Mới đây, Tổ chức hoạt động vì môi trường của Mỹ đã công bố danh sách những loại rau quả và trái cây có chứa dư lượng thuốc sâu cao nhất và những thực phẩm an toàn nhất cho năm 2017.
EWG (Environmental Working Group – Tạm dịch: Tổ chức hoạt động vì môi trường) đã phân tích dữ liệu về dư lượng thuốc trừ sâu trên các mặt hàng rau củ quả phổ biến nhất và đưa ra danh sách “Dirty zone”, gồm 12 loại rau và trái cây bị nhiễm thuốc trừ sâu nghiệm trọng nhất.
Nhiều người tiêu dùng Mỹ xem công bố của EWG như là “cẩm nang mua sắm”, giúp họ hạn chế các nguy cơ bệnh tật từ dư lượng thuốc trừ sâu trong nông sản. Các kết quả phân tích này không hẳn có giá trị cho các mặt hàng tại Việt Nam, nhưng nếu đó là nhập khẩu từ Mỹ thì cũng có thể được tham khảo.
Cho năm 2017, danh sách 12 loại bẩn nhất nằm trong báo cáo “Dirty zone” của EWG gồm có: Dâu tây, rau cải bó xôi, quả xuân đào, táo, đào, cần tây, nho, lê, anh đào, cà chua, ớt chuông ngọt, khoai tây.
Qua đây, người ta cũng thấy rằng có một số loại nông sản thường xuyên có nguy cơ nhiễm thuốc trừ sâu hơn các loại khác, ví dụ dâu tây. So với kết quả của năm 2016, dâu tây hiện vẫn giữ vững ngôi vị quán quân vì chứa ít nhất 20 loại thuốc trừ sâu. Trong khi đó, rau cải bó xôi nhảy lên vị trí thứ 2 với liều lượng thuốc trừ sâu cao gấp 2 lần các loại cây trồng khác.
Theo EWG, một người Mỹ ăn gần 4 kg dâu tây tươi/năm. Ngay cả khi được rửa sạch tại nơi trồng, sau đó được rửa tiếp trước khi ăn, loại quả này vẫn chứa thuốc trừ sâu. Dâu tây là trái cây được trồng hạn chế theo mùa, nhưng sử dụng nhiều thuốc trừ sâu để tăng năng suất và kéo dài thời gian sinh trưởng.
Các loại rau củ quả chứa ít thuốc trừ sâu nhất, được đưa vào danh sách “Clean Fifteen“. Danh sách của năm 2017 gồm có: ngô ngọt, bơ, dứa, cải bắp, hành tây, đậu Hà Lan đông lạnh, đu đủ, măng tây, xoài, cà tím, dưa mật, kiwi, dưa ruột, súp lơ và bưởi.
Mặc dù Mỹ là nơi có ngành nông nghiệp tân tiến, hiện đại nhất bậc nhất thế giới, nhưng việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, các loại thuốc kháng sinh và chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi… thực sự đang là một vấn đề khiến các chuyện gia y tế lo lắng. Riêng lượng thuốc diệt cỏ glyphosate được dùng hàng năm hiện nay đã là khoảng 1 tỷ pound (khoảng 0.45 kg), so với khoảng 11 triệu pound vào năm 1987. Đây được cho là hệ quả tất yếu từ sức ép tăng sản lượng, và mô hình sản xuất đơn canh/siêu thâm canh đang được áp dụng.
Minh Thành
Xem thêm: