được đặt lên các cột, đôn bằng đá, đây cũng là thời kỳ điêu khắc, chạm trổ rất phát triển.

nghệ thuật truyền thống Trung Hoa
Hình ảnh những chậu cây cảnh được đặt trên những đôn cao, với những thế cây và tán lá được chăm chút cẩn thận. Ảnh: Nantes-bonsai.org
nghệ thuật truyền thống Trung Hoa
Ảnh: Nantes-bonsai.org

Vào triều đại nhà Nguyên, trong giao thương với Nhật Bản, rất nhiều người đã đưa những cây cảnh Penjing từ Trung Quốc về Nhật Bản, xem nó như là những món lễ vật, từ đó người Nhật đã tìm tòi và tạo ra một phong cách nghệ thuật bonsai cho riêng họ.

Đây cũng thời kỳ, nghệ thuật Penjing rất phát triển với những chậu cây to, chứ không chỉ còn là những chậu cảnh nhỏ để trong phòng nữa.

nghệ thuật truyền thống Trung Hoa
Những chậu cây Penjing to bắt đầu xuất hiện từ triều đại nhà Nguyên . Ảnh: Nantes-bonsai.org

Tựa như chính tên gọi, Penjing tiếng trung được ghép từ hai từ 盆 (pen): chậu và 景 (jing): cảnh, thường được gọi với cái tên quen thuộc là “hòn non bộ”.

Khác với cây Bonsai, Penjing không chỉ thể hiện được những nét đẹp tỉ mỉ của cây cảnh mà còn chú trọng về tổng thể xung quanh, tái hiện lại một khung cảnh thiên nhiên có hồn, tinh tế. Điều này cũng thể hiện phong cách thẩm mỹ của người Trung Hoa xưa, một vẻ đẹp tinh tế, hài hòa tạo nên một bức tranh sơn thủy, thể hiện ước mơ được hòa hợp cùng thiên nhiên, đất trời của người Trung Hoa.

Vẻ đẹp tinh tế, hài hòa của cây Bonsai

Khi bàn đến vẻ đẹp của nghệ thuật Bonsai, không có tiêu chuẩn nào quy định mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận của người xem. Tạo nên một chậu cây cảnh đẹp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ví dụ như kiểu dáng chậu khác nhau cũng đem đến những cảm nhận khác nhau cho mỗi người xem, vật liệu chế tạo khác nhau, địa điểm đặt khác nhau v.v. cũng đều đem đến những hiệu quả thị giác hoàn toàn khác nhau.

Trước khi đánh giá vẻ đẹp của một vật, chúng ta tìm hiểu một chút thế nào là “mỹ”. Đạo đức ngày nay ngày càng méo mó, dẫn đến nhân sinh quan, thế giới quan, quan điểm đánh giá cái đẹp của con người cũng dần thay đổi.

Vẻ đẹp chân chính là vẻ đẹp của sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, vũ trụ; cũng chính là quan điểm về “mỹ” truyền thống của người Trung Hoa xưa. Chứ không phải là những trường phái hiện đại trừu tượng được sinh ra từ những quan niệm đạo đức trượt dốc, phóng túng cái tôi, cổ vũ những quan niệm, suy nghĩ vị kỷ.

Quan niệm mỹ học của Trung Hoa truyền thống là sự dung hòa của tư tưởng triết học, tư tưởng nghệ thuật văn hóa, lấy “con người” làm trung tâm, đặt con người bên trong tự nhiên rộng lớn, hùng vĩ, thể hiện mong muốn người và trời hợp nhất của cổ nhân xưa. Vì thế nên dù là sáng tác hay thưởng thức đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, luôn phải lấy quan niệm mỹ học truyền thống làm tiêu chuẩn để nhận thức.

Mỹ học truyền thống Trung Hoa coi trọng sự hài hòa, thống nhất. Thiên, địa, nhân, nghệ thuật, hành vi, tư tưởng đạo đức v.v. tất cả đều dung hòa làm một, đó mới là vẻ đẹp chân chính. Điều này cũng thể hiện ra trong nghệ thuật tạo cây Penjing Trung Hoa. mỗi chậu cây không chỉ mang các giá trị thẩm mỹ cao, mà còn mang đến những giá trị tinh thần sâu sắc, nhân văn, sức sống bền bỉ, mãnh liệt trong mọi điều kiện hoàn cảnh khó khăn.

nghệ thuật truyền thống Trung Hoa
Sức sống mãnh liệt trong mọi hoàn cảnh. Ảnh: Artofbonsai.org

Mỗi chậu cây cảnh Penjing hay Bonsai đều mang vẻ đẹp phóng khoáng của tự nhiên kết hợp với nghệ thuật tinh tế, uyển chuyển. Khi thưởng thức mỗi chậu cây cảnh, chúng ta phải hiểu được vẻ đẹp khoáng đạt của tự nhiên, ý nghĩa nội hàm, tình cảm cũng như thủ pháp của người nghệ nhân. Đối với người nghệ nhân mà nói, tác phẩm giống như một tấm gương sáng phản chiếu tâm hồn người. Điều đó cũng thể hiện quan niệm nghệ thuật “thiên nhân hợp nhất”, “tri hành hợp nhất” của cổ nhân.

Thưởng thức một chậu cây Bonsai cũng giống như khi nghe một bài thơ cổ. Người thưởng thơ nhất định phải có nền tảng văn hóa cơ bản về thơ ca, hiểu được hàm ý mỗi một từ, mỗi một câu, còn phải nắm vững cách cấu âm, gieo vần, nhịp, phách v.v.

Nhưng tất nhiên, châu cảnh Penjing hay Bonsai cũng là những tác phẩm tồn tại ở dạng vật chất, nó thể hiện ra những góc độ, tư thái, cảnh sắc đẹp nhất của bản thân hướng đến người xem. Ngay cả với những người không yêu thích, hay những người không có những kiến thức cơ bản cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên, sức sống mãnh liệt ở nó.

nghệ thuật truyền thống Trung Hoa
Một tiểu cảnh nhỏ có cây liễu được trang trí với tượng cậu bé cưỡi con trâu, tạo nên phong cảnh nên thơ hữu tình, trong xanh tươi mát. Ảnh: Bonsai Jyotatu.

Các trường phái trong nghệ thuật trồng cây Penjing

Nghệ thuật Penjing những vùng phía Nam, thân cây hình đại thụ, chắc khỏe, rễ cây sum xuê, cành lá rậm rạp, trùng điệp xanh mướt, thể hiện dáng vẻ phiêu dật, phóng khoáng, tự nhiên.

Đại diện cho trường phái phía Nam, phải nhắc đến trường phái nghệ thuật Penjing Lĩnh Nam. Các nghệ nhân đã sử dụng phong cách “nhấp nhô chập chùng” để tạo ra phương pháp cắt tỉa riêng. Phương pháp cắt tỉa này có tỉ lệ thích hợp giữa cành và lá, trên dưới đều nhau, chú trọng đường cong ở rễ, thân và cành. Dù có bàn tay con người can thiệp nhưng cây vẫn giữ được dáng vẻ tự nhiên mộc mạc của mình.

Các loại cây thường được chọn dùng đều có dáng vẻ khỏe khoắn, thân cây chắc, cành lá mọc rậm rạp và có hương thơm, ví dụ như cây trà Phúc Kiến, cây hoàng dương, cây đỗ quyên, cây tùng La Hán v.v.

nghệ thuật truyền thống Trung Hoa
Ảnh: Caycanhanphu.com

Cây Penjing ở những vùng phía Bắc có sự phát triển rất đa dạng, với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có thể kể đến một vài đại diện như Dương Châu, Tô Châu, Thượng Hải, Chiết Giang v.v.

  • Trường phái Tô Châu
nghệ thuật truyền thống Trung Hoa
Ảnh: zhihu.com

Các nghệ nhân Tô Châu thường chọn dùng các loại cây như cây du, cây phong, cây hoàng dương, cây tùng, bách v.v. Các châu cây theo phong cách cổ xưa tao nhã, mang ý vị sinh động, tình cảnh hòa quyện với nhau.

Thường chọn dùng các loại chậu từ đất sét, trang trí với các loại đá như anh thạch (một loại đá ở Quảng Đông, dùng để làm hòn non bộ), đá Thái Hồ (loại đá ở Giang Tô, thường dùng làm hòn non bộ) v.v. dùng để tạo núi đá.

Các nghệ nhân thường đào các cây cổ ở núi, rồi ghép thêm cành vào dùng phương pháp chỉnh hình “quấn thô cắt nhỏ” hình thành. Toàn bộ lấy quấn làm chính và cần tới hơn 10 năm thì quá trình gia công mới hoàn thành.

  • Trường phái Tứ Xuyên
nghệ thuật truyền thống Trung Hoa
Ảnh: Chuzhan.org

Chậu cây Penjing ở khu vực Tứ Xuyên chú trọng đến phong cách cổ xưa, gốc cây trông rất đơn giản, nhưng yêu cầu kỹ thuật của người nghệ nhân rất cao.

Khi cây còn nhỏ, thân và cành phải uốn cong theo nhiều cách khác nhau, chú trọng cấu trúc không gian lập thể. Phong cách này sử dụng kỹ thuật buộc dây quấn rồi uốn cong các cành cây thành các vòng xoắn tạo nên những nhịp điệu độc đáo, phối hợp với các bộ núi nhỏ và đá. Đá thường dùng loại đá hoa văn rùa, đá vân mẫu, thạch nhũ v.v.

nghệ thuật truyền thống Trung Hoa
Chậu cảnh Penjing trường phái Tứ Xuyên. Ảnh: Chuzhan.org
  • Trường phái Dương Châu

Chậu cảnh Penjing Dương Châu, phần lớn là phỏng theo hình ảnh những ngọn núi cao trùng điệp, có đặc điểm dùng kỹ thuật “quấn” để tạo dáng, do đó phải gia công từ lúc còn non.

nghệ thuật truyền thống Trung Hoa
Ảnh: Quangduc.com

Cành lá được cắt bó thành hình vân phiến (mảnh mây) cực mỏng. Thân cây thành hình xoắn ốc cong lại. Cây có hình bậc thang 1 – 3 tầng và nhiều tầng.

Chậu cảnh Penjing Dương Châu thường rải sỏi trong chậu gọi là điểm thạch. Lấy sỏi đá so sánh với thực vật làm cho cây có khí thế ngút trời, đồng thời tăng thêm dáng vẻ tự nhiên.

Trường phái Dương Châu còn 1 loại đặc biệt, gọi là “Thủy hạn”, nghĩa là trong chậu cảnh có một phần đất, một phần là nước, tạo nên một phong cảnh thiên nhiên thu nhỏ nên rất được ưa chuộng.

Cùng với loại này còn có loại “Hạn bồn thủy ý” dùng đá cuội nhỏ để thay cho nước chảy, tuy không trữ nước song có cảm giác như nước chảy.

Các loại cây được chọn dùng chủ yếu là cây tùng, cây bách, cây du, cây tùng La Hán, v.v…

Đối với nghệ thuật Penjing, người thưởng thức cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về cây cảnh, về phong cảnh sơn thủy, những hiểu biết về giới tự nhiên rộng lớn, có vậy mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp nghệ thuật mà người nghệ nhân muốn thể hiện và lãnh hội được ý nghĩa nội hàm của loại hình nghệ thuật cổ điển này.

Bạn đang đọc bài viết: “Tìm hiểu nét tinh tế của nghệ thuật bonsai Trung Hoa truyền thống” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.nghethuat@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||407e4b412__