Cuối cùng Campuchia đã khởi công dự án kênh đào Phù Nam gây tranh cái suốt thời gian qua. Quyết định này của chính phủ Camphuchia không chỉ khiến các quốc gia láng giềng, đặc việt là Việt Nam, quan tâm và lo ngại, nó cũng thu hút sự chú ý từ truyền thông quốc tế.
Dưới đây là một bài viết của Vision Times, một tờ báo có trụ sở tại Hoa Kỳ, về những lo ngại đối với kênh đào Phù Nam và mối quan hệ đã trở thành “keo sơn” giữa chính phủ Campuchia và chính quyền của ĐCSTQ.
Vào ngày 5/8, Campuchia đã khởi công xây dựng một kênh đào Phù Nam gây nhiều tranh cãi do Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) tài trợ nhằm mục đích nối thủ đô Phnom Penh với biển.
Bất chấp những lo ngại về môi trường và căng thẳng ngoại giao tiềm tàng với nước láng giềng Việt Nam, chính phủ Campuchia đã cam kết xây dựng kênh đào Phù Nam “bất kể chi phí”.
Kênh đào Phù Nam trị giá 1,7 tỷ đô la, dài 180km được thiết kế để kết nối Phnom Penh với tỉnh Kep trên bờ biển phía nam Campuchia, mở đường vào Vịnh Thái Lan.
Kênh đào rộng 100m và sâu 5,4m này dự kiến sẽ giảm chi phí vận chuyển đến cảng biển nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville và giảm sự phụ thuộc vào các cảng của Việt Nam.
Vision Times dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà phân tích của Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore cho biết: Dự án kênh đào Funan nhấn mạnh ảnh hưởng đáng kể của Trung Quốc đối với nền chính trị và kinh tế Campuchia. Tác động tiềm tàng đến môi trường của Sông Mê Kông, nơi nuôi sống hàng triệu người ở 6 quốc gia thông qua nguồn tài nguyên cá và nông nghiệp.
Vision Times cho rằng, dự án Phù Nam cũng được coi là một động thái chiến lược của đảng cầm quyền tại Campuchia nhằm tăng cường sự ủng hộ cho thủ tướng Hun Manet, con trai cựu thủ tướng Hun Sen, người đã tại vị suốt 38 năm.
Chính phủ Campuchia cho biết, ngày động thổ kênh đào Phù Nam trùng với ngày sinh nhật của Hun Sen. Theo Vision Times, lựa chọn ngày khởi công này của chính phủ Camphuchia nhằm thu hút nhiều hơn sự chú ý của người dân đối với dự án Phù Nam.
Hàng ngàn người Campuchia mặc áo phông có hình ảnh Hun Sen và Hun Manet đã tụ tập tại địa điểm khởi công kênh đào Phù Nam, nơi treo rất nhiều các tấm biển và áp phích ca ngợi lợi ích của kênh đào này.
Các nhà quan sát cho rằng, chính quyền Trung Quốc mới là thực thể quyết định xây dựng và sở hữu dự án Phù Nam trong bối cảnh Campuchia nhiều năm qua gần như đã nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, ông Hun Manet tuyên bố rằng, Campuchia sở hữu 51% cổ phần của Phù Nam, và thực sự là chủ sở hữu của kênh này.
Phó Thủ tướng Sun Chanthol đã xác nhận rằng, Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc, một công ty quốc doanh ở Trung Quốc, đã giành được hợp đồng xây dựng kênh Phù Nam. Điều này khiến các nhà quan sát không có nhiều niềm tin vào tuyên bố của ông Manet.
Stimson Center có trụ sở tại Hoa Kỳ đã cảnh báo về “những tác động xuyên biên giới đáng kể đến nguồn nước và sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam”, một vùng trồng lúa quan trọng của đất nước hình chữ S.
Báo cáo của Stimson Center có đoạn: “Cách chính phủ Campuchia truyền đạt ý định xây dựng kênh đào [Phù Nam] đang tạo ra căng thẳng ngoại giao với nước láng giềng Việt Nam”, đồng thời nói thêm rằng “Căng thẳng khu vực và tác động môi trường của dự án sẽ giảm bớt nếu Campuchia tuân thủ theo đúng Hiệp định Mekong năm 1995”.
Mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Phnompenh và Bắc Kinh được thể hiện rõ qua nhiều dự án do Trung Quốc đầu tư được xây dựng rải rác trên khắp Campuchia, bao gồm các khách sạn, sòng bạc, sân bay và đường sá. Gần 40% trong số hơn 11 tỷ đô la nợ nước ngoài của Campuchia là nợ Trung Quốc, điều này làm nổi bật ảnh hưởng đáng kể của Bắc Kinh đối với đất nước này.
Vào tháng 6/2022, Campuchia và Trung Quốc đã khởi xướng một dự án mở rộng cảng hải quân tại Căn cứ Hải quân Ream, làm dấy lên mối lo ngại từ Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác về một tiền đồn quân sự tiềm tàng của Trung Quốc trên Vịnh Thái Lan.
Mặc dù có báo cáo cho rằng Hun Sen đã cấp cho Trung Quốc quyền xây dựng một căn cứ quân sự tại Ream vào năm 2019, người giữ vai trò thủ tướng gần 40 năm vẫn liên tục phủ nhận các báo cáo này.
Trong khi đó, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nhiều lần nêu lên mối quan ngại với chính phủ Campuchia về sự gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc Campuchia – đặc biệt là sau khi Bắc Kinh tham gia xây dựng một căn cứ không được tiết lộ tại Campuchia vào năm 2016.
Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc đã thông báo vào tháng 6 năm 2016 rằng họ đã ký một thỏa thuận khung hợp tác với bộ quốc phòng Campuchia cho “dự án mở rộng cảng” của một căn cứ quân sự hải quân không được nêu tên.