Sau khi có con số ước tính của một kênh truyền thông về cái giá phải trả cho việc ngăn chặn chính quyền Trung Quốc phong toả Đài Loan là 5 nghìn tỷ đô la, chuyên gia đã nhận định rằng, cái giá cả thế giới phải trả nếu không ngăn chặn Bắc Kinh còn lớn hơn thế rất nhiều. Mỹ cần làm nhiều hơn nữa, kể cả ở Biển Đông để ngăn chặn Bắc Kinh, trong đó có cả việc cần bảo vệ Việt Nam và Philippines hơn nữa.

Những thiệt hại trực tiếp đối với thương mại và công nghiệp do việc chính quyền Trung Quốc phong tỏa Đài Loan sẽ vượt xa cái giá phải trả để phòng chống một cuộc phong tỏa như vậy, chưa kể đến khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sau đó. Tuy nhiên, việc răn đe là một chi phí chắc chắn và trực tiếp, trong khi chiến tranh là một chi phí chưa chắc sẽ xảy ra. Điều này khiến một số người cảm thấy dễ bỏ qua chi phí trong tương lai không chắc chắn để tránh chi phí chắc chắn hiện tại.

Đó là nhận định riêng của ông Anders Corr, giám đốc tại Corr Analytics, nhà xuất bản Tạp chí Rủi ro Chính trị. Mới đây, ông đã có bài xã luận về việc thế giới nên làm gì để ngăn chặn sự phong tỏa của Trung Quốc với Đài Loan, điều đã gây ra tổn thất 5 nghìn tỷ USD. Sau đây là những ý chính trong bài viết của ông.

Thiệt hại từ việc chính quyền Trung Quốc phong tỏa Đài Loan là rất lớn và khả năng có thể xảy ra cao đến mức khó có thể bỏ qua rủi ro. Tác giả Anders Corr cho rằng, ngay cả Bloomberg, vốn thường mềm mỏng với Trung Quốc theo cách làm hài lòng nhóm khách hàng doanh nghiệp của mình, cũng đã công bố ước tính trị giá 5 nghìn tỷ USD về tác động của lệnh phong tỏa gây ra, đó là tổn thất riêng cho hoạt động xuất khẩu chất bán dẫn của Đài Loan.

Khả năng bị phong tỏa như vậy ngày càng trở nên thực tế hơn. Vào ngày 23 tháng 5, Bắc Kinh “trừng phạt” Đài Loan vì tân tổng thống nước này trước đây ủng hộ độc lập và dân chủ, thông qua một cuộc tập trận quân sự khác nhằm phong tỏa hòn đảo này chỉ ba ngày sau khi ông nhậm chức. 

Vào ngày 27/5, cũng là một ngày lễ quan trọng của Đài Loan, đã có 11 tàu Trung Quốc và 21 máy bay quân sự của Trung Quốc gần hòn đảo. Cùng ngày, Trung Quốc tiến hành tập trận gần một đảo từng thuộc về Đài Loan cho đến khi nước này sơ tán khỏi hỏa lực từ Trung Quốc đại lục vào năm 1955.

Một nghị sĩ Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, nói rằng chính quyền Trung Quốc đang sử dụng “chiến thuật đe dọa để trừng phạt nền dân chủ”. Đây là những lời lẽ khôn ngoan, vì việc chính quyền Trung Quốc nhắm vào Đài Loan là mối đe dọa đối với các nền dân chủ ở khắp mọi nơi, không chỉ ở Đài Loan.

Ông McCaul cho biết nhiều vũ khí hơn sẽ được chuyển giao. Thật không may, ông ấy không mang theo bất cứ thứ gì bên mình. Nhưng ông ấy đã tặng cho tân tổng thống, Lại Thanh Đức, một chiếc mũ cao bồi. Mọi người xung quanh đều mỉm cười thật tươi, và thông điệp “Đừng gây rối với Texas” vào thời điểm đó đã trở thành “Đừng gây rối với Đài Loan”. Thông điệp quyết tâm bảo vệ nền dân chủ cũng quan trọng như chính vũ khí.

Tác giả Anders Corr nhận định, các nền dân chủ trên khắp thế giới phải ủng hộ quan điểm “Đừng giẫm lên tôi” của Mỹ nếu mọi người muốn tồn tại lâu dài. Nếu được phép chiếm Đài Loan, sức mạnh của chính quyền Trung Quốc sẽ tăng lên vô cùng lớn, thông qua việc chiếm được chuyên môn về chip máy tính, nền kinh tế trị giá 803 tỷ USD của hòn đảo, lực lượng lao động có trình độ học vấn cao, và vị trí chiến lược để tấn công các đảo của Nhật Bản và Philippines. Ông Anders Corr cho rằng, mỗi hòn đảo mới mà chính quyền Trung Quốc chiếm giữ dường như đang kích thích sự thèm muốn của họ nhiều hơn nữa, bao gồm quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông năm 1974, một số quần đảo Trường Sa năm 1988, Đá Vành Khăn năm 1994 và Bãi cạn Scarborough năm 2012.

Ông Anders Corr nhận định, Việc Hoa Kỳ thiếu sự bảo vệ hiệu quả đối với các đảo này, cũng như Nam Việt Nam và Philippines trong các hiệp ước phòng thủ tích cực của Mỹ với các quốc gia này, đã truyền đi cho Bắc Kinh thấy rằng Washington và các đồng minh của họ rất yếu. Thật không may, thành tích của Bắc Kinh cho thấy rằng họ sẽ không dừng bước bành trướng của mình, cho đến khi thật sự nếm mùi lạnh lẽo từ súng đạn Mỹ. Thật đáng buồn khi mọi chuyện đã đến mức này, nhưng đó là sự thật.

Giờ đây, chính quyền Trung Quốc muốn giành lấy phần thưởng lớn nhất của mình là Đài Loan. Hòn đảo chỉ có 24 triệu dân là một vấn đề khó chịu về mặt chính trị đối với Bắc Kinh, một phần vì đây là nền dân chủ gốc Hoa duy nhất trên thế giới. Nó thành công hơn nhiều so với Trung Quốc về mặt kinh tế, chính trị và văn hóa, vì nó tôn vinh thị trường, sự cạnh tranh, sự đa dạng và sự nổi tiếng về ngoại giao, thay vì cố gắng đồng nhất dân cư trong và ngoài nước chống lại những người giàu có, diệt chủng chống lại các nhóm thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công, cũng như các cuộc xâm lược các nước láng giềng.

Tin tốt là ở một mức độ nào đó, Hoa Kỳ ít nhất đang cố gắng ngăn chặn Trung Quốc thực hiện hành động xâm lược mới nhất đã được lên kế hoạch. Chìa khóa của nỗ lực này là các mối đe dọa trừng phạt kinh tế trả đũa, tăng cường kiểm soát xuất khẩu, cô lập ngoại giao, và tất nhiên là hành động quân sự của Hoa Kỳ, để đánh bại bất kỳ sự phong tỏa hoặc xâm lược nào. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã có mặt trên thực địa tại nhiều hòn đảo khác nhau của Nhật Bản và Philippines gần Đài Loan, và đang tích cực lập bản đồ địa hình để phát triển các kế hoạch bắn và chạy, nhằm gây thiệt hại tối đa cho hải quân Trung Quốc trong khi tránh hỏa lực trả đũa. Quân đội Mỹ đang ở Đài Loan huấn luyện lực lượng của mình.

Nhưng còn nhiều điều Mỹ có thể làm. Năm 2019, Mỹ hứa sẽ bán 66 chiến đấu cơ phản lực F-16 cho Đài Loan. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa được giao sau 5 năm. Điều tương tự cũng xảy ra với tên lửa di động HIMARS, hệ thống phòng thủ Harpoon và xe tăng Abrams. Theo ông Anders Corr, việc không cung cấp cho Đài Loan những gì cần thiết để phòng thủ là một lời mời gọi Bắc Kinh, một gánh nặng gắn liền với ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ, và là một rủi ro có thể dẫn đến thiệt hại, chi phí hàng nghìn tỷ đô la và mất mát của thương mại toàn cầu.

Các đồng minh phụ thuộc vào Hoa Kỳ để phòng thủ cũng sẽ bị áp lực phải làm nhiều hơn nữa. Đầu tiên, Mỹ nên nói với họ một cách dứt khoát rằng liên minh là con đường hai chiều. Châu Âu nên hỗ trợ tốt hơn cho Đài Loan trong lúc họ cần, kể cả để đổi lấy sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraina. Philippines muốn được giúp đỡ ở Biển Đông, vì vậy nước này nên cam kết hỗ trợ các lực lượng Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công.

Luôn luôn cảnh giác là cái giá của sự tự do, thoạt nghe có vẻ sáo rỗng vì nó đã được sử dụng rất nhiều. Tuy nhiên, nó đã được sử dụng rất nhiều bởi vì nó thường là thực tế. Những kẻ độc tài trong suốt lịch sử luôn tìm cách chinh phục các nước láng giềng và dập tắt nền tự do của họ.