Theo thông lệ, bên công bố chuyến thăm của Tổng Bí thư mới của Việt Nam đến Trung Quốc lẽ ra không phải là Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhưng lần này lại thay đổi. Theo chuyên gia, điều này rõ ràng là không bình thường, phản ánh sự thay đổi hoặc bất ổn nào đó trong nội bộ ĐCSTQ. Việc phá vỡ thông lệ này đang muốn nói với thế giới điều gì?.
Trong lúc dư luận quốc tế rầm rộ đồn đoán và nghi ngờ về những biến động lớn tại Bắc Kinh, ngày 15/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố: “Theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 18 đến 20/8”. Điều đáng chú ý là Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại là bên thông báo việc này.
Chuyên gia các vấn đề thời sự gốc Hoa – Chu Hiểu Huy (周晓辉) đã nhận định rằng, rõ ràng, vô số tin đồn và “tin vịt” từ bên ngoài đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc vô cùng lo lắng, họ rất cần sự xuất hiện của người đứng đầu đảng để trấn an dư luận. Tuy nhiên, việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo về chuyến thăm của Tổng Bí thư mới của Việt Nam lại ẩn chứa điều bất thường, bởi thông thường việc thông báo về chuyến thăm của lãnh đạo các nước trong khối Xã hội Chủ nghĩa hoặc chuyến thăm của Tổng Bí thư Trung Quốc đến các quốc gia này, là do Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ, viết tắt là “Ban Liên lạc” đảm nhiệm.
Ví dụ như năm 2022, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của cựu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 đến ngày 2/11 được người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ thông báo vào ngày 25/10, chứ không phải Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tương tự, vào tháng 4/2023, người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ thông báo đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Cuba do Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Roberto Morales dẫn đầu thăm Trung Quốc từ ngày 23 đến 28/4 theo lời mời của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 24/11/2022, người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ thông báo: Theo lời mời của ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 29/11 đến ngày 1/12.
Ngày 8/1/2019, người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ thông báo: Theo lời mời của ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Kim Jong Un của Triều Tiên thăm Trung Quốc từ ngày 7 đến 10/1.
Ngày 17/6/2019, người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo: Theo lời mời của Chủ tịch Kim Jong-un của Triều Tiên, ông Tập Cận Bình sẽ thăm chính thức Triều Tiên từ ngày 20/21/6.
Ngày 4/9/2018, người phát ngôn Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương ĐCSTQ thông báo, nhận lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và Chính phủ Triều Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư (栗战书) sẽ dẫn đầu phái đoàn đặc biệt của Đảng và Chính phủ Trung Quốc tới thăm Triều Tiên vào ngày 8/9 và dự lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Triều Tiên.
Thông tin công khai cho thấy, Ban Liên lạc Đối ngoại là cơ quan chức năng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách công tác đối ngoại, trong đó có trách nhiệm phụ trách công tác giao lưu và liên lạc giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các đảng phái chính trị, các tổ chức chính trị nước ngoài. Cả Ban Liên lạc thuộc Uỷ ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Bộ Ngoại giao thuộc Quốc vụ viện đều là cơ quan thực thi công tác đối ngoại, trong đó Ban Liên lạc đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ Ngoại giao đại diện cho Chính phủ Trung Quốc, cả hai “vừa có mối liên hệ mật thiết, vừa có sự phân công rõ ràng”. Người nắm quyền điều khiển Ban Liên lạc thường là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tuyên truyền, hiện nay là Bí thư thứ Nhất Ban Bí thư Ủy ban Trung ương ĐCSTQ Thái Kỳ.
Theo thông lệ, bên công bố chuyến thăm của Tổng Bí thư mới của Việt Nam đến Trung Quốc lẽ ra phải là Ban Liên lạc, nhưng lần này lại do Bộ Ngoại giao thay thế, theo chuyên gia Chu Hiểu Huy, điều này rõ ràng là bất thường, phản ánh sự thay đổi hoặc bất ổn nào đó trong nội bộ ĐCSTQ.
Bài viết của tác giả đề cập đến việc ngày 13/8, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ “Nhân dân Nhật báo” đã đăng tải bài viết của ông Vương Nghị với tiêu đề “Tạo dựng môi trường bên ngoài tốt đẹp để đẩy mạnh cải cách toàn diện sâu sắc, thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, nêu rõ chính sách ngoại giao mà Bắc Kinh sẽ theo đuổi sau Hội nghị Toàn thể Trung ương 3. Một thay đổi lớn trong bài viết là không còn nhắc đến sáng kiến thúc đẩy hợp tác cởi mở và bao dung có tên là “Miền Nam toàn cầu” của người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngoài ra, chính sách đối ngoại với Mỹ và châu Âu đã từ bỏ “ngoại giao chiến lang”.
Theo tác giả Chu Hiểu Huy, điều này gián tiếp cho thấy Bộ Ngoại giao do ông Vương Nghị phụ trách đã lựa chọn phe mới trong cuộc đấu tranh quyền lực mới của giới lãnh đạo Trung Nam Hải, trong khi Ban Liên lạc do ông Thái Kỳ phụ trách có lẽ vẫn đang ủng hộ ông Tập Cận Bình. Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao bây giờ cơ quan chính thức liên lạc với Việt Nam không phải là Ban Liên lạc, mà là do Bộ Ngoại giao đảm nhiệm? Ban Liên lạc đã xảy ra chuyện gì? Việc phá vỡ thông lệ này đang muốn nói với thế giới điều gì?
Chuyên gia gốc Hoa – Chu Hiểu Huy cho rằng, điều này chỉ có thể chứng minh thêm rằng nội bộ Trung Nam Hải đang có gì đó không bình thường. Bởi vì những bất thường của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời gian qua đều chứng tỏ rằng nội bộ thực sự đã xảy ra chuyện, nhưng dường như vẫn chưa tìm được giải pháp cuối cùng.