Trang tin Newsweek của Mỹ ngày 8/8 đăng bài bình luận: “Những cuộc tranh cãi vụng về của Nga với các đồng minh chủ chốt khiến Putin đỏ mặt”. Nội dung như sau:
Những tuần gần đây, đã chứng kiến một số cuộc tranh cãi gay gắt giữa Nga và những người ủng hộ chính của nước này trong cuộc chiến thảm khốc ở Ukraina, khi Tổng thống Vladimir Putin đang cố gắng hết mức để tìm cách tồn tại lâu hơn Kyiv và các đối tác dân chủ của Ukraina.
Kể từ giữa tháng 7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mát-xcơ-va đã lên án “sự thực thi pháp luật quá mức và tàn bạo của Nga”, sau khi một số công dân của nước này bị giam giữ tại một cửa khẩu biên giới.
Tiếp đến, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu tập đại sứ của Mát-xcơ-va về một tuyên bố mà nước này cho rằng, đe dọa sự ổn định của Trung Đông.
Thêm vào đó, các tin tặc liên kết với Triều Tiên đã bị cáo buộc vi phạm mạng máy tính của một nhà phát triển tên lửa lớn của Nga.
Các vụ việc kể trên xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với Điện Kremlin. Các lực lượng bị tàn phá của họ ở Ukraina đang chiến đấu chống lại cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Kyiv, Ukraina và các đối tác phương Tây đang tìm cách tận dụng lệnh phong tỏa Biển Đen mới của Nga để có thêm sự ủng hộ ở khu vực Nam Bán cầu, và gần 40 quốc gia. Trong số đó có Trung Quốc – đã gặp nhau gần đây ở Ả Rập Xê-út để thảo luận về kế hoạch hòa bình do Kyiv đề xuất.
Ở trong nước, ông Putin vẫn đang tìm cách xoa dịu căng thẳng trong giới quyền lực ở Điện Kremlin, sau cuộc binh biến bất thành của lính đánh thuê Tập đoàn Wagner hồi tháng Sáu.
Tổng thống Nga cũng đang làm cho quy trình nhập ngũ trở nên mạnh mẽ và mở rộng hơn trong bối cảnh thương vong cao ở Ukraina, trong khi các quan chức quân đội và an ninh của ông phải vật lộn với các cuộc tấn công du kích và máy bay không người lái liên tục trong biên giới Nga.
Mát-xcơ-va có rất ít bạn bè mà họ có thể tin tưởng. Thế nhưng, không ai trong số những người tích cực hoặc ngầm ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraina sẽ từ bỏ Putin, bất chấp những sự cố căng thẳng gần đây.
Chẳng hạn, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hàm ơn Putin và ít có dấu hiệu muốn rời xa Điện Kremlin, ngay cả khi tránh tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở phía nam. Ông Lukashenko đã đồng ý cho các chiến binh Tập đoàn Wagner lưu vong đóng quân ở Belarus, và cho phép đất nước trở thành kho lưu trữ vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga, và cả hai bước này được nước ngoài giải thích là thể hiện lòng trung thành của ông với Mát-xcơ-va.
Iran đã liên kết với Nga, và máy bay không người lái kamikaze Shahed của nước này đã trở thành một trong những vũ khí đáng sợ và căm ghét nhất đối với người Ukraina trong suốt 18 tháng chiến tranh. Triều Tiên được cho là cũng đang gửi đạn dược cho Nga, mặc dù theo truyền thống, Bình Nhưỡng quan tâm đến Bắc Kinh hơn là Mát-xcơ-va.
Những người bạn ‘tùy thời tùy lúc’ của Nga
Trung Quốc có trọng lượng nhất trong tất cả các đối tác của Nga. Bắc Kinh đã cố gắng thể hiện mình là một trọng tài trung lập ở Ukraina bất chấp “tình bạn không giới hạn” mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga tuyên bố.
Trung Quốc cũng vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ukraina. Nhưng kể từ khi chiến tranh bắt đầu, các cuộc gặp gỡ công khai giữa các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc, việc Chủ tịch Tập Cận Bình trong một thời gian dài thậm chí từ chối nói chuyện với Kyiv, một đề xuất hòa bình vô nghĩa của Trung Quốc và các mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc – được cho là bao gồm cả việc xuất khẩu hàng hóa mà binh lính Nga có thể sử dụng – đều nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc là ủng hộ Kremlin.
Trung Quốc đã nhiều lần từ chối lên án sự tàn bạo của Nga ở Ukraina, thậm chí còn đưa ra phản ứng tương đối mềm mỏng sau khi lãnh sự quán của họ ở thành phố cảng Odesa của Ukraina bị hư hại trong các cuộc không kích của Nga vào tháng trước.
Gần đây, Oleg Ignatov, nhà phân tích cấp cao của Nhóm Khủng hoảng về Nga, nói với Newsweek: mặc dù Bắc Kinh khó có thể đột ngột từ bỏ những người bạn Nga của mình, nhưng sự tham gia của Trung Quốc vào hội nghị thượng đỉnh ở Ả Rập Xê-út có thể là mối lo ngại ở Mát-xcơ-va, mặc dù, trong suốt cuộc chiến, Nga đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào sự hào phóng của người láng giềng khổng lồ.
Ông Ignatov giải thích: “Sự tham gia của Trung Quốc rất quan trọng vì Trung Quốc là đồng minh của Mát-xcơ-va. Việc Trung Quốc sẵn sàng thảo luận về cách tiếp cận này mà không có Nga tất nhiên là một tín hiệu cho Mát-xcơ-va biết rằng vị thế của họ mong manh hơn họ nghĩ”.
Ignatov nói rằng bất đồng ngắn ngủi của Mát-xcơ-va với Iran về các đảo Abu Musa, Greater Tunb và Lesser Tunb ở Vịnh Ba Tư cũng không phải là dấu hiệu cho thấy một cuộc khủng hoảng ngoại giao sắp xảy ra.
Kể từ năm 1971, cả Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đều tuyên bố chủ quyền những khu vực này. Căng thẳng nổ ra sau khi Mát-xcơ-va ký một tuyên bố của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh kêu gọi đổi mới ngoại giao để giải quyết tranh chấp quyền sở hữu.
Mối quan hệ ngày càng tăng với Nga mang lại cho Iran một đối trọng có giá trị với Mỹ và Israel, một vị thế vững chắc hơn ở Syria và một số báo cáo cho là Iran có quyền tiếp cận với các khí tài quân sự tiên tiến của Nga như máy bay chiến đấu Su-35.
Sự hợp tác của Nga với Triều Tiên – dựa trên sự sẵn sàng cung cấp đạn dược của Bình Nhưỡng – được cho là mối quan hệ bạn bè mang tính thăm dò nhất sau cuộc xâm lược của nước này.
Ignatov nói rằng: Nga cần tìm đạn dược ở bất cứ đâu và nếu Triều Tiên sẵn sàng, thì [Nga] phải làm điều đó vì họ không có lựa chọn nào khác.
Reuters đưa tin trong tuần này rằng các tin tặc có liên hệ với Triều Tiên đã bí mật cài đặt các cửa hậu kỹ thuật số vào các hệ thống tại NPO Mashinostroyeniya, một văn phòng thiết kế tên lửa của Nga chịu trách nhiệm về một phần đáng kể kho vũ khí tên lửa đạn đạo chống hạm của Mát-xcơ-va.
Nếu đó là sự thật – theo chuyên gia Ignatov – thì nó không giống như các đồng minh thường cư xử với nhau. Ông nói: “Nếu không có cuộc chiến này giữa Nga và Ukraina, Iran và Triều Tiên sẽ không bao giờ đóng một vai trò lớn như vậy đối với Nga”.