Nếu quân đội Trung Quốc không thể nhanh chóng chiếm được những hòn đảo ngoài khơi xa này thì cuộc tấn công vào đảo chính của Đài Loan có thể bị trì hoãn… Quân đội Mỹ cũng rất có khả năng sẽ phá hủy ngay các cơ sở quân sự của Bắc Kinh trên các đảo, bãi đá ở Biển Đông và mở mặt trận thứ hai.

Hôm 23/5, Quân đội Trung Quốc công bố một cuộc diễn tập trận mang tính chất chính trị quanh Đài Loan, tiếp tục bộc lộ nhiều điểm yếu. 

Cuộc tập trận này liên quan đến các hòn đảo ngoài khơi xa của Đài Loan, bao gồm cả Kim Môn và Mã Tổ.

Theo nhà bình luận gốc Hoa, Thẩm Chu (沈舟), điều này cho thấy Bắc Kinh nhận thức rõ rằng, không thể bỏ qua những hòn đảo này trong kế hoạch tấn công Đài Loan. 

Nếu quân đội Trung Quốc không thể nhanh chóng chiếm được những hòn đảo ngoài khơi xa này, thì cuộc tấn công vào đảo chính của Đài Loan có thể bị trì hoãn.

Nếu cái giá để chiếm được các hòn đảo này quá cao, nó cũng sẽ làm tiêu hao các nguồn lực hạn chế. Ông Chu chỉ ra rằng, Kim Môn và Mã Tổ thực sự là những vấn đề nan giải cho cuộc tấn công của ĐCSTQ vào Đài Loan.

ĐCSTQ cần gửi bao nhiêu quân để chiếm đóng Kim Môn?

Trong số các hòn đảo ngoài khơi xa của Đài Loan, Kim Môn là hòn đảo lớn nhất, chỉ cách đảo Giác (角屿) do Trung Quốc kiểm soát 1,8 km. 

Liệt Tự tức Tiểu Kim Môn (小金门) chỉ cách Hạ Môn khoảng 5 km, nhưng Kim Môn cách đảo chính Đài Loan 210 km. Kim Môn bao gồm 12 hòn đảo bao gồm các đảo như Đảo chính Kim Môn, Tiểu Kim Môn, Đại Đảm, và đã bị thử thách nhiều lần trong thực chiến.

Năm 1949, Quân đội Trung Quốc thất bại trong việc đổ bộ lên Kim Môn. Năm 1950, Quân đội Trung Quốc đổ bộ lên đảo Đại Đảm cạnh đảo Kim Môn nhưng cũng bất thành.

Hai trận chiến này đã khiến cựu Tổng thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch hiểu về tầm quan trọng của đảo Kim Môn và từ bỏ ý định rút lui khỏi Kim Môn. 

Vào ngày 23/8/1958, ĐCSTQ phát động cuộc chiến pháo binh vào Kim Môn. Trong ngày đầu tiên, hơn 57.000 quả đạn pháo đã được bắn ra. Cường độ pháo kích trong một ngày đã vượt quá cuộc chiến tranh Nga-Ukraina hiện nay. 

Năm 1979, Bắc Kinh chính thức tuyên bố sẽ ngừng pháo kích vào Kim Môn. Sau 21 năm, quân đội Trung Quốc đã bắn tổng cộng 470.000 quả đạn pháo vào Kim Môn.

Quân đội Mỹ khi đó đã cung cấp pháo hạng nặng 203mm cho Kim Môn, giành được lợi thế trong trận phản pháo và tiêu diệt một số pháo binh Trung Quốc, buộc pháo binh Trung Quốc phải rút lui khỏi các vị trí. 

Quân đồn trú Kim Môn vẫn vận hành pháo hạng nặng cỡ nòng 203 mm cũng như pháo hạng nặng cỡ nòng 240 mm sau này, do quân đội Mỹ cung cấp. 

Nhà bình luận Thẩm Chu nhận định, nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan, họ không thể bỏ qua pháo binh hạng nặng được khai triển ở Kim Môn và phải chiếm được Kim Môn.

Đối với chính quyền Trung Quốc, việc chiếm Kim Môn không chỉ là nhu cầu chiến thuật mà còn là nhu cầu chính trị. Bắc Kinh chuẩn bị sử dụng bao nhiêu quân để tấn công Kim Môn sẽ quyết định việc chiếm được Kim Môn nhanh đến mức nào, và bao nhiêu nguồn lực sẽ được chuyển hướng để tấn công Đài Loan. Theo ông Thẩm, điều này khiến các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc phải đau đầu.

Sáng sớm ngày 25/10/1949, Quân đoàn 10 của quân đội Trung Quốc khai triển 6 trung đoàn với tổng quân số khoảng 19.000 quân tấn công Kim Môn.

Hơn 9.000 người từ ba trung đoàn đổ bộ thành công, nhưng hơn 100 tàu động cơ và thuyền buồm đều bị tiêu diệt, chỉ một số tàu còn lại không thể nhận được quân tiếp viện quy mô lớn.

Sau ba ngày giao tranh, khoảng 3.900 trong số hơn 9.000 quân nhân Trung Quốc thiệt mạng, và số còn lại bị bắt giữ.

Trong bản tóm tắt nội bộ của mình, ĐCSTQ tin rằng cần phải vận chuyển 40.000 đến 50.000 quân cùng một lúc, cùng với lương thực khô dùng trong ba ngày, trước khi đổ bộ để chiến đấu chống lại 30.000 quân phòng thủ Kim Môn, bảo vệ bờ biển và chờ đợi quân tiếp viện.

Nhà bình luận Thẩm Chu cho hay, lực lượng thường trực hiện tại của đồn trú Kim Môn đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn khoảng 3.000 người, nhưng nếu phát hiện bất kỳ động thái bất thường nào của quân đội Trung Quốc, thì họ phải có lực lượng tiếp viện quy mô lớn. 

Sức mạnh quân sự của Kim Môn khó có thể tăng lên hàng chục nghìn quân, nhưng hỏa lực của họ lớn hơn rất nhiều so với 75 năm trước. Nếu quân đội Trung Quốc không khai triển hàng chục nghìn quân thì gần như không thể chắc chắn sẽ nhanh chóng chiếm được hòn đảo.

Bắc Kinh sẽ chi bao nhiêu nguồn lực để tấn công Kim Môn?

Nhà bình luận Thẩm Chu cho hay, 75 năm trước, quân đội Trung Quốc ở thế bất lợi trên biển và trên không, chỉ có lục quân là có lợi thế tổng thể nhưng lại thiếu tàu đổ bộ. 

Ngày nay, họ có tất cả lợi thế, nhưng họ phải chuẩn bị sử dụng bao nhiêu khí tài như chiến đấu cơ, chiến hạm, hỏa tiễn để đánh chiếm Kim Môn cũng là một vấn đề.

Ông Thẩm đặt giả thiết rằng, có thể hỏa tiễn của Bắc Kinh chỉ tấn công Kim Môn với số lượng nhỏ, hoặc thậm chí là không tấn công, vì pháo và bệ phóng hỏa tiễn của họ có thể bao phủ hoàn toàn Kim Môn. 

Cách đây 66 năm, vào ngày 23/8/1958, Bắc Kinh bất ngờ phát động cuộc pháo binh trong ngày đầu tiên, bắn hơn 57.000 viên đạn, tập trung vào các mục tiêu trọng điểm của quân phòng thủ Kim Môn, khiến một số sĩ quan bị thương vong. Tổng số sĩ quan và quân nhân thương vong là hơn 440 người.

Vào thời điểm đó, quân phòng thủ Kim Môn có hàng chục nghìn người, vẫn đang ăn tối, không có khả năng tự vệ. Trong 21 năm chịu pháo kích, có tổng cộng 618 quân nhân và dân thường Kim Môn thiệt mạng và 2.610 người bị thương.

Ông Thẩm cho hay, những dữ liệu này vẫn có thể được sử dụng để tham khảo cho đến ngày nay. Làn sóng tấn công đầu tiên được bao phủ bởi các bệ phóng pháo và hỏa tiễn của Bắc Kinh có thể không hiệu quả lắm. 

Nếu quân phòng thủ Kim Môn đưa ra cảnh báo kịp thời và ẩn nấp trước, thì tác dụng pháo kích của quân đội Trung Quốc sẽ giảm đi rất nhiều. Nếu hầu hết lực lượng phòng thủ Kim Môn duy trì hiệu quả chiến đấu thì Bắc Kinh sẽ gặp khó khăn.

75 năm trước, quân đội Trung Quốc đã sử dụng thuyền buồm và tàu đánh cá để đổ bộ vào Kim Môn. Hiện nay họ đã có tàu đổ bộ và thủy phi cơ. Tuy nhiên, theo ông Thẩm, những thiết bị hạn chế này có thể không đủ để tấn công đảo chính của Đài Loan, và gần như sẽ không bao giờ được đưa vào Kim Môn.

Chiếm đóng Kim Môn không phải là nhiệm vụ dễ dàng

Quân phòng thủ Kim Môn có nhiều loại pháo khác nhau, bao gồm 240 mm, 203 mm, 155 mm và 105 mm.

Nhà bình luận Thẩm Chu chỉ ra rằng, nếu tàu của quân đội Trung Quốc mù quáng lao vào bãi biển và đổ bộ với số lượng lớn, thì tổn thất sẽ không nhỏ; nếu tiến gần và tiếp đất theo đợt sẽ làm chậm tốc độ tấn công.

Khi quân đội Trung Quốc chuẩn bị đổ bộ vào bờ, xe tăng và xe bọc thép của quân đồn trú Kim Môn sẽ xuất hiện trên bờ. 

Việc bắn súng xe tăng, súng xích và súng máy hạng nặng ở cự ly gần sẽ là thảm họa đối với tàu đổ bộ. Quân đội Trung Quốc tấn công mạnh mẽ sẽ giẫm phải bãi mìn trên biển, và cũng sẽ bị quân phòng thủ Kim Môn bắn phá bằng súng cối 120mm. Rất có thể họ sẽ bị thương vong nặng nề trong đợt tấn công thứ nhất và thứ hai.

Ông Thẩm đặt giả thiết, nếu quân đội Trung Quốc bỏ qua thương vong và tiếp tục tấn công theo từng đợt bằng thuyền, họ có thể chiếm giữ một số khu vực đầu bờ biển. 

Tuy nhiên, họ đều là bộ binh được trang bị nhẹ và sẽ vẫn thiếu các trang bị hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép và pháo binh trong thời gian ngắn, nên khó có thể tấn công sâu và giữ vững vị trí của mình.

Theo ông Thẩm, lực lượng thủy quân lục chiến có giới hạn của Bắc Kinh và các lữ đoàn kết hợp đổ bộ của quân đội đều nên tập trung ở các cảng khác cách xa Kim Môn, để chuẩn bị tấn công đảo chính của Đài Loan. Xe chiến đấu đổ bộ của lực lượng này gần như sẽ không bao giờ xuất hiện ở vùng biển Kim Môn.

Các phi cơ trực thăng hạn chế của Bắc Kinh rất có thể sẽ tập trung ở đảo Bình Đàm, gần Đài Bắc nhất, và sẽ chuẩn bị tiến hành các cuộc đột kích tầm thấp. 

Ông Thẩm cho rằng, rất ít trong số chúng có thể hỗ trợ Trận chiến Kim Môn. Quân Trung Quốc tấn công Kim Môn có lẽ không thể trông cậy vào sự yểm trợ trên không của J-16, J-10, H-6 và các chiến đấu cơ khác.

Những chiến đấu cơ này sẽ bận rộn trong trận chiến qua eo biển Đài Loan; có lẽ chỉ có JH-7 xuất hiện và thả một số quả bom rơi tự do, chứ chúng cũng không dám bổ nhào phóng hỏa tiễn vào các điểm cố định, nếu không thì chưa chắc né được hỏa tiễn phòng không Stinger của quân phòng thủ Kim Môn.

Phi cơ không người lái lớn của Trung Quốc chủ yếu được sử dụng để bay qua eo biển Đài Loan, và một số UAV loại nhỏ sẽ được sử dụng ở Kim Môn. UAV của quân đồn trú Kim Môn cũng có thể tấn công quân đội Trung Quốc.

Lực lượng hỏa tiễn, Hải quân và Không quân của Trung Quốc sẽ chủ yếu tập trung ứng phó với cuộc chiến trên đảo chính của Đài Loan, và sự chi viện của họ cho Trận Kim Môn sẽ rất hạn chế hoặc thậm chí là không thể.

Theo nhà bình luận Thẩm Chu, nếu Bắc Kinh đổ những nguồn tài nguyên này vào Kim Môn và bị thua lỗ, họ sẽ không thể tấn công đảo chính Đài Loan. 

Quân đội Trung Quốc có thể phải một mình gánh vác nhiệm vụ tấn công Kim Môn, nếu không đủ quân thì họ sẽ không thể đạt được mục tiêu nhanh chóng; nếu đổ quân vào quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch tấn công đảo chính của Đài Loan.

Một số bộ binh hạng nhẹ của Quân đội Trung Quốc sẽ vượt qua eo biển Đài Loan bằng thuyền và đổ bộ vào các địa điểm khác nhau, để quấy rối và ngăn chặn quân phòng thủ Đài Loan. 

Ông Thẩm nhận định, nếu Bắc Kinh khải triển quá nhiều quân ở Kim Môn, tác dụng ngăn chặn và quấy rối sẽ bị hạn chế. 

Quân đội và nguồn lực mà Bắc Kinh dành cho Trận chiến Kim Môn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc họ có thể chiếm được Kim Môn nhanh đến mức nào.

Hậu quả của việc ĐCSTQ không thể nhanh chóng chiếm được Kim Môn

Nhà bình luận Thẩm Chu chỉ ra rằng, nếu cuộc tấn công vào Kim Môn của ĐCSTQ không thể kết thúc trong vòng 24 giờ hoặc 48 giờ, toàn bộ cuộc tấn công của chính quyền này vào Đài Loan sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, và áp lực chính trị cũng sẽ lớn không kém.

Bắc Kinh dự kiến ​​​​sẽ tấn công Kim Môn và Đài Loan cùng lúc. Nếu họ chờ chiếm Kim Môn trước rồi tấn công đảo chính Đài Loan, thì quân phòng thủ Đài Loan sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị; nếu họ tấn công cùng lúc, họ sẽ phải chia quân và phân bổ nguồn lực hạn chế.

Ông Thẩm cho hay, Bắc Kinh có thể huy động ít nhất 7 trong số 13 quân đoàn, cộng với các đội quân khác, để tập hợp tổng cộng 500.000 người trước khi có thể tấn công Đài Loan; nếu chỉ khai triển 20 đến 30.000 người để tấn công Kim Môn thì chưa chắc sẽ nhanh chóng chiếm được nó, hoặc thậm chí toàn bộ đạo quân của Trung Quốc sẽ bị xóa sổ. 

Nếu Trung Nam Hải điều động từ 30.000 đến 50.000 người trở lên, họ vẫn có thể phải chịu thương vong nặng nề. Cho dù giành được thắng lợi thì tinh thần quân đội cũng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Theo ông Thẩm, Bắc Kinh có thể chiếm thành công bãi biển bằng chiến thuật biển người, nhưng bộ binh hạng nhẹ vẫn phải giữ vững vị trí và chờ thiết lập các bến cảng tạm thời để vận chuyển xe tăng, xe bọc thép và pháo binh vào bờ, và trận chiến trên đường phố sau đó có thể không được giải quyết nhanh chóng.

Nếu Bắc Kinh không điều động nhiều quân đội và khí tài, trận Kim Môn có thể trở thành một cuộc giằng co, dẫn đến tình thế chung bị động.

Ông Thẩm cho hay, nếu tấn công Đài Loan, Bắc Kinh gần như không thể từ bỏ việc tấn công Kim Môn. Lực lượng phòng thủ Kim Môn có thể nắm bắt ngay tình hình quân sự bên kia, và có thể sử dụng pháo binh hạng nặng để tấn công các mục tiêu quân sự của Trung Quốc. 

Quân đội Trung Quốc có thể lựa chọn tạm thời từ bỏ ít nhất hàng chục km Kim Môn và không có kế hoạch sử dụng bờ biển xung quanh để tấn công Đài Loan. Theo ông Thẩm, điều này có thể khả thi về mặt quân sự, nhưng về mặt chính trị thì không khả thi đối với ĐCSTQ.

Mã Tổ càng khiến quân đội Trung Quốc chật vật hơn

Trong các cuộc tập trận trên toàn Đài Loan của ĐCSTQ, các tàu bảo vệ bờ biển đã xuất hiện gần các đảo Kim Môn và Mã Tổ. Nhà bình luận Thẩm Chu cho rằng, điều này cho thấy Bắc Kinh hiểu rõ tầm quan trọng của các đảo này.

Quần đảo Mã Tổ bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ. Năm hòn đảo chính là đảo Nam Can, đảo Bắc Can, đảo Đông Dẫn, đảo Đông Cử và đảo Hòa Tây Cử. Các đảo lớn nhỏ này chỉ cách Bắc Giao (北茭) Phúc Kiến khoảng 9,25 km, và cách Đài Loan khoảng 170km.

Theo nhà bình luận Thẩm Chu, các cảng như Ninh Đức và Diêm Điền ở tỉnh Phúc Kiến, gần quần đảo Mã Tổ, là những nơi có nhiều khả năng tập trung hạm đội đổ bộ chính của Bắc Kinh. 

Hiện tại, một số lượng nhỏ tàu khu trục đang đóng quân ở đây. Nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan, rất có thể họ sẽ trực tiếp chiếm Đài Bắc. 

Các tàu đổ bộ, tàu khu trục, tàu khu trục nhỏ đóng tại các điểm như Chu San, Thượng Hải, Chiết Giang, trong Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông nên được chuyển đến Ninh Đức và Diêm Điền ở Phúc Kiến.

Đồng thời một số lượng nhỏ cũng sẽ tập trung ở khu vực Phúc Châu để giảm thiểu lộ trình tấn công.

Theo ông Thẩm, những cuộc huy động này không thể che giấu được những người bảo vệ quần đảo Mã Tổ, và Đài Loan sẽ ngay lập tức nhận được tín hiệu cảnh báo sớm. Nếu Bắc Kinh tấn công các đảo này trước thì cuộc tấn công vào Đài Loan cũng sẽ bị đánh động trước.

Tổng sức mạnh của quân phòng thủ Quần đảo Mã Tổ là khoảng 2.000 người, không quá nhiều. Tuy nhiên, họ cũng đã khai triển pháo 155mm và 105mm cùng súng cối 120mm và 81mm. 

Hầu hết các đảo đều có địa hình hiểm trở, dễ phòng thủ và khó tấn công. Xe tăng lội nước của Quân đội Trung Quốc rất khó được sử dụng và sẽ rất khó chiếm đóng.

Đảo Cao Đăng (高登), cách bờ biển Phúc Kiến khoảng 9km, có diện tích khoảng 1,84 km2 và đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. 

Năm 1951, Trung Nam Hải cử 8 tàu cao tốc và hơn 20 tàu buồm đến bao vây nhưng bị quân trú phòng đẩy lui. Năm 1955, quân đội Trung Quốc đổ bộ lên đảo bằng phi cơ và thuyền buồm, nhưng cũng bị đẩy lui. Sau đó, Bắc Kinh nhiều lần khai triển quân đội bắn phá đảo cho đến năm 1956; quân đội hai nước cũng đụng độ ở vùng biển gần đó. 

Năm 1960, Trung Nam Hải lại điều quân pháo kích đảo Cao Đăng. Họ đã nhận nhiều rắc rối với dã tâm xâm lược.

Nhà bình luận Thẩm Chu đặt giả thiết, nếu ĐCSTQ tấn công Đài Loan, họ có thể tạm thời từ bỏ Kim Môn, nhưng không thể từ bỏ Quần đảo Mã Tổ. 

Những hòn đảo này nằm trên đường tấn công của hạm đội đổ bộ chính của quân đội Trung Quốc. Pháo binh của quân trú phòng Đài Loan có thể tấn công trực tiếp vào hạm đội Trung Quốc, đồng thời họ cũng có thể báo cáo kịp thời các thông tin quân sự để kiểm soát toàn bộ tình hình.

Theo ông Thẩm, cuộc tấn công của ĐCSTQ vào quần đảo Mã Tổ sẽ là màn mở đầu cho cuộc tấn công vào Đài Loan. Nếu không thể nhanh chóng chiếm được quần đảo này, quân phòng thủ Đài Loan sẽ có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị, quân đội Mỹ và các đồng minh cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để đáp trả.

Nếu Bắc Kinh có kế hoạch chiếm Kim Môn và Mã Tổ trước, sau đó là đảo chính của Đài Loan, hai bên eo biển sẽ trở lại tình trạng chiến tranh. 

Nếu bất kỳ tàu nào của quân đội Trung Quốc đến trong phạm vi 200 km tính từ Đài Loan, tàu đó sẽ bị tấn công bởi hỏa tiễn chống hạm. Khi đó, cái gọi là cuộc tập trận quân sự vòng quanh Đài Loan không thể được tổ chức nữa. 

Chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ không còn dám vượt qua đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan, nếu không có thể chúng sẽ bị hỏa tiễn phòng không bắn hạ.

Nhà bình luận thẩm Chu chỉ ra rằng, chỉ cần ĐCSTQ tấn công Kim Môn, Mã Tổ hoặc đảo Đông Sa, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ phản ứng ngay lập tức. Để ngăn chặn xung đột mở rộng, họ có thể thiết lập các vùng cấm bay và cấm hàng hải rộng lớn để hạn chế sự xâm nhập của quân Trung Quốc. 

Quân đội Mỹ cũng rất có khả năng sẽ phá hủy ngay các cơ sở quân sự của Bắc Kinh trên các đảo, bãi đá ở Biển Đông và mở mặt trận thứ hai.

Hoa Kỳ cũng sẽ đoàn kết các đồng minh của mình để trừng phạt ĐCSTQ, và thậm chí thực hiện phong tỏa hàng hải, các kênh dẫn dầu của Bắc Kinh sẽ bị cắt đứt, và thương mại xuất nhập khẩu sẽ bị giảm sút đáng kể; tài sản của họ ở nước ngoài có thể bị đóng băng. 

Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lao dốc và gần như không thể còn sức để tấn công vào đất liền Đài Loan.  ĐCSTQ sẽ gặp khủng hoảng quyền lực và xung đột nội bộ nghiêm trọng.

Theo nhà bình luận Thẩm Chu, Tuyên truyền chính trị về cuộc tập trận quân sự của ĐCSTQ quanh Đài Loan vượt xa bản thân cuộc tập trận, và nó tiếp tục vạch trần “hiệu quả chiến đấu giả tạo” của quân đội Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh đe dọa các hòn đảo xa xôi của Đài Loan phản ánh rằng, trong kế hoạch tấn công Đài Loan của Trung Nam Hải, việc tấn công các hòn đảo xa xôi này như thế nào vẫn là một vấn đề lớn.