Đại Kỷ Nguyên

NTK Phạm Kiều Phúc: Thiết kế là hành trình trở về bên trong của mỗi người, mỗi đất nước

Từ bỏ Air France hứa hẹn bầu trời sự nghiệp, vì niềm đam mê với thứ mà mình chưa có một chút kĩ năng, để rồi, chỉ sau đó vài năm, trở thành ‘người thiết kế nhà cho các đại sứ’. Nhưng điều đặc biệt hơn cả đam mê với nghề của người phụ nữ này, lại là tình yêu không có giới hạn với những giá trị truyền thống Việt, đến mức chị biến nó trở thành một nghệ thuật sống, nghệ thuật của sự trở về với cái đẹp từ bên trong.

Điều gì khiến chị từ bỏ công việc ở Air France để trở thành nhà thiết kế nội thất?

Air France rất lớn nhưng mơ ước của tôi lại nhỏ, đó là nhu cầu được sáng tạo và được làm việc mình thích.

Nhu cầu thể hiện cái tôi cá nhân đặc biệt?

Có lẽ thế. Thiết kế thực chất là sự phản ánh ra ngoài những gì mà tôi cho là đẹp, là cần thiết, đáng khao khát. Nó gắn với các giai đoạn nhận thức của tôi về đời sống, nghệ thuật, tâm linh. Đó là một hành trình kiếm tìm bản thân.

Hành trình kiếm tìm bản thân của chị như thế nào?

Ngày trước vì muốn tìm đến cái cốt lõi nên khi thiết kế tôi biến sự tối giản trở thành nguyên tắc. Nhưng quá tối giản thì nhiều lý tính. Khi đi qua giai đoạn đó, tôi cảm thấy thiết kế phải có sự nhuần nhị, cái sự nhuần nhị trong tiếng Việt của mình rất hay, nó là sự hài hòa, vừa đủ và đúng người, hợp cảnh.

Nó là cái gọi là “duyên”, có sự thả lỏng cho cái ngẫu nhiên xuất hiện. Nó cũng phản ánh nhận thức của tôi về vẻ đẹp đời sống xung quanh. “Mọi vật đều kỳ diệu”. Nếu ta biết ngạc nhiên và có một cái nhìn không định kiến về mọi vật thì có nhiều khả năng ta sẽ tiếp cận được với cái đẹp thường xuyên hơn.

Nhưng “Đẹp” là một phạm trù không dễ định nghĩa?

Chính xác! Nhưng có một cái thước đo tôi tin là chuẩn, đó là cái đẹp đích thực luôn chạm được vào cảm xúc. Tất nhiên mỗi người sẽ có quy chuẩn về cái đẹp của mình. Cái bạn thấy đẹp, tôi có thể không thấy đẹp và ngược lại.


“cái đẹp đích thực luôn chạm được vào cảm xúc.” 

Cái đẹp như thế nào thì có thể chạm vào được cảm xúc của chị?

Thiên nhiên. Sự phóng khoáng, hài hoà và phong phú mà thiên nhiên mang lại là không gì sánh kịp. Chỉ cần quan sát một chiếc lá, 1 cành cây, 1 bông hoa thôi là bạn cũng phải đồng ý rằng Thiên nhiên là nhà thiết kế vĩ đại nhất

Vì thế nên chị không chọn các sản phẩm nội thất nhập ngoại?

Bởi vì thiết kế thể hiện những giá trị mà tôi trân trọng. Tôi coi trọng giá trị này và tôi muốn chia sẻ điều đó với bạn thông qua công việc của mình. Đồ thiết kế ngoại nhập tràn lan và tôi thực sự không hiểu được điều đó. Với tôi, nó không phải cái đẹp chạm được vào cảm xúc. Quay lại câu chuyện về cái đẹp tôi chia sẻ ở trên. Tôi chọn sản phẩm truyền thống Việt không phải vì tư duy sau luỹ tre làng, công việc đầu tiên của tôi là ở Air France, nơi tôi có thể đi đến bất cứ nơi nào trên thế giới. Nhưng tôi chọn trở về vì tôi đã biết được cái gì là thực sự đẹp.

Tôi biết chị được mời làm dự án lớn cho khu biệt thự cao cấp ở Hà Nội nhưng chị từ chối? Vì sao vậy?

Vì nó không cho tôi khả năng sáng tạo, đó là nơi họ bảo bạn ăn ở chỗ này, tắm ở chỗ này, học ở chỗ này, chết ở nghĩa địa này. Tôi không có gì nhiều để sáng tạo ở đó cả.


Nhưng ở một ‘nơi khác’, chị lại có thể  tự do tìm thấy được sự sáng tạo cho riêng mình. 

Nhưng dù sao thì chị không chỉ thiết kế mà còn kinh doanh sự thiết kế của mình?

Thước đo của sự thỏa mãn không hẳn là tiền, ví như business thành công nhưng nếu nó không mang những giá trị mà mình theo đuổi thì mình cũng không thể thỏa mãn. Tôi cho rằng một người có hạnh phúc hay không nằm ở chỗ có khả năng cảm thụ cái đẹp và thực hiện những công việc mà họ thấy có ý nghĩa, chứ không phải là họ có bao nhiêu chức danh hay tiền bạc. Mà trình độ cảm thụ của con người bây giờ khá bị thui chột.

Chị nghĩ vì sao?

Do sự nông dân hóa, nông dân không có gì xấu, nhưng nông dân hóa thì có những hệ quả về mặt văn hoá. Giáo dục thẩm mỹ không được đề cao dẫn đến đời sống tinh thần nghèo nàn. Bây giờ đời sống tinh thần của người Việt, nhìn từ gia đình, hàng xóm sang xã hội, tôi có cảm giác như một cái nền đã bị đổ bê tông, không có cây gì có thể mọc lên từ đó cho nên tôi phải cố gắng đào xới, khả dĩ trồng được vài cái cây, tạo bóng mát xung quanh mình.

Đấy có phải lý do cho sự ra đời của Module 7 life style?

Vâng gần đây thì tôi muốn mọi người tiếp cận với các thiết kế của mình ở góc độ rộng hơn, không chỉ thuần tuý là đồ vật, là sắp đặt không gian mà là đồ vật và không gian ấy mang lại phong cách sống như thế nào?

Áo dài của NTK Chương Đặng trong triển lãm Áo dài tại Show room Module7

Thế nên chị mời về Module 7 nghệ nhân trà, hoạ sĩ tranh lụa, tranh khắc gỗ, nhà thiết kế trang sức thủ công, đầu bếp…?

Đối với tôi, thiết kế không phải là để nhìn các đồ vật được sắp đầy nhà mà là để “sống”, mà môt không gian gọi là ‘sống’ thì nó phải có hồn. Bạn sẽ cảm nhận thấy cái hồn đó, qua việc thưởng thức 1 tách trà, bên khung cửa thoảng hương hoàng lan vào một sớm trong veo, hay ngắm 1 bức tranh lụa tự tay vẽ, một bình gốm tự tay bạn trang trí theo sở thích.

Đó là lý do tôi mời các nghệ sĩ đó đến gặp các khách hàng của tôi. Đơn giản thế này, tôi muốn chia sẻ những giá trị sống, tôi nghĩ đó là linh hồn của một không gian sống. Ở Module 7 tôi không chăm chăm giới thiệu khách hàng về bàn, ghế, hay giường, tôi để họ chọn nó một cách tự nhiên nếu họ thấy cần cho ngôi nhà của mình. Nhưng tôi muốn trước khi họ mua bất kì món đồ nào, họ cảm nhận được một không gian sống nơi những giá trị tinh thần và văn hoá được nhận ra cái hồn cốt và ý nghĩa sâu thẳm của nó.

M7 sử dụng rất nhiều sản phẩm truyền thống. Chị muốn khôi phục lại văn hóa truyền thống đã mai một hay đây là nguồn cảm hứng trong thiết kế của chị?

Con đường kết hợp thủ công truyền thống với thiết kế đương đại của Module 7 hình thành rất tự nhiên bởi tôi luôn thấy các sản phẩm làm tay rất đẹp, rất có giá trị. Ở Việt Nam, chúng ta chưa biết trân trọng các sản phẩm thủ công do nhân công còn rẻ và thiếu mẫu mã đẹp, có tính ứng dụng cao, còn ở các nước phát triển hơn như Tây Âu hoặc Nhật Bản thì các nghệ nhân và sản phẩm làm tay rất được coi trọng.

Theo chị thì làm cách nào để ngày càng có nhiều biết đến công việc và các giá trị mà chị theo đuổi?

Tôi nghĩ mình đang cố làm 1 con men tốt để biến cả chậu sữa thành sữa chua. Tôi hi vọng những giá trị sống tôi chia sẻ sẽ trở thành một phần trong tư duy của khách hàng của Module 7. Khi bạn nhận ra linh hồn của không gian sống thì 1 chiếc rèm bằng tre cũng sống động và nên thơ không ngờ.


Khi bạn nhận ra linh hồn của không gian sống thì 1 chiếc rèm bằng tre cũng sống động và nên thơ không ngờ.

Rốt cuộc thì triết lý thiết kế của chị là gì?

Thiết kế là hành trình trở về bên trong của mỗi người, hay thậm chí là mỗi đất nước. Mọi sự thay đổi đều đến từ bên trong, bạn không làm được cái gì thật sự nếu nó không đến từ bên trong, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo.

Lam Thư thực hiện

Ảnh: Module 7 studio, 83 Xuân Diệu, Hà Nội

Exit mobile version