“Mã tiên thảo” còn được gọi là “Cỏ roi ngựa”, một loài cây mọc hoang rải rác khắp, là vị thuốc dễ tìm nhưng lại có nhiều tác dụng rất kỳ diệu. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền những truyền thuyết lý thú về tác dụng trị liệu của loài cây này.
Như trong sách “Bách thảo Dược dụng Thú thoại” có ghi lại một truyền thuyết về tác dụng chữa chứng bệnh cổ trướng của cây cỏ roi ngựa như sau:
Truyền thuyết về cây roi chữa cổ trướng
Tương truyền, những khi nhàn rỗi, Quan Thế Âm Bồ Tát thường ngao du khắp các nơi. Ngồi trên đài sen, đưa mắt nhìn bốn phương, quan sát dân tình, để kịp thời cứu khổ cứu nạn.
Một hôm, khi đến gần một đỉnh núi, Quan Thế Âm Bồ Tát thấy có một đám mây đen quấn quanh, đám mây đó cứ lúc tán lúc tụ, nên trong lòng cảm thấy nghi hoặc. Quan Thế Âm Bồ Tát liền hóa thân, biến thành một bà cụ già và hạ xuống để tìm hiểu xem có chuyện gì. Trên đỉnh núi có một bãi bằng, cây cỏ tươi tốt, tiếng chim hót líu lo hòa cùng với tiếng ca của những người đi chăn gia súc.
Vậy thì chuyện gì có thể xảy ra được?
Quan sát kỹ hơn, bỗng nhiên bà cụ già (Quan Thế Âm Bồ Tát hóa thân) nhìn thấy: Có một người đàn bà đang cầm cây roi ngựa đánh một người đàn ông. Người đàn ông gầy gò, da đen xạm, đang nằm ngửa trên mặt phiến đá to và nhẵn, áo phanh ra, để lộ cái bụng trướng to tựa như cái trống.
“Còn có thể chịu được nữa hay không?” – Người phụ nữ mắt đang ngấn lệ hỏi.
“Chịu được, … chịu được, … tiếp … tiếp tục đánh …” – Người đàn ông cắn răng chịu đau, trán tiết ra những giọt mồ hôi to như hạt đậu, miệng lẩm nhẩm đếm.
“Đét … đét …” – Đánh xong mỗi roi, người phụ nữ lại lấy vạt áo lau nước mắt.
Trên da bụng của người đàn ông hằn lên những vết roi tím bầm, đang rỉ máu tươi, …
Bà cụ thấy thế liền tiến đến ngăn lại. Người phụ nữ thở dài một hơi, lau nước mắt, đứng nhìn bà cụ già xa lạ.
Còn người đàn ông thì nhổm dậy, mắt lộ vẻ căm tức và nói: “Bà già kia, … đây không phải là việc của bà … Người trong thôn chúng tôi, có ai bị mắc bệnh cổ trướng, đều dùng roi ngựa đánh vào bụng là khỏi. Muốn bệnh chóng khỏi, phải đánh sớm. Muốn bệnh khỏi nhanh, phải đánh cho đủ 1000 roi… Tôi mới đánh được 500 cái…“.
Nghe vậy Quan Thế Âm Bồ Tát cười và nói: “Cái roi ngựa mà thần diệu vậy à? Đưa cho ta xem…“.
Người phụ nữ đưa cái roi ngựa cho Quan Thế Âm Bồ Tát.
Quan Thế Âm Bồ Tát cầm cây roi, liền cắm nó xuống đất và nói: “Ta sẽ biến nó thành một cái cây. Các người chỉ cần nhổ cây lên, sắc lấy nước uống, bệnh sẽ khỏi. Không phải dùng roi ngựa đánh nữa!“.
Trong nháy mắt, chiếc roi đã mọc rễ, biến thành một cái cây, có lá xẻ răng cưa, thân có cạnh và có đốt giống như roi ngựa…
Thấy thế, hai vợ chồng người chăn dê ngẩn cả người ra. Lát sau bừng tỉnh, nhớ lời dặn, nhổ cây đem sắc nước uống. Thuốc vừa xuống đến bụng, người đàn ông đã thấy có tiếng kêu ùng ục bên trong… và cái bụng to như trống cứ xẹp xuống dần…
“Cỏ roi ngựa … Tốt … Hãy gọi đó là cỏ roi ngựa“.
Quan Thế Âm Bồ Tát đứng trên đám mây đang mỉm cười. Lại tiếp tục vân du khắp nơi.
Xin nói thêm đôi lời cho dễ hiểu:
– “Cổ trướng” là tên bệnh trong Đông y cổ truyền, có xuất xứ từ sách “Linh khu“. “Cổ trướng” chỉ tình trạng bụng phình to, da bụng căng như da trống, nổi gân xanh, nhưng chân tay lại không bị phù, người gầy đét, da đen xạm hoặc vàng xạm…
Đông y cho rằng, nguyên nhân dẫn tới cổ trướng là do tình chí bị uất kết, ăn uống không tiết chế, uống rượu quá độ… khiến cho Can Tỳ khí trệ (chức năng của tạng Can và tạng Tỳ bị đình trệ) mà gây nên bệnh.
Sử dụng cỏ roi ngựa chữa cổ trướng là một kinh nghiệm lưu truyền trong dân gian đã từ lâu đời và đã được ghi lại trong một số Y thư cổ, ví dụ như “Vệ sinh Dịch giản phương“, “Bổ khuyết Trửu hậu phương“…
Trong các sách thuốc Đông y, cây cỏ roi ngựa thường gọi là “mã tiên thảo” (“mã” = ngựa, “tiên” = roi, “thảo” = cỏ); do loại cỏ này có thân dài, thẳng, có đốt, nhìn giống như là cái như roi ngựa.
“Cỏ roi ngựa” còn có rất nhiều tên khác như “cây chỉ thiên”, “phượng cảnh thảo”, “thiết mã tiên”, “hạc tất phong”, “thoái huyết thảo”, “cỏ vọt ngựa” (sách “Nam dược Thần hiệu” của Tuệ Tĩnh), “nhả tháng én” (dân tộc Tày), “co pin mạ” (Thái)…; tên khoa học là Verbena officinalis L., thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Đặc điểm thực vật: Cỏ roi ngựa là loại cây thảo nhỏ, sống dai, mọc thành bụi, cao từ 0,1-1m. Thân có 4 cạnh, mọc đứng, có lông. Lá mọc đối, xẻ thành những thùy hình lông chim không đều. Mép lá có răng cưa; phiến lá men theo cuống đến tận gốc. Hoa mọc ở ngọn, thành bông hoặc chùy, dài khoảng 20cm, phân nhánh nhiều; lá bắc có mũi nhọn; hoa nhỏ màu xanh lam tím nhạt, lưỡng tính, mọc sít nhau, không đều. Quả nang, có 4 nhân, hạt nhỏ.
Sinh thái: Cỏ roi ngựa hay gặp ở những chỗ đất ẩm ven bờ rào, bờ ruộng, trên các bãi hoang quanh làng bản, ven đường đi, chân đê và nương rẫy. Cây ưa ánh sáng, sinh trưởng nhanh, có vòng đời (tính từ khi hạt nảy mầm cho đến khi tàn lụi) kéo dài khoảng 4- 5 tháng. Mùa hoa và quả từ khoảng tháng 3 đến tháng 9.
Để dùng làm thuốc, người ta chặt toàn cây, hoặc nhổ cả cây kèm theo rễ. Có thể dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô; dùng tươi có tác dụng tốt hơn.
Những tác dụng chữa bệnh đặc hiệu của cỏ roi ngựa
Trong các sách về Đông dược dùng trên lâm sàng, cỏ roi ngựa thường được xếp vào nhóm các loại thuốc “giải biểu” (giải trừ tác nhân gây bệnh (giải) ở các bộ phận thuộc phần bao bọc bên ngoài của cơ thể (biểu)). Nhưng do cỏ roi ngựa còn có tác dụng giải độc, nên một số sách thuốc lại xếp nó vào loại thuốc “giải độc”.
Theo Đông y, cỏ roi ngựa có vị đắng, tính mát; đi vào các kinh Can và Tỳ. Có tác dụng giải biểu, hoạt huyết, tán ứ, thanh nhiệt, giải độc, thông kinh, lợi tiểu, tiêu thũng. Thường dùng chữa cảm mạo phát sốt, sốt rét, cổ trướng, hầu họng sưng đau, hoàng đản (vàng da), bạch hầu, đòn ngã tổn thương…
Liều dùng: Sắc uống dùng 15-30g khô hoặc 30-60g tươi; dùng ngoài giã đắp ngoài hoặc nấu nước tắm, rửa.
Kiêng kỵ: Phụ nữ mang thai phải thận trọng khi sử dụng.
Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy: Cỏ roi ngựa có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, sát khuẩn (nước sắc có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn vàng, trực khuẩn lỵ), cầm máu, chất verbenalin trong cỏ roi ngựa có tác dụng lợi sữa (tăng tiết sữa) ở động vật đang cho con bú. Những năm gần đây các nhà khoa học còn phát hiện thêm tác dụng ức chế đối với vi trùng gây sốt rét.
Một số bài thuốc từ cỏ roi ngựa
Tại phương Đông, tác dụng chữa bệnh của cỏ roi ngựa (mã tiên thảo) đã được ghi chép đầu tiên trong sách “Danh y biệt lục” của Đào Hoằng Cảnh (456-536).
Thời xưa, dân châu Âu cũng rất hay dùng đến vị thuốc này, coi như có khả năng chữa được bách bệnh. Tuy nhiên hiện nay, tại ở các nước châu Âu, người ta chỉ còn dùng nó làm thuốc xoa bóp.
Một số cách sử dụng cụ thể:
1. Ăn phải cá độc sinh cổ trướng: Dùng cỏ roi ngựa một nắm to, sắc nước uống nhiều lần trong ngày (Tuệ Tĩnh – “Nam dược thần hiệu“).
2. Cổ trướng – bụng trướng to, da đen xạm, phiền khát: Dùng cỏ roi ngựa, giã nát, sắc với nước hoặc rượu, uống khi còn nóng (“Vệ sinh Giản dịch phương“).
3. Họng sưng đau: Dùng cành và lá cỏ roi ngựa tươi một nắm to, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa thêm một lượng sữa người vào, ngậm và nuốt dần từng ít một (“Giang Tây Trung thảo dược học“).
4. Sốt rét: Dùng cỏ roi ngựa khô 30-60g, sắc nước uống. Trước và sau lúc lên cơn sốt 1-2 giờ uống một lần. Đã tiến hành điều trị cho 236 ca, 216 ca có kết quả tốt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thuốc có tác dụng ức chế đối với vi trùng sốt rét (malarial parasite), khiến trùng bị biến dạng và chết (“Thảo mộc liệu pháp“).
5. Phòng viêm gan truyền nhiễm: Dùng cỏ roi ngựa 25g, cam thảo 5g, sắc với 150 ml nước, đun nhỏ lửa đến khi cạn còn 40ml – đó là liều lượng một lần uống đối với người lớn; mỗi ngày uống 3 lần vào trước bữa cơm, liên tục trong 4 ngày.
Theo Trung y tạp chí 4/1960: Trong thời kỳ có dịch viêm gan truyền nhiễm, 74 người trong diện có nguy cơ bị nhiễm bệnh đã được sử dụng phương thuốc trên, theo dõi trong 4 tháng không thấy bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, nhóm đối chứng 35 người, có 3 người bị bệnh, như vậy sơ bộ có thể thấy mã tiên thảo có tác dụng dự phòng nhất định đối với bệnh viêm gan nhiễm trùng.
6. Hoàng đản (vàng da): Dùng rễ cỏ roi ngựa tươi hoặc toàn cây tươi 50g, sắc lấy nước, bỏ bã, pha thêm đường; chia thành 3 phần uống trong ngày; nếu vùng gan trướng đau thêm sơn tra 15g vào cùng sắc uống (“Giang Tây Thảo dược thủ sách“).
7. Trĩ nội: Dùng cỏ roi ngựa, rau dền gai – mỗi thứ 20g; sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục trong nhiều ngày.
Tạp chí Quảng Tây trung dược học số 2/1977 thông báo: một nữ bệnh nhân 26 tuổi, bị trĩ nội xuất huyết đã 11 năm, sử dụng phương thuốc này trong nửa tháng đã khỏi bệnh, 2 năm sau không thấy tái phát.
8. Da lở ngứa: Khi da bị lở ngứa, có thể lấy 50-100g cỏ roi ngựa tươi, nấu nước để tắm rửa hàng ngày và xoa xát lên chỗ da có bệnh; tác dụng chống viêm và chống ngứa rất tốt. Cây không độc, không gây dị ứng, mẩn ngứa như lá han hay một số loại lá độc khác.
Theo thuocvuonnha.com
Xem thêm: