Khá nhiều cha mẹ bối rối khi gặp tình huống con nhỏ quấy khóc, kém ăn kém bú. Nếu biết cách xoa bóp, bạn có thể nhanh chóng giúp bé điều chỉnh lại hoạt động của bộ máy tiêu hóa và thể trạng chung, giúp bé lấy lại sự cân bằng trong dinh dưỡng và sức khỏe.
Trẻ em có điểm đặc thù riêng
Về mặt sinh lý: Trẻ em có đặc điểm âm dương còn thiếu, tạng phủ còn non, hình thể và chức năng chưa đầy đủ. Chuyển hóa mạnh mẽ, phát dục nhanh chóng, tuổi càng nhỏ phát triển càng nhanh, nếu không chăm sóc chu đáo thì rất dễ mắc bệnh.
Về mặt bệnh lý: Trẻ em có đặc điểm là sức đề kháng yếu nên dễ bị bệnh, bệnh phát triển mạnh, nhanh nhưng lại chóng lành. Trẻ dễ bị bệnh truyền nhiễm là do tạng phủ còn non nớt, thân thể chức năng còn chưa đầy đủ, sức đề kháng kém.
Danh y Nguyễn Trực thế kỷ 15 đã tổng kết nhiều kinh nghiệm xoa bóp để chữa bệnh cho trẻ em trong cuốn “Bảo Anh Lương Phương” với các thủ thuật xoa, bóp, miết, vuốt, vận, kéo, tác động lên kinh lạc, huyệt và các bộ phận khác để chữa các chứng hôn mê, sốt cao, kinh phong, tích trệ, đau bụng, tiêu chảy, cảm mạo, lòi dom, ho hen v.v.
Phương pháp xoa bóp cho trẻ em đơn giản, kết quả tốt, không phải tiêm, không phải uống thuốc nên trẻ dễ tiếp nhận. Chuyên mục Sức khỏe của thời báo Đại Kỷ Nguyên sẽ phân tích và tổng hợp một số chứng trạng bệnh lý của trẻ cùng cách xoa bóp theo từng kỳ, mời độc giả đón xem.
Kỳ I: Trẻ không bú, biếng ăn, quấy khóc – Nguyên nhân và cách xoa bóp
Nguyên nhân dẫn đến trẻ không bú, biếng ăn, quấy khóc thường là do phân táo không ra hoặc vị hàn, trẻ bị lạnh.
1. Nếu phân táo không ra (táo bón)
Biểu hiện: Bụng đầy, ngực căng, buồn nôn, trẻ quấy khóc, không muốn bú.
Điều trị: Nhuận táo thông tiện với 4 động tác: Vận nghịch nội bát quái, day hợp cốc, thanh phế kim, thoái lục phủ, day dương trì.
Vận nghịch nội bát quái
- Vị trí: Lòng bàn tay.
- Thủ thuật : Đẩy vận 3 – 5 phút ngược chiều kim đồng hồ gọi là vận nghịch.
- Tác dụng: Vận nghịch có thể làm cho giáng để làm hết nôn.
Day hợp cốc
- Vị trí: Chỗ lõm giữa xương bàn tay 1 và xương bàn tay 2.
- Thủ thuật: Day 10 – 50 lần.
- Tác dụng: Chữa đau họng, đau răng, nôn.
Thanh phế kim
- Vị trí: Mặt phía gan tay đốt thứ 3 ngón tay đeo nhẫn.
- Thủ thuật: Đẩy lùi từ trong ra đến đầu ngón tay 100 – 150 lần.
- Tác dụng: Chữa cảm mạo, ho, tức ngực, hen, mặt xanh xao thiếu máu. Phần lớn dùng phép thanh phế kim.
Thoái lục phủ
- Vị trí: Ở mặt trong cẳng tay, phía trụ, từ khuỷu tay đến nếp gấp cổ tay.
- Thủ thuật: Đẩy (từ khuỷu tay xuống tới cổ tay) 100 – 300 lần.
- Tác dụng: Chữa sốt cao, phiền toái miệng khát, kinh phong, sưng amiđan, đau họng, quai bị, đại tiện táo bón, lỵ, ban chẩn.
Day dương trì
- Vị trí: Bàn tay để úp, huyệt ở chỗ lõm khoảng giữa khớp cổ tay phía mu tay.
- Thủ thuật: Bấm 3 – 5 lần; day 50 – 100 lần.
- Tác dụng: Chữa váng đầu, đau đầu, kinh phong, táo bón.
Tác dụng chính của 4 động tác: Vận nghịch nội bát quái, day hợp cốc có thể kiện vị hoàn trung, tiêu trệ làm cho trẻ bú tốt trở lại. Thanh phế kim, thoái lục phủ, day dương trì để hành khí, thông táo, thông tiện.
2. Nếu do hàn (lạnh)
Biều hiện: Đau bụng, sắc mặt xanh bệch, chân tay giá lạnh, quấy khóc.
Điều trị: Ôn trung tán hàn với 3 động tác: Bổ tỳ thổ, day ngoại lao cung, day rốn.
Bổ tỳ thổ
- Vị trí: Bờ ngoài ngón cái phía xương quay.
- Thủ thuật: Đẩy vào trong (tiến) là bổ 50 – 100 lần. Vì là động tác bổ nên thủ thuật cần làm nhẹ, chậm.
- Tác dụng: Chữa buồn nôn, táo bón, đờm thấp, hoàng đản.
Day ngoại lao cung
- Vị trí: Đối diện Nội lao cung, huyệt nằm ở giữa mu bàn tay.
- Thủ thuật: Bấm 5 lần, day 100 – 150 lần.
- Tác dụng: Chữa đau bụng do hàn, đầy bụng, sôi bụng, ỉa chảy, lòi dom, đái dầm, ho he. Day huyệt này có thể chữa đau bụng như hàn, giảm đau của đau bụng do giun.
Day thần khuyết (rốn)
- Vị trí: Ở rốn.
- Thủ thuật: Day 100 – 300 lần, xoa 5 phút.
- Tác dụng: Chữa đầy bụng, đau bụng, thực tích, táo bón, sôi bụng, buồn nôn.
Tác dụng chính của các huyệt: Bổ tỳ thổ để ôn trung tán hàn, day ngoại lao cung, thần khuyết (rốn) để ôn nguyên, tán ngưng hàn có thể hết đau bụng ngay.
Những điều cần chú ý khi làm xoa bóp cho trẻ em
- Trước khi làm xoa bóp, người thực hiện phải rửa tay sạch và cắt móng tay.
- Trời lạnh phải xoa hai tay cho nóng hoặc ngâm tay cho ấm, để tránh trẻ bị lạnh.
- Tư thế của trẻ phải thoải mái không gò bó.
Sau khi xoa bóp cho trẻ cần chú ý
- Sau khi xoa bóp dễ gây mệt mỏi về tinh thần nên cần im lặng tránh ồn ào.
- Trong phòng cần giữ ấm nhất là mùa đông, không để gió lùa vào dễ làm cho trẻ cảm mạo, vào mùa hè cần thoáng mát.
- Sau khi xoa bóp không nên cho trẻ ăn ngay, song có thể uống nước.
Đợt chữa bệnh và thời gian một lần xoa bóp
Đợt chữa bệnh
- Mỗi đợt chữa bệnh thường từ 7 – 12 lần.
- Với chứng cấp tính (bệnh mới và nhanh) mỗi ngày có thể làm 1 – 2 lần.
- Với chứng mạn tính (bệnh lau ngày) thường cách 1 ngày làm 1 lần hoặc 1 tuần 2 lần.
Thời gian 1 lần xoa bóp
- Nếu xoa bóp toàn thân thì thường từ 30 – 40 phút.
- Nếu xoa bóp các bộ phận của cơ thể thường từ 10 – 15 phút.
- Ở trẻ từ 1 – 3 tuổi mỗi huyệt xoa bóp từ 1 – 3 phút, trẻ trên 3 tuổi mỗi huyệt xoa bóp 2 – 3 phút.
Lê Thắng