Tưởng chỉ là đau bụng thông thường, một số cha mẹ không đưa đi cấp cứu ngay, khiến các bé phải chết oan. Vấn đề này thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là dưới 1 tuổi. Trẻ trai, trẻ bụ bẫm dường như hay bị lồng ruột hơn. Các bậc cha mẹ cần lưu ý và kịp thời cấp cứu để tránh những biến chứng không đáng xảy ra.
Lồng ruột là gì
Lồng ruột là căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong nếu trẻ không được cấp cứu kịp thời. Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột không ở vị trí bình thường, mà “chui” vào trong lòng một đoạn ruột ngay sát đó, các mạch máu nuôi dưỡng cũng theo đó mà bị “kẹp”.
Điều này khiến lưu thông của dịch, thức ăn trong ruột bị ứ trệ, nguy hiểm hơn là mạch máu bị kẹp khiến đoạn ruột đó bị hoại tử, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ nếu không được cấp cứu kịp thời. Cho đến nay, có tới 90% các ca lồng ruột không rõ nguyên nhân. Một số trường hợp được cho là do các khối u, polýp của ruột.
Trẻ bị lồng ruột có triệu chứng gì?
Trẻ bị lồng ruột sẽ đau bụng. Tuy nhiên đa phần trẻ bị lồng ruột là trẻ dưới 1 tuổi nên có thể sẽ không kêu đau, mà thay vào đó là khóc thét thành từng cơn.
Bệnh thường xảy ra đột ngột khiến trẻ đang khỏe mạnh, chơi đùa bình thường bỗng khóc thét lên, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, hai chân đạp lung tung, ban đêm làm trẻ thức giấc, ban ngày làm trẻ phải ngừng mọi hoạt động, bỏ chơi, bỏ bú. Khi hết cơn đau trẻ có thể trở lại như bình thường, nhưng khi cơn đau tái phát, trẻ lại khóc từng cơn, ưỡn người, không bú được, nôn. Vài giờ sau, trẻ mệt lả, da xanh nhợt.
Đường ruột bị tắc nghẽn nên trẻ sẽ nôn mửa nhiều lần. Muộn hơn trẻ có thể đại tiện phân lẫn máu tươi hoặc máu bầm.
Nếu để lâu, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn với các triệu chứng trầm trọng như la hét, da xanh, nhăn nheo, sốt cao, lờ đờ, hôn mê…
Cha mẹ cần làm gì nếu nghi ngờ trẻ bị lồng ruột?
Có những trường hợp bố mẹ chủ quan khi thấy trẻ đầy bụng nôn, đi ngoài tưởng trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài thông thường nên không phát hiện ra sớm, đưa đến bệnh viện chậm dễ khiến trẻ bị nhiễm trùng, mất nước điện giải trầm trọng, nhiễm trùng huyết, hoại tử ruột, thủng ruột…
Trong trường hợp đến trễ hơn 24 giờ, đoạn ruột lồng đã chui sâu vào nhau gây sưng nề, tắc nghẽn mạch máu và hoại tử, các bác sĩ phải phẫu thuật để cắt đoạn ruột đó. Tuy nhiên, việc chăm sóc và hồi sức sau mổ rất khó khăn và phức tạp, trẻ dễ tử vong do suy kiệt và viêm phổi nặng.
Do đó khi phát hiện tình trạng này, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu để xác định chẩn đoán. Càng đưa trẻ cấp cứu sớm, việc điều trị sẽ càng đơn giản và tránh được các biến chứng nặng nề không đáng xảy ra.
Bệnh lồng ruột không phải chỉ xảy ra duy nhất 1 lần, do đó trẻ từng bị lồng ruột vẫn cần được chú ý theo dõi để kịp thời phát hiện sớm nếu bệnh tái phát.
Hơn nữa nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện sớm lồng ruột, tránh các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra.
Đại Hải tổng hợp
Xem thêm:
- Cứu trẻ bị hóc rất đơn giản nhưng ít người biết, khiến nhiều bé phải chết oan
- Thang cuốn sân bay Tân Sơn Nhất kéo đứt cổ tay bé trai 17 tháng tuổi
- Cơ trưởng người Việt tìm ra món quà vô giá cho người dân Việt Nam sau 14.500 giờ bay
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.