Vào tháng 5 năm nay, Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima đã đưa ra thông cáo chung về vấn đề Trung Quốc, nêu rõ tất cả các quốc gia phải chống lại sự hiếp bách kinh tế của Bắc Kinh, không thoát ly Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng sẽ nỗ lực “giảm rủi ro”.
Vào ngày 13/10, Reuters đưa tin rằng, các ngân hàng lớn của Anh đang tiến hành “lập kế hoạch kịch bản” và xây dựng các phương án ứng biến cho khả năng các nước phương Tây trong tương lai có thể tiến một bước chế tài đối với ĐCSTQ. Hiệp hội ngân hàng và tài chính Anh “UK Finance”, đại biểu cho khoảng 300 công ty, tập đoàn, trong đó có HSBC, Barclays và JPMorgan Chase, triển khai công tác này. Hiệp hội đã tổ chức một số hội nghị với các ngân hàng lớn của Anh và ngân hàng lớn của nước ngoài, đồng thời vào tháng 8 hoàn thành báo cáo dự thảo dài hàng nghìn từ, báo cáo dự thảo này đã được chia sẻ với các chính phủ phương Tây trong những tuần gần đây.
Giới ngân hàng phương Tây làm điều này vì đã rút ra bài học từ các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Tháng 2/2022, Nga bất ngờ xâm lược Ukraina, dẫn đến châu Âu và Hoa Kỳ phải thực thi các biện pháp trừng phạt có tính hủy diệt đối với Nga. Tuy nhiên, rất nhiều công ty tài chính ở phương Tây thiếu cảnh báo sớm và mất cảnh giác, đã trở tay không kịp, nhất thời hoảng loạn, khiến tổn thất nặng nề.
Ngày nay, vấn đề chiến tranh eo biển Đài Loan do ĐCSTQ phát động đã trở thành mối lo ngại toàn cầu. Nếu ĐCSTQ phát động chiến tranh qua eo biển Đài Loan, phương Tây sẽ phản ứng kịch liệt, các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ sẽ vượt xa các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế Trung Quốc gấp hơn chục lần so với Nga, và mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với phương Tây cũng mật thiết hơn Nga rất nhiều. Một khi chế tài trừng phạt được áp dụng, ảnh hưởng của chúng đối với phương Tây sẽ vô cùng to lớn, mà giới tài chính phương Tây không thể “mất bò mới lo làm chuồng”, họ phải chế định sẵn kế hoạch phản ứng khẩn cấp. Ví dụ như, vì sợ ĐCSTQ có thể tiến hành hành động quân sự, các công ty bảo hiểm ở London đã tăng phí bảo hiểm, giảm phạm vi che phủ bảo hiểm cho các rủi ro liên quan đến Đài Loan.
Đây là kiểu “lập kế hoạch kịch bản” đầu tiên của phương Tây nhằm “giảm rủi ro” trước ĐCSTQ, và đó cũng là điều mà phương Tây không muốn thấy. Tuy nhiên, trước bản chất của chính quyền ĐCSTQ và xu thế chính trị, phương Tây không thể không đề phòng. Ví dụ, vào ngày 12/10, “Ủy ban Tình huống Chiến lược” liên đảng của Quốc hội Mỹ đã đưa ra một báo cáo cho biết, trật tự và giá trị quốc tế do Mỹ lãnh đạo đang bị chính quyền chuyên chế của ĐCSTQ và Nga khiêu chiến, Mỹ tất yếu phải chuẩn bị tốt trong trường hợp Trung, Nga đồng thời khai chiến.
Nếu việc giảm rủi ro do Chiến tranh eo biển Đài Loan gây ra nêu trên thuộc về một “kịch bản cực đoan”, thì “kịch bản tương đối ôn hòa” hơn trong việc giảm rủi ro chính là “cạnh tranh chiến lược” hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ.
“Cạnh tranh chiến lược” giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra hừng hực như lửa, không chỉ là sự đối kháng giữa hai chính quyền lớn, hai nước lớn, mà còn là sự đối kháng giữa hai loại thể chế, hai hình thái ý thức đối lập. ĐCSTQ không chỉ đang đối đầu với Mỹ, mà là toàn bộ phương Tây, do đó, dưới sự lãnh đạo của Mỹ, toàn bộ phương Tây đều đang nhắm vào giảm rủi ro trước ĐCSTQ.
Điều này được thể hiện trong thông cáo chung về vấn đề Trung Quốc do Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima đưa ra vào tháng 5 năm nay, rằng tất cả các nước phải chống lại sự hiếp bách kinh tế của ĐCSTQ, không thoát ly Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng sẽ nỗ lực “giảm rủi ro”. Về phương diện cung ứng các vật tư quan trọng như khoáng vật then chốt, chất bán dẫn, nguồn vật tư, các quốc gia thành viên sẽ hợp tác với các quốc gia khác để giảm thiểu sự ỷ lại vào một số quốc gia cụ thể, tăng cường tính bền vững của chuỗi cung ứng. Ngoài ra, những quan ngại sâu sắc cũng được bày tỏ về vấn đề Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và Biển Đông.
Hiện tại, nỗ lực “giảm rủi ro” của Mỹ tập trung vào lĩnh vực công nghệ và chuỗi cung ứng. Vào ngày 4/6, ông Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, nói với CNN rằng “giảm rủi ro” tập trung vào ba điều: Thứ nhất, bảo đảm rằng chuỗi cung ứng và các sản phẩm then chốt không còn ỷ lại vào bất kỳ một quốc gia nào; Thứ hai, công nghệ tiên tiến không thể dùng để làm tổn hại an ninh của nước Mỹ; Thứ ba, Mỹ tất yếu phải tăng cường năng lực chế tạo công nghiệp của bản thân và tiến hành nhiều hoạt động sản xuất trong nước hơn. Một động thái lớn đã xảy ra vào ngày 10/8, khi ông Biden ký lệnh hành pháp cấm các khoản đầu tư mới của Mỹ vào các ngành công nghệ then chốt có thể được sử dụng để tăng cường năng lực quân sự của ĐCSTQ, ví như chất bán dẫn và các thiết bị vi điện tử khác, máy tính lượng tử và một số ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhất định.
Việc giảm thiểu rủi ro của EU cũng tương tự như của Mỹ, nhưng lực không mạnh bằng Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Von der Leyen đã liệt kê hai loại “giảm rủi ro”. Đầu tiên là “giảm rủi ro” trong ngoại giao, nhấn mạnh Trung Quốc và EU phải tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, phòng chống ôn dịch lây nhiễm quy mô lớn, không phổ biến vũ khí hạt nhân và ổn định tài chính toàn cầu, nếu không rủi ro sẽ mở rộng. Thứ hai là “giảm rủi ro” về kinh tế.
Về “giảm rủi ro” kinh tế, bà Von der Leyen chia nó thành bốn trụ cột. Thứ nhất là, EU phải duy trì vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực như y tế, kỹ thuật số và công nghệ sạch, làm cho các ngành này trở nên có sức cạnh tranh và tính bền vững hơn, không bị giới hạn bởi một nguồn cung ứng duy nhất. Thứ hai, EU phải tận dụng tốt hơn các công cụ chính sách thương mại hiện có, đối phó với những ưu thế mà các thực thể kinh tế khác có được bằng cách sử dụng “bóp méo kinh tế”. Thứ ba, bảo đảm rằng vốn, chuyên môn và tri thức của các công ty EU không bị ĐCSTQ lợi dụng để tăng cường năng lực quân sự và tình báo. Thứ tư, hợp tác với các đối tác khác bảo trì sự nhất trí, đặc biệt là việc đưa các điều khoản về tính linh hoạt bền vững của chuỗi cung ứng vào hiệp định thương mại tự do sắp tới với EU.
Nếu hai loại kịch bản giảm rủi ro trên đều dựa trên những cân nhắc về quân sự và chính trị thì loại “kịch bản” thứ ba chủ yếu xuất phát từ góc độ kinh tế. Điều này được chia thành hai tình huống.
Một là nền kinh tế Trung Quốc đã “bùng phát” trong hai thập niên qua, các ngành công nghiệp Trung Quốc và phương Tây chuyển hướng từ bổ trợ lẫn nhau sang cạnh tranh, quan hệ kinh tế, thương mại Trung Quốc và phương Tây từ là “hòn đá dằn” của quá khứ, nay đã bắt đầu biến thành “thùng thuốc súng”. Ví dụ như, thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Mỹ và EU đã trở thành một điểm nhiệt tranh chấp lớn.
Thứ hai là khốn cảnh mà kinh tế Trung Quốc bị hãm vào hiện nay đang là lực cản đối với thế giới. GDP của Trung Quốc vào năm 2022 xấp xỉ 18 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 19% tổng sản lượng kinh tế toàn thế giới. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 120 quốc gia trên thế giới, là nước buôn bán hàng hóa lớn nhất thế giới, là nước nhập khẩu thứ hai. Quy mô của nền kinh tế Trung Quốc và sự phụ thuộc nhiều mặt của nền kinh tế thế giới vào Trung Quốc khiến vấn đề “giảm rủi ro” tương đối nổi bật. Ví dụ, trong thời kỳ dịch bệnh, Mỹ thậm chí không thể sản xuất được khẩu trang và phải nhập khẩu số lượng lớn từ Trung Quốc.
Vì vậy, dù chỉ xuất phát từ kinh tế, phương Tây cũng không thể không “giảm rủi ro” trước ĐCSTQ.
Hơn nữa, phương Tây hiện đã vỡ mộng đối với ĐCSTQ, đã nhận ra rằng Bắc Kinh không cách nào có thể chuyển đổi hình thái một cách hòa bình thông qua phát triển kinh tế, tuân theo các giá trị phổ quát và hòa nhập vào đại gia đình thế giới. Trái lại, dã tâm toàn cầu của ĐCSTQ ngày càng lộ rõ, và sự đối kháng về hình thái ý thức giữa Trung Quốc và phương Tây ngày càng trở nên kịch liệt, buộc phương Tây không thể không tăng tốc “giảm nguy cơ” trước ĐCSTQ.
Từ số liệu xuất nhập khẩu tháng 9 do Tổng cục Hải quan ĐCSTQ công bố ngày 13/10, chúng ta có thể thấy biểu hiện mới nhất về “giảm rủi ro” khỏi Trung Quốc của phương Tây.
Từ tháng 1 đến tháng 9/2023, xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu giảm 5,7% và nhập khẩu giảm 7,5%. Đối với các nền kinh tế phương Tây, ngoại trừ Úc, mức giảm tổng thể thương mại với Trung Quốc là tương đối lớn, xuất khẩu từ Trung Quốc đều tăng trưởng âm.
Việc phương Tây giảm rủi ro trước ĐCSTQ là một chặng đường còn dài!