Tờ Washington Post dẫn lời hai cựu quan chức Mỹ cho biết, cựu ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã được phân công đến Nhà xuất bản Tri thức Thế giới thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đảm nhiệm một vị trí thấp hơn. Tuy nhiên, khi phóng viên đến thăm cửa hàng của nhà xuất bản này ở một ngõ nhỏ ở Bắc Kinh trong tuần này, các nhân viên cho biết họ không nghe nói gì về việc ông Tần Cương làm việc ở đây.

Bài báo của Washington Post ngày 8/9 trích dẫn hai cựu quan chức Mỹ tiết lộ nội tình việc ông Tần Cương bị giáng chức. Do vấn đề nhạy cảm, các cựu quan chức này không tiết lộ danh tính. Theo họ, ông Tần Cương, 58 tuổi, đã được sắp xếp (ít nhất trên giấy tờ) làm việc tại Nhà xuất bản Tri thức Thế giới, một công ty nhà nước trực thuộc Bộ Ngoại giao. Một trong các cựu quan chức cho biết, việc giáng chức xảy ra vào một thời điểm nào đó trong mùa xuân năm nay, được coi là “hạ cánh an toàn”, có nghĩa là “ông ấy đã thoát tội thành công”, “sẽ không vào tù, nhưng sự nghiệp của anh ấy đã kết thúc”.

Thăng tiến nhanh chóng

Là một người ủng hộ trung thành của ông Tập Cận Bình, ông Tần Cương đã thăng tiến với tốc độ kỷ lục lên vị trí ngoại trưởng. Ở tuổi 56, ông không chỉ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng mà còn được thăng chức thành Ủy viên Quốc vụ. Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông, ông Vương Nghị, đã phải chờ đến hơn 60 tuổi mới có được chức vụ cao này sau năm năm làm ngoại trưởng.

Christopher K. Johnson, cựu phân tích viên cao cấp về Trung Quốc của CIA và hiện là người đứng đầu Công ty Tư vấn Chiến lược Trung Quốc, cho biết, sự nổi lên nhanh chóng của ông Tần Cương đã khiến đồng nghiệp cảm thấy khó chịu, cho rằng ông đã vượt qua những người khác. Từ năm 2014 đến 2017, Tần Cương đã giành được lòng tin của ông Tập khi làm Chủ nhiệm Văn phòng Lễ tân của Bộ Ngoại giao. Ở vị trí này, ông chịu trách nhiệm về những chi tiết nhỏ trong việc nâng cao hình ảnh của ông Tập Cận Bình trên trường quốc tế. Theo một cựu quan chức ngoại giao Belarus, trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Belarus vào năm 2015, ông Tần Cương đã yêu cầu tham quan một bảo tàng vào lúc 2 giờ sáng, chỉ để ông có thể đếm từng bậc thang ở đây trước khi ông Tập ghé thăm. Một quan chức Mỹ cho biết, vợ của ông Tần có mỗi quan hệ tốt với phu nhân của ông Tập và đã làm bánh trung thu cho bà.

Tần Cương được thăng chức lên Phó Ngoại trưởng vào năm 2018, sau đó vào năm 2021, ông trở thành Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, và sau 18 tháng đã trở về Bắc Kinh, ông đã trở thành ngoại trưởng trẻ nhất của Trung Quốc kể từ những năm 1950.

Thế hệ Chiến Lang mà ông Tập yêu thích

Tờ Washington Post cho biết, trong số những nhà ngoại giao trẻ tuổi được gọi là “Chiến Lang”, ông Tần Cương có thể là một trong những người nổi bật nhất với sự nổi lên nhanh chóng. Cụm từ “chiến Lang” xuất phát từ những bộ phim hành động mang tính dân tộc chủ nghĩa mà Trung Quốc tự hào trong thập niên 2010. Ông Johnson cho biết, ông Tần Cương là “người đầu tiên áp dụng” phong cách ngoại giao quyết liệt này, và đã giành được sự ủng hộ của ông Tập Cận Bình.

Ngay từ ngày đầu đảm nhiệm chức vụ ngoại trưởng, ông Tần đã xác định mình là người thực hiện chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình, chứ không phải là trợ lý của Vương Nghị, người đã được thăng chức làm Chủ tịch Ủy ban Công tác Ngoại giao Trung ương, về lý thuyết là cấp trên của ông Tần.

Trong buổi họp báo quan trọng đầu tiên diễn ra vào tháng 3 năm 2023, ông Tần Cương đã dẫn dắt ông Tập Cận Bình trực tiếp nói về cuộc đối đầu sắp tới với Mỹ, trong khi Tập chỉ vài ngày trước đó đã cảnh báo Washington không nên “kiềm chế” Trung Quốc.

Kỹ năng ngoại giao chưa phong phú

Bài báo cho biết, các quan chức Mỹ hiện tại và trước đây đã từng làm việc với Tần Cương cho rằng, ông thiếu kỹ năng ngoại giao mà các đồng nghiệp có kinh nghiệm hơn sở hữu, khó có thể thoát khỏi mô hình “Chiến Lang”.

Một thời điểm căng thẳng xảy ra vào tháng 8/2022, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc đã thực hiện chuyến thăm Đài Loan kéo dài hai ngày. Các quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden trong thời gian này đã cố gắng ngăn chặn khủng hoảng leo thang thành xung đột, nên đã có cuộc gặp với Tần Cương, lúc đó là Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Thậm chí họ đã gặp nhau hai lần một ngày, đây là kênh liên lạc cấp cao duy nhất giữa Bắc Kinh và Washington vào thời điểm đó, do đó việc này trở nên đặc biệt quan trọng.

Theo các quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden, Mỹ không tìm kiếm sự đối đầu, nhưng nếu chính quyền Trung Quốc có hành động xâm lược, Mỹ sẽ phản ứng. Sau khi bà Pelosi rời Đài Loan, phản ứng của Bắc Kinh là phóng tên lửa vào vùng biển gần Đài Loan. Toà Bạch Ốc đã triệu tập Đại sứ Tần Cương. Một quan chức nhớ lại rằng, trong một cuộc đối đầu căng thẳng, ông Tần Cương dường như đã đe dọa phía Mỹ rằng Trung Quốc sẽ “xóa bỏ đường trung tuyến”, đây là khái niệm chỉ một ranh giới không chính thức chia cắt Trung Quốc và Đài Loan trong eo biển, mà cả hai bên đã tuân thủ để duy trì sự ổn định.

Những lời nói này đã khiến các quan chức Mỹ cảnh giác, họ cho rằng đây là hành động leo thang và đã hỏi liệu đó có phải là lập trường chính thức của chính quyền Trung Quốc hay không. Một quan chức khác cho biết, ông Tần Cương đã có một bài phát biểu dài mang tính “phô diễn” để đáp lại chuyến thăm của bà Pelosi. Theo quan chức này, ông Kurt Campbell, khi đó là điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương của Toà Bạch Ốc, đã nói: “Bây giờ không phải là lúc để tranh cãi. Bây giờ là lúc để phát biểu chính xác”.

Lỗ hổng an ninh từ chuyện ngoại tình

Tờ Washington Post cho biết, ông Tần Cương đã có thời gian ngắn ngủi dưới ánh đèn sân khấu. Chỉ sau năm tháng đảm nhiệm chức vụ ngoại trưởng, ông đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng, dẫn đến một loạt tin đồn về việc ông bị giáng chức.

Vào tháng 7 năm ngoái, sau chỉ 207 ngày tại vị, ông đã chính thức bị cách chức. Ông Vương Nghị, 70 tuổi, đã trở lại để thay thế ông làm ngoại trưởng.

Hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của Tần Cương. Một trong những lý do chính mà các nhà phân tích về chính trị Trung Quốc đưa ra là ông có mối quan hệ ngoại tình với nhà báo nổi tiếng Trung Quốc Phó Hiểu Điền, và cặp đôi này có một đứa con ngoài giá thú ở Mỹ.

Do các nhân viên kiểm duyệt bảo vệ nghiêm ngặt đời sống riêng tư của các quan chức cấp cao trong chính trường Trung Quốc, vốn chủ yếu do nam giới dẫn dắt, hành vi cá nhân không đứng đắn hiếm khi bị xem là vi phạm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, lối sống thu hút sự chú ý của Phó Hiểu Điền, bao gồm việc đăng bài trên mạng xã hội để khoe khoang về việc gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới và đi du lịch bằng máy bay riêng cùng con nhỏ, đã khiến mối quan hệ ngoại tình của cô trở thành một lỗ hổng an ninh tiềm tàng cho Trung Quốc. Có tin đồn rằng, chính phủ Trung Quốc nghi ngờ cô đã truyền đạt thông tin bí mật cho các cơ quan tình báo nước ngoài, nhưng những tin đồn này chưa bao giờ được xác nhận. Cũng giống như ông Tần Cương, Phó Hiểu Điền đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng hơn một năm qua.

Vào tháng 7 năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cách chức một số quan chức trong Ủy ban Trung ương, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng bị điều tra vì vấn đề tham nhũng. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng ông Tần Cương chỉ “từ chức” khỏi Ủy ban Trung ương và vẫn là một “đồng chí,” có nghĩa là vẫn là đảng viên, điều này ngụ ý một hình phạt nhẹ hơn.

Chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asia Society, Neil Thomas, cho biết: “Việc Bộ Chính trị trao danh hiệu ‘đồng chí’ cho Tần Cương cho thấy, ông không bị khai trừ khỏi đảng, có thể sẽ được phân công vào một vị trí mới, cấp bậc thấp hơn”.

Tiền lệ

Ông Thomas cho biết: “Trong thời đại của Tập Cận Bình, các lãnh đạo bị xác định có hành vi vi phạm chính trị tương đối nhẹ cũng từng bị xử lý theo cách tương tự”.

Cựu trợ lý ngoại trưởng Thẩm Quốc Phương (沈国放) đã bất ngờ được điều chuyển vào năm 2005 đến làm tổng biên tập tại Nhà xuất bản Tri thức Thế giới, mặc dù không nêu rõ lý do, nhưng có tin đồn rằng ông bị xử phạt vì mối quan hệ ngoại tình. Dù vậy, ông Thẩm vẫn duy trì hình ảnh công khai tại vị trí mới, thường xuyên phát biểu và tham gia phỏng vấn, và trong các cuộc phỏng vấn, ông tuyên bố không biết lý do vì sao mình bị điều chuyển.

Khi đó, ông Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, đã được hỏi về việc điều chuyển của Thẩm Quốc Phương và cho biết đó là “thủ tục thông thường”.

Nhà xuất bản không có thông tin về người này

Nhà xuất bản Tri thức Thế giới nằm trong một ngõ nhỏ ở trung tâm Bắc Kinh, có một cửa hàng sách mở cửa cho công chúng. Cửa hàng chỉ có một căn phòng nhỏ, bên trong bày bán hồi ký của các nhà ngoại giao Trung Quốc và các tác phẩm của ông Tập Cận Bình. Khi phóng viên Washington Post đến thăm cửa hàng trong tuần này, các nhân viên cho biết họ không nghe nói gì về việc ông Tần Cương làm việc ở nhà xuất bản. Một nhân viên trực điện thoại cũng cho biết cô không biết điều này có đúng hay không.

Ông Cao Chí Khải (高志凯), cựu phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa, người từng là phiên dịch cho Đặng Tiểu Bình, gần đây đã được hỏi về tung tích của ông Tần Cương trong một cuộc phỏng vấn với Al Jazeera. Ông Cao trả lời: “Ông ấy đang ở đâu đó trong Trung Quốc”. Bạn sẽ không bao giờ gặp lại ông ấy”.