Trong xã hội phồn tạp thật giả, xấu tốt lẫn lộn này thật khó lòng tưởng tượng nỗi có những kỳ hoa dị thảo sáng vẫn uống sương trong, đón đợi mặt trời; tối vẫn mở lòng trăng trong gió mát, đón năng lượng thuần khiết từ thiên không vũ trụ. Gặp được nghệ sĩ Đắc Tâm cứ như người xưa được buông áo để vào núi ngắm hoa Lan…
Giữa Sài Gòn xô bồ, quay vòng chóng mặt của những giá trị thị trường, ta gặp được một nhân cách Kê Khang từ chối sáng tác âm nhạc để mua bán đổi chác. Giữa rác rều đen đục của dòng sông âm nhạc, vẫn mượt mà những giai điệu “lưu thủy hành vân”…
Tiếp xúc với nhạc sỹ, tôi có dịp nghĩ về truyền thống.
Âm nhạc và nghệ thuật xưa không phải ai cũng làm được. Và không phải ai cũng có thể thưởng thức. Nó là thứ trân quý hơn mọi giá trị vật chất trên đời.
Tương truyền, thời rất xa xưa, vua Thuấn sai người diễn tấu nhạc vũ “Đại thiều”, sau khi diễn tấu xong 9 chương, có phượng hoàng đến chầu bái, nhảy múa, trăm loài thú cũng nhảy múa theo.
Gần hai nghìn năm sau, Khổng Tử may mắn được thưởng thức bản nhạc này.
Thưởng thức xong, ông ngây người ra, ba tháng ròng ăn thịt không thấy mùi vị. Ông thốt lên: “Không ngờ Nhạc lại có thể đạt đến cảnh giới cao siêu kỳ diệu như thế này! Nhạc “Đại thiều” tận thiện tận mỹ vậy.” Đây cũng là nguồn gốc của câu thành ngữ “Tận thiện tận mỹ”.
Trong “Nhạc ký” cũng cho thấy tác dụng của âm nhạc:
“Nghe âm thanh gian tà, khí tà loạn trên thân người sẽ bị đánh thức, tà khí thành khí hậu, nhạc dâm dật sẽ trở thành thời thượng. Nghe âm thanh thuần chính, chính khí trên thân người sẽ hưởng ứng với nhạc, chính khí thành khí hậu, hòa nhạc sẽ thịnh hành…”
Và Nguyễn Trãi nói: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc… Dám mong Bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”…
Không phải đao to búa lớn nhưng Nhạc sỹ Đắc Tâm cũng có những quan niệm rất rạch ròi. Ông kính quý sự nghiệp âm nhạc mà mình theo đuổi. Ông coi âm nhạc là cái Chí, cái Tâm, cái Tình của mình. Âm nhạc có thiên chức truyền thông điệp cao quý của nghệ thuật chứ không phản báng Nghệ Thuật.
Có nghe Miên Thảo đơn ca hoặc cùng song ca với ông thì thấy đây không phải là lời nói suông.
Với tôi, nhiều ca khúc của Nhạc sĩ xứng với tài và tâm của những tên tuổi tôi luôn kính trọng: Đó là Phạm Duy, Vũ Thành An, Cung Tiến…
Xem video: Âm nhạc tử tế sẽ trường tồn theo thời gian
Hành trình đến với âm nhạc của nhạc sỹ Đắc Tâm
Phóng viên (PV): Vốn là một người theo chuyên ngành thương mại, điều gì khiến bác từ bỏ kinh doanh để bước sang con đường âm nhạc?
Nhạc sỹ Đắc Tâm: Tôi nghĩ đó là “nghiệp” vì tôi biết âm nhạc chẳng thể nào nuôi sống được tôi.
PV: Đam mê âm nhạc của bác có phải được thừa hưởng từ cha mình? Vì sao bác không theo chuyên ngành âm nhạc khi vào đại học mà lại chọn con đường kinh doanh?
Nhạc sỹ Đắc Tâm: Ba tôi là nhạc sỹ thế hệ tiền chiến và là nhạc sỹ nghèo. Khi tôi muốn ba dạy nhạc cho tôi, ông đã nói rằng: “Con chỉ có một thời để học và lấy bằng cấp cao. Khi ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ rồi thì con có cả một đời để chơi nhạc”. Tôi hiểu điều ông nói và tập trung vào việc học chuyên môn kinh tế thương mại để làm việc có thu nhập ổn định cuộc sống để nuôi sống tôi và gia đình. Từ đó tôi mới có điều kiện để chơi nhạc theo ý nguyện của mình.
PV: Trên con đường này, bác đã gặp những khó khăn gì để xây dựng chính phong cách âm nhạc và kỹ năng của mình?
Nhạc sỹ Đắc Tâm: Tôi gặp khó khăn trong việc thu thập, tích lũy kiến thức chuyên môn về âm nhạc vì sách và tài liệu chuyên môn âm nhạc tại Việt chưa phổ biến, thậm chí là hiếm hoi. Đợi cho đến khi có Internet, tôi mới tiếp thu và học hỏi được những kiến thức âm nhạc chuyên sâu.
PV: Đối tượng người thưởng thức nhạc của bác là ai và bác mong muốn truyền tải điều gì cho người nghe?
Nhạc sỹ Đắc Tâm: Người nghe nhạc của tôi là những người trung niên, có cảm thụ âm nhạc, hiểu biết văn học Việt Nam. Tôi là người viết tình ca, những ca khúc của tôi hát về tâm sự, nỗi lòng của tôi về những tình yêu của tôi.
PV: Theo bác thế nào là một tác phẩm âm nhạc chân chính và một người nhạc sỹ chân chính cần có những yếu tố gì?
Nhạc sỹ Đắc Tâm:
Tác phẩm phải thể hiện được:
- Tình cảm và những điều có thật tự lòng người sáng tác ca khúc.
- Giai điệu đẹp, thông điệp tử tế cho cuộc sống
- Xử lý cảm xúc trong giai điệu với trình độ âm nhạc cao (cách vận dụng đảo phách, phách nghịch, quãng nhạc, ly điệu, chuyển cung, phá cách).
Nhạc sỹ chân chính phải có những yếu tố:
- Thật với chính mình. Viết nhạc trước hết là cho mình. Có phong cách âm nhạc riêng. Không chạy theo trào lưu âm nhạc giải trí thương mãi.
- Có kiến thức âm nhạc sâu rộng: sáng tác, hòa âm, phối khí.
- Có trình độ chỉ huy ban nhạc, hướng dẫn cách hát diễn cho ca sĩ.
- Nghe và hiểu nhiều thể loại âm nhạc.
- Biết định vị mình trong giới ca nhạc thị trường
Nhạc sỹ Đắc Tâm và diễn đàn âm nhạc của riêng mình
PV: Điều gì khiến bác dành rất nhiều tâm huyết cho câu lạc bộ sáng tác ca khúc và diễn đàn âm nhạc, nơi mà bác dày công hướng dẫn cách thức sáng tác, thu âm trên vi tính?
Nhạc sỹ Đắc Tâm: Sự tử tế trong âm nhạc luôn tồn tại song song với điều giải trí nhảm nhí tào lao. Giá trị của tác phẩm âm nhạc ở trình độ âm nhạc và kiến thức văn hóa sâu rộng của tác giả, ở thông điệp đúng đắn và cảm xúc thật trong cuộc sống thực tế quanh tác giả. Âm nhạc thể hiện được nét văn hóa của dân tộc trong mọi thời đại sẽ trường tồn theo thời gian.
PV: Những “học trò qua mạng” của bác đã phản hồi thế nào về giáo trình do chính tay bác soạn, hay thậm chí là những người tham gia câu lạc bộ của bác, bác thấy họ đã gặt hái được điều gì từ những lời chia sẻ của bác?
Nhạc sỹ Đắc Tâm: Tôi nhận rất ít phản hồi từ học trò qua mạng và với tôi những phản hồi này mang tính cảm ơn xã giao vì tôi hiểu sự hấp dẫn của đồng tiền trong lãnh vực âm nhạc giải trí quảng cáo thương mãi. Những người tham gia Câu lạc bộ Sáng tác Ca khúc do tôi hướng dẫn là những người đồng cảm với âm nhạc đẹp có thông điệp tử tế có văn hóa và có tính văn học. Tôi nhận thấy họ có tiến triển tốt và tự định vị trong phong cách sáng tác ca khúc.
PV: Bác có mong muốn gì đối với âm nhạc hiện đại và theo bác âm nhạc Việt cần làm gì để phát triển hơn trong tương lai?
Nhạc sỹ Đắc Tâm: Tôi không thích cụm từ “âm nhạc hiện đại” vì với tôi chỉ có “âm nhạc tử tế” và “âm nhạc giải trí”, “âm nhạc có thông điệp tốt” và “âm nhạc nhảm nhí tào lao”. Âm nhạc Việt từ sau 2000 đã “tôn vinh” những giá trị giải trí không có kiến thức âm nhạc, “ca ngợi” sự vô cảm của âm nhạc điện tử máy móc. Khi nào âm nhạc còn sống nhờ quảng cáo thương mãi thì không thể là âm nhạc tử tế được. Quan điểm âm nhạc của tôi: “Thương mãi không bao giờ là bạn đồng hành tốt của nghệ thuật”.
PV: Không phải sự giải trí, không phải tính thương mại, vậy quan điểm nghệ thuật của bác về âm nhạc là gì?
Nhạc sỹ Đắc Tâm:Tôi biết rất ít người nghe được ca khúc của tôi do các ca khúc này không có tính giải trí đại chúng, quá nặng tính cách cá nhân và do đó tôi cũng biết không có ca sĩ thị trường ca nhạc giải trí nào có thể cảm mà hát được một cách tử tế. Hơn nữa, chính tôi không bao giờ cảm được cách hát khoe giọng thanh nhạc hoàn toàn vô cảm cho các ca khúc tình cảm tự sự của tôi.
Tôi không viết nhạc và làm nhạc giải trí để bán kiếm tiền mà tôi viết và làm nhạc cho riêng tôi.
Tôi không thể nghĩ ra được những nốt nhạc và ca từ không đến từ nỗi niềm lòng tôi. Tôi không thể viết nhạc lúc tôi vui, nhưng ngay cả khi tôi buồn, tôi không có cái tâm và cái đầu cho việc sáng tác ca khúc vì cái tâm và cái đầu này đã bị dìm trong nỗi buồn rồi. Cho nên âm nhạc và ca khúc chỉ đến với tôi khi nỗi buồn nguôi ngoai và đó là những ca khúc mà tôi viết như để tôi nhìn lại tôi. Những ca khúc của tôi đăng trong diễn đàn Giai Điệu Xanh được sáng tác từ nỗi buồn, sự khắc khoải, nỗi tuyệt vọng đã từng dày vò và đọa đày tôi. Tất cả đều là chuyện thật của lòng tôi về tình yêu.
Giai điệu trong ca khúc Đắc Tâm chịu ảnh hưởng nét nhạc của các nhạc sĩ đàn anh cụ thể là Phạm Duy, Vũ Thành An, Từ Công Phụng và Lê Uyên Phương và tôi sáng tác thiên về cung trưởng. Theo cảm nhận của tôi, nỗi buồn của cung Trưởng nhẹ nhàng nhưng lại gay gắt, man mác nhưng lại khắc khoải, dịu dàng nhưng lại giông bão, thê thảm nhưng lại trong sáng. Ai đã từng yêu nhiều, luôn mê đắm hết mình trong tình yêu dù biết là tuyệt vọng, thì có thể sẽ cảm được ca khúc Đắc Tâm.
Thông tin về nhạc sỹ Đắc Tâm
Nhạc sỹ Đắc Tâm là cựu học sinh trường trung học Jean Jacques Rousseau (Sài Gòn), ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Thương mại năm 1974. Theo ngành ngân hàng, rồi làm trong nhiều lãnh vực, đến cả mở công ty tự kinh doanh, nhưng nghiệp nhạc không ngừng đeo đuổi Đắc Tâm. Ông tự học sáng tác, hòa âm, phối khí, thu âm, cân chỉnh và hoàn chỉnh âm thanh. Hiện tại, ông bỏ tất cả những công việc khác chỉ để tập trung cho việc làm và hướng dẫn thu âm và cân chỉnh âm thanh trên vi tính. Ngoài ra, ông từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác Ca khúc Q.3 (Trung tâm Văn hóa Q.3, TP.HCM) từ năm 1994 cho đến năm 2012 trong vai trò dìu dắt, hướng dẫn như một người thầy, người anh nghiêm khắc với các nhạc sĩ trẻ. Bênh cạnh đó, nhạc sỹ Đắc Tâm còn là người phát triển tinh thần âm nhạc cho diễn đàn Giai Điệu Xanh.
Cho tới nay những người làm việc với ông cho biết Đắc Tâm đã dịch và phổ biến miễn phí nhiều tài liệu âm nhạc như kỹ thuật sáng tác ca khúc, cách xây dựng và làm việc trong phòng thu âm kỹ thuật số gia đình theo các giáo trình căn bản quốc tế… Thậm chí, ông còn góp ý cho nhiều nhạc sĩ trẻ đang theo đuổi công nghệ sản xuất âm nhạc từ máy tính và phần mềm hỗ trợ hình thành một đĩa audio CD hoàn chỉnh.
Hương Liên