Khác với các nguy cơ ngộ độc thực phẩm thông thường, người không trực tiếp hút mà hít phải khói thuốc cũng chịu ảnh hưởng không kém, thậm chí còn nhiều hơn người hút trực tiếp. Trường hợp không tránh được việc tiếp xúc với khói thuốc lá vì ở nhà hoặc chỗ làm có người hút thuốc, bạn vẫn có thể hạn chế tác hại của nó qua một số lưu ý trong ăn uống và nếp sống hàng ngày.

Các chất độc hại trong khói thuốc thường làm cơ thể mất rất nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, B, C, E,…kẽm, selen, crôm. Vì vậy, nếu hàng ngày vẫn phải tiếp xúc với khói thuốc, bạn nên có chế độ ăn giàu vitamin như sữa bò, cà rốt, bí ngô, giá đỗ, rau mầm, hoa quả, v.v giúp bổ sung lượng vitamin đã mất đi đồng thời tăng cường khả năng hóa giải các độc tố cho cơ thể.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Các bác sỹ thấy rằng, ở các bệnh nhân hút thuốc lá, nếu bổ sung đủ lượng vitamin này thì nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi của họ giảm đi rất nhiều.

Khi thiếu vitamin A, phổi, khí quản, dạ dày không tiết đủ dịch khiến các niêm mạc dễ bị tổn thương. Vì thế, các thực phẩm giàu vitamin A và beta-caroten rất quan trọng đối với người hay phải sinh hoạt trong môi trường có khói thuốc.

Carot

Hút thuốc và khói thuốc làm tích tụ cholesterol và chất béo trong máu vì vậy trong bữa ăn, nên ăn nhiều hơn các loại cá, chế phẩm từ đậu nành, hoa quả, rau xanh, …

Vitamin C cũng giúp bạn rất nhiều trong quá trình tăng cường sức khỏe. Người hay tiếp xúc với khói thuốc nên ăn nhiều hoa quả chứa vitamin C như ổi, cam quýt, chanh, bưởi,…

Hàng ngày, để giải độc cơ thể, một cốc nước chanh, sinh tố cam hay cà rốt, chè đậu xanh là những thức uống rất tốt cho bạn.

Trà xanh cũng là một thức uống có thể giảm đi phần nào những tác hại của thuốc lá, giúp đề phòng chống tích tụ cholesterol. Tốt nhất là dùng nước trà tươi. Thỉnh thoảng, bạn cũng có thể dùng các loại trà tốt cho phổi như trà cúc hoa, la hán, … Hạn chế sử dụng các loại nước ngọt để tránh tác động kép của lượng đường cao cùng các chất phụ gia hóa học không tốt trong đó.

Tra xanh

Nếu môi trường sống và làm việc có quá nhiều khói thuốc lá, hãy cố gắng sắp xếp để cơ thể được nghỉ ngơi thêm và hưởng không khí trong lành ít nhất vài giờ đồng hồ bằng cách đi dạo công viên, hồ nước, … Thiền định và nghe nhạc cổ điển cũng giúp cơ thể phục hồi lại các tổn thương trong não bộ.

Cuối cùng, nếu bạn đang mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẽn, viêm xoang, và đặc biệt là đang mang thai hoặc có trẻ sơ sinh thì việc yêu cầu người xung quanh tìm nơi khác để hút thuốc sẽ rất cần thiết để tránh các rắc rối về sức khỏe sau này. Khói thuốc có thể tăng nguy cơ nguy cơ bị sảy thai, thai chậm phát triển, sinh non, tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, tăng nguy cơ bị viêm tai giữa, hen suyễn…ở trẻ em.

Thanh Huyền

Xem thêm: Hút thuốc bào mỏng vỏ não