Đinh lăng dễ trồng, dễ sống, dễ sử dụng, vừa có tác dụng như thuốc lại có thể bổ như sâm. Đây chính là lý do.
Không chỉ là cây cảnh thông dụng, cây rau được ưa dùng, mà còn có nhiều dược tính quý: chống dị ứng, giải độc thức ăn, chống mệt mỏi và làm tăng sức dẻo dai của cơ thể. Toàn bộ cây từ rễ, củ, cành và lá đều có thể làm thuốc trị bệnh, bồi bổ sức khoẻ và làm gia vị cho các món ăn như gỏi cá, thịt chó, nem chua…
Rễ đinh lăng được thu hái vào mùa thu. Cây trồng sau 7-10 năm mới được thu hoạch, cây càng già, năng suất và chất lượng rễ càng cao. Rửa sạch rễ củ, thái mỏng phơi khô ở chỗ mát và thoáng gió để bảo đảm mùi thơm và phẩm chất. Khi dùng, để nguyên hoặc tẩm rượu gừng 5%. Sao qua, rồi tẩm 5% mật ong, sao thơm.
Rễ đinh lăng được dùng làm thuốc bổ cho ngũ tạng, giải độc, tăng lực, bổ huyết, chữa cơ thể suy nhược, gầy yếu, mệt mỏi, tiêu hóa kém, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa. Có nơi còn dùng chữa ho, ho ra máu, đau tử cung và làm thuốc lợi tiểu, chống độc, giúp ăn ngon ngủ tốt ngoài ra còn có tác dụng chữa chính mé hiệu quả. Lá đinh lăng có tác dụng chữa chín mé sưng: Lá đinh lăng tươi giã đắp chín mé sưng, đau ngón tay, ngón chân khi có mủ. Bệnh chín mé là bệnh hiện đại, bệnh nếu để lâu hoặc người bênh không chú ý sẽ dễ dẫn đến bị tàn tật hoặc tử vong.
Lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng, dân gian gọi nôm na là mùi ”thuốc bắc”. Lá tươi không có mùi thơm này. Nhiều nơi vẫn dùng lá nấu ra loại nước sâm bổ dưỡng.
Tại Ấn Độ, đinh lăng được dùng làm thuốc làm săn chắc và trị sốt. Rễ và lá sắc uống có tác dụng lợi tiểu, chữa sỏi thận, sỏi bàng quang, chứng khó tiểu tiện. Bột lá được giã với muối, đắp trị vết thương.
Đinh lăng có tính chất như nhân sâm nhưng lại rất dễ trồng, dễ tìm, người dân có thể dễ dàng có được và sử dụng nên danh y Hải Thượng Lãn Ông đã gọi cây Đinh lăng là “cây Sâm của người nghèo”.
Dưới đây là một số bài thuốc thông dụng với đinh lăng:
1.Thuốc tăng lực, chữa mỏi mệt, biếng hoạt động
Rễ đinh lăng phơi khô thái mỏng 5g, thêm 100ml nước, đun sôi trong 15 phút, chia 2-3 lần uống trong ngày.
Rễ đinh lăng làm sạch tẩm nước gừng, sấy khô, sau đó tẩm mật sao, thường dùng sao vàng tán bột hoặc ngâm rượu uống bồi bổ sức khỏe, trị suy nhược cơ thể, mất ngủ hay quên, người mỏi mệt, không thích hoạt động.
2. Chữa liệt dương
Rễ đinh lăng, hoài sơn, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn, cám nếp, mỗi vị 12g; trâu cổ, cao ban long, mỗi vị 8g; sa nhân 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
3. Trị thiếu máu
Rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh, mỗi vị 100g, tam thất 20g, tán bột, sắc uống ngày 100g bột hỗn hợp.
4. Tăng sữa cho phụ nữ mới sinh con
Rễ hoặc lá sắc cho phụ nữ sau sinh hoặc có thể thái lá tươi nấu canh, nấu cháo ăn tác dụng bồi bổ tăng sữa. Liều dùng: Ngày 8 đến 12 gam rễ khô.
Thuốc lợi sữa: Lá đinh lăng tươi 50-100g, chân giò lợn (từ khuỷu chân trở xuống) 2 cái, cùng nấu cháo với gạo nếp, ninh nhừ, ăn chân giò và ăn cháo.
5. Chữa tắc tia sữa, căng vú, sưng vú
Cành lá đinh lăng 40-50g, thêm 400ml nước, sắc còn 200ml, uống nóng, chia 2 lần uống trong ngày.
6. Chữa sốt lâu ngày, nhức đầu, háo khát, ho, đau tức ngực, nước tiểu vàng
Đinh lăng tươi (rễ, cành) 30g, lá hoặc vỏ chanh 10g, vỏ quýt 10g, sài hồ (rễ, lá, cành) 20g, lá tre tươi 20g, cam thảo dây hoặc cam thảo đất 30g, rau má tươi 30g, chua me đất 20g. Các vị cắt nhỏ, đổ ngập nước, ấn chặt, sắc đặc lấy 250ml, chia uống 3 lần trong ngày.
7. Chữa mẩn ngứa do dị ứng
Lá đinh lăng 80g, sao vàng, sắc uống. Dùng trong 2-3 tháng.
8. Chữa đau tử cung
Cành và lá đinh lăng rửa sạch, sao vàng, sắc uống thay nước chè.
9. Chữa sốt rét
Rễ đinh lăng, sài hồ, mỗi vị 20g; rau má 16g; lá tre, cam thảo nam, mỗi vị 12g; bán hạ (sao vàng) 8g; gừng 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
10. Chữa viêm gan mạn tính
Rễ đinh lăng 12g; nhân trần 20g; ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
11. Chữa nhiệt độc, lở ngứa, mụn nhọt
Dùng lá đinh lăng 40 – 60 gam sắc uống.
12. Chữa đau đầu
Thân lá đinh lăng và Bạch chỉ sắc uống hằng ngày.
13. Chín mé sưng, đau
Lá đinh lăng tươi giã đắp
14. Chữa phong thấp đau, nhức mỏi
Cây đinh lăng (cả lá thân rễ), cây lá lốt, ké đầu ngựa lượng bằng nhau 30-40 gam dạng thuốc sắc uống.
Lưu ý: Đinh lăng là một vị thuốc do đó nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc và cần lưu ý liều lượng khi sử dụng.
Minh Thành tổng hợp
Xem thêm: Càng cua: Tưởng chỉ như rau dại nhưng lại có rất nhiều lợi ích cho cơ thể