Đại Kỷ Nguyên

Chính quyền Trung Quốc muốn cấm mặc đồ ‘gây tổn thương cảm xúc dân tộc’, cư dân mạng phản đối

Cảnh sát Trung Quốc (ảnh: (GOH CHAI HIN/AFP/Getty).

Cơ quan lập pháp Trung Quốc gần đây đã công bố dự thảo luật, theo đó cấm phát biểu và ăn mặc được cho là “gây tổn hại đến tinh thần của người dân Trung Quốc”. Dự thảo này làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt ở Trung Quốc. Các nhà quan sát chỉ trích chính quyền ĐCSTQ đàn áp quyền tự do dân sự, từ chà đạp quyền tự do ngôn luận đến kiểm soát quyền tự do mặc quần áo của người dân. 

Dự thảo luật quy định rằng, những người mặc hoặc ép buộc người khác mặc trang phục và biểu tượng bị cho là “làm xói mòn tinh thần hoặc làm tổn thương tình cảm của đất nước Trung Quốc” có thể bị giam giữ tới 15 ngày và bị phạt tới 5.000 nhân dân tệ (680 USD).

Tuy nhiên, cư dân mạng đặt câu hỏi: làm thế nào những người thực thi pháp luật có thể đơn phương xác định khi nào thì “tình cảm” của dân tộc bị “tổn thương”.

Các học giả Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về dự luật của chính quyền. Học giả nổi tiếng Trung Quốc, ông Trương Minh (张鸣) nói trên weibo: “Ý các vị là gì khi nói trang phục làm tổn hại đến tinh thần dân tộc Trung Quốc? Bộ vest có được tính không? Quần jean có tính không? Mọi thứ từ phương Tây có tính không? Vậy thì chúng ta còn có thể mặc gì nữa?”.

Nhà bình luận độc lập Trung Quốc Từ Lâm nói với đài VOA: “Việc mặc quần áo có phải là quyền tự do cá nhân không? Ngay cả khi anh ta thể hiện một ý nghĩa nhất định, nó có thuộc phạm vi quyền tự do ngôn luận không? Mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm và ý kiến ​​riêng của mình”.

Nhiều cư dân mạng đã chế những bức ảnh để mỉa mai dự luật của chính quyền Trung Quốc.

Nhà tâm lý học Ngô Thông 吴桐 đã đăng một bức ảnh về trang phục của các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc cổ đại và cho biết: “Đồng phục của cảnh sát cũng mang phong cách phương Tây”.

Tuy nhiên, ông Trần Kiến Cương (Chen Jiangang), một luật sư nhân quyền ở Hoa Kỳ, nói với Đài VOA rằng, ĐCSTQ thực ra đã xử phạt người dân liên quan đến trang phục trước khi đưa ra bản thảo sửa đổi.

Vào ngày 10/8/2022, một người phụ nữ mặc kimono đã chụp ảnh trên phố Hoài Hải ở Tô Châu. Một video trực tuyến cho thấy người phụ nữ bị cảnh sát địa phương quát mắng: “Cô là người Trung Quốc, nhưng cô lại mặc kimono!” Cảnh sát bắt người phụ nữ này đi với cáo buộc gây rối. Trong hơn 5 giờ đồng hồ, người phụ nữ này đã bị giáo huấn, phải xóa ảnh chụp trang phục, và bị tịch thu kimono.

Truyền thông cũng đưa tin, vào ngày 6/9, một số thanh niên nam nữ đã đến công viên để chụp ảnh trong trang phục nhà Đường. Các nhân viên đã đuổi họ đi ba lần và nói: “Đừng mang trang phục Nhật Bản đến đây”. Mặc dù họ giải thích rằng đây không phải quần áo Nhật Bản nhưng các nhân viên công viên vẫn đuổi họ đi.

Một số cư dân mạng còn đăng một bức ảnh trên mạng xã hội X cho thấy cựu tổng bí thư ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đã đến thăm Nhật Bản vào năm 1978 và cúi đầu chào người Nhật trong lễ đón tại Nhà khách. Ông cũng đề nghị các công ty Nhật Bản như Panasonic và chính phủ Nhật Bản hãy giúp đỡ Trung Quốc. Dòng tweet có nội dung: “Ông ấy có phạm tội làm tổn thương tình cảm của dân tộc Trung Quốc không? Ông ấy nên bị trừng phạt như thế nào?”

Exit mobile version