Ngày càng có nhiều bà mẹ lựa chọn phương pháp mổ đẻ. Nhưng gần đây Bộ Y tế Việt Nam mới đưa ra quy định an toàn liên quan làm nhiều người hoang mang. Vậy mổ lấy thai có nguy cơ gì và khi nào thì bạn nên áp dụng nó.
Nhiều bà mẹ chọn sinh mổ vì sợ đau đớn hoặc để chọn “giờ vàng” cho con chào đời, hoặc lý do bắt buộc khác. Thậm chí một số người còn loan truyền rằng con mổ đẻ sẽ thông minh hơn vì không phải chui qua “lỗ đi tiểu”. Tuy nhiên, thực tế việc sinh mổ luôn ẩn chứa nhiều nguy cơ đến sức khỏe thậm chí là tính mạng, mọi người phải cân nhắc kỹ lưỡng, không được lạm dụng.
Dưới đây là một số vấn đề được cân nhắc khi lựa chọn phương pháp sinh mổ:
1. Kéo dài thời gian nằm viện sau sinh
Trong khi các mẹ bầu sinh thường chỉ phải nằm viện 1-2 ngày là được ra viện về nhà thì các bà mẹ sinh mổ phải đợi từ 5-7 ngày, đồng thời phải chi trả các khoản sinh hoạt chi phí trong viện cao gấp nhiều lần.
2. Thời gian phục hồi lâu
Thời gian để các bà mẹ sinh mổ phải có thể kéo dài từ 2 tuần tới 1 tháng, điều này ảnh hưởng lớn tới sức khỏe bà mẹ và việc chăm sóc cho bé khi vừa chào đời do các mẹ phải chăm sóc vết mổ sau sinh lâu hơn, phức tạp hơn, ngay cả việc vệ sinh cũng phải nhờ người giúp đỡ.
3. Lần sinh thứ 2, thứ 3 vẫn phải sinh mổ
Theo khuyến cáo một khi bạn đã sinh mổ thì ít nhất 2 năm sau mới được phép mang thai, nếu mang thai trước thời gian quy định thì rất dễ gây nguy hiểm cho tính mạng bà mẹ và bé, đồng thời những lần mang thai tiếp theo sẽ vẫn phải sinh mổ.
4. Nguy cơ bị nhau tiền đạo
Ngoài ra, nhau thai cũng là một trong những điều mẹ bầu nên đặc biệt lưu ý nếu sinh mổ lần 2. Theo nghiên cứu, khả năng nhau tiền đạo và bong nhau non ở những trường hợp có khoảng cách mang thai dưới 1 năm thường rất cao. Chính vì vậy, để đảm bảo vết mổ tử cung có đủ thời gian phục hồi, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu nên kéo giãn khoảng cách mang thai của mình, ít nhất là 2 năm kể từ lần sinh mổ đầu tiên.
5. Rau cài răng lược
Ngoài trường hợp như nhau tiền đạo, bong nhau non, nhau cài răng lược cũng là một trong những bất thường về nhau thai thường gặp đối với mẹ bầu sinh mổ lần 2. Nhau cài răng lược không chỉ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tử cung mẹ bầu mà còn ảnh hưởng đến các “vùng” lân cận như bàng quang, ruột…
6. Nguy cơ tử vong cao
Nguy cơ mẹ tử vong trong quá trình sinh mổ cao gấp 2-4 lần so với mẹ sinh thường do những biến chứng nguy hiểm của nó trong quá trình mổ lấy thai.
7. Ảnh hưởng của các loại thuốc vào cơ thể
Bao gồm thuốc gây mê, kháng sinh và các loại thuốc tiêm vào cơ thể trong quá trình phẫu thuật mổ lấy thai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và nguồn sữa cung cấp cho cơ thể bé.
8. Tác động của việc sinh mổ đối với con
Trẻ sinh mổ dễ mắc các chứng bệnh như vàng da, mất nước, nhiễm trùng…hô hấp như viêm phổi, phế quản mãn tính, hen suyễn, hệ tiêu hóa yếu, tiểu đường tuýp 1, sâu răng do không được tiếp nhận một số loại hormon có lợi trong quá trình chuyển dạ .
Trẻ sinh mổ có sức đề kháng, hệ miễn dịch kém hơn do không được thừa hưởng các hormone có lợi trong ống dẫn sinh đồng thời do sữa mẹ về trễ (sau khi sinh mổ phải 1 tuần sau mẹ mới có sữa). Ngay khi tách rời khỏi cơ thể mẹ, cơ thể bé đang yếu nhưng lại không được tiếp nhận nguồn dinh dưỡng quan trọng này, điều này có thể khiến bé chịu thiệt thòi trong suốt quá trình phát triển sau này. Đây còn là nguyên nhân khiến bé dễ mắc bệnh hơn, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm.
Việc sinh mổ cũng khiến mối quan hệ tình cảm giữa mẹ và con có phần hạn chế khi bé bú gặp bất lợi vì bé sẽ khó bú mẹ hơn và thời gian phục hồi của mẹ lâu nên con không được chăm sóc chu đáo từ mẹ trong những ngày đầu.
9. Nhiễm độc thuốc gây mê
Cho dù ca mổ thường được tiến hành rất nhanh nhưng thuốc gây mê cho mẹ cũng rất dễ ngấm vào cơ thể trẻ. Trẻ bị nhiễm thuốc mê của mẹ có thể ngủ luôn, mất phản xạ khóc. Điều này dễ gây ra suy hô hấp, nhiễm trùng hô hấp mai sau. Nếu người mẹ thuộc dạng dị ứng với thuốc mê, nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng sau sinh vì tác dụng độc của thuốc mê nữa đấy.
Một số chuyên gia cho rằng, việc sinh thường và sau đó tiếp tục giữ dây rốn liền với bành nhau thai mà không cắt ngay có thể mang lại cho bé nhiều lợi ích. Bé sẽ tiếp tục được cung cấp máu và dinh dưỡng từ bánh nhau cho đến khi nó bị khô. Phương pháp này được gọi là Liên sinh (Lotus Birth).
Khi nào nên sinh mổ?
Những bệnh nhân sinh mổ là những bệnh nhân phải có chỉ định mổ. Chỉ định mổ lấy thai chủ động về phía mẹ ví dụ như các bệnh lý toàn thân của mẹ: bệnh lý tim mạch, basedow, dị dạng mạch não, tiền sản giật nặng, khung chậu méo, khung chậu lệch… chỉ định mổ lấy thai chủ động về phía thai hoặc phần phụ của thai có thể là ngôi vai, rau tiền đạo, rau cài răng lược, thai to…
Chỉ định mổ cấp cứu là những chỉ định phát sinh trong quá trình chuyển dạ. Nếu diễn biến chuyển dạ bình thường người mẹ có thể đẻ phía dưới tử cung nhưng diễn biến thất thường ví dụ như trường hợp thai suy cấp trong chuyển dạ, tim thai xuống hoặc những trường hợp cổ tử cung không tiến triển hoặc cổ tử cung mở hết nhưng đầu bé không lọt thì sẽ chỉ định mổ.
Trên đây là những lợi ích, tác hại của việc sinh mổ mà mẹ bầu nên biết để có sự lựa chọn đúng đắn phương pháp sinh cho mình sao cho khỏe cho mẹ, tốt cho bé nhé, điều này thật sự quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ và sức khỏe cho mẹ sau này đấy. Chúc các bạn trải qua “kỳ vượt cạn” nhẹ nhàng và khỏe mạnh nhé.
Hoàng Kỳ tổng hợp
Xem thêm:
- Vỡ ối, bác sĩ trực chờ phá thai, người mẹ kiên trì uống 4 lít nước mỗi ngày đã cứu sống con
- Sinh nở tự nhiên và không cắt dây rốn, nhiều bà mẹ Tây làm ngược hẳn với Việt Nam
- Sự tái sinh kỳ diệu của vị Bác sĩ, Tiến sĩ Trưởng Khoa tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.